MI5 từng bỏ lỡ cơ hội chặn kẻ tấn công Manchester

Thứ Tư, 02/01/2019, 16:37
Một báo cáo điều tra vừa công bố của Ủy ban An ninh và Tình báo Quốc hội Anh (ISC) đã kết luận Cơ quan Tình báo đối nội MI5 và các cơ quan an ninh khác đã bỏ qua nhiều cơ hội ngăn chặn kẻ khủng bố gây ra vụ đánh bom tại đêm ca nhạc Ariana Grande ở thành phố Manchester vào tháng 5-2017 làm chết 22 người, trong đó có cả kẻ tấn công.

Vụ tấn công khủng bố ở Manchester được xem là vụ việc tồi tệ nhất đối với MI5 kể từ sau vụ đánh bom hệ thống giao thông ở Anh vào năm 2005. Là cơ quan đầu mối trong hoạt động chống khủng bố ở Anh, MI5 gánh trách nhiệm rất nặng nề trong việc đảm bảo sự an toàn, an ninh cho người dân Anh. Đối mặt với một đợt gia tăng mạnh các hành động thánh chiến cực đoan, thế nhưng cơ quan này lại thiếu sự chủ động trong hành động chống khủng bố. Báo cáo của ISC cho biết MI5 đã hành động một cách chậm chạp khi hồ sơ về kẻ khủng bố Salman Abedi đã được đánh dấu “chú ý đặc biệt”.

Trong báo cáo, ISC đã vạch ra một số kẽ hở mà lẽ ra MI5 đã có thể hành động để ngăn chặn Abedi thực hiện vụ tấn công ở Manchester. Thứ nhất, ISC cho rằng MI5 đã không có hành động nào để theo dõi sát hành vi của Abedi sau khi y được phát hiện đến tiếp xúc với một phần tử cực đoan tên là Abdal Raouf Abdallah đang thụ án tù ở Liverpool vì giúp đưa chiến binh sang Syria chiến đấu cùng IS. Đã vậy, MI5 cũng không hề giám sát, cũng không áp dụng biện pháp cấm đi lại đối với Abedi cho nên đã giúp y tự do hành động mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Khuram Butt, thủ phạm vụ tấn công trên Cầu London.

Một sơ hở đáng trách nữa là mặc dù xem Abedi là đối tượng cần quan tâm đặc biệt, nhưng MI5 và các cơ quan an ninh Anh đã không thực hiện công tác điều tra đối với y, từ đó đã không hề nắm được các mối quan hệ cũng như hành động của y trong thời gian trước khi y thực hiện vụ tấn công Manchester. Chỉ sau khi vụ việc xảy ra, các cơ quan an ninh mới vào cuộc điều tra và phát hiện một cách muộn màng về những hoạt động của y.

David Anderson, người chủ trì thực hiện báo cáo của ISC, đưa ra lý do cơ bản nhất khiến MI5 và các cơ quan an ninh không tiến hành điều tra Abedi. Ba tuần trước khi xảy ra vụ tấn công Manchester, các cơ quan an ninh Anh đã thực hiện một bài tập để xác định đối tượng ưu tiên điều tra trong số 20.000 phần tử trong danh sách “đối tượng quan tâm”. Abedi lọt vào nhóm các phần tử “đối tượng quan tâm đặc biệt” cần phải điều tra sâu hơn. Cuộc họp để bàn thảo cách tiến hành điều tra đã được lên lịch vào ngày 31-5.

Thực ra MI5 và an ninh Anh đã không chú ý đặc biệt đến Abedi từ ba năm trước khi gây ra vụ tấn công Manchester. Năm 2014, Abedi lúc đó 19 tuổi, “mắc kẹt” tại thành phố Tripoli, thủ đô Libya, lúc đó đang xảy giao tranh dữ dội giữa các lực lượng nội chiến. Không ai biết Abedi đến Libya để làm gì. Abedi cùng người em trai tên Hashem và 100 công dân Anh khác được Hải quân Anh đưa tàu chiến đến giải cứu vào tháng 8-2014. Tất cả được đưa đến đảo quốc Malta và từ đó trở về Anh bằng đường hàng không. Abedi vốn đã gây chú ý tại Anh do có hành động “tiềm ẩn nguy cơ khủng bố”.

Đối tượng khủng bố Manchester Salman Abedi.

Khi Abedi đến Libya, an ninh và tình báo Anh đã theo dõi sát mọi hành động của y. Thế nhưng khoảng một tháng trước khi y được giải cứu ra khỏi Libya, hồ sơ “đối tượng quan tâm” của y được đóng và cất vào ngăn tủ, y không còn là đối tượng theo dõi nữa.

Điều tra sau này phát hiện ra lý do để đóng hồ sơ Abedi được cơ quan chức năng Anh cho là xác đáng, do căn cứ vào “lai lịch” xuất thân của y: là công dân Anh sinh tại Manchester, từng là sinh viên chuyên ngành quản trị kinh doanh, có bố mẹ rời bỏ Libya dưới thời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi để đến Anh tị nạn. Đây là một sai lầm quan trọng của các cơ quan an ninh, trong đó có MI5, vì đã buông lỏng việc giám sát một đối tượng tiềm ẩn khủng bố.

Do không còn quan tâm đến Abedi và không áp dụng biện pháp cấm đi lại đối với y nên MI5 và an ninh Anh đã vô tình tạo điều kiện để y bí mật quay trở lại Libya và lưu lại đó 3 tuần lễ, sau đó y quay trở về Anh chỉ vài ngày trước khi thực hiện vụ tấn công. Và cũng do buông lỏng giám sát, MI5 và các cơ quan an ninh Anh đã không thể nắm được lộ trình đường đi khi Abedi quay trở lại Libya, y đã làm gì ở Libya, đã gặp gỡ, tiếp xúc những đối tượng nào và liệu có phải y đã được những phần tử khủng bố ở Libya huấn luyện cách tiến hành một vụ khủng bố.

Sau khi vụ tấn công khủng bố ở Manchester xảy ra, Bộ chỉ huy châu Phi của quân đội Mỹ đã vào cuộc hỗ trợ tình báo Anh điều tra các mối quan hệ và hành động của Abedi trong khoảng thời gian hơn 3 tuần y có mặt tại Libya. Các cơ quan tình báo Anh và Mỹ cùng nghi ngờ rằng nhiều khả năng Abedi đã tiếp xúc với các chiến binh IS ở Libya hoặc các phần tử Al-Qaeda ở vùng Bắc Phi.

Không riêng vụ việc khủng bố ở Manchester, báo cáo của ISC còn xem xét phản ứng chậm chạp và nhiều sơ hở của MI5 và các cơ quan an ninh Anh trong 4 vụ việc khác xảy ra trong năm 2017. Điển hình như vụ tấn công trên cầu London vào tháng 6-2017, tức khoảng một tháng sau vụ tấn công Manchester, MI5 và các cơ quan an ninh tiếp tục mắc sai lầm khi để cho một phần tử tiềm ẩn khủng bố được tự do hành động.

Khuram Butt, một trong 3 kẻ gây ra vụ tấn công cầu London, khi đó đang là đối tượng điều tra của MI5. Y là đối tượng nằm trong danh sách quan tâm đặc biệt, có mối quan hệ và thường xuyên tiếp xúc với những phần tử cực đoan nguy hiểm ở Anh có liên quan đến khủng bố IS. Thế nhưng, trước khi thực hiện vụ tấn công trên cầu London, Butt lại đang được tại ngoại phục vụ điều tra. Báo cáo ISC phát hiện rằng, vào thời điểm đó, MI5 còn đang loay hoay trong việc xác định mức độ nguy hiểm của Butt, vì vậy đương nhiên không thể kịp thời ngăn chặn hành động của y.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.