Liệu Mỹ có thể chặn đứng vũ khí hạt nhân?

Thứ Hai, 08/05/2017, 17:05
Theo các chuyên gia, trong khi căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên đang nóng dần lên - càng gây thêm sự chú ý của thế giới bởi sự bùng nổ các cuộc thử tên lửa thất bại và lời qua tiếng lại nhằm “nắn gân” đối phương từ cả hai quốc gia - thì khả năng xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân có vẻ đang ngày một gần hơn.

Mặc dù hầu hết các nhà phân tích đều nhất trí rằng vào thời điểm này, Triều Tiên thiếu năng lực kỹ thuật để triển khai một tên lửa hạt nhân có thể vươn đến các mục tiêu của Mỹ, tiềm năng hạn hẹp đó cũng đủ khiến người dân nhiều nước trên thế giới cảm thấy bất an. Và trong trường hợp mọi chuyện cứ leo thang, liệu có cách nào để chặn đứng các tên lửa hạt nhân một khi chúng đã được khai hỏa?

Hạt giống đầu tiên

Một trong những lựa chọn - đã được nghiên cứu và thực thi trong nhiều năm - là bằng cách nào đó tạo ra một lá chắn hoặc hệ thống phòng thủ để bảo vệ người dân khỏi các cuộc tấn công hạt nhân. Từ những lần sử dụng đầu tiên của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hồi năm 1959, được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, Mỹ tiếp tục nghiên cứu các biện pháp bảo vệ người dân khỏi một cuộc tấn công như vậy.

Vậy mà nhiều thập niên sau đó, nước Mỹ vẫn chỉ có một hệ thống còn nhiều thiếu sót mà hầu hết các chuyên gia tin là sẽ không bảo vệ được người Mỹ chống lại cuộc tấn công hạt nhân - theo chuyên gia Philip E. Coyle III.

Philip E. Coyle III là cố vấn cao cấp về khoa học của Trung tâm Kiểm soát vũ khí và hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, cựu giám đốc các thử nghiệm vận hành và đánh giá tại Lầu Năm Góc và cũng là người đưa ra đánh giá bao quát nhất hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Nhưng tại sao lại phải cần một thời gian dài để có được và khởi động lá chắn tên lửa hạt nhân đó?

Coyle nói với báo Live Science: "Đây là điều khó khăn nhất mà Lầu Năm Góc đã từng cố gắng thực hiện trong gần 70 năm thử nghiệm”.

Hệ thống phòng thủ dẫn hướng giữa hành trình từ đất liền của quân đội Mỹ được thử nghiệm vào ngày 22-6-2014. Một tên lửa đánh chặn được phóng lên từ Căn cứ không quân Vandenberg ở California và phá hủy thành công một tên lửa đối phương giả định trên Thái Bình Dương.

Những nỗ lực đầu tiên trong việc xây dựng một chương trình phòng thủ tên lửa hạt nhân bắt đầu gần như ngay khi tên lửa liên lục địa được phát minh vào những năm 50 của thế kỷ trước, mặc dù hầu hết các dự án này bị dừng lại vào năm 1972, sau khi Mỹ và Liên bang Xôviết ký Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo, giúp hạn chế số lượng tên lửa mỗi bên có thể giữ lại.

Một số ý tưởng táo bạo đã được đề xuất trong nhiều năm, kể cả chiến dịch Bách Nhãn Nhân (Operation Argus), nhằm tạo ra một vành đai bức xạ bảo vệ bên trên bề mặt địa cầu bằng cách cho nổ một vũ khí hạt nhân trong khí quyển, hay dự án Cầu thăng bằng (Project Seesaw), cho phép khai thác việc sử dụng các chùm hạt để chỉnh sửa hạt nhân.

Sang thập niên 1980, Tổng thống Ronald Reagan không cảm thấy thoải mái với ý niệm “đảm bảo phá hủy lẫn nhau" (nghĩa là cả Hoa Kỳ và Nga đều có đủ số vũ khí hạt nhân để tiêu diệt lẫn nhau trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân) như là cách phòng thủ duy nhất đối kháng Liên Xô. Ông thúc đẩy phát triển “Sáng kiến Phòng thủ chiến lược”, hoặc chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao”, trong đó các hệ thống laser chạy bằng năng lượng hạt nhân đặt trong không gian sẽ hạ gục vũ khí hạt nhân.

Laura Grego, nhà vật lý thiên văn và chuyên gia về bảo vệ tên lửa và an ninh không gian thuộc Liên hiệp Các nhà khoa học quan tâm nói rằng, chương trình này là một cuộc thất bại tốn kém, một phần bởi vì toàn bộ khái niệm quá “lập dị”.

Những thách thức đối với phòng thủ tên lửa hạt nhân

Dù sao sự thất bại của các dự án nói trên không đáng ngạc nhiên - Grego cho biết việc đánh chặn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thực sự quá khó! Một ICBM phóng lên không gian, mất 15 phút đi qua chân không của không gian và sau đó quay trở lại bầu khí quyển trước khi chạm vào mục tiêu của nó. Vì vậy, một ICBM có thể bị chặn chỉ ở vị trí một vài điểm trong hành trình của nó: lúc mới phóng lên, khi nó đã ra ngoài không gian, khi nó quay trở lại bầu khí quyển và khi nó đang vọt đến mục tiêu cần tiêu diệt. Mỗi phương pháp đều có những hạn chế.

Chẳng hạn, giai đoạn phóng kéo dài từ một phút đến vài phút. Như vậy không có nhiều thời gian cho một tên lửa “đánh chặn và tiêu diệt gọn” một tên lửa hạt nhân. Hơn thế nữa, các đối thủ lịch sử của Mỹ, như Nga và Trung Quốc, có diện tích đất đai lớn. Họ có thể sẽ giữ tên lửa của họ ở sâu trong nội địa, có nghĩa là các tên lửa đánh chặn trên biển không thể phá hủy tên lửa của Nga hay Trung Quốc trong giai đoạn phóng.

Vì vậy, muốn tiêu diệt một tên lửa trong hành trình bay đòi hỏi phải bay lượn lờ thám thính bên trên. Quân đội Mỹ từng đề nghị đưa những chiếc máy bay khổng lồ Boeing 747 với hệ thống laser tiêu diệt bom sang bầu trời phía trên Nga và Trung Quốc. “Bạn có thể thấy ngay là rất khó thực hiện điều đó” - Grego nói với Live Science - ai đời lại cho một số máy bay 747 lớn lượn lờ vô thời hạn trong nhiều thập niên, như thể chờ sung rụng? Sử dụng các phương tiện bay không người lái cũng có thể là một lựa chọn, nhưng chúng thiếu hỏa lực để phá hủy tên lửa”.

Hệ thống chống tên lửa mới được Mỹ lắp đặt tại một sân golf ở Seongju, Hàn Quốc.

Phòng thủ dẫn hướng giữa hành trình

Tùy chọn thứ hai và khả thi nhất là đánh chặn tên lửa trong hành trình bay dài nhất của nó - trong không gian. Một lợi thế của phương cách này là bởi vì hầu hết đối phương của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương, tất cả họ sẽ lập trình cho tên lửa của họ chọn quỹ đạo bay phía trên các vùng cực, nghĩa là chỉ có một máy bay đánh chặn trên mặt đất đặt ở Alaska là có thể bảo vệ cả nước Mỹ.

Nhưng việc đánh chặn một tên lửa trong vũ trụ cũng có những trở ngại. Chẳng hạn tên lửa bắn đến có vận tốc 15.000 - 17.000 dặm một giờ (tương đương 24.000 - 27.000 km/h. Đi nhanh như vậy, chỉ cần trượt một vài cm là trượt gần 2 km”.

Trở ngại kế tiếp: Không có lực cản không khí trong không gian. Điều đó có nghĩa là nếu bạn có mồi bẫy - ví dụ như một khinh khí cầu có hình dạng giống như một đầu đạn hạt nhân có thể di chuyển giống như đạn thật - tên lửa sẽ khó phân biệt tên lửa thật với mồi bẫy. Và bởi vì các khinh khí cầu rất nhẹ, một đầu đạn tinh vi có thể dễ dàng phóng 20 hoặc 30 khinh khí cầu để che khuất đường dẫn của đầu đạn. Một lợi thế của cách tiếp cận đối phương khi tên lửa đánh chặn quay trở lại bầu khí quyển là lực cản không khí sẽ ngăn các bẫy mồi “làm nhiễu” hệ thống.

Thực tế là quân đội trong những thập kỷ gần đây tập trung vào tấn công ICBM bằng cái gọi là “Hệ thống phòng thủ dẫn hướng giữa hành trình từ đất liền”. Quân đội Mỹ đã phát triển một mẫu thử nghiệm dưới thời chính quyền Clinton và cho thấy có thành công bước đầu. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Bush, quân đội đã thúc đẩy loại vũ khí từ nguyên mẫu ban đầu này nhanh chóng chuyển sang trạng thái tác chiến.

Theo quân đội Mỹ, kể từ đó, nó trượt 9 mục tiêu trong số 17 lần bắn thử. Từ năm 2010, nó trượt 3 mục tiêu trong 4 lần bắn thử. Coyle khẳng định tỷ lệ thất bại có khi còn tệ hơn con số công bố. “Chưa hết, nếu đánh giá một trong những thất bại đó là thành công khi tên lửa đánh chặn chạm trúng mục tiêu bằng một cú đánh sượt qua nhưng không hủy diệt được nó. Đến gần nhưng không diệt được mục tiêu là chưa đủ thành công và điều đó không thể áp dụng trong cuộc chiến hạt nhân”.

Một phần của vấn đề là các hệ thống được vội vã thông qua tiến trình kỹ thuật và bị các lỗi thiết kế - cả Coyle và Grego đều có cùng nhận định. Ngoài ra, quân đội Mỹ cần phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ bổ sung, như radar ở các bước sóng khác nhau, hay vệ tinh tốt hơn để phát hiện tên lửa, nhờ đó có thể làm tốt hơn việc định vị và hình dung mục tiêu.

“Nhưng ngay cả khi các dự án được thiết kế lại từ đầu, với suy nghĩ cẩn thận và sử dụng tốt nhất các công nghệ hiện có và hiện đại, một số thách thức với việc phòng thủ hạt nhân có thể không thể vượt qua” - Grego nói. Chẳng hạn, cho đến nay chưa có ai nghĩ ra một đường lối thích hợp nào đó để giải quyết vấn đề đặt bẫy mồi đầu đạn hạt nhân trong vũ trụ.

Grego cho biết nếu chính phủ tập trung vào “phòng thủ chiến lược” có thể bảo vệ các thành phố của Mỹ tốn một nửa thời gian, nhưng tốn kém nhiều hơn và suy cho cùng là nguy hiểm hơn cho thế giới. Như vậy tốt hơn hết ta nên sử dụng các nguồn lực này cho các chiến lược ngăn chặn chiến tranh hiệu quả hơn - chẳng hạn bằng giải pháp ngoại giao!

Lê Minh (theo Live Science)
.
.