Lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh của New Zealand

Thứ Tư, 16/04/2008, 17:00
Lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh (AOS) đã ra đời vào ngày 1/10/1964, là tập hợp các nhân viên ưu tú của biệt đội “Shocker Shaw” của NZSAS và các sĩ quan cảnh sát của đơn vị cảnh sát Perry của Cảnh sát New Zealand. Cho đến nay, AOS có 17 đội hoạt động khắp lãnh thổ New Zealand với quân số lên đến 800 người.

Vào tháng 8/1964, trong một nỗ lực ổn định các cuộc bạo loạn có nguyên nhân sắc tộc xảy ra liên tiếp tại khu Lower Rutt của thành phố Wellington và khu Waitakare của thành phố Auckland, 4 nhân viên cảnh sát địa phương không mang vũ khí đã bị thiệt mạng, 5 nhân viên cảnh sát khác cũng bị những người tham gia bạo loạn tấn công bị thương.

Chỉ sau khi Chính phủ New Zealand quyết định điều động một số đơn vị của Lực lượng Đặc biệt Không quân (NZSAS) đến làm nhiệm vụ trấn áp thì các cuộc bạo loạn mới chấm dứt. Tuy nhiên, chính việc sử dụng quân đội để giải quyết các cuộc bạo loạn tại Wellington và Auckland của chính phủ đã gặp phản đối kịch liệt từ dư luận và Quốc hội khi cho rằng đó phải là nhiệm vụ của cảnh sát chứ không phải của quân đội.

Đây chính là lý do khiến Cảnh sát New Zealand (NZPF) quyết định thành lập một đơn vị cảnh sát phản ứng nhanh để có thể xử lý nhanh chóng các tình huống nhạy cảm liên quan đến bạo loạn có nguyên nhân sắc tộc như hai vụ việc đã diễn ra tại thành phố WellingtonAuckland trước đó. Và thế là Lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh (AOS) đã ra đời vào ngày 1/10/1964, là tập hợp các nhân viên ưu tú của biệt đội “Shocker Shaw” của NZSAS và các sĩ quan cảnh sát của đơn vị cảnh sát Perry của Cảnh sát New Zealand.

Cho đến nay, AOS có 17 đội hoạt động khắp lãnh thổ New Zealand với quân số lên đến 800 người. Nhiệm vụ của AOS là hỗ trợ cảnh sát các địa phương để giải quyết các cuộc xung đột có sử dụng vũ khí, hung khí tại các khu dân cư, trấn áp hoạt động của bọn tội phạm mang tính cá nhân hay tập thể, chống khủng bố, giải cứu con tin. Khi có yêu cầu, AOS còn tham gia bảo vệ yếu nhân hay bảo vệ an ninh cho các sự kiện trọng đại của đất nước và tham gia các hoạt động ở nước ngoài.

Đến năm 1988, theo yêu cầu nhiệm vụ, Cảnh sát New Zealand quyết định bổ sung vào AOS một đơn vị cảnh sát đặc biệt có tên gọi Đơn vị Cảnh sát Chiến thuật (PTC) chuyên làm nhiệm vụ chống khủng bố. Nhiệm vụ  của PTC là tham gia trấn áp mọi hoạt động khủng bố xảy ra bất cứ nơi nào trên lãnh thổ New Zealand và cả ở nước ngoài (theo đề nghị của nước sở tại).

Tuy trực thuộc AOS nhưng PTC là thành phần nòng cốt của Chương trình Chống khủng bố quốc gia của New Zealand. Hàng năm, PTC đều có chương trình phối hợp huấn luyện với các đơn vị chiến đấu của NZSAS và cảnh sát chống khủng bố Australia. Quân số của PTC chỉ có 120 và có sở chỉ huy đặt tại căn cứ huấn luyện của AOS ở ngoại ô thành phố Wellington.

Đến năm 1990, sau khi xảy ra sự kiện thảm sát tại thành phố Aramoana trong hai ngày 13 và 14/11/1990, cũng vì nguyên nhân sắc tộc, Cảnh sát New Zealand quyết định bổ sung cho AOS một đơn vị cảnh sát vũ trang có tên gọi Đơn vị Chiến thuật đặc biệt (STG) có chức năng và được trang bị vũ khí như các đơn vị cảnh sát vũ trang SWAT của Mỹ.

Đơn vị STC của AOS tham gia bảo vệ trên không tại Hội nghị thượng đỉnh APEC Sydney 2007.

STG chính thức được thành lập vào tháng 2/1991 là tập hợp của các sĩ quan quân đội và cảnh sát có thâm niên phục vụ từ 3 năm trở lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ và có độ tuổi dưới 40.

Nhiệm vụ của STG là tham gia xử lý các tình huống nhạy cảm, các sự cố đặc biệt nguy hiểm như bạo loạn có vũ trang, xung đột sắc tộc, cướp của, giết người có tổ chức, bắt cóc con tin có vũ khí, truy bắt tội phạm đặc biệt nguy hiểm, hỗ trợ chiến đấu cho các đơn vị cảnh sát địa phương, tham gia các chiến dịch trấn áp tội phạm trong và ngoài lãnh thổ New Zealand.

STC là đơn vị cảnh sát duy nhất của New Zealand được Cảnh sát Liên bang Australia mời tham gia công tác bảo đảm an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại thành phố Sydney vào tháng 9/2007.

Cùng với PTC, STG tạo nên những "cú đấm” mạnh của AOS trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh dân sự, chống bạo loạn, chống khủng bố, chống tội phạm ở New Zealand. Về tổ chức, ngoài PTC và STG, AOS còn có các đơn vị hỗ trợ như đơn vị hậu cần, cảnh khuyển, tình báo, thương thuyết.

Điểm đặc biệt là AOS không tuyển dụng đội viên ngoài xã hội mà chỉ tuyển dụng sĩ quan cảnh sát và sĩ quan quân đội đã tốt nghiệp Học viện Cảnh sát quốc gia và Học viện Quân sự Wellington. Đây là những cá nhân có thành tích xuất sắc trong huấn luyện, thi hành nhiệm vụ. Sau khi được tuyển dụng, các đội viên AOS đều phải trải qua 6 tháng huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành bổ sung tại căn cứ huấn luyện của AOS ở ngoại ô thành phố Wellington, cũng như được tham gia huấn luyện nghiệp vụ chiến đấu với các đơn vị quân đội.

Khi thi hành nhiệm vụ, AOS có đội xe chuyên dụng bao gồm các xe chạy tốc độ nhanh có kính chống đạn và bọc thép loại Chevrolet Suburban, xe bọc thép hạng nhẹ HPK-1A. Ngoài ra, AOS còn được trang bị các máy bay vận tải chuyển quân loại C-130 Hercule, trực thăng Puma và Black Hawk. Khi thi hành nhiệm vụ chống khủng bố hay chống tội phạm trên biển, AOS ưu tiên được nhận sự hỗ trợ đặc biệt của Hải quân New Zealand.

Nhờ hoạt động hiệu quả mà trong hai năm 2006-2007, AOS và các đơn vị trực thuộc đã tham gia giải quyết 1.433 vụ việc như trấn áp tội phạm, giải cứu con tin, chống khủng bố trong và ngoài lãnh thổ, góp  phần đáng kể vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự xã hội cho đất nước New Zealand

Văn Hòa (theo Global Security)
.
.