Mạng lưới bắt cóc, buôn người và nội tạng trẻ em của các băng nhóm ma túy Mexico

Thứ Ba, 15/08/2017, 16:07
Làn sóng người tị nạn đổ dồn tới vùng biên giới phía nam Mexico với hy vọng vào được đất Mỹ không hề có dấu hiệu giảm bớt và các cartel ma túy hùng cứ những địa bàn này từ hàng chục năm qua lợi dụng "cuộc khủng hoảng di cư" này để kiếm tiền.

Ngoài mạng lưới sản xuất và phân phối ma túy, các cartel đang mở rộng hoạt động buôn người di cư vào Mỹ. Thêm vào đó, các băng đảng buôn ma túy còn "kiêm" luôn cả buôn lậu nội tạng người di cư, nhất là trẻ em.

Không thể tìm thấy bình yên ngay nơi sinh trưởng

Trong tình hình hiện nay, cuộc khủng hoảng bạo lực băng nhóm tội phạm ma túy trong khu vực được mệnh danh là "Tam giác phương Bắc" của Trung Mỹ tiếp tục gia tăng khiến cho hàng năm vẫn có hàng ngàn người buộc phải rời khỏi quê nhà.

Năm 2016, số người chết do chiến tranh ma túy ở Mexico lên đến hơn 10.000 người - tăng 30% so với năm trước đó. Eric Olson, Phó giám đốc Trung tâm Wilson - tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Washington - khu vực Mỹ Latinh, phát biểu với báo chí: "Trong vài năm qua, càng ngày càng có thêm nhiều tổ chức tội phạm ma túy tham gia kiểm soát dân di cư do nguồn thu nhập này hết sức béo bở". Cartel ma túy có thể thu đến 10.000 USD từ một người vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ.

Khu vực "Tam giác phương Bắc".

Lydia, một phụ nữ 35 tuổi có giọng nói nhỏ nhẹ, tính tình nhút nhát đến Mexico. Cô và đứa con trai 7 tuổi của mình, Lester, vừa trải qua một hành trình dài mệt mỏi, đầy nguy hiểm đang dừng chân tại Nogales, trước khi đến miền đất hứa Mỹ. 2 mẹ con Lydia đã nhảy tàu chở hàng, sau đó đi xe buýt và cuối cùng là đi bộ. "Đi tàu thật khổ sở vì phải đứng suốt trong không khí lạnh, luôn cố gắng tỉnh táo mà không dám chợp mắt. Có thời điểm chúng tôi không có thực phẩm để ăn. Chúng tôi chỉ ăn xoài trên đường", Lydia nói.

Lydia lý giải tại sao cô ấy phải đến Mỹ: "Bởi vì ở nước tôi không có công ăn việc làm, rất nhiều tội phạm. Các băng nhóm không để chúng tôi sống hòa bình, chúng thậm chí cướp mất ngôi nhà của chúng tôi. Điều tồi tệ nhất sống ở làng quê chúng tôi là khi thức dậy, những đứa trẻ khóc vì đói mà không  tìm được gì cho chúng ăn. Đó là những gì khiến bạn muốn đến Mỹ". Câu chuyện của Lester không còn là một điều gì đó xa lạ nữa mà đã quá quen thuộc vì hàng ngàn người vượt biên vào Mỹ bất hợp pháp mỗi năm với hy vọng tìm được một cuộc sống tốt hơn.

Nhưng ảo ảnh về miền đất hứa nhanh chóng vỡ tan. Trên những chuyến tàu, xe nhồi nhét người đi về vùng biên giới giáp nước Mỹ, bọn tội phạm còn bắt cóc những phụ nữ trong số người di cư để bán vào các nhà thổ do chúng điều hành ở Mỹ hay đòi tiền chuộc từ gia đình của họ. Ví dụ, ổ mại dâm mới được phát hiện gần đây có liên quan đến ít nhất 4 cartel ma túy Mexico từ 17 bang Mexico. Nhiều người di cư chọn sử dụng những chiếc tàu hỏa chở hàng hóa hay xe container chạy xuyên suốt Mexico.

Một số người gọi đó là "Con tàu Tử thần" trong khi số khác mô tả là "Con Thú" do rất nhiều nguy hiểm luôn rình rập. Tội ác phổ biến nhất là bắt cóc hành khách "Con tàu Tử thần" để tống tiền với gia đình nạn nhân ở Mỹ hay Mexico. Nếu không được đáp ứng yêu cầu, nạn nhân sẽ bị đánh đập, cưỡng bức hay giết chết.

Lupita - 30 tuổi, người giúp việc cho một số gia đình ở Mexico City - nhớ lại lần tận mắt nhìn thấy một bé gái bị bắt cóc ở chính ngôi làng nơi bé sinh ra và lớn lên: "Cô bé rất xinh đẹp, mặt có tàn nhang, khoảng 11 tuổi. 5 gã đàn ông đi trên một chiếc xe đến ngôi làng gần Dos Bocas - bên ngoài cảng Veracruz. Họ lăm lăm súng trên tay, khuôn mặt dữ tợn. Khi bị bắt đi, Ruth (tên bé gái) vẫn còn cầm trên tay con búp bê nhỏ. Họ nhấc bổng cô bé lên xe như xách một túi táo".

Các băng đảng buôn ma túy bắt cóc trẻ em gái tống vào các nhà thổ trên đất Mexico hoặc Mỹ.

Những người trong làng chỉ biết rằng, 5 gã đàn ông đó là thành viên của một băng đảng ma túy địa phương và chúng chuyên đi lùng bắt những bé gái xinh xắn bán cho các động mại dâm. "Chẳng có nơi nào trong làng an toàn với chúng tôi cả" - Lupita thốt lên, "cứ nghe nói có những băng nhóm ma túy đến làng là chúng tôi đào hầm trốn, nhưng giải pháp này nhanh chóng bị chúng phát hiện".

Để tránh những kẻ buôn người, các gia đình có con gái phải dùng nhiều biện pháp phòng ngừa khác nhau. Họ xây dựng những nơi trú ẩn bí mật cho con gái bằng cách ngụy trang bên ngoài trông giống như một cửa hàng nhỏ. Nhiều gia đình nông dân nghèo dựng lều ở những nơi xa xôi.

Một cô gái làm nghề bán dây chuyền đính cườm trên bãi biển ở Acapulco kể rằng, cha mẹ đã giấu cô vào khoảng trống nhỏ giữa bức tường và tủ lạnh mỗi khi nghe tin những kẻ buôn bán ma túy xuất hiện. Một cách khác để tránh sự chú ý của tội phạm ma túy là các cô gái làm mình xấu đi. Các cô gái ở nhiều vùng quê ở Mexico không được phép ăn mặc đẹp, trang điểm hay dùng nước hoa.

Một số bà mẹ ở khu vực nông thôn còn bắt con gái mình cắt tóc ngắn và ăn mặc như con trai. "Tôi đã nói với con gái tôi là hãy ẩn mình trong bóng tối, đi học thì ăn mặc xuềnh xoàng thôi, nhưng con bé không chịu nghe lời và cháu bị bắt cóc vào một buổi sáng đến trường" - bà Sarita đến từ Chilpancingo, một thị trấn lớn ở bang Guerrero - vừa nói vừa lấy tay lau nước mắt.

Một tu viện xây dựng từ thế kỷ XVII tại một thị trấn ở phía nam của Mexico đã được sử dụng để giúp những phụ nữ gặp phải tình huống nguy hiểm. Ở đây, các nữ tu đều trên 70 tuổi và có khoảng 20 phụ nữ và trẻ em đang ẩn náu. Khi được hỏi điều sẽ gì xảy ra nếu các băng nhóm tội phạm mang theo súng đến tu viện đòi bắt các cô gái, các nữ tu cho biết, họ sẽ nắm tay nhau, đứng dàn hàng ngang để tạo thành một bức tường vững chắc bảo vệ những người phụ nữ và trẻ em trong tu viện.

Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hai nước Mỹ- Mexico cùng hợp tác trong chương trình được cấp ngân sách đến 880 triệu USD nhằm bảo đảm an ninh vùng biên giới phía nam giáp với Mexcio nhưng chẳng ngăn chặn được hoạt động của tội phạm ma túy lợi dụng làn sóng người di cư.

Dựa theo số liệu đánh giá quốc tịch của Lực lượng Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP), số người vượt biên vào Mỹ từ  "Tam giác phương Bắc" - khu vực bao gồm 3 quốc gia Honduras, El Salvador và Guatemala - còn cao hơn rất nhiều số người xuất phát từ Mexico. Hồi cuối tháng 7-2017, 178 người Trung Mỹ được phát hiện bị nhồi nhét trong một container hàng hóa ở bang Veracruz của Mexico chuẩn bị đưa vào Mỹ. Chuyện người di cư thiệt mạng vì mất nước do nhiệt độ trong container quá nóng là rất phổ biến.

An ninh biên giới Mỹ càng được thắt chặt thì người di cư càng buộc phải dựa vào tội phạm ma túy để vượt biên thành công. Mexico đứng hàng thứ 5 thế giới về tội phạm buôn người với khoảng 70.000 nạn nhân mỗi năm. Eric Olson bình luận: "Người di cư nghĩ rằng họ sẽ có công ăn việc làm sau khi vào được đất Mỹ nhưng trên thực tế họ thường bị cưỡng bức lao động hay mại dâm. Tất cả đều nằm dưới sự kiểm soát của bọn tội phạm ma túy".

Tội ác bắt cóc trẻ em lấy nội tạng

Theo đánh giá từ Wilson Center, có lẽ tội ác ghê rợn nhất của cartel ma túy Mexico là bắt cóc nạn nhân- thường là trẻ em - rồi sau đó sát hại để lấy nội tạng bán trên thị trường đen ở Mỹ. Các nhà điều tra cho rằng bọn tội phạm đặc biệt chú ý đến những đứa trẻ trong khoảng từ 7 đến 10 tuổi vì dễ dụ dỗ bằng điện thoại di động hay bánh kẹo.

Cách đây hơn 3 năm, vào tháng 3-2014, Cảnh sát bang Michoacan, miền Tây Mexico đã bắt giữ Manuel Plancarte Gaspar, một phần tử của băng đảng Knights Templar để điều tra, triệt phá đường dây bắt cóc và giết chết trẻ em lấy nội tạng đem bán. Ông Carlos Castellanos Becerra, Thư ký Tổ chức An toàn cộng đồng bang Michoacan cho biết, Manuel Gaspar chính là một thành viên của băng nhóm tội phạm buôn bán nội tạng.

Được biết, băng nhóm tội phạm này thường bắt cóc trẻ em, sau đó đưa về các căn hộ thuê bên ngoài, tuy được gọi là những "căn nhà ma" nhưng nơi đây có đầy đủ các trang bị thiết bị y tế. Tại đây, chúng giết các nạn nhân rồi trực tiếp mổ lấy nội tạng, bảo quản tạm thời và tìm "mối" bán. "Chúng tôi nhận được nhiều đơn tố giác cho biết có một đường dây gồm nhiều đối tượng khả nghi nhắm mục tiêu vào trẻ em và bắt cóc các cháu", ông Castellanos Becerra cho biết thêm.

Một đứa trẻ trên đường di cư đến Mỹ.

Plancarte Gaspar là cháu "đích tôn" của tên of Enrique Solis, biệt danh "El Kike" cầm đầu băng đảng Knights Templar, đã bị bắt vào đầu tháng 3-2014 cùng với một nghi can trong một vụ ăn trộm xe ôtô để bán lấy tiền và mua ma túy đá.

Do nội bộ băng đảng đối thủ La Familia cùng ở bang Michoacan bất hòa, chia rẽ, nên Kights Templar đã thừa dịp "ngoi" lên và cát cứ nhiều vùng miền núi rộng lớn đầy bất ổn thuộc bang Michoacan trong suốt những năm gần đây, chúng sách nhiễu nông dân, tống tiền các doanh nghiệp và mở rộng "ngành nghề kinh doanh" từ buôn lậu ma túy cho đến khai thác khoáng sản bất hợp pháp.

Lãnh đạo một nhóm tự vệ địa phương từng đấu súng với băng đảng Knights Templar trả lời phỏng vấn đài phát thanh khẳng định: cho đến nay người dân mới biết rõ bọn Knights Templar buôn lậu nội tạng người sau khi nhiều cháu nhỏ may mắn được cứu sống, trong đó có một vài cháu bị bắt cóc và bị giam trong thùng lạnh trên một chiếc xe bán tải.

Trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, ông Jose Manuel Mireles, Trưởng nhóm dân quân tự vệ thị trấn Tepalcatepec cũng cho biết, nhóm tự vệ đã từng giải cứu một vài em nhỏ đang bị vận chuyển trong chiếc xe tải hướng đi về phía thành phố cảng Lazaro Cardenas.

Những em nhỏ này đều là học sinh của một trường tiểu học ở thành phố Mexico. Cha mẹ những đứa trẻ đã cho chúng đi dạo ngoài bãi biển thì sự việc đau lòng xảy ra, chúng bị bắt cóc. Các nạn nhân bị bọc kín trong chăn và nhét vào một chiếc thùng đông lạnh trên xe. Tuy nhiên, ông Mireles chỉ cung cấp từng ấy thông tin và cũng không nói rõ thời điểm giải cứu các em nhỏ là từ bao giờ.

Hiện nay, chi tiết về hoạt động tàn ác này vẫn còn nằm trong vòng theo dõi điều tra của giới chức an ninh hai nước. Monica Darer, chuyên gia về Mỹ Latinh tại Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), nhận định: "Đây là loại tội phạm hoạt động cực kỳ bí mật cho nên rất ít thông tin được cung cấp cho các nhà điều tra. Nhiều gia đình Mexico cho phép con trẻ của họ một mình vượt biên vào Mỹ vì tin rằng chúng sẽ được đối xử tốt hơn nếu bị chính quyền bắt giữ. Đây là ý tưởng hết sức sai lầm bởi vì những đứa trẻ một mình vượt biên rất dễ rơi vào tay bọn tội phạm ma túy. Nam Mỹ, châu Phi, châu Á và Đông Âu... được xem là "nguồn cung dồi dào" các cơ quan nội tạng cho nhu cầu lớn từ thị trường  Mỹ, Canada, Australia...”

Do đó, Darer chủ trương "thiết lập những con đường hợp pháp và an toàn hơn cho hành trình di cư" để bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, các băng đảng ma túy vẫn hành động nhanh hơn chính quyền trong chuyện dụ dỗ những đứa trẻ vượt biên vào Mỹ.

Quang Học-Trang Thuần (tổng hợp)
.
.