Libya: Cực đoan làm loạn

Chủ Nhật, 02/09/2012, 17:50

Loạt tấn công phá đền thờ Hồi giáo Sufi trong những ngày gần đây cộng với những vụ đánh bom ở các thành phố lớn, như Tripoli, Benghazi,… đang khiến cho Libya trở nên mất an ninh, rối loạn, bất chấp việc Quốc hội và Chính phủ lâm thời vừa được bầu lên để điều hành đất nước.

Những vụ phá đền gây tranh cãi

Sự kiện gây chú ý nhất tại Libya, theo Hãng thông tấn Libya LANA, là việc Bộ trưởng Nội vụ Fawzi Abdel-Al nộp đơn xin từ chức hôm 26/8 và đã được Thủ tướng Abdurrahim el-Keib (và cả Quốc hội) chấp thuận. Theo LANA, việc Bộ trưởng Abdel-Al từ chức được xem là hành động nhận trách nhiệm trước sự chỉ trích nặng nề của Quốc hội sau khi xảy ra một loạt vụ tấn công phá hủy nhiều đền thờ và thánh đường Hồi giáo dòng Sufi trên khắp đất nước Libya. 

Theo lời một quan chức an ninh Libya, tình hình đã trở nên căng thẳng với việc cảnh sát và dân quân thuộc Hội đồng An ninh nhận được lệnh cấp trên rút hoàn toàn khỏi các đường phố Tripoli từ hôm 26/8, bất chấp lời kêu gọi của Quốc hội "hãy phục vụ tổ quốc". Tuy nhiên, người phát ngôn lực lượng an ninh Abdel-Moneim al-Hurr cho báo chí biết không hề có việc các nhân viên an ninh (cảnh sát và dân quân) được lệnh "rời bỏ đường phố".

Tình hình căng thẳng tại Libya bắt đầu khởi phát từ loạt vụ tấn công của thành phần Hồi giáo cực đoan theo dòng Salafi nhắm vào các đền thờ tôn giáo trên khắp Libya. Vụ tấn công mới nhất xảy ra vào ngày 25/8, một ngôi đền Sufi bao gồm cả thánh đường và khu lăng mộ tưởng niệm Sheikh Abdessalem al-Asmar ở thành phố Zlitan, phía đông Tripoli, đã bị một nhóm Hồi giáo Salafi quá khích dùng xe xúc và xe ủi san bằng. Trước đó, ngày 24/8, nhóm Hồi giáo cực đoan này cũng đã tàn phá một ngôi đền Sufi khác có niên đại 500 năm tại Zlitan.

Hàng loạt vụ tấn công tương tự cũng đã diễn ra liên tục trong nhiều tháng qua tại nhiều thành phố khác nhau, trong đó Tripoli đã có ít nhất 2 vụ tấn công xảy ra. Giới quan sát chú ý hiện tượng chỉ có các ngôi đền thờ, các vị giáo sĩ thuộc dòng Hồi giáo Sufi mới bị tấn công.

Theo giới quan sát, nguyên do của hiện tượng này chính là ở chỗ những người Hồi giáo dòng Sufi thường cầu nguyện bên ngôi mộ của những vị thánh mà họ tôn kính để cầu xin ân sủng, cầu thành công, hôn nhân hoặc những điều may mắn khác. Tuy nhiên, dòng Hồi giáo Salafi không chấp nhận kiểu cầu nguyện này nên muốn dẹp bỏ nó bằng cách… phá đền. Điều đáng quan tâm là những vụ tấn công đền thờ nói trên lại xảy ra ngay trước mắt lực lượng an ninh Libya nhưng lực lượng này lại không có một phản ứng nào. Chính thái độ bàng quan của lực lượng an ninh đã khiến các nghị sĩ thuộc các đảng phái theo dòng Hồi giáo Sufi phẫn nộ.

Một khu đền thờ Hồi giáo Sufi đã bị san bằng.

Đổ tội cho thành phần trung thành với "chế độ Gaddafi"

Hai vụ đánh bom xe tại thủ đô Tripoli hôm 19/8 vừa qua làm 2 người chết và hàng chục người bị thương đã góp thêm sức nóng cho tình trạng lộn xộn, mất an ninh tại Libya.

Trong những vụ phá đền, các giáo sĩ Sufi phẫn nộ chỉ trích Bộ Nội vụ Libya vì không đảm bảo an ninh, nhưng lại quy kết cho "thành phần trung thành với chế độ Gaddafi" chứ không dám nói thẳng ra rằng chính các phần tử Hồi giáo Salafi cực đoan mới là thủ phạm thực sự. Tại sao? Vì việc đổ tội cho một chế độ đã bị lật đổ là dễ dàng chấp nhận nhất. Ngay bản thân Tổng thống mới được bầu là Muhammad Muqaryef cũng cho rằng, "những người trung thành với Gaddafi đứng đằng sau những vụ đánh bom".

Giới chức chính quyền lâm thời ở Libya thậm chí còn đưa ra những thông tin chi tiết về sự dính líu của những người thuộc chế độ ông Gaddafi hiện còn sống lưu vong ở Algeria, Ai Cập và Niger. Cụ thể, chính quyền lâm thời Libya cáo buộc con trai thứ của ông Gaddafi là Saadi Gaddafi hiện đang sống ở Niger, và cháu trai của ông là Ahmad Gaddaf al-Damm ở Ai Cập "gửi tiền và hỗ trợ" những người trung thành với chế độ Gaddafi thực hiện các vụ đánh bom nhằm "phá rối an ninh Libya".

Một lý do được đưa ra là thành phần trung thành với chế độ ông Gaddafi tại thành phố Bani Walid hồi tháng 1/2012 đã tấn công một doanh trại quân đội ở ngoại ô thành phố này vì bất bình với việc chính quyền mới đối xử không công bằng với họ. Thực tế khắp nơi ở Libya, người ta chứng kiến cảnh người của chế độ Gaddafi bị tra tấn và hành hung mà không được bảo vệ.

Tuy nhiên, giới phân tích nhìn vào tính chất các vụ tấn công và dễ dàng nhận ra màn kịch đổ lỗi của Tripoli. Các chuyên gia an ninh phân tích rằng, tất cả các mục tiêu của các vụ đánh bom đều là người phương Tây, trong đó có Tổng lãnh sự Mỹ ở Benghazi và phái đoàn chuyên gia Anh và Liên Hiệp Quốc, vì thế khó có thể quy kết cho những người trung thành với ông Gaddafi, mà phải nhìn nhận có bàn tay của Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là Nhóm Chiến binh Hồi giáo Libya (LIFG), một thời đối đầu với ông Gaddafi, bị đánh tan tác phải chạy sang Afghanistan và gia nhập hàng ngũ Al-Qaeda. Thông tin trong hồ sơ chống khủng bố Mỹ cho biết, nhiều nghi can khủng bố nước ngoài thực hiện các vụ đánh bom ở Afghanistan đến từ thành phố Darna, miền Đông Libya.

Tình báo phương Tây đang có những thông tin cho thấy thành phần thánh chiến Libya và ngoại quốc hiện đang tập trung về thành phố Darna, lợi dụng sự thiếu ổn định chính trị của Libya để thực hiện âm mưu khủng bố. Nổi bật trong số đó là Lữ đoàn Umar Abd al-Rahman, từng âm mưu tấn công khủng bố nước Mỹ vào năm 1995, đã nhận trách nhiệm một số vụ trong loạt đánh bom vừa qua ở Libya

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.