Lật tẩy những thủ đoạn xin việc kiểu mới

Chủ Nhật, 12/02/2017, 13:25
Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tục xảy ra nhiều vụ lừa đảo xin việc. Tiếp cận những vụ án này, chúng tôi nhận thấy một điều oái oăm là 100% các đối tượng lừa đảo đều vô nghề ngỗng, song lại chuyên đứng ra nhận “chạy” việc vào nhiều cơ quan, tổ chức. Thậm chí các đối tượng còn vỗ ngực, chỗ nào chúng cũng chạy được. Nhưng thực tế đó đều chỉ là những cái bánh vẽ...

1. Có mặt tại cơ quan điều tra, bà Mai Thị P. (65 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khóc dở mếu dở kể lại. Đầu năm 2016, bà có cô con gái chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Dù học lực của cháu luôn đạt loại giỏi, song vợ chồng bà P. vẫn cuống lên để lo cho cháu một suất công chức hoặc viên chức cho “ổn định”. Thông qua một “người quen” là Nguyễn Văn Q. (43 tuổi, trú tại Bạch Mai, Hà Nội) bà P. gặp đối tượng Hoàng Văn M. (41 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội). M. “nổ” rằng có thể xin được việc vào nhiều cơ quan, tổ chức như trường học, bệnh viện, thậm chí là vào lực lượng vũ trang. Trong năm 2015 M. đã xin trót lọt cho hàng chục trường hợp.

Một số tang vật của vụ án lừa đảo xin việc.

Nghe M. nổ như vậy, bà P. vội đặt vấn đề xin cho con gái vào Bộ Công thương. Ra dáng là người có quan hệ rộng, M. lập tức bốc điện thoại gọi cho một người khác và nói chuyện. Lát sau M. trả lời rằng “ông anh” ở bộ cho biết có một suất kế toán, chi phí hết khoảng 400 triệu đồng. Bà P. cùng chồng chạy đôn chạy đáo đi vay mượn khắp nơi để chuyển cho đối tượng, lúc đầu là 50 triệu tiền đặt cọc, đồng thời chuyển hồ sơ xin việc để M. nộp lên “trên”.

Khoảng hai tuần sau, M. hẹn bà P. tại một quán cà phê trên phố Nguyễn Trãi và cho biết công việc đã hoàn tất, yêu cầu bà chuyển nốt số tiền. Để chứng minh M. mở điện thoại cho bà P. xem một văn bản có nội dung: “Quyết định tuyển dụng cán bộ” do một lãnh đạo Bộ Công thương ký vào ngày..., có hiệu lực từ ngày... tháng... năm 2016. Dù mới chỉ được xem quyết định qua điện thoại, song bà P. vẫn giao đủ số tiền còn lại cho M. rồi về nhà chờ ngày cơ quan gọi con gái mình đi làm.

Hai tháng sau không thấy ai liên hệ, bà P. gọi điện hỏi M. thì đối tượng cho biết các “lãnh đạo” đang bận họp nên chưa thể triển khai công việc. Và một thời gian sau thì M. biến mất. Sau khi cất công tìm hiểu, bà P. mới phát hiện ra quyết định tuyển dụng của đối tượng M. cho mình xem là giả. “M. khoe rằng hắn đang công tác ở một tổng cục lớn của Bộ Quốc phòng, còn cho xem cả chứng minh nhân dân nên tôi mới tin tưởng đưa tiền. Nhưng tìm hiểu kỹ tôi mới phát hiện ra M. là đối tượng vô nghề nghiệp” - bà P. than thở.

Tương tự như trên, đối tượng M. đã câu kết với một số đối tượng khác lừa đảo anh Hoàng Văn T. xin cho 2 người cháu vào làm việc tại Văn phòng Chính phủ với chi phí là hơn 600 triệu đồng; xin việc cho 3 trường hợp vào một trường trung cấp của lực lượng vũ trang với chi phí 350 triệu đồng/suất; xin việc cho một trường hợp vào Bộ Quốc phòng với chi phí 290 triệu đồng...

Một số tang vật của vụ án lừa đảo xin việc.

Sau khi nhận được đơn trình báo của các bị hại, Cơ quan công an đã tổ chức điều tra. Quá trình điều tra, Cơ quan công an phát hiện đối tượng M. chỉ là một “mắt xích” trong một đường dây chuyên lừa đảo xin việc rất chuyên nghiệp.

Các đối tượng trong đường dây của M. đều là những kẻ hoạt ngôn, thuộc dạng bán giời không văn tự. Dù đều biết rõ bản thân là kẻ không nghề nghiệp, song chúng tự tâng bốc nhau lên, người thì đang công tác tại Tổng cục X (Bộ Quốc phòng), kẻ thì đang làm tại Ban Tổ chức Trung ương... Với cái mác ấy, các đối tượng sẵn sàng nhận chạy việc vào bất kỳ một cơ quan đoàn thể nào. Từ trường học, bệnh viện, UBND phường, quận cho đến các Bộ, ban ngành thậm chí cả Văn phòng Chính phủ... Các đối tượng vừa tự đứng ra chạy việc, vừa nhận làm trung gian để “ăn hoa hồng”. Tổng số bị hại mà bọn chúng đã chiếm đoạt tiền lên đến gần 30 trường hợp.

Cặp siêu lừa Lê Thị Bích Hạnh và Vương Thúy Nga trước vành móng ngựa.

Đơn cử đối tượng M. nhận chạy cho 3 trường hợp, và làm môi giới cho 7 trường hợp khác. M. sẽ “cắt” khoảng 15-20% mỗi suất môi giới. Tổng cộng M. đã nhận hơn 3 tỷ đồng của các bị hại, chuyển cho “cấp trên” 70% số đó, còn lại đối tượng chiếm đoạt và ăn tiêu hết.

Cũng theo Cơ quan công an, việc chứng minh hành vi lừa đảo của các đối tượng gặp không ít khó khăn. Đa phần các bị hại đều tin tưởng vào cái mác của đối tượng vẽ ra. Nên khi chuyển tiền thường không có giấy biên nhận, hoặc nếu có thì nội dung cũng rất sơ sài.

Đồng thời có những bị hại mà vợ (hoặc chồng) cũng là công chức nhà nước, có hiểu biết về pháp luật, cũng nghe nhiều về chuyện lừa đảo xin việc. Tuy nhiên, do sức ép của gia đình mà cũng nhắm mắt đưa chân, mang tiền đi nộp cho đám lừa đảo. Lại có những gia đình do bán đất được khá nhiều tiền, nhưng con cái thì lêu lổng. Họ thực sự có nhu cầu tìm một công việc “ổn định” nên đã rất dễ sa lưới của các đối tượng.

Đối tượng lừa đảo thường “chế” các loại văn bản lấy trên mạng Internet để tạo sự tin tưởng của bị hại.

Ngoài ra, thủ đoạn của nhóm đối tượng này cũng rất tinh vi. Bên cạnh cái miệng dẻo như kẹo, bọn chúng còn lên mạng tìm những quyết định tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, từ đó chế ra quyết định giả để khiến các bị hại tin tưởng. Thậm chí khi xin việc cho người thân các bị hại vào lực lượng vũ trang, bọn chúng cũng chế ra cả hồ sơ tự khai để bị hại điền vào, rồi năm lần bảy lượt kêu công việc gặp khó khăn vướng mắc, mục đích để moi thêm tiền...

2. Còn nhớ cuối năm 2016, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã làm rõ một nữ quái chuyên lừa đảo xin việc vào các bệnh viện. Cô ta là Nguyễn Thị Thanh Huyền (41 tuổi, trú ở phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội). Với khuôn mặt ít nhiều “phúc hậu” cùng lời nói dẻo quẹo, Huyền đã lừa được 4 bị hại với tổng số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị L. (45 tuổi, trú ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) có cô con gái đang học tại một trường cao đẳng y tế. Dù còn một năm nữa cháu bé mới học xong nhưng chị L. đã chạy đôn chạy đáo để lo việc cho con. Qua một mối quan hệ xã hội, chị L. gặp Nguyễn Thị Thanh Huyền. Ngay trong lần đầu gặp gỡ, chị L. đã được Huyền cho biết chị ta là bác sỹ tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội nên có khả năng xin được việc làm tại bệnh viện này. Đổi lại, Huyền nêu ra các điều kiện là con gái chị L. phải đỗ tốt nghiệp từ loại khá trở lên và phải bỏ ra 300 triệu đồng chi phí.

“Buồn ngủ gặp chiếu manh” - nên dù số tiền phải “đặt cọc” trước cho Huyền là 150 triệu đồng nhưng chị L. vẫn hết sức vui vẻ. Vài tuần sau, chị L. giao đủ số tiền cho Huyền. Khi nhận tiền “chạy” việc làm, Huyền cam kết sẽ nhanh chóng xin cho con gái chị L. vào làm việc tại Khoa Ngoại của Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Thậm chí, nữ bác sỹ rởm này còn tuyên bố nếu không lo lót được việc làm như cam kết sẽ hoàn trả lại đầy đủ số tiền nhận của chị L.

Sau khi con gái tốt nghiệp cao đẳng y tế với tấm bằng loại giỏi, chị L. vui mừng và nhanh chóng đưa thêm cho Huyền 70 triệu đồng để đẩy nhanh tiến độ xin việc làm vào một trong những bệnh viện lớn nhất tại Hà Nội. Sau khi nộp hồ sơ xin việc, con gái chị L. cũng được Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội gọi đi làm.

Đối tượng Nguyễn Thị Thanh Huyền.

Thế nhưng qua tìm hiểu, chị L. nhận thấy có nhiều mờ ám xoay quanh những lời hứa hẹn của Huyền. Bên cạnh đó, cam kết của Huyền về việc con gái chị L. đỗ công chức đã không xảy ra. Chị L. cất công tìm hiểu kỹ lưỡng thì phát hiện ra Huyền không hề có vai trò gì trong việc cô con gái được bệnh viện đầu ngành ở Hà Nội tuyển dụng vào làm việc.

Cũng bằng thủ đoạn trên, Huyền còn lừa đảo chiếm đoạt tiền của 3 trường hợp có nhu cầu xin việc làm khác. Và điểm chung ở tất cả các trường hợp này là Huyền luôn mạo nhận đối tượng là bác sỹ nên có khả năng xin được việc làm cho người khác vào các bệnh viện lớn ở Hà Nội. Tổng cộng, Huyền đã chiếm đoạt 790 triệu đồng của 4 bị hại. Quá trình điều tra, nữ bác sỹ rởm mới chỉ khắc phục hậu quả được 36 triệu đồng.

Nhắc đến những phi vụ chạy việc vào bệnh viện, có lẽ không thể bỏ qua hai siêu lừa Lê Thị Bích Hạnh (34 tuổi, trú ở phường Trương Định) và Vương Thúy Nga (42 tuổi, ở phường Vĩnh Tuy, cùng thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Trong vòng hai năm, Lê Thị Bích Hạnh và Vương Thúy Nga đã lừa đảo chiếm đoạt được gần 7,3 tỷ đồng của 40 bị hại. Thủ đoạn của bộ đôi “nữ quái” này là tự nhận là cán bộ, công chức làm việc tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội và có khả năng “chạy” được việc làm cho nhiều người.

Theo các  bị hại, sở dĩ họ tin tưởng vào hai nữ quái trên là do từng được trực tiếp gặp Vương Thúy Nga mặc áo blouse trắng và đeo biển hiệu công chức đi lại tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Khi ấy, Hạnh dẫn họ vào bệnh viện đi lòng vòng, rồi bất ngờ gặp Nga tại hành lang một khoa chuyên môn của cơ sở y tế này. Tuy nhiên thực chất đó chỉ là “chiêu trò” để các bị hại tin tưởng và yên tâm khi giao tiền xin việc. Và để “vở kịch” che mắt mọi người thành công, Hạnh và Nga đã nghiên cứu khá kỹ môi trường bệnh viện, đồng thời tính toán rất cẩn thận.

Phần lớn số tiền mà các bị hại đưa cho để chạy việc đã bị Hạnh và Nga ăn tiêu xả láng hết. Với hành vi phạm tội đó, Hạnh và Nga đã phải lần lượt nhận bản án 15 năm và 12 năm tù giam.

Có lẽ đó là những bài học đắt giá cho cả những đối tượng muốn kiếm tiền phi pháp và cả những người muốn chạy việc.

Minh Tiến
.
.