Lĩnh án tù vì thành lập tổ chức khủng bố

Thứ Ba, 26/04/2011, 15:09

Vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã mở phiên sơ thẩm, xét xử hai anh em Phạm Văn Lâm, 26 tuổi và Phạm Mạnh Hùng 20 tuổi về tội "khủng bố” theo Điều 230a Bộ Luật Hình sự, và tội "chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ"…

1. Sinh năm 1985 tại Đồng Nai, Phạm Văn Lâm là sinh viên ngành Việt Nam học thuộc Đại học Đà Lạt,  tỉnh Lâm Đồng. Để có thêm tiền trang trải chi phí, ngoài giờ đến lớp, Lâm đi làm gia sư, bán hàng lưu niệm.

Trong thời gian này, gia đình Lâm ở xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính về hành vi khai thác đá trái phép. Bất mãn vì chuyện đó, lại thêm việc làm ăn không hiệu quả nên Lâm cho rằng mình  phải làm "một cái gì" để thay đổi bản thân, bảo vệ quyền lợi gia đình!

Thực hiện ý định ấy, Lâm lên mạng Internet tìm hiểu thông tin về hoạt động của các tổ chức phản động của một số người Việt lưu vong ở nước ngoài như Việt Tân, Nhân dân hành động, Việt quốc… Theo Phạm Văn Lâm, nhận thấy cương lĩnh, điều lệ do những nhóm ấy đưa ra không thực tế nên anh ta mới  nảy ra ý định muốn thành lập cho mình một tổ chức mà vẫn theo anh ta, thì "có phương hướng, đường lối hoạt động riêng" rồi sau khi ra mắt, Lâm sẽ viết lời kêu gọi những người "cùng chí hướng" tham gia!

Đầu năm 2009, Lâm bỏ học, đến làm cho cơ sở gia công cửa cuốn của người cậu ở phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Suốt thời gian ở nhà ông cậu, Lâm thường xuyên truy cập các trang web phản động để nghiên cứu tìm hiểu rồi đầu năm 2010, Lâm quyết định thành lập một tổ chức có tên là AE (anh em). Tiếp theo, Lâm soạn thảo biểu tượng, tôn chỉ, điều lệ, mục đích, đường lối hoạt động của tổ chức này! Khẩu hiệu mà Lâm đề ra là: "Đấu tranh chống tham nhũng, nhân đạo, từ thiện, công bằng xã hội, lấy của người giàu giúp đỡ  người nghèo (!?)".

Người đầu tiên mà Phạm Văn Lâm rủ rê vào tổ chức AE là Phạm Mạnh Hùng, em ruột Lâm. Để Hùng có thể tán phát, giới thiệu AE lên mạng Internet, Lâm đưa cho Hùng 1 cái USB có chứa toàn bộ những nội dung về tổ chức mà Lâm đã soạn thảo, rồi bảo Hùng đến một tiệm Internet nằm khá xa nhà, đưa lên mạng nhằm giới thiệu với cộng đồng mạng về tổ chức AE, đồng thờI kêu gọi mọi người tham gia. Vẫn theo sự chỉ đạo của Lâm, Hùng  tạo hộp thư điện tử để liên lạc với những người tham gia tổ chức.

Một thời gian sau khi AE xuất hiện trên mạng Internet mà vẫn chẳng có ai gia nhập, cũng chẳng ai có ý kiến phản hồi, Phạm Văn Lâm quyết định sẽ tiến hành thực hiện một số vụ nổ nhằm vào gia đình một số cán bộ nhà nước, các điểm kinh doanh karaoke, vừa để tạo sự thu hút, vừa tống tiền làm nguồn kinh phí cho AE hoạt động!

2. Để thực hiện kế hoạch này, đầu tháng 4/2010, Lâm lên mạng Internet tìm kiếm các thông tin hướng dẫn cách thức chế tạo thuốc nổ bằng những hóa chất dễ mua, cách thức chế tạo bom hẹn giờ, phương pháp kích nổ bằng điện thoại di động. Sau đó, Phạm Văn Lâm đến một số cửa hàng buôn bán hóa chất ở chợ Kim Biên, TP HCM, tìm mua vật liệu đem về cất trong phòng ngủ tại nhà riêng ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Những ngày sau đó, theo các tài liệu hướng dẫn đã thu thập được, Lâm mày mò pha trộn các loại hóa chất thành hỗn hợp chất nổ rồi mua những tờ giấy fax đã qua sử dụng, gói chất nổ vào. Riêng kíp nổ, Phạm Văn Lâm dùng pin để đấu nối; còn  thiết bị hẹn giờ, Lâm lấy ra từ một chiếc quạt máy.

Sau khi chế tạo xong, anh em Phạm Văn Lâm, Phạm Mạnh Hùng đem gói chất nổ vào một khu rừng tràm tại xã Xuân Hòa cho nổ thử. Kết quả của 4 lần nổ thử đều thành công.

Từ đó đến ngày 10/4, Lâm, Hùng đã chế tạo được 13 trái nổ hoàn chỉnh rồi cất giấu trong phòng riêng để chuẩn bị hành động.

Mục tiêu đầu tiên mà Phạm Văn Lâm, Phạm Mạnh Hùng chọn lựa để gây nổ, tạo tiếng vang cho tổ chức AE là gia đình ông Đỗ Văn Công ở thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên. Để thực hiện kế hoạch này, khoảng giữa tháng 4/2010, Lâm tìm đến khu vực thị trấn Uyên Hưng nơi có nhà ông Công, rồi tiến hành nghiên cứu địa hình, địa điểm đặt trái nổ.

Khảo sát xong, Phạm Văn Lâm trở về cơ sở gia công cửa cuốn ở phường Phú Hòa, tỉnh Bình Dương, dùng máy tính xách tay soạn thảo thư và  in ra 4 tờ giấy khổ A4, nội dung giới thiệu về tổ chức AE, yêu cầu gia đình ông Công phải nộp ngay số tiền 175 triệu đồng vào tài khoản số 0188.9326 ở một ngân hàng. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Lâm ra TP Phan Thiết, đến một điểm bán điện thoại di động mua 2 simcard khuyến mãi, một gắn vào điện thoại Nokia 1100, lắp trực tiếp vào trái nổ; một gắn vào điện thoại Motorola L7 để liên lạc với gia đình ông Công, cũng như để kích hoạt trái nổ.

18h ngày 17/4/2010, Phạm Văn Lâm điều khiển xe máy BKS 60R2-8201 chở Hùng mang theo 2 trái nổ; một đã được lắp đặt hệ thống kích nổ bằng điện thoại di động, một được kích nổ bằng thiết bị hẹn giờ lấy ra từ quạt máy. Bên cạnh đó, Lâm, Hùng còn mang theo ống nhòm, găng tay, thuốc chuột và 4 tờ giấy giới thiệu về tổ chức AE cùng thư tống tiền.

Khoảng 1h sáng ngày 18/4, Lâm, Hùng đến nhà ông Công. Sau khi kêu Hùng đứng ngoài cảnh giới, Phạm Văn Lâm lấy thuốc chuột ném vào nhà ông Công để đầu độc mấy con chó. Tiếp theo, Lâm vào trong sân rồi đặt trái nổ sát bánh xe ôtô Land Cruiser BKS 61H-5158 sau khi đã cài đặt đồng hồ hẹn giờ nổ là 30 phút. Sau đó, Lâm đặt thêm một trái nổ đã gắn thiết bị kích nổ bằng điện thoại di động vào xe ôtô BKS 61L-6599, cùng một thư giới thiệu về tổ chức AE và một thư tống tiền trên nắp capô xe 61L-6599.

“Bài binh, bố trận” xong, Lâm, Hùng quay về Đồng Nai ngay. Đến 3h sáng 18/4, một tiếng nổ lớn phát ra từ nhà để xe của ông Công. Tại hiện trường vụ nổ, có nhiều mảnh giấy vụn bắn tung tóe, nền nhà có nhiều vết khói màu đen cùng một số mảnh kim loại nhỏ. Trên nắp capô xe 61L-6599 có một phong bì, bên trong là 4 tờ giấy A4 giới thiệu về tổ chức AE và thư yêu cầu trong thời gian 2 ngày, phải chuyển số tiền 175 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng.

Vụ việc được cấp báo cho Cơ quan Công an địa phương. Tiếp theo, Cơ quan chống khủng bố - Tổng Cục An ninh 1 - Bộ Công an đã phát hiện và vô hiệu hóa trái nổ đặt trong xe 61L-6599. Ngay sau đó, công tác sàng lọc đối tượng cũng như truy tìm nguồn gốc chất nổ được các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành.

Về phía Phạm Văn Lâm, chờ mãi không thấy gia đình ông Công chuyển tiền vào ngân hàng, Lâm nhiều lần kích hoạt trái nổ đặt ở xe 61L-6599 nhưng không kết quả. Sợ rằng Cơ quan Công an có thể phát hiện ra mình, Phạm Văn Lâm dùng xe máy đi thăm bạn gái ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đến lúc hết tiền, Lâm mang xe đến tiệm cầm đồ, cầm được 13 triệu đồng rồi rủ một cô bạn khác lên Đà Lạt ăn chơi nhảy múa.

3. Trong thời gian ở Đà Lạt, Phạm Văn Lâm mấy lần đến các điểm dịch vụ Internet, tìm đọc tin tức trên mạng thì thấy nhiều tờ báo đưa tin về vụ nổ tại nhà ông Công, nhưng nhận định là do tư thù cá nhân. Thấy vậy, một mặt Lâm chủ động viết bài tự nhận là thủ phạm gây ra vụ nổ - là tổ chức AE, rồi gửi bài đến tòa soạn của một số tờ báo in, báo điện tử, nhờ… lên tiếng! Mặt  khác, Lâm tính chuyện đặt trái nổ ở các điểm kinh doanh karaoke nhân dịp lễ 30-4 và 1-5.

Nhận thấy việc kích nổ bằng thiết bị hẹn giờ lấy ra từ quạt máy mất nhiều thời gian, Lâm vào mạng Internet, tìm đọc các thông tin nói về những thiết bị hẹn giờ kích nổ bằng điện tử. Trong một lần trên mạng, tình cờ Lâm  biết anh Lê Duy P., là sinh viên Đại học Bách khoa, đã chế tạo thành công thiết bị hẹn giờ tạo ôxy để lắp đặt cho hồ cá nên Lâm làm quen rồi hỏi mua. Khi anh P. đồng ý, Lâm yêu cầu anh P. phải giao hàng trước ngày 30/4. Tổng cộng, Lâm mua được 10 bộ thiết bị với giá 600 ngàn đồng rồi mang về nhà ở Đồng Nai cất giấu.

Ngày 5/5, Lâm quay lại cơ sở gia công cửa cuốn của người cậu ở phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một để chọn địa điểm gây nổ. Sau khi tìm hiểu, Lâm nhận thấy 3 điểm kinh doanh karaoke ở phường Phú Hòa là Phương Trang, Kinh Đô và Sao Biển thường xuyên có nhiều khách ra vào. Theo tính toán của Lâm, nếu đặt trái nổ ở những nơi này, thì sẽ gây ra hoang mang, lo sợ cho khách, cho chủ quán nên rất dễ tống tiền!

Ngày 6/5, Phạm Văn Lâm dùng máy tính, soạn lại thư giới thiệu tổ chức AE và thư tống tiền, nội dung đòi chủ quán karaoke phải nộp 150 triệu đồng. Sau đó, Lâm gọi Phạm Mạnh Hùng, bảo Hùng đi xe khách, mang theo 6 trái nổ tự tạo, 10 bộ hẹn giờ đến Bình Dương để hành động.

9h sáng 9/5, Hùng đến cơ sở gia công cửa cuốn, nơi Lâm đang làm việc rồi cùng Lâm in thư giới thiệu tổ chức AE và thư tống tiền. Tiếp theo, Lâm chở Hùng bằng xe máy, mang theo túi đựng trái nổ để tìm cách đặt tại các điểm karaoke đã chọn. Tuy nhiên, cả hai đã bị cơ quan chức năng bắt giữ cùng tang vật.

Khám xét nơi ở của Lâm, Hùng, cơ quan chức năng thu được 6 trái nổ và nhiều loại hóa chất dùng để pha chế cùng nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ án. Theo kết quả giám định của Phân viện Kỹ thuật hình sự Bộ Công an, 13 ống hình trụ tròn, bịt kín hai đầu, có gắn các sợi dây điện và ống trụ thu tại xe 61L-6599 là các thiết bị nổ tự tạo có trọng lượng thuốc nổ là 1.860 gram.

Ngày 18/5/2010, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Văn Lâm cùng Phạm Mạnh Hùng. Sau đó, cả hai đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương truy tố về hành vi "Khủng bố" theo Điều 230a BLHS và tội "Chế tạo, tàng trữ trái phép vật liệu nổ" theo Điều 232 BLHS.

Trước vành móng ngựa, Phạm Văn Lâm cho rằng mục đích đặt trái nổ ở nhà ông Công là để tạo thanh thế, quảng bá cho tổ chức AE chứ không phải vì tiền! Lâm nói thời điểm đó nhận thức còn hạn chế nên làm bậy. Và thấy cương lĩnh của các tổ chức như Việt Tân, Việt Cách... là không thực tế, nên phải làm khác đi! Khi hội đồng xét xử chất vấn, rằng lúc đặt trái nổ, Lâm có nghĩ đến tính mạng và tài sản của người khác không thì Lâm cho rằng "đã nghiên cứu, thử nghiệm rất kỹ. Sức công phá của trái nổ là không lớn và chỉ tạo tiếng nổ nên chắc không ảnh hưởng đến người khác".

Tuy nhiên, khi được phép nói lời sau cùng, cả Phạm Văn Lâm và Phạm Mạnh Hùng đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, đồng thời xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt. Kết thúc phiên tòa, Phạm Văn Lâm lĩnh án 6 năm tù về hành vi khủng bố, 18 tháng tù về hành vi chế tạo, tàng trữ trái phép vật liệu nổ, tổng cộng hình phạt là 7 năm 6 tháng tù giam. Phạm Mạnh Hùng 5 năm tù giam về hành vi khủng bố; 12 tháng tù về hành vi chế tạo, tàng trữ trái phép vật liệu nổ, tổng cộng hình phạt là 6 năm tù giam.

4. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện đặt chất nổ để tống tiền hoặc để trả thù. Khoảng 1 năm trước, vào lúc 22h30’ ngày 5/4/2010, tại một ngôi nhà trên đường Hoa Lan - khu dân cư Miếu Nổi, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM - là trụ sở của Công ty cổ phần Thương Quốc cũng đã xảy ra một vụ đặt chất nổ. Theo lời những người hàng xóm thì vài phút trước đó, có có một nhóm người mang một thùng quà đến ngôi nhà trên để biếu tặng nhưng gia đình không nhận. Ngay sau đó, nhóm người này đã đặt thùng quà ngay trước cửa rồi bỏ đi.

Nghi ngờ trong thùng có bom mìn, người dân đã lập tức thông báo cho cơ quan chức năng. Và, đoạn đường Hoa Lan, giới hạn bởi đường Trần Kế Xương và đường Hoa Hồng được phong tỏa nghiêm ngặt bởi các cơ quan chức năng.

Sau khi xác định bên trong "thùng quà" có chất nổ, đến 23h cùng ngày, lực lượng tháo gỡ bom mìn của quân đội đã có mặt tại hiện trường với đầy đủ các trang thiết bị nhằm vô hiệu hóa khối chất nổ bên trong. Đến 0h ngày 6/4, lực lượng tháo gỡ của quân đội đã vô hiệu hóa chất nổ.

Một vụ đe dọa đặt chất nổ để tống tiền khác: Võ Anh Tuấn, sinh năm 1978, cư ngụ tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tháng 1/2009, Tuấn về TP HCM, tạm trú ở P1, Q5 để mua bán điện thoại di động. Do ăn chơi nên thường xuyên thiếu tiền, Tuấn lên mạng Internet tìm hiểu cách chế tạo chất nổ rồi gửi email đến một số khách sạn, ngân hàng, yêu cầu phải giao cho anh ta từ 50 đến 100.000USD. Nếu không Tuấn sẽ cho nổ bom.

Tất cả những email mà Tuấn đã gửi đi, thì không nơi nào trả lời ngoại trừ một khách sạn ở Q1, nơi Tuấn buộc chủ khách sạn phải đưa 20.000USD. 14h ngày 5/5/2009, Tuấn vào khách sạn, lén lút đặt trái nổ trong nhà vệ sinh rồi gọi điện báo cho khách sạn phải giao tiền. Khi thấy khách sạn không đáp ứng, Tuấn cho biết khách sạn đã bị gài bom.

Vào 19h ngày 18/5/2009, tại một quán cà phê trên đường Trần Bình Trọng, quận 5, TP HCM, Võ Anh Tuấn bị Cơ quan Công an bắt quả tang khi đang nhận tiền. Ngày 31/7/2009, Tòa án Nhân dân TP HCM đã mở phiên xét xử, và phạt Võ Anh Tuấn 12 năm tù giam vì "chế tạo trái phép vật liệu nổ" và "cưỡng đoạt tài sản"

V.C.
.
.