Xóa đường dây mua bán hóa đơn GTGT trái phép hơn 3.000 tỉ đồng:

Lộ diện hàng loạt công ty “ma”

Thứ Tư, 20/03/2013, 17:35

Công ty sau khi được thành lập nhưng không hoạt động kinh doanh gì vẫn mua hóa đơn GTGT từ Cục Thuế TP hoặc Chi cục Thuế quận, huyện. Với dấu hiệu bất thường trên, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và lật tẩy hàng loạt công ty "ma" đang đóng trên địa bàn TP HCM.

Ngày 6/3, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM (PC 46) cho biết, sau một thời gian dài điều tra, xác minh cơ quan này vừa chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM đề nghị truy tố 11 đối tượng trong đường dây mua bán hóa đơn GTGT trái phép cực lớn với tổng số tiền ghi khống trị giá hơn 3.160 tỉ đồng. 

Lộ diện hàng loạt công ty "ma"

Công ty TNHH SX TM DV XNK Ngọc Quý (gọi tắt Công ty Ngọc Quý), có trụ sở tại P. 11, Q.Gò Vấp, thành lập ngày 16/9/2009 do Đỗ Văn Quý (ngụ P.10, Q.Gò Vấp, TP HCM) và Chu Văn Ngọc (ngụ huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) đứng tên thành lập. Trong đó, Đỗ Văn Quý làm giám đốc và là người đại diện trước pháp luật.

Sau khi thành lập, Công ty Ngọc Quý không có hoạt động kinh doanh gì nhưng các đối tượng vẫn mua 12 quyển hóa đơn GTGT (600 số), sau đó xuất bán 478 tờ hóa đơn cho 111 đơn vị có nhu cầu, ghi khống nội dung, trị giá gần 165 tỉ đồng (bao gồm trị giá trước thuế và thuế GTGT).

Để che đậy hành vi bán hóa đơn khống, Công ty Ngọc Quý đã mua lại tổng cộng 155 tờ hóa đơn của 13 đơn vị khác với trị giá hàng hóa ghi khống hơn 158,3 tỉ đồng để kê khai báo cáo thuế đầu vào.

Khi phát hiện có những dấu hiệu nghi vấn, Cơ quan CSĐT đã tiến hành xác minh tại địa phương đối với những người đứng tên thành lập công ty này và thật bất ngờ, tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên không có ai tên Chu Văn Ngọc cư trú hay tạm trú.

Còn "giám đốc" Đỗ Văn Quý (57 tuổi) thì cũng hết sức ngỡ ngàng, khai nhận: "Năm 2007, Quý chạy xe ôm thì có người nhờ Quý đứng tên thành lập Công ty Ngọc Quý và cho 2 triệu đồng. Nghĩ không có gì nguy hại nên Quý đồng ý và thực hiện theo hướng dẫn của người này. Sau khi công ty thành lập, Quý giao lại toàn bộ pháp nhân, con dấu của Công ty Ngọc Quý cho người đó và không tham gia ký hay bán bất kỳ tờ hóa đơn nào mang tên Công ty Ngọc Quý. Bản thân Quý không biết gì về tình hình hoạt động của công ty này".

Cũng từ những dấu hiệu bất thường trong việc mua bán hóa đơn GTGT, Cơ quan CSĐT cũng đã tiến hành xác minh Công ty TNHH TM DV Gia Đại Hải (gọi tắt Công ty Gia Đại Hải), trụ sở tại P.15, Q.Phú Nhuận do Võ Hồng Quân (ngụ thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Vũ Quang Minh (ngụ P.16, Q.Gò Vấp, TP HCM) đứng tên thành lập. Trong đó, Vũ Quang Minh làm Giám đốc.

Kết quả xác minh của Cơ quan CSĐT cho thấy, sau khi Công ty Gia Đại Hải thành lập (ngày 4/5/2005), đã nhiều lần sang nhượng lại cổ phần cho nhiều người. Đến ngày 3/1/2008, thì sang nhượng lại cho Trịnh Ngọc Quế (ngụ huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) làm Giám đốc và Lưu Vũ Nhật Minh (ngụ tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Mặc dù sau nhiều năm tồn tại và nhiều lần "sang tên đổi chủ" nhưng Công ty Gia Đại Hải vẫn không hoạt động kinh doanh gì.

Và cũng như một số công ty "ma" khác, "giám đốc" Trịnh Ngọc Quế là người không có thật tại địa chỉ nơi cư trú. Còn Vũ Quang Minh, người đứng tên thành lập công ty thì đã đi xuất khẩu lao động tại Nhật vào năm 2011. Riêng Lưu Vũ Nhật Minh thì khai nhận: "Không có quan hệ giao dịch gì với Công ty Gia Đại Hải".

Hóa đơn GTGT ghi khống nội dung, giá trị bị thu giữ tại cơ quan CSĐT.

Tương tự, Công ty TNHH ĐT TM SX XNK Đại Hữu (gọi tắt Công ty Đại Hữu) trụ sở tại P.12, Q.4, trên giấy phép thành lập công ty thể hiện rõ Lê Trường Hải (ngụ huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), Nguyễn Ngọc Minh (ngụ P.Tân Thành, Q.Tân Phú) và Mai Thị Lệ Quyên (ngụ tại P.10, Q.6, TP HCM) đứng tên thành lập công ty.

Trong khi đó làm việc với Cơ quan điều tra, Lê Trường Hải một mực khẳng định: "Không hề tham gia thành lập cũng như không điều hành hoạt động của Công ty Đại Hữu". Hải nhớ lại: "Khoảng đầu năm 2011, Hải có làm việc tại Bình Dương, trong khi rút tiền tại trụ ATM ở địa bàn tỉnh Bình Dương đã để quên bóp và  mất CMND".

Nhiều khả năng các đối tượng nhặt được CMND của Hải đã mạo danh thành lập công ty nói trên. Còn Mai Thị Lệ Quyên, Nguyễn Ngọc Minh, kết quả xác minh của Cơ quan điều tra cũng cho thấy, không có người thật tại các địa chỉ nêu trên.

Ngoài các công ty đã nêu, trên địa bàn TP HCM còn nhiều công ty "ma" đã bị Cơ quan CSĐT lật tẩy như: Công ty TNHH TM SX DV XNK Lâm Đạt (P.11, Q.Gò Vấp), Công ty TNHH TM DV GN VT Thanh Long (P.17, Q.Gò Vấp), Công ty TNHH TM DV XNK Nam Phát Lộc (P.11, Q.Gò Vấp), Công ty TNHH XD TM DV Mimosa (quận Thủ Đức), Công ty TNHH TM SX XNK Vương Hưng Thịnh (P. Đông Hưng Thuận, Q.12), Công ty TNHH TM DV & XD Huỳnh Thy (P.2, Q. Tân Bình)...

Trong số các công ty này, hầu hết những người đứng tên trên giấy phép, làm giám đốc và là người đại diện trước pháp luật đều là người "ảo", đã "biến mất" khỏi địa phương hoặc địa chỉ thường trú là những địa chỉ "ma"?

Thâu tóm các công ty "ma"

Với những công ty "ma" nói trên, sau khi thành lập một thời gian đều được Nguyễn Văn Nhi (38 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Hưng Thịnh) thu mua lại để dùng vào mục đích kinh doanh hóa đơn GTGT trái phép. Nhi khai nhận, đã mua pháp nhân các công ty "ma" trên với giá 15-30 triệu đồng/công ty. Sau đó, Nhi cử người đến Chi cục Thuế quận, huyện hoặc Cục Thuế TP mua các quyển hóa đơn GTGT.

Đồng thời, Nhi chỉ đạo Huỳnh Trung Hiếu (nghề tự do) thu thập thông tin về nội dung cần ghi khống lên tờ hóa đơn rồi giao cho Lê Thị Ngọc Anh (kế toán) viết nội dung, ký giả chữ ký "giám đốc" công ty và đóng dấu. Hồ sơ sau khi hoàn chỉnh Ngọc Anh sẽ giao lại cho Huỳnh Trung Hiếu để đem tiêu thụ.

Sau khi xuất khống hóa đơn từ các công ty "ma", để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Nhi quan hệ với một số đối tượng để mua hóa đơn của các doanh nghiệp, ghi khống giá trị hàng hóa dịch vụ (bao gồm giá trị trước thuế và thuế GTGT) với giá 1% đến 1,5% trên giá trị doanh số trước thuế làm đầu vào kê khai, khấu trừ thuế và bán ra với giá từ 1,2% đến 1,7%, hưởng chênh lệch 0,2%".

Riêng các công ty "ma" còn nợ thuế Nhà nước nên không mua được hóa đơn, Nguyễn Văn Nhi đã bỏ tiền ra đóng thuế giúp, sau đó xin hồ sơ pháp nhân và con dấu của các công ty này để điều hành.

Cũng theo lời khai của Nhi: Khi biết Công ty Gia Đại Hải còn nợ thuế Nhà nước 20 triệu đồng, Nhi đã xin hồ sơ pháp nhân và con dấu của công ty này, sau đó cử người đến Cục Thuế TP HCM đóng tiền nợ thuế và mua 21 quyển hóa đơn GTGT. Sau đó, đem bán tổng cộng 1.014 tờ hóa đơn ghi khống nội dung trị giá là gần 231 tỉ đồng (bao gồm giá trị trước thuế và thuế GTGT) cho các đơn vị, cá nhân trên địa bàn TP HCM và các tỉnh. Tương tự, Nhi cũng đóng phần nợ thuế 16 triệu đồng của Công ty Vương Hưng Thịnh và tiếp tục mua 58 quyển hóa đơn, bán cho 917 đơn vị, cá nhân, ghi khống nội dung, trị giá gần 695.6 tỉ đồng.

Theo Cơ quan CSĐT, từ năm 2007 đến ngày 16/11/2010, Nhi đã điều hành 10 công ty "ma", mua 231 quyển hóa đơn GTGT, ghi khống nội dung, trị giá hơn 3.160 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 5,8 tỉ đồng; Theo báo cáo của các đơn vị quản lý thuế, các doanh nghiệp bán hóa đơn đầu vào để hợp thức cho các công ty "ma" của Nhi hoạt động, đến nay hầu hết đều đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.

... cùng "rút" tiền thuế Nhà nước nhiều tỉ đồng

Trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT do Nguyễn Văn Nhi điều hành, ngoài các đối tượng đã nêu trên còn có sự tham gia tích cực của Huỳnh Thị Thiên Hương, chuyên cung cấp hóa đơn khống để các doanh nghiệp hợp thức hóa hàng mua trôi nổi, hàng lậu…

Huỳnh Thị Kim Duyên (nhân viên DNTN SX TM DV Vĩnh An), Hoàng Ngọc Phương (nhân viên kế toán Công ty Vẫn Xanh Màu Áo) và Phạm Thị Yến Nhi. Chỉ riêng "đơn đặt hàng" của khách hàng Dương Kim Kết (Giám đốc Công ty Vẫn Xanh Màu Áo).

Theo khai nhận của Huỳnh Thị Thiên Hương: "Khi nhận được "đơn đặt hàng của Dương Kim Kết, Hương mua hóa đơn GTGT của Nguyễn Văn Nhi với các mức giá 3,2%; 3,5% và 3,8% và bán lại cho Kết với giá cao hơn để hưởng chênh lệch 0,2% trên giá trị trước thuế".

Các chủ doanh nghiệp gồm: Dương Kim Kết, Nguyễn Bá Hiền, Huỳnh Văn Hoàng, Châu Nam Dương cũng đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình và đã khai nhận: Trong quá trình kinh doanh, có một số giấy và máy móc cũ mua trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn đầu vào, nhưng khi bán ra thì phải xuất hóa đơn cho người mua hàng. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp này mới thông qua Hương và Kết để mua số lượng lớn hóa đơn GTGT trên ghi khống nội dung, trị giá, để hợp thức hóa hàng hóa mua trôi nổi nhằm kê khai trốn thuế.

Với hành vi phạm tội như trên, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đề nghị truy tố 11 bị can gồm: Nguyễn Văn Nhi, Lê Thị Ngọc Anh, Huỳnh Trung Hiếu, Huỳnh Thị Thiên Hương, Hoàng Ngọc Phương và Phạm Thị Yến Nhi về tội "Mua bán trái phép hóa đơn"; Dương Kim Kết, Huỳnh Thị Kim Duyên, Châu Nam Dương, Huỳnh Văn Hoàng về tội "trốn thuế"

Ngân Hà
.
.