Loạt tấn công khủng bố tại Paris mới chỉ là bắt đầu?

Thứ Hai, 23/11/2015, 10:55
Điều bất ngờ nhất trong vụ tấn công đẫm máu lần này là mức độ nghiêm trọng, quy mô và khả năng phối hợp của các phần tử tổ chức khủng bố. Liệu có phải bằng cách này tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang quyết tâm trở thành một lực lượng thánh chiến có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, đủ sức bành trướng và vươn xa hơn phạm vi "capliphate" - vương quốc Hồi giáo mà chúng tự dựng lên.

Thử lý giải sự bành trướng của IS

Ai cũng biết trong những tháng qua, ngoài việc tăng cường an ninh nội địa, Pháp đã can dự khá sâu và ngày càng quyết liệt vào chiến dịch chống khủng bố. Pháp thậm chí còn công khai tuyên bố tiêu diệt tổ chức IS. Paris đã sử dụng không quân tấn công cơ sở của IS ở Iraq và không kích vào các mục tiêu của chúng ở Syria.

Gần đây nhất, Tổng thống Pháp Francois Hollande còn tuyên bố sẽ đưa tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp áp sát vùng biển gần Syria để hỗ trợ cho các cuộc không kích. Cụ thể, máy bay Pháp đã tấn công vào cơ sở dầu mỏ, nơi mà Pháp tin là nguồn tài chính nuôi dưỡng sự tồn tại của tổ chức này.

Theo giới phân tích, việc Pháp can dự sâu và ngày càng quyết liệt, đồng thời huy động lực lượng tinh nhuệ để tấn công IS càng kích động phản ứng tiêu cực từ nhóm Hồi giáo cực đoan này. Qua đó, IS có thể đạt được rất nhiều mục đích mà một trong số đó là gia tăng thanh thế và thu hút thêm nhiều tân binh. Bên cạnh đó, chúng còn có thể khoét sâu hơn sự chia rẽ giữa cộng đồng người Hồi giáo và phi Hồi giáo tại châu Âu, đẩy phương Tây vào tình thế ngặt nghèo khi buộc phải cân nhắc có dấn thân hay không vào những xung đột mà IS coi là một cuộc thánh chiến Hồi giáo tại Syria và Iraq.

Paris tăng cường an ninh sau vụ khủng bố.

Diễn ra ngay sau khi IS tuyên bố bắn hạ máy bay dân sự Nga ở Ai Cập và tiến hành các vụ đánh bom liều chết ở Liban và Thổ Nhĩ Kỳ, các vụ tấn công ngay giữa trung tâm thủ đô Paris phản ánh thực tế là tổ chức cực đoạn này đã có bước chuyển hướng quan trọng sang cách tiếp cận mang tính toàn cầu, và nhiều chuyên gia dự đoán điều này sẽ còn tiếp tục trở nên rõ ràng hơn.

Bilal Saab, một nhà nghiên cứu cấp cao phụ trách mảng An ninh Trung Đông thuộc Trung tâm An ninh Quốc tế Brent Scowcroft, nhận định: "Chúng muốn phát đi thông điệp rằng đây là một cuộc chiến mở, không bị giới hạn trong các vùng chiến sự ở Iraq và Syria".

Thay đổi cuộc chơi?

Các hoạt động của IS bên ngoài những khu vực mà chúng tuyên bố là thuộc "caliphate" tại Syria và Iraq không phải là chưa từng có tiền lệ. Các nhóm chân rết của tổ chức này đã tiến hành nhiều vụ tấn công tại Trung Đông và Bắc Phi. Bên cạnh đó, nhiều vụ tấn công trong khu vực hiện cũng được cho là do các phần tử trung thành với IS tiến hành. Tuy nhiên, những vụ giết người hàng loạt trên khắp thế giới - và hiện giờ là ngay ở trái tim châu Âu - cho thấy bản chất và phạm vi hoạt động của tổ chức này đã thay đổi.

Một khả năng được nhiều nhà phân tích tính đến là do IS đã nhận thấy tình hình đang có bước ngoặt quan trọng khi Nga quyết định can thiệp vào cuộc chiến ở Syria 2 tháng trước đây. Sau các nỗ lực nửa vời của liên minh do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS, sự can thiệp của quân đội Nga thời gian qua có thể đã trở thành một nhân tố khiến cuộc chơi thay đổi.

Các vụ tấn công ở nước ngoài giúp IS truyền bá thông điệp rằng, IS là lực lượng có nhiều ảnh hưởng và đủ sức thay thế al-Qaeda, tổ chức khủng bố từng tuyên bố nắm giữ vai trò lãnh đạo phong trào thánh chiến Hồi giáo toàn cầu song đang mất dần thanh thế trong những năm gần đây. Giới phân tích cho rằng, IS đang triển khai song song hai chiến lược, vừa tích cực xây dựng "caliphate", vừa thể hiện bản thân là "nhà lãnh đạo toàn cầu của lực lượng thánh chiến Hồi giáo", thay thế Al-Qaeda. Giới quan sát đánh giá rằng các vụ tấn công giết người hàng loạt mà IS tiến hành là nhắm tới nhiều mục tiêu khác chứ không đơn thuần chỉ là phô trương sức mạnh.

Có ý kiến cho rằng: tổ chức này đang tìm cách gia tăng các cuộc tranh cãi về Hồi giáo tại châu Âu, và từ đó, tìm cách chiêu mộ thêm các tân binh xuất thân từ chính lục địa này. Không chỉ vậy, có thể điều mà IS làm cũng là để bù đắp những thiệt hại mà chúng đang phải hứng chịu tại Syria và Iraq, cho dù những vụ tấn công như tại Paris vừa qua đã được lên kế hoạch từ trước. Trong nhiều tháng qua, IS đã bị đánh bật khỏi nhiều vùng lãnh thổ chiếm đóng.

một nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ở Paris đang được chăm sóc y tế.

Ông Hassan cho rằng chiến sự tại những vùng mà IS chiếm được ở  Iraq và Syria đang có dấu hiệu "bão hòa", và IS cũng không có nhiều lãnh thổ để hoành hành như trước. Điều này đã khiến chúng quyết định giành thời gian, công sức và các nguồn lực để hoạt động ở bên ngoài.

Trong khi đó, một số nhà phân tích khác lại chỉ ra một mục tiêu khác mà IS có thể đang nhắm tới là buộc phương Tây phải triển khai bộ binh. Theo ông, mặc dù nhiều người phương Tây cho rằng đây là cách duy nhất để tiêu diệt tổ chức này, song "IS chắc chắn cũng sẽ rất muốn kịch bản này xảy ra bởi đó mới là cuộc chiến mà chúng kích động?”.

Theo các nhà phân tích, với việc IS đang tìm cách vượt qua các rào cản an ninh quốc tế để tiến hành nhiều hơn các vụ tấn công tương tự như vừa xảy ra tại Paris, chiến thuật của chúng chắc chắn sẽ ngày càng tinh vi hơn, và các mục tiêu cũng sẽ lớn hơn. Với mục tiêu tiến hành một cuộc tấn công quy mô, tác động tới mọi khía cạnh xã hội…, những gì diễn ra tại Paris vừa qua phải chăng mới chỉ là điểm khởi đầu?.

Vì sao khủng bố dễ dàng tấn công nước Pháp?

Kể từ khi IS tuyên bố thành lập ngày 29/6/2014, cùng với Mỹ, Pháp xuất hiện như là mục tiêu chính cho công cuộc tuyên truyền thánh chiến với những lời kêu gọi bằng nhiều hình thức nhằm thực hiện các vụ giết người, đặc biệt là việc tuyển mộ chiến binh cho một cuộc chiến lâu dài nhằm mở rộng lãnh thổ.

IS quan tâm đến Pháp vì đây là nước có cộng đồng Hồi giáo đông nhất ở châu Âu; vì các hành động can thiệp quân sự được cho là thù địch với người Hồi giáo.

Những ứng viên tham gia thánh chiến được tuyên truyền thông qua ba kênh: mạng xã hội, các tạp chí trực tuyến và các băng hình. Twitter là phương tiện tuyên truyền chính của IS với hàng chục nghìn tài khoản đăng tải thông tin thu hút người dùng Internet.

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 vừa qua của Viện Brookings, tiếng Pháp là ngôn ngữ được sử dụng đứng thứ ba với 6% số lượng tài khoản được sử dụng để tuyên truyền về thánh chiến, sau tiếng Anh (18%) và tiếng Arập (73%).

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Pháp cập nhật đến cuối tháng 7, kể từ khi cuộc xung đột tại Syria bắt đầu vào tháng 3/2011, 910 người Pháp bị quyến rũ bởi những phát ngôn có tính mê hoặc của IS đã đến quốc gia này để tham gia thánh chiến.

Tỉ lệ các chiến binh người Pháp chết tại Syria đã tăng lên đột biến trong những tháng gần đây. Tính từ tháng 7/2014 đến nay, số người Pháp đến Syria tăng 44%, nhưng số người chết đã tăng lên 280%. Hơn 50 người Pháp thiệt mạng kể từ đầu năm đến nay tại Syria, trung bình 7 người chết/tháng, con số này bằng cả năm 2014. Theo Bộ Nội vụ Pháp, con số trên cho thấy hành trình tới Syria là "hành trình đến với cái chết".

Bên cạnh việc trúng bom của các đợt không kích do Liên minh quốc tế chống IS thực hiện, các chiến binh người Pháp còn bỏ mạng trong các cuộc giao tranh chống lại quân nổi dậy Syria, lực lượng Hồi giáo Jabhat Al-Nusra và trong cuộc chiến chống lại người Kurd nhằm kiểm soát thành phố Kobani.

Tuy nhiên, điều làm các nhà chức trách Pháp lo ngại nhất là ngày càng nhiều phần tử thánh chiến người Pháp tham gia các vụ tấn công tự sát. Trong số 11 vụ tấn công tự sát được thực hiện bởi người Pháp từ trước đến nay thì gần chục vụ diễn ra từ đầu năm đến nay. Hơn một nửa số vụ được thực hiện bởi những người Pháp cải sang đạo Hồi.

Tháng 10/2013, Pierre C., 19 tuổi đã rời bỏ ngôi nhà của mình tại tỉnh Haute-Saône, vùng Franche-Comté, phía đông nước Pháp để sang Syria. Khi ra đi, Pierre C. để lại bức thư: "Bố, mẹ, con ra đi để giúp đỡ người dân Syria. Bố mẹ đừng lo lắng, con sẽ thông tin cho bố mẹ bất kỳ khi nào con có thể". Dưới cái tên mới là Abu Talha Al - Faransi, chàng trai này đã đánh bom tự sát vào một căn cứ quân sự ở Tikrit vào tháng 2/2015, Iraq. Báo cáo của Bộ Nội vụ Pháp cũng cho biết, bên cạnh con số gần 500 người Pháp vẫn ở lại Syria, 290 người muốn quay về, trong đó 223 người đã trở về Pháp.

Vụ khủng bố tại nhà hát Bataclan đêm 13/11 vừa qua.

Nhà giam là nơi dung dưỡng tư tưởng cực đoan

"Nhà tù là môi trường thuận lợi nhất để các phần tử Hồi giáo cực đoan tuyên truyền và nhồi sọ các thanh niên không may bị bắt vào đây. Mỗi lần vào thăm con là mỗi lần tôi nhận thấy nó có sự thay đổi. Nó cùng rất nhiều bạn tù để râu, mặc áo chùng và luôn mang theo thảm cầu nguyện bên mình. Điều này thật nguy hiểm", bà Liliane nói với báo chí về Geoffrey, con nuôi của bà 24 tuổi.

Bị bố mẹ ruột bỏ rơi từ khi mới 4 tháng tuổi, dù được mẹ nuôi hết mực yêu thương, Goeffrey không thể tự tin trong học tập vì mặc cảm về xuất thân của mình. Do kết quả học tập kém, Geoffrey dần tỏ ra chán nản, thường xuyên bỏ học, giao du với những thanh niên lêu lổng, không nghề nghiệp trong các khu phố của thủ đô Paris và sa vào con đường nghiện ngập lúc nào không hay.

Geoffrey bị cảnh sát bắt giam vì tội buôn bán ma túy. Theo bà Liliane, chính quãng thời gian ngồi sau song sắt nhà giam Villepinte ở Saint-Denis đã khiến Geoffrey bị cực đoan hóa. Sau khi ra tù, tháng 9/2014, Geoffrey bỏ nhà đi và bắt đầu mối quan hệ với các đối tượng Hồi giáo cực đoan. Đây là quãng thời gian đáng sợ nhất với bà Liliane. Bà luôn phải đối mặt với khả năng con trai sẽ vượt biên sang Syria bất cứ lúc nào.

Lo sợ cho tương lai của con, bà Liliane đã nhờ luật sư đưa Geoffrey vào một trung tâm chống cực đoan hóa tâm lý tại Saint-Denis. Tại đây, Geoffrey và rất nhiều thanh niên trở về từ Syria được trải qua các khóa huấn luyện tâm lý. "Tôi đã thấy nó thay đổi rõ rệt, nó không còn mang theo thảm cầu nguyện và đã có bạn gái", bà Liliane nói, đồng thời khẳng định bà như được sống lại lần nữa vì sự tiến bộ của con. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, tháng 5/2015, Geoffrey một lần nữa bị bắt và bị kết án 3 năm tù vì tội môi giới mại dâm.

"Tôi nghĩ cậu ta đã thực sự muốn quên đi những thứ cực đoan và muốn thay đổi cuộc sống, nhưng thật không may, nguy cơ khủng bố một lần nữa lại hiện hữu khi cậu ta phải quay lại nhà tù" - một giáo viên từng huấn luyện Geoffrey cho hay. Không ai có thể chắc chắn được trạng thái tâm lý của Geoffrey sẽ như thế nào khi mãn hạn tù. Với những biểu hiện như người mẹ mô tả thì khả năng Geoffrey quay lại với khủng bố là rất cao, các chuyên gia nhận định.

"Giống như nghiện ma túy, một khi tái nghiện thì con nghiện khó có thể từ bỏ nó"- một chuyên gia về Hồi giáo cực đoan cho biết. Geoffrey chỉ là một trường hợp điển hình, nước Pháp hiện có khoảng 7.000 thanh niên khác có nhiều khả năng cũng sẽ ngả theo con đường cực đoan và bạo lực, nguy cơ gây ra các vụ khủng bố đẫm máu bất cứ lúc nào.

Bảo Trân - Văn Nguyễn (tổng hợp)
.
.