Ma túy và băng đảng đang tàn phá "văn hóa Sumo"

Thứ Hai, 22/12/2008, 10:30
Đất nước Mặt trời mọc ngày càng lo ngại thiếu hụt đô vật sumo do tỉ lệ sinh thấp, một số vận động viên (VĐV) lại  dính vào ma túy và băng đảng khiến họ bị loại khỏi cuộc chơi.

Mới đây, một đô vật sumo người Nga  sống tại Nhật Bản có tên Nhật là Wakanoho Toshinori (tên thật Soslan Aleksandrovich Gagloev) đã bị cảnh sát bắt giữ vì tàng trữ cần sa trong ví.

Chuyện khá hy hữu: Toshinori đánh rơi chiếc ví trên đường phố Sumida Ward của thủ đô Tokyo. Không may cho anh ta là người phụ nữ nhặt được đã giao nộp chiếc ví ngay cho cảnh sát.

Theo cáo trạng, trong ví của Toshinori có một ít tiền, một thẻ gia hạn thời gian sống tại Nhật và 0,368gr cần sa. Khám xét nhà của đô vật này cảnh sát còn phát hiện ra nhiều đồ nghề để hút cần sa. 

Giả thử nếu chiếc ví của đô vật nổi tiếng trên rơi vào tay kẻ xấu thì có lẽ anh ta thoát tội. Đây là lần đầu tiên một VĐV có tiếng và có thứ hạng cao tại làng sumo Nhật Bản bị bắt, bị cấm thi đấu môn thể thao truyền thống và được yêu thích nhất tại Nhật Bản.

Thông thường, trong trận đấu của môn võ truyền thống này, hai đô vật thi đấu với nhau trong một vòng tròn, đô vật nào đẩy đối thủ ra khỏi vòng tròn hoặc một chân bước ra ngoài vòng tròn sẽ chiến thắng.

Trước khi thi đấu, các đô vật phải rèn luyện kỹ, người nào chiến thắng sẽ trở thành vị anh hùng trước công chúng đông đảo reo hò. Chế độ dinh dưỡng trong tập luyện là rất quan trọng. Khi thi đấu mà dùng cần sa không chắc chắn giúp cho cơ bắp VĐV vận động tốt hơn nhưng nó làm hưng phấn tinh thần, song Liên đoàn Sumo Nhật Bản lại cấm ngặt chuyện này vì nó làm tiêu tan hình ảnh của môn đấu võ truyền thống thuần khiết.

Chính tính truyền thống và võ sĩ đạo ăn sâu vào môn sumo mà từ trước tới nay hiếm khi có ai nghi ngờ các võ sĩ. Tuy nhiên, sau khi Wakanoho Toshinori bị bắt thì phần nổi của tảng băng chìm đã được phanh phui.

Trước đó, một đô vật từng giành quán quân tại giải nhà nghề Sumo Nhật Bản Asashoryu cũng đã tham gia vào việc hút cần sa, sau khi bị chấm dứt thi đấu, chàng võ sĩ này đã tự quay phim để chứng minh mình đang nỗ lực tập luyện hy vọng có ngày trở lại sàn đấu. Không chỉ vướng vào ma túy, trong làng sumo Nhật Bản còn xuất hiện tình trạng bè phái, ẩu đả nhau.

Tháng 1/2007, đô vật Junichi Yamamoto đã bị bắt. Nguyên nhân đô vật này bị bắt là vì đã xúi giục 3 đô vật khác trong lúc tập luyện đánh một đô vật 17 tuổi khiến đô vật này bị thương, sau một thời gian chữa trị đã tử vong. Cả 4 đô vật hung bạo này hiện đang chờ ngày đưa ra xét xử. Tình trạng đâm chém trong giới đô vật sumo cũng thường diễn ra trong thời gian gần đây.

Việc Yamamoto bị bắt đã gây cú sốc lớn trong giới thể thao Nhật Bản. Tất nhiên, việc Wakanoho Toshinori bị bắt vì một chút cần sa thì tội không nặng bằng việc đánh chết người như các đô vật kể trên, nhưng làm dấy lên nỗi lo ngại tình trạng sống sa đọa của các võ sĩ sumo, những người từng được xem là người hùng của đất nước.

Tại một cuộc họp báo mới đây, Wakanoho đã khóc và xin lỗi công chúng và mong có ngày được thi đấu trở lại. Nhưng thể thao luôn cần sự trong sáng, tinh thần thượng võ, đặc biệt là môn sumo, vì vậy công chúng Nhật Bản khó mà tha thứ. Chính Hiệp hội Sumo Nhật Bản cũng bác lời tha thứ cho đô vật này. Tuy nhiên, ngày 11/9/2008 Wakanoho đã đệ đơn lên Tòa án Tokyo chống lại lời kết tội của Hiệp hội Sumo Nhật Bản (JSA), song các hồ sơ hiện giờ vẫn chỉ được bảo lưu.

Mới đây, JSA đã tiến hành thử nghiệm nước tiểu ở cả giải thi đấu hạng nhất và hạng nhì - giải Sumo nhà nghề với tất cả 69 đô vật, trong đó có 2 đô vật Nga là Roho, 28 tuổi và Hakurozan 26 tuổi. Cả hai đô vật ngoại nhập này từ chối sử dụng cần sa: Roho xuất hiện trên truyền hình nói rằng, chưa bao giờ anh ta tiếp xúc với chất kích thích này trong khi Hakurozan thì cho hay, càng thử nghiệm càng làm sáng bản chất con người anh ta.

Tuy nhiên, trong cuộc thử nghiệm thứ hai phía Nhật Bản đã phải nhờ tới Liên đoàn chống doping thế giới thì phát hiện ra cả hai đô vật người Nga trên đều có sử dụng cần sa.

Giáo sư Shohei Onishi tại Trường đại học Keio cho rằng, thử đi, thử lại thì phát hiện thấy rằng, lượng cần sa trong máu Roho đã vượt mức 5 lần tiêu chuẩn cho phép và gấp đôi lượng cần sa cần thiết của Hakurozan. Việc phân tích Roho trực tiếp từ 100% khói thuốc của anh hút. Sự việc bị phát giác thì hai đấu sĩ Nga mới thừa nhận rằng, họ đã sử dụng khói thuốc chứa cần sa trong suốt chuyến lưu diễn ở Los Angeles từ hồi tháng 6/2008.

Theo Giáo sư Dược học Michihiro Fujiwara tại Trường đại học Kyushu, cần sa chỉ tồn tại trong máu 72 giờ đồng hồ, sau khoảng thời gian này rất khó xác định, đặc biệt khi đô vật vừa thi đấu xong.

Theo nhà báo về thể thao Seijun Ninomiya, việc hàng loạt các VĐV sumo dính vào cần sa bị tước quyền thi đấu vĩnh viễn đã thực sự gây khó cho chính Liên đoàn sumo nước này do tỉ lệ sinh thấp, dân số thì già, hàng trăm người tham gia tuyển chọn thì may ra mới có 1-2 người có thể trở thành VĐV của môn võ cần nhiều sức lực này. Do vậy, Nhật Bản hiện luôn mong muốn nhập khẩu các VĐV nước ngoài.

Theo thống kê, có tới 1/4 đô vật hiện nay đến từ nước ngoài, tuy nhiên, để vận họ vào môn võ truyền thống quả thật không hề đơn giản. “Biến họ thành những VĐV nhưng họ thực sự không hiểu văn hóa của môn võ thuật cũng như con người của đất nước Mặt trời mọc, họ càng mù tịt hơn đối với hệ thống luật pháp đất nước” - Kiyoshi Nakazawa phân tích.

Còn nhà báo lão luyện chuyên viết về môn võ thuật sumo Kunihiro Sugiyama thì cho rằng, đó là một vấn đề thực sự cấp bách khi mà cả đô vật nước ngoài lẫn Nhật Bản cần phải được giáo dục văn hóa tốt cũng như am hiểu luật pháp. Vấn đề bền vững của môn võ tùy thuộc chính vào sự giáo dục này. Có như vậy mới bảo lưu được môn võ truyền thống văn hóa này trước làn sóng toàn cầu hóa

Văn Nguyễn (theo Time Asia)
.
.