Lời nói dối châm ngòi thảm kịch chặt đầu thầy giáo

Thứ Ba, 16/03/2021, 14:36
Ngày 10-3-2021, cả nước Pháp bàng hoàng khi cô bé 13 tuổi (được báo chí Pháp đặt biệt danh là Z), học sinh của giáo viên lịch sử Samuel Paty bị chặt đầu hồi tháng 10-2020 với cáo buộc phỉ báng Nhà tiên tri Mohammed, thừa nhận nói dối về việc bị yêu cầu rời khỏi lớp học trong khi giáo viên cho xem hình ảnh của Nhà tiên tri.

Cô bé cho biết, vì muốn cha không phát hiện ra mình bị đình chỉ học nên cô đã bịa ra câu chuyện rằng giáo viên lịch sử của cô là thầy Samuel Paty, hướng dẫn các học sinh Hồi giáo rời khỏi lớp học để ông có thể cho các học sinh khác xem “bức ảnh Nhà tiên tri Mohammed khỏa thân”. Đó sẽ chỉ là một lời nói dối vô hại nếu như nó không trở thành cái cớ để những kẻ cực đoan ở Pháp khơi mào một chuỗi sự kiện dẫn đến sự kinh hoàng không thể tưởng tượng nổi.

Sự thật cay đắng

Tờ Le Parisien tiết lộ rằng, Z thừa nhận nói dối bố là để hợp thức hóa việc cô vắng mặt tại lớp nhưng những sự việc đau lòng xảy ra sau đó đã khiến cô bị hoảng loạn. Z thú nhận với thẩm phán điều tra chống khủng bố rằng cô buộc tội sai thầy Samuel Paty, nói dối và thậm chí không ở trong lớp học nơi thầy giáo lịch sử này cho học sinh xem những bức tranh biếm họa gây tranh cãi từ tờ báo châm biếm Charlie Hebdo. “Cô bé không dám thú nhận với cha những lý do thực sự khiến cô ấy bị cho nghỉ học ngay trước khi xảy ra thảm kịch, mà thực tế có liên quan đến hành vi xấu của cô ấy”, tờ Le Parisien đưa tin đồng thời nhắc lại sự kiện xảy ra ngày 6-10-2020.

Thầy giáo Samuel Paty.

Khi đó, giáo viên lịch sử và địa lý Samuel Paty đã cho lớp học về chủ đề “tình huống khó xử”. Thầy giáo đã đặt ra câu hỏi “trở thành hay không trở thành Charlie?” và đề cập đến hashtag JeSuisCharlie được sử dụng để bày tỏ sự ủng hộ đối với tờ báo sau một cuộc tấn công khủng bố vào văn phòng hồi tháng 1-2015 khiến 12 người thiệt mạng. Thầy Samuel Paty được cho là đã mời các học sinh Hồi giáo nhắm mắt hoặc ra ngoài hành lang trong khi ông cho các học sinh khác xem bức tranh biếm họa về Nhà tiên tri Mohammed.

Hai ngày sau, tức 8-10-2020, Z kể với cha mình rằng, Samuel Paty đã yêu cầu các học sinh Hồi giáo rời khỏi lớp học trước khi cho xem bức tranh biếm họa. Để thêm thắt vào câu chuyện bịa của mình, Z đã nói rằng cô ấy bày tỏ sự không đồng tình với giáo viên và bị thầy giáo đình chỉ học trong hai ngày.

Tội ác dưới vỏ bọc tôn giáo

Sau khi nghe câu chuyện của con gái, ông Brahim Chnina (48 tuổi) người Maroc, đã nộp đơn khiếu nại thầy Samuel Paty đồng thời phát động một chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội chống lại những người đối xử phân biệt với người theo đạo Hồi.

Vừa chia sẻ một đoạn video trên Facebook tố cáo thầy giáo Samuel Paty, ông Brahim Chnina vừa kêu gọi sa thải thầy giáo này khỏi trường trung học ở Conflans-Sainte-Honorine. Một video thứ hai, cũng tức giận không kém đã được đăng trên mạng xã hội, cáo buộc thầy Samuel Paty "phân biệt đối xử". Chưa hết, ông Brahim Chnina còn khiếu nại với nhà trường và cảnh sát, cáo buộc thầy Samuel Paty đã phạm tội “phát tán một hình ảnh khiêu dâm” và làm dấy lên cáo buộc về chứng sợ người Hồi giáo tại trường.

Người Pháp tưởng niệm thầy giáo Samuel Paty. Ảnh: Getty.

Vụ việc được lan truyền trên mạng xã hội và đến tai Abdullakh Anzorov, 18 tuổi, một người Chechnya di cư cực đoan sống ở Normandy. Ngày 16-10-2020, Anzorov đến Conflans-Sainte-Honorine, trả tiền cho hai thiếu niên của trường để xác định chính xác người nào là Samuel Paty. Khi thầy giáo này rời nhà vào tối thứ 6, Anzorov đã chặn đường, đánh và chặt đầu ông. Vậy là, một lời nói dối tưởng chừng vô hại đã dẫn đến cái chết của một người đàn ông và là cha của một cậu bé 5 tuổi.

Cô bé 13 tuổi kia được cho là bị mắc kẹt với câu chuyện của mình cho đến khi cảnh sát nói chuyện với một số bạn học của cô và được xác nhận rằng cô không có mặt trong buổi học và thầy Samuel Paty cũng không hướng dẫn các học sinh Hồi giáo rời khỏi lớp học như cô đã tuyên bố. Các nhà điều tra cho biết cô bé bị "mặc cảm" và làm mọi việc chỉ vì cha mình.

“Cô ấy nói dối vì cảm thấy bị mắc kẹt trong vòng xoáy vì các bạn cùng lớp đã yêu cầu cô ấy làm người phát ngôn. Cô ấy sẽ không dám thú nhận với cha mình về lý do thực sự khiến cô ấy bị ra khỏi lớp học ngay trước khi xảy ra thảm kịch, mà thực tế là có liên quan đến hành vi xấu của cô ấy", tờ Le Parisien đưa tin.

Luật sư của Z là Mbeko Tabula cũng khẳng định, sức nặng của thảm kịch không nên đè lên vai một cô bé chưa đủ tuổi thành niên. “Chính hành vi thái quá của người cha, tạo và đăng video buộc tội thầy Samuel Paty đã dẫn đến vòng xoáy này. Thân chủ của tôi đã nói dối, nhưng ngay cả khi điều đó là sự thật, phản ứng của cha cô ấy vẫn không cân xứng", Mbeko Tabula nói với tờ Le Parisien.

Sau vụ sát hại thầy giáo Samuel Paty, nước Pháp đã được đặt trong tình trạng báo động an ninh.

Cái chết của thầy giáo Samuel Paty đã làm rúng động nước Pháp. Gia đình của Samuel Paty bị tàn phá nặng nề, nước Pháp bị chấn thương và giới trẻ Pháp cũng bị sang chấn tinh thần. Hiện Z đang phải đối mặt với các cáo buộc hình sự.

Người cha Brahim Chnina cũng bị điều tra về tội "đồng lõa trong một vụ giết người khủng bố", thì nói với cảnh sát trong nước mắt rằng ông ta "ngu ngốc, quá ngu ngốc". “Tôi chưa bao giờ nghĩ tin nhắn của mình sẽ bị bọn khủng bố nhìn thấy. Tôi không muốn làm hại bất kỳ ai bằng tin nhắn đó. Thật khó để tưởng tượng bằng cách nào mà câu chuyện lại đi quá xa như vậy và chúng tôi đã mất một thầy giáo lịch sử. Mọi người đều đổ lỗi cho tôi”, Brahim Chnina nói. Hai thiếu niên khác, những người đã lấy tiền từ sát thủ, Abdullakh Anzorov, cũng đang bị điều tra.

Và sự thất bại trong việc giám sát mạng xã hội

Cho đến nay, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 11 người liên quan đến vụ sát hại thầy giáo Samuel Paty, trong đó có 4 người thân của Abdullakh Anzorov. Và dù cuộc điều tra đã được khẩn trương tiến hành từ tháng 10 nhưng làn sóng phẫn nộ vẫn trỗi dậy mạnh mẽ ở Pháp nhất là sau lời thú tội của Z. Nhiều nhà phân tích cho rằng, lỗi của Z và người cha là rất lớn nhưng lực lượng an ninh Pháp cũng phạm sai lầm không nhỏ trong vụ việc này.

Bạo lực diễn ra trên khắp nước Pháp sau vụ thầy giáo Samuel Paty bị đối tượng Hồi giáo cực đoan chặt đầu.

Một báo cáo thanh tra công bố hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy, trước khi xảy ra vụ chặt đầu, bất chấp việc Hiệu trưởng của trường báo cáo lo ngại về các bài đăng mang tính chất bạo lực ngày càng nhiều nhắm vào giáo viên Samuel Paty trên Facebook và Twitter, cơ quan an ninh Pháp vẫn không đánh giá được mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

 "Thầy Samuel Paty có lý khi cho các học sinh của mình xem những bức tranh biếm họa gây tranh cãi về nhà tiên tri Muhammad từ tờ báo châm biếm Charlie Hebdo, trong một buổi thảo luận ở lớp về giáo dục công dân và đạo đức về chủ đề có tựa đề “Một tình thế tiến thoái lưỡng nan: trở thành Charlie”. Thực tế của việc thể hiện các bức tranh biếm họa không có gì phải bàn cãi. Nhưng việc mời học sinh rời đi để tránh cho chúng nhìn thấy những bức tranh biếm họa, ngay cả với mục đích tốt nhất và trong khuôn khổ của một phương pháp sư phạm được xây dựng vẫn là một lỗi không đáng có", báo cáo của thanh tra có đoạn viết.

Báo cáo thanh tra cũng chỉ rõ, 10 ngày sau vụ việc, một chiến dịch nhằm làm mất uy tín của Samuel Paty và thuyết phục nhà trường sa thải thầy đã diễn ra một cách đáng sợ. Mọi chuyện bắt đầu vào buổi tối sau buổi học, khi Brahim Chnina tuyên bố trên mạng xã hội rằng giáo viên đã yêu cầu tất cả học sinh Hồi giáo giơ tay và rời khỏi lớp. Người cha này đã kêu gọi các bậc phụ huynh khác tham gia với mình để yêu cầu Samuel Paty bị sa thải, và sau đó lặp lại cáo buộc sai trái trên mạng xã hội. Đơn kiện cũng được gửi đến nhà thờ Hồi giáo địa phương và tổ chức Hồi giáo quốc gia, Collectif Contre lislamophobie en France.

Hiệu trưởng và một đồng nghiệp lo lắng trước những tuyên bố sai sự thật và những lời đe dọa lan truyền trên internet, đã đến thăm Samuel Paty tại nhà và khuyên ông không nên đi bộ đến trường mà nên đi bằng ô tô. Người đứng đầu nhà trường cũng liên lạc với cảnh sát và các cơ quan tình báo khu vực, những người “đã đánh giá thấp vấn đề”, báo cáo chỉ rõ và khẳng định, không ai có thể lường trước được "kết cục bi thảm" về hiệu ứng ném tuyết của tin tức giả mạo lan truyền trên internet.

Nhưng nó vẫn xảy ra và lời khuyên duy nhất là phải tăng cường quyền lực của các đơn vị giám sát mạng xã hội.

Châu Anh
.
.