Thủ đoạn lừa đảo “Liên minh việc làm” của những kẻ thất nghiệp

Thứ Sáu, 05/06/2015, 11:00
Thất nghiệp, thành lập công ty môi giới việc làm rồi liên kết với nhau tạo thành cái bẫy để lừa đảo những người có nhu cầu tìm việc. Không một ai trong số những người lao động trúng tuyển kỳ thi sát hạch còn khó hơn cả thi công chức do các đối tượng lừa đảo bày đặt ra… Với chiêu trò này, những kẻ lừa đảo đương nhiên chiếm đoạt tiền phí môi giới tuyển dụng.

"Chân dung" những giám đốc thất nghiệp

Trình độ chỉ học hết lớp 7, làm thợ mộc ở quê rồi xuống Hà Nội lang thang, bỗng một ngày, từ một kẻ thất nghiệp, Nguyễn Văn Hùng (SN 1982, ở thôn 10 xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) trở thành Giám đốc Công ty CP Dịch vụ thương mại và đầu tư Bình An (Công ty Bình An, thuê trụ sở tại 29A đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Mặc dù trong tay chẳng có xu nào nhưng trong đăng ký kinh doanh, Công ty  Bình An do Hùng làm giám đốc có tới 18 ngành nghề kinh doanh (trong đó có hoạt động tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động) với vốn điều lệ 900 triệu đồng (?!). Thực chất đây chỉ là vỏ bọc pháp nhân để gã giám đốc thất nghiệp Nguyễn Văn Hùng thực hiện kế hoạch lừa đảo thông qua hoạt động môi giới việc làm.

Những phương thức hoạt động lừa đảo của một số công ty môi giới việc làm trước đó được Hùng tìm hiểu và áp dụng khá bài bản. Sau khi thuê nhà làm trụ sở văn phòng, Hùng mua sắm vài bộ bàn ghế, thuê 2 nhân viên thường xuyên trực văn phòng để tiếp đón người lao động.

Ban đầu, Hùng cho in tờ rơi tuyển lao động như nhân viên kế toán, trực điện thoại, đóng gói bánh kẹo, lái xe, nhân viên bán xăng… cho nhân viên rải ở các khu vực cổng trường đại học, những nơi có nhiều người lao động ngoại tỉnh thuê trọ. Sau đó, Hùng đăng quảng cáo tuyển lao động trên một số trang web chuyên quảng cáo rao vặt.

Quảng cáo của Hùng đã thu hút được nhiều người lao động đang có nhu cầu tìm việc bởi tính chất công việc đơn giản, không đòi hỏi trình độ học vấn cao, mức lương thưởng lại hấp dẫn, khởi điểm từ 5-6 triệu đồng/tháng. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp, cơ quan đều cắt giảm lao động thì quảng cáo tuyển lao động mà Hùng đưa ra đối với nhiều người như một tin vui. Vậy là người lao động ùn ùn kéo tới trụ sở Công ty Bình An để tìm cơ hội.

Theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Hùng, khi người lao động đến nộp hồ sơ, nhân viên Công ty Bình An sẽ yêu cầu mỗi người nộp 500.000 đồng phí hồ sơ và thu từ 1-5 triệu đồng/người tiền đặt cọc tùy theo công việc mà người lao động lựa chọn.

Những tờ rơi quảng cáo tuyển lao động khiến nhiều người mắc bẫy.

Đương nhiên, Công ty Bình An của Hùng không có quan hệ với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần tuyển lao động thực sự. Để có thể chiếm đoạt tiền phí môi giới, đặt cọc của người lao động, Hùng liên kết với các văn phòng, công ty môi giới việc làm tương tự, cùng "bắt tay nhau" lừa đảo.

Trong số những công ty mà Hùng đã liên kết làm ăn có Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải du lịch Thăng Long (Công ty Thăng Long - thuê trụ sở tại phố Phan Bá Vành, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) do Trương Thị Thị (SN 1990), ở thôn 4 xã Thuần Mỹ, Ba Vì, Hà Nội làm giám đốc.

Bản thân Thị cũng không có việc làm ổn định. Học trung cấp kế toán, Thị đã xin việc một vài nơi nhưng công việc bấp bênh. Thời gian đi tìm việc làm, chính Thị cũng đã đến các công ty môi giới việc làm đăng thông tin tuyển lao động và trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Tại Cơ quan Công an, Thị thừa nhận cô ta rất bức xúc khi bị lừa việc làm. Thế nhưng chính Thị từ nạn nhân lại trở thành kẻ lừa đảo hàng trăm người lao động khác.

Cảnh giác trước bẫy môi giới việc làm

Không có bất cứ hoạt động gì, cũng như không hề có  tài sản như cây xăng, ôtô nhưng Thị tự quảng cáo, Công ty Thăng Long do cô ta làm giám đốc hoạt động kinh doanh xăng dầu, vận tải hành khách nên cần tuyển các vị trí như lái xe, phụ xe… và nhân viên bán xăng.

Cũng thuê địa điểm làm văn phòng ngay mặt đường khá hoành tráng, treo biển hoạt động, Thị tạo vỏ bọc cho người lao động lầm tưởng  rằng đây là một công ty làm ăn có uy tín. Móc nối với những công ty môi giới việc làm "ma" như Công ty Bình An nên hàng ngày, Thị chỉ việc ngồi chờ người lao động do các công ty này đưa đến. Về phía Công ty Bình An, chỉ cần viết giấy giới thiệu và đưa người lao động sang Công ty Thăng Long thì coi như đã hoàn thành việc môi giới và hết trách nhiệm.

Người lao động khi được đưa đến Công ty Thăng Long đều khấp khởi mừng vì đã tìm được đúng địa chỉ "người cần việc". Thế nhưng không ai ngờ, màn kịch ở đây mới đến hồi ly kỳ. Giám đốc Trương Thị Thị chỉ đạo nhân viên thu ngay của người lao động 300.000 đồng gọi là phí phỏng vấn trước khi đi làm chính thức. Nếu ai không có tiền đóng thì theo quy định "liên kết", phía Công ty Bình An phải trả cho Công ty Thăng Long 200.000 đồng/người.

Trương Thị Thị và nhân viên Công ty Thăng Long.

Tiếp đó, người lao động được ký ngay hợp đồng thử việc nhưng không được đi làm ngay mà phải trải qua "lớp đào tạo kỹ năng" từ 1-2 tuần tùy theo công việc. Người lao động được Công ty Thăng Long   phát một tập tài liệu về nội quy, quy định đối với người lao động. Giám đốc Trương Thị Thị yêu cầu người lao động mang về nhà nghiên cứu, học thuộc, sau đó đến công ty để "sát hạch".

Trong buổi kiểm tra, Thị làm trưởng ban giám khảo trực tiếp phỏng vấn người lao động. Có lẽ còn khó hơn cả thi công chức bởi không một ai đỗ. Dù là lao động gì thì Trương Thị Thị cũng đánh trượt tất với những lý lẽ hết sức oái oăm.

Một bị hại xin làm công việc lái xe đã trải qua kỳ kiểm tra "công chức" do Thị tổ chức vẫn chưa hết phẫn uất kể lại, anh là lái xe tải có kinh nghiệm. Trước đây do thường xuyên lái đường dài nên công việc khá vất vả. Sau khi đọc báo thấy tuyển lái xe du lịch hoặc xe tải, công việc chỉ đi trong nội thành hoặc các tỉnh lân cận, lương khởi điểm 6,2 - 8,5triệu đồng/tháng, lại được tăng lương theo tháng, có chỗ ăn ngủ tại công ty và được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Với sự ưu đãi trên đó là niềm mơ ước của rất nhiều người lao động từ tỉnh ngoài lên Hà Nội. Thông qua Công ty Bình An, anh được giới thiệu tới Công ty Thăng Long. Ngày thi sát hạch, anh rất tự tin vì đã thuộc lòng tập tài liệu về quy chế làm việc do Công ty Thăng Long phát, cũng như tự tin về chuyên môn.

Thế nhưng khi kiểm tra, Giám đốc Trương Thị Thị lại không hề hỏi anh về công việc chuyên môn. Cô ta bắt anh phải trả lời 3 câu hỏi về việc điều hành xe, là công việc của người làm công tác quản lý chứ không phải việc của lái xe. Không trả lời được câu hỏi do Thị đưa ra, coi như anh bị trượt… thẳng cẳng. Uất ức vì bị bẫy thi "sát hạch", anh quay lại Công ty Bình An  đòi tiền đặt cọc nhưng công ty này viện ra đủ thứ lý do để không trả lại.

Dẫn giải đối tượng Nguyễn Văn Hùng.

Hoạt động liên kết lừa đảo việc làm giữa Công ty Thăng Long và Công ty Bình An khiến người lao động hết sức bức xúc. Ngày 22/5 vừa qua, sau khi nhận được đơn trình báo của người lao động, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Bắc Từ Liêm đã triệu tập toàn bộ lãnh đạo và nhân viên 2 công ty trên tới trụ sở Công an quận để làm rõ.

Tại Cơ quan Công an, Nguyễn Văn Hùng và Trương Thị Thị đã thừa nhận hành vi lừa đảo. Theo khai nhận ban đầu của các đối tượng thì trung bình mỗi tháng, Hùng và Thị đã chiếm đoạt ít nhất 30 triệu đồng từ việc thu phí dịch vụ tư vấn của người lao động. Số tiền này được Hùng và Thị sử dụng chi tiêu cá nhân. Đối với khoản tiền đặt cọc, khi bị người lao động đòi rát, Hùng chỉ trả lại một phần hoặc tìm ra các lý do để không trả.

Thiếu tá Lê Đức Hùng, cán bộ điều tra Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, với những thông tin việc làm khá hấp dẫn mà các đối tượng đưa ra, rất nhiều người lao động ngoại tỉnh, sinh viên mới ra trường đã mắc bẫy.

Quá trình khám xét trụ sở 2 Công ty Thăng Long và Bình An, Cơ quan Công an đã thu được khá nhiều tài liệu liên quan đến hành vi lừa đảo việc làm như các tờ rơi quảng cáo tuyển lao động, bản cam kết và hợp đồng thử việc…

Trong các giấy tờ ký kết với người lao động, các đối tượng đều đưa ra những điều khoản nhằm mục đích đẩy người lao động vào bẫy. Như trong hợp đồng thử việc của Công ty Thăng Long có ghi: "Nếu sau thời gian đầu học việc, người lao động không nắm được công việc, công ty kiểm tra kỹ năng 1 lần mà không đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động không có quyền thắc mắc đòi hỏi gì công ty"…

Hoạt động lừa đảo việc làm như trên không phải mới xuất hiện. Nếu như trước đây, các đối tượng lừa người lao động bằng cách nghĩ ra các công việc thật khó khiến người lao động không hoàn thành được, hoặc không giao cho việc gì, chỉ "ngồi chơi xơi nước" khiến lao động chán nản tự bỏ việc… thì ở vụ việc này cho thấy các đối tượng lừa đảo có sự liên kết, tạo thành một "liên minh" lừa đảo khép kín từ công ty môi giới việc làm đến công ty sử dụng lao động.

Thực chất thì những công ty này không có bất cứ hoạt động kinh doanh, sản xuất gì mà chỉ là vỏ bọc pháp nhân để các đối tượng núp bóng thực hiện hành vi lừa đảo thông qua thủ đoạn tuyển lao động.

Trước nhu cầu việc làm ngày càng tăng, nhất là ở các đô thị lớn, các đối tượng lừa đảo đưa ra những thông tin hấp dẫn như tuyển lao động không cần trình độ học vấn nhưng lương cao, công việc không vất vả… để thu hút người lao động tìm đến xin việc.

Do bức bách về việc làm nên người lao động sẵn sàng nộp phí tư vấn, tuyển dụng. Mặc dù số tiền này đối với mỗi lao động không phải là lớn nhưng khi thu hút được số đông lao động thì tiền chiếm đoạt được của các đối tượng lừa đảo là không nhỏ.

Cũng theo Thiếu tá Lê Đức Hùng, do mức phí các đối tượng thu từ 300.000 đến 500.000 đồng nên khi bị lừa,  người lao động đã không tố cáo khiến nhiều người khác tiếp tục mắc bẫy. Theo phản ánh của người dân thì thời gian gần đây, mỗi ngày có hàng chục người lao động đến trụ sở 2 công ty này đòi tiền. Có hôm, các đối tượng phải đóng cửa công ty để né người lao động.

Ngày 25/5, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Hùng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với Trương Thị Thị, do đang có thai 8 tháng nên Cơ quan điều tra tạm cho Thị về nơi cư trú để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Cơ quan điều tra đề nghị những ai là bị hại của 2 Công ty Thăng Long và Bình An, đến trụ sở Công an quận Bắc Từ Liêm để trình báo.

Cơ quan điều tra khuyến cáo, để tránh rơi vào bẫy những kẻ lừa đảo, người lao động cần tìm đến những công ty có uy tín, có hoạt động sản xuất, kinh doanh thật sự sử dụng lao động. Theo quy định thì mức phí môi giới việc làm rất thấp, chỉ từ 10.000 đến 20.000 đồng, thậm chí không thu phí. Do đó người lao động cần cảnh giác trước những công ty thu phí môi giới việc làm cao quá mức quy định. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần báo cho cơ quan chức năng để góp phần ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Hương Vũ
.
.