Lừa tiền trên mạng xã hội: Vì sao nhiều người mắc bẫy?

Thứ Ba, 06/06/2017, 14:52
Sự phát triển “nóng” của mạng xã hội trong thời gian qua mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng song cũng bị đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo. Thủ đoạn của tội phạm chủ yếu nhằm vào tâm lý hám rẻ, ham lợi của người dùng mạng nhẹ dạ, thiếu hiểu biết...

Giả mạo Facebook bán hàng online, chiếm đoạt hàng trăm triệu        

Ngày 30-5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội cho biết vừa phối hợp Cơ quan CSĐT Công an TP Sông Công (Thái Nguyên) khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 đối tượng Tạ Tuấn Anh (23 tuổi) và Nguyễn Quốc Cường (20 tuổi) cùng ở TP Sông Công, về hành vi giả mạo các trang Facebook kinh doanh online để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền trên 200 triệu đồng.

Mặc dù nhỏ tuổi hơn nhưng Nguyễn Quốc Cường lại là “thầy” hướng dẫn Tạ Tuấn Anh phương thức lừa đảo “công nghệ cao” này. Quá trình điều tra làm rõ từ tháng 6-2016, Cường là “con nghiện” trò chơi điện tử ở các quán Internet nên thường xuyên lên mạng tìm hiểu các thủ đoạn của tội phạm công nghệ để học theo. Cường đã copy hình ảnh để lập 5 trang Facebook giả mạo tài khoản cá nhân của những người kinh doanh trực tuyến các mặt hàng như điện thoại, sim số, các loại tiền ảo (tiền sử dụng trong game online)... Đây là những người kinh doanh online đã tạo được uy tín trên cộng đồng mạng.

Sau đó, Cường sử dụng những tài khoản Facebook giả mạo này vào các diễn đàn, hội nhóm có số lượng đông người tham gia trên mạng xã hội Facebook để thực hiện hành vi lừa đảo bán hàng, chiếm đoạt tài sản thông qua việc làm giả hình ảnh chuyển khoản, hình ảnh thông báo số dư tài khoản của ngân hàng bằng kỹ thuật Photoshop.

Bước đầu, theo khai nhận của Nguyễn Quốc Cường thì bằng thủ đoạn trên, Cường đã thực hiện thành công khoảng 20 vụ lừa đảo. Trong đó, cơ quan điều tra làm rõ  chỉ trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2017, Cường đã gây ra 4 vụ lừa, chiếm đoạt khoảng 130 triệu đồng. Cả 4 bị hại đều trú trên địa bàn Hà Nội, người bị lừa nhiều nhất là trên 70 triệu đồng.

Trần Thị Bích Tuyền tại cơ quan điều tra.

Sau khi được Nguyễn Quốc Cường hướng dẫn “công nghệ lừa đảo”, Tạ Tuấn Anh cũng tạo lập 6 trang Facebook giả mạo các cá nhân kinh doanh online có uy tín, thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng trên mạng. Để tránh sự phát hiện, Tuấn Anh sử dụng thông tin tài khoản ngân hàng của 4 người khác trong quá trình giao dịch với bị hại. Số tiền chiếm đoạt của các cá nhân được Tuấn Anh quy đổi thành loại tiền ảo RIK (đơn vị tiền ảo trong trò chơi TIP CLUB), sau đó bán tiền ảo để lấy tiền mặt chuyển về 2 tài khoản ngân hàng mang tên 2 người thân của Tuấn Anh. Từ đó, Tuấn Anh sử dụng thẻ ATM ra các cây rút tiền tự động rút tiền mặt.

Theo Cơ quan công an, từ khi “học nghề” do Nguyễn Quốc Cường dạy vào tháng 12-2016 đến thời điểm cơ quan điều tra phát hiện (tháng 3-2017), Tuấn Anh đã thực hiện thành công 15 vụ lừa đảo, chiếm đoạt khoảng trên 60 triệu đồng.

Cảnh sát công nghệ cao cho biết, Tạ Tuấn Anh và Nguyễn Quốc Cường đều là những thanh niên hư hỏng, quen chơi bời hưởng thụ nên số tiền chiếm đoạt được của khách hàng đều sử dụng chi tiêu cá nhân hết. Trong đó, Cường là đối tượng vừa  nghiện ma túy “đá”, vừa nghiện cờ bạc online. Có lần, Cường sử dụng tiền chiếm đoạt được từ hành vi lừa đảo để đánh bạc trên mạng và trúng 2 tỷ đồng. Số tiền lớn này được anh ta tiêu xài chóng vánh như đi bar, “đập đá”, mua xe máy đắt tiền và tiếp tục ném hết vào cờ bạc.

Theo khai nhận của các đối tượng thì quá trình giả mạo các trang Facebook bán hàng có uy tín, để lừa được người mua, Tuấn Anh và Cường rao bán các mặt hàng thấp hơn giá thị trường và giá hàng cùng loại của những người đang kinh doanh online. Đặc biệt là thủ thuật làm giả các tin nhắn, phiếu chuyển tiền của ngân hàng bằng kỹ thuật Photoshop, sau đó chụp lại màn hình gửi cho khách hàng đã khiến không ít người sập bẫy. Thực tế thì không có bất cứ giao dịch chuyển tiền nào diễn ra.

Cảnh báo 5 thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên mạng xã hội  

Đại diện cảnh sát công nghệ cao Công an TP Hà Nội cho biết, hành vi giả mạo các trang Facebook bán hàng có uy tín như vụ án trên để chiếm đoạt tài sản là 1 trong 5 thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên mạng xã hội Facebook trong thời gian qua, đã được cảnh sát công nghệ cao thống kê  thông qua các vụ việc đấu tranh, khám phá.

Gây thiệt hại lớn nhất là thủ đoạn tự xưng là người nước ngoài kết bạn trên mạng, giả vờ gửi quà tặng có giá trị cao, sau đó giả làm nhân viên sân bay, hải quan yêu cầu nộp lệ phí để nhận quà rồi chiếm đoạt. Trong 3 năm qua, Phòng PC50 đã tiếp nhận 74 đơn trình báo của người bị hại với thiệt hại 26,5 tỷ đồng và 277.970 USD. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều, song tình trạng lừa đảo này vẫn không chấm dứt.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, Công an Hà Nội tiếp nhận 10 đơn trình báo với số tiền bị chiếm đoạt là 1,565 tỷ đồng và 121.800 USD.  Mới đây nhất, cuối tháng 5-2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thị Bích Tuyền (35 tuổi, trú tại xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang), là một nghi phạm quan trọng trong ổ nhóm chuyên giăng bẫy các phụ nữ nhẹ dạ trên Facebook bằng chiêu trò giả danh một người nước ngoài có tên Patrick Paul, lừa đảo tặng quà để chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, năm 2005, Tuyền chơi hụi và cho vay nặng lãi dẫn đến vỡ nợ phải bỏ trốn, xuất cảnh sang Malaysia. Trong thời gian ở đây, Tuyền quen một phụ nữ tên Thúy, cả hai bàn bạc việc sử dụng mạng xã hội Facebook, lập một tài khoản có tên Patrick Paul, tự giới thiệu là lính Mỹ đang đóng quân tại Afghanistan để lừa đảo người dùng Facebook tại Việt Nam. Một trong những nạn nhân của nhóm lừa đảo do Tuyền tham gia là bà Đặng Thị M. (ở Hạ Long, Quảng Ninh).

Cuối tháng 4-2017, bà M. bị nhóm lừa đảo của Tuyền dùng tài khoản Facebook Patrick Paul  kết bạn. Sau một thời gian, “lính Mỹ” tiết lộ được cơ quan an ninh Mỹ cho 1,2 triệu USD, nhờ bà M. nhận hộ tại Việt Nam để không bị đóng thuế, đồng thời sử dụng số tiền này để lo việc kết hôn giữa hai người. Sau khi bà M. cung cấp thông tin cá nhân, Patrick Paul nói đã chuyển quà qua một công ty chuyển tiền, hẹn 3 ngày sau sẽ có người liên lạc mang đến.

Ngày 3-5, Trần Thị Bích Tuyền đã gọi điện cho bà M, tự giới thiệu là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất thông báo có quà gửi từ nước ngoài, yêu cầu nộp lệ phí nhận quà. Tuyền đưa ra các lý do như phí chuyển hàng, phí hải quan sân bay, phí thuê luật sư chứng minh nguồn tiền sạch... để yêu cầu bà M. chuyển tiền 5 lần với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng vào một tài khoản mang tên Ngô Thị Anh Thư. Không nhận được quà, bà M. đã trình báo Công an tỉnh Quảng Ninh.

Vào cuộc điều tra, Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, PC46 Công an Quảng Ninh đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phía Nam của Bộ Công an và công an các địa phương điều tra, làm rõ và bắt giữ Trần Thị Bích Tuyền, mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia này. Tuyền khai nhận sau khi được các đối tượng cung cấp thông tin về bà M. đã về Việt Nam đóng giả nhân viên sân bay để gọi điện thoại lừa đảo như trên.

Với thủ đoạn này, từ đầu năm 2017 đến nay, Tuyền đã gây ra nhiều vụ lừa đảo khác và được ăn chia 40 triệu đồng. Vụ án đang được Công an Quảng Ninh tiếp tục điều tra mở rộng.

Thủ đoạn phổ biến tiếp theo là hack tài khoản Facebook, giả làm người thân nhờ mua thẻ cào điện thoại, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng chiếm đoạt; giả làm người thân, bạn bè đề nghị vay “nóng” một khoản tiền, chuyển vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Khi khách hàng phát hiện tài khoản Facebook của mình bị hack thì tiền đã được chuyển ra khỏi ngân hàng.

Gần đây còn xuất hiện thêm hình thức hack Facebook giả làm người thân đang ở nước ngoài, nhờ nhận hộ tiền gửi qua các hình thức chuyển tiền quốc tế. Đối tượng sẽ gửi một đường link dẫn tới một trang web chuyển tiền quốc tế giả mạo có giao diện giống hệt trang web thật.

Khi bị hại truy cập vào, ngay lập tức sẽ bị đối tượng đánh cắp thông tin, thực hiện các giao dịch rút tiền của “khổ chủ”. Thay vì nhận được tiền của người thân thì tiền trong tài khoản của bị hại cứ thun thút ra đi.

Chiêu trò nhắn tin thông báo trúng thưởng qua Facebook, Zalo lừa bị hại nộp phí nhận thưởng rồi chiếm đoạt vẫn tiếp diễn. PC50 đã đấu tranh làm rõ 12 vụ, 26 đối tượng phạm tội với số tiền chiếm hưởng trái phép trên 400 triệu đồng.

Hành vi nhắn tin giả chương trình khuyến mãi nạp thẻ của các nhà mạng để lừa đảo diễn ra đã lâu nhưng đến nay vẫn còn nhiều người mắc bẫy. Sau khi đấu tranh 19 vụ với 25 đối tượng chiếm đoạt gần 11 tỷ đồng bằng thủ đoạn này, trong 6 tháng đầu năm 2017, PC50 Công an TP Hà Nội tiếp tục nhận được 6 đơn trình báo của người dân với thiệt hại 262 triệu đồng.

Các đối tượng Tạ Tuấn Anh, Nguyễn Quốc Cường cùng những tin nhắn, phiếu chuyển tiền ngân hàng giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lý giải nguyên nhân khiến tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội gia tăng trong thời gian qua, Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng PC50 Công an TP Hà Nội cho rằng, hiện nay mạng xã hội đang phát triển mạnh với nhiều tiện ích hướng tới sự thuận tiện cho người sử dụng trong việc giao lưu, kết nối với cộng đồng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị các đối tượng xấu lợi dụng hành vi phạm tội.

Như các tiện ích “check in”, “gợi ý kết bạn”, “dòng thời gian” của mạng xã hội Facebook; hay tiện ích “Tìm quanh đây” giúp xác định những người sử dụng ứng dụng này trong phạm vi bán kính 2km tính từ vị trí hiện tại của  người dùng trong  ứng dụng Zalo... rất dễ bị các đối tượng lợi dụng để khai thác thông tin, xác định vị trí, thông tin cá nhân, sở thích, sở trường, thói quen sinh hoạt, những nơi đã đến của chủ tài khoản, từ đó lên kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội.

Vài năm trở lại đây, mạng xã hội Facebook ngày càng được nhiều người Việt Nam lựa chọn. Không chỉ ở phạm vi cá nhân, nhiều công ty, tổ chức cũng chọn Facebook làm nơi giao lưu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của mình đến với mọi người. Chính vì vậy, một khi tài khoản Facebook đã bị đối tượng xấu xâm nhập, chiếm quyền điều khiển sẽ gây không ít phiền toái cho những người trong danh sách bạn bè.

Hoạt động trên không gian “ảo”, tội phạm có thể ngồi một chỗ nhưng gây án ở khắp nơi. Đặc biệt khi thương mại điện tử ngày càng phát triển, tội phạm mạng khai thác triệt để sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dùng mạng xã hội, đưa ra những thông tin giả, đánh vào tâm lý ham rẻ và lòng tham của các nạn nhân, từ đó nghĩ ra các chiêu trò lừa đảo tinh vi khiến người dùng mắc bẫy hàng loạt.

Thượng tá Hà Thị Hằng khuyến cáo, lừa đảo trên mạng không cần tiếp xúc trực tiếp mà thông qua môi trường mạng, việc chiếm đoạt tài sản có thể thông qua các công cụ tài chính khác nhau như tài khoản ngân hàng, thẻ nạp điện thoại, cổng thanh toán điện tử... Tội phạm lừa đảo trên mạng có mục tiêu đa dạng, không chỉ chiếm đoạt tài sản mà còn đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng để sử dụng vào các mục đích, âm mưu đen tối khác.

Trước tình trạng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo như hiện nay, người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo và có biện pháp tự phòng ngừa cho bản thân. Nên hạn chế đăng tải những thông tin cá nhân như ngày sinh, số CMND, tài khoản ngân hàng... Khi nhận được các thông tin thông báo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân... về việc trúng thưởng, khuyến mại, cần kiểm tra kỹ thông tin trên các website chính thức của đơn vị thông báo, không vội vàng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng.

Khi người thân nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo... nhờ giúp đỡ, cần trực tiếp gọi điện thoại lại để nói chuyện, xác nhận việc nhờ giúp để phòng tránh bị lừa đảo.

Duy Trần
.
.