Luật của… lương tâm

Thứ Ba, 26/04/2011, 20:30

Quyết định khởi tố vụ án “cục bêtông gây chết người” trên Quốc lộ 51 của Cơ quan Công an huyện Long Thành cùng với ý kiến chỉ đạo quyết liệt từ Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai là một việc làm hết sức tích cực và rất đáng hoan nghênh. Lần đầu tiên, người tham gia lưu thông bị tai nạn do vướng phải chướng ngại vật của đơn vị thi công công trình công cộng vứt bừa bãi, cẩu thả trên đường đã được đòi lại công bằng của mình, dẫu chỉ là đang trong giai đoạn điều tra từ một cơ quan công quyền…

Vụ tai nạn thương tâm

Sáng ngày 17/1/2011, bà Vũ Thị Dung chở con gái là Phạm Thị Hoài Diễm đang lưu thông trên Quốc lộ 51 hướng từ Bà Rịa - Vũng Tàu về thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), khi đi đến địa phận xã An Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai) thì chiếc xe gắn máy của hai mẹ con bà va phải cục bêtông do đơn vị thi công công trình để lại khiến hai mẹ con bà Dung ngã văng xuống đường. Lúc này, một chiếc xe tải trờ đến, tài xế điều khiển xe tải  không kịp xử lý tình huống tai nạn bất ngờ, bánh xe tải đã cướp đi mạng sống của Hoài Diễm, bà Dung bị thương nhẹ. Diễm mất khi vừa tròn 17 tuổi…

Từ khi tai nạn xảy ra tính cho đến thời điểm hiện tại, chưa có ai trong đơn vị thi công lẫn chủ đầu tư ghé nhà để chia sẻ hoặc đề cập đến chuyện bồi thường với bà Dung. Có lẽ, họ xem đó là chuyện… của riêng gia đình người bị nạn.

Lần theo nguồn gốc của vụ tai nạn trên, phía Cơ quan điều tra xác định, việc thi công tuyến đường này do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, thuê Công ty Cổ phần Cơ giới và Xây lắp (CPCG & XL) số 9 trải thảm nhựa. Công ty CPCG & XL số 9 sau khi nhận gói thầu, tiếp tục giao lại cho công ty "con" là Licogi 9-2 thực hiện. Khi thi công xong một phần đường, các công nhân thi công của Licogi 9-2 đã đặt một cục bê-tông lớn trên mặt đường để cắm cọc tiêu nhưng lại không hề "trang trí" thêm dấu hiệu để cảnh báo cho người tham gia lưu thông. Hai mẹ con bà Dung đã vướng phải cái vật vô tri này và gặp nạn.

Vẫn chưa thấy ai chịu trách nhiệm về vụ xe taxi sập “hố tử thần” gây chấn động dư luận tại TP HCM.

Cơ quan điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn có liên quan đến hai cán bộ của Công ty CPCG & XL  số 9 cùng Công ty Licogi 9-2. Đồng thời, Cơ quan Công an huyện Long Thành cũng đã quyết định khởi tố vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" để tiếp tục điều tra, làm rõ những cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ tai nạn mà hai mẹ con bà Dung đã vướng phải.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 6/4/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Long Thành đã thực hiện lệnh bắt tạm giam có thời hạn 3 tháng đối với hai cán bộ của Công ty Cổ phần Licogi 9-2. Theo đó, hai cán bộ bị bắt tạm giam của công ty này là Vũ Văn Trường, Đội trưởng đội thi công công trình và Thái Đình Vũ, cán bộ Ban điều hành dự án Công ty Cổ phần Licogi 9-2.

Điều tra ban đầu cho thấy, sau khi được Công ty CPCG & XL số 9 giao nhiệm vụ trải nhựa mặt đường, chiều ngày 16/1, công nhân của Công ty Locogi 9-2 đã trải nhựa xong một phần đường, Trường đã chỉ đạo công nhân di dời toàn bộ rào chắn công trình, thay vào đó là những cọc tiêu có đế đúc bằng bêtông cao 1,2m, mỗi cọc đặt cách nhau 10m và căng dây ny lông để làm hàng rào bảo vệ công trình. Khoảng 5h30’ ngày hôm sau, bà Dung chở con gái lưu thông qua đoạn đường này thì va phải đế của cọc tiêu dẫn đến tai nạn.

Điều đáng nói, đây không phải là tai nạn đầu tiên kể từ ngày tuyến quốc lộ 51 được thi công mở rộng. Trước đó, hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng khác cũng diễn ra, mà nguyên nhân chủ yếu là do đơn vị thi công không đảm bảo tốt công tác rào chắn, cảnh báo cho công trình đối với người tham gia lưu thông. Các cơ quan chức năng của huyện Long Thành cũng đã có văn bản đề nghị đơn vị thi công công trình chấn chỉnh tình trạng thi công cẩu thả nhưng đều bị họ phớt lờ.

Rất tiếc là ở những vụ tai nạn trước đó, chứng cứ để truy cứu trách nhiệm đối với đơn vị thi công công trình là không rõ ràng, nên không thể tiến hành điều tra quy kết trách nhiệm. Nhưng, lần này thì mọi chuyện đã khác…

Việc bắt giữ và thực hiện lệnh tạm giam đối với hai cán bộ của Công ty Cổ phần Licogi 9-2 cho phép nhìn nhận, cơ quan công quyền của huyện Long Thành quyết định làm mạnh tay với chai lỳ dẫn đến sự vô cảm khi thi công công trình công cộng. Dư luận có quyền hy vọng và chờ đợi một kết luận điều tra chính xác, minh bạch theo đúng pháp luật, trách nhiệm được xác định đúng người, đúng tội.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông dẫn đến cái chết của em Phạm Hoài Diễm.

Đồng Nai mạnh tay, còn TP HCM thì sao?

Việc mạnh tay đòi lại công bằng của các cơ quan thực thi pháp luật tại Đồng Nai, khiến người dân tại TP HCM cứ rấm rứt. Bởi, những vụ tai nạn tại TP HCM do các công trình thi công cẩu thả, bất chấp mạng sống của người tham gia lưu thông cũng có hậu quả nặng nề và số lượng không hề thua kém các vụ tai nạn giao thông tại quốc lộ 51. Đặc biệt là hiện trạng hố tử thần, nhưng dư luận chờ mãi mà vẫn chẳng thấy một quyết định khởi tố, một cuộc điều tra vụ việc. Thậm chí, không thấy cả “đòn” răn đe chiếu lệ từ các cơ quan quản lý.

Hẳn là, người ta không thể quên cái chết của người phụ nữ đón con đi học về trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP HCM. Lý do dẫn đến cái chết của chị là bởi khi tham gia lưu thông, xe của chị vướng phải phần nhô ra lòng đường của cái nắp cống, mà sau khi thi công công trình chỉnh trang đô thị, người ta đã cố tình quên đi chuyện phần nhô ra lòng đường của nắp cống chính là cái bẫy đối với người tham gia lưu thông.

Khi va vào cái bẫy này, người phụ nữ ngã ra đường, đúng lúc một chiếc xe tải nặng trờ tới… Chuyện đau lòng đã xảy ra, nước mắt của người thân khóc chị cũng đã cạn, tiếng con thơ gọi mẹ đã khản, dư luận đã bức xúc đến rệu rã người… Nhưng vẫn chưa có ai nghe thấy(?!). Bởi cũng chính cái nắp cống này, cách ngày chị gặp nạn gần 2 năm, một người đàn ông khác cũng đã trở thành nạn nhân dưới bánh xe tải do vướng phải nắp cống té ngã ra đường.

Hiện trường vụ tai nạn do nắp hố ga thò ra lòng đường tại quận Thủ Đức.

Một ngày sau cái chết của người phụ nữ, trong trận ngập lịch sử ở TP HCM ngày 10/10/2010, một người đàn ông khác cũng tử vong do bị nước cuốn trôi vào miệng cống trên đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức.

Trên đường đi làm về, trời mưa to, đường ngập nhiều. Anh gọi điện thoại về báo với vợ con ăn cơm trước, mình ghé nhà bạn mượn xe đạp để tránh tình trạng xe honda chết máy trên đường nên có thể về muộn. Vậy mà, khi đi ngang qua nắp cống trên không được che đậy trên đường Tô Ngọc Vân, lúc này nước đã ngập lênh láng, anh đã bị nước cuốn trôi. Người chồng và người cha ấy đã mãi mãi không về.

Vẫn không nghe thấy ai ở trên nói xuống về vụ việc đó, mặc cho giới truyền thông cũng đưa tin, họ phán này kia về trách nhiệm, về sự cố, về nhiều thứ khác… Chỉ có quyền lợi chính đáng của người nằm xuống là không thấy ai đả động gì đến. Mà yêu cầu quyền lợi cho người tham gia lưu thông là quá xa vời, chỉ mong họ có được sự công bằng thôi sao vẫn khó thế(!?).

Ai cũng hiểu, mạng người là quan trọng, là quý giá, là thứ không gì có thể quy đổi hoặc so sánh được. Vậy mà, cái thứ quý giá và không thể tiêu xài hoang phí ấy, lại thản nhiên bị cướp đi bởi cái lối làm việc vô trách nhiệm, vô lương lâm, vô cảm của những người trực tiếp sinh lợi từ tiền đóng thuế của nạn nhân.

Hình ảnh khủng khiếp với người tham gia lưu thông tại TP HCM chính là cú cắm ngập đầu vào lòng đường của một chiếc taxi vào giữa tháng 9/2010 trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3.

Người tài xế taxi này cho biết, khi xe chuẩn bị quẹo vào hẻm để đón khách thì bất ngờ mặt đường bị nứt toác, một hố to sâu hoắm xuất hiện, hố ngày càng to dần, xe ngày càng lún dần. May là anh kịp thời thoát thân. Cái "hố địa ngục" ấy sâu gần 2m. Đây là "sản phẩm" của một đơn vị thi công công trình đào đường vừa san lấp. Trước đó vào cuối tháng 8, khi đơn vị thi công vừa nhổ lôcốt rút đi, đoạn đường đã bị xói mòn nghiêm trọng, người dân phản ánh ráo riết. Người ta xuất hiện, san lấp thêm lần nữa và đến giữa tháng 9 thì đoạn đường vừa san lấp ấy kịp… nuốt trọn nửa thân của chiếc xe taxi trên.

Nhiều ban ngành quản lý chồng chéo khiến con đường bỗng dưng bị rối, nói theo kiểu tiền nhân đúc kết là "Cha chung không ai khóc".

Từ chuyện đường sá đến chuyện những cái bẫy vô tình "câu" mạng người tham gia lưu thông, đến chuyện rò rỉ dòng điện giật chết người khi có mưa lớn, đường ngập… Những câu chuyện nhan nhản ngoài đường cần có người chịu trách nhiệm vẫn chỉ là niềm mong ước rất xa vời của hàng triệu con người đang sinh sống tại thành phố lớn nhất nước này từng ngóng đợi. Trong lúc, điều kiện tiên quyết để làm tốt mọi chuyện chỉ gói gọn trong cụm từ "Làm việc xuất phát từ lương tâm". Mà lương tâm vốn dĩ không phải là thứ quá xa xỉ… Có lương tâm thì mới có trách nhiệm, có trách nhiệm thì mới dẫn đến hành động và việc làm đúng. Và từ hành động đi kèm làm đúng, sẽ thỏa mãn được yêu cầu của cộng đồng

Ngô Kinh Luân
.
.