Mạng xã hội bị lợi dụng làm bẫy buôn người

Thứ Ba, 29/03/2016, 19:40
Năm 2014, một người đàn ông Malaysia tự xưng là “Alex Gecko” (Alex Tắc kè) đến các tỉnh miền bắc Thái Lan mua tắc kè để bán lại với giá cao ở Malaysia. Alex cũng tự giới thiệu mình là doanh nhân thành đạt, cho mọi người xem những hình ảnh trên trang Facebook cá nhân về nhà hàng của mình ở Malaysia.

Nhiều người đồng ý kết bạn với Alex trên Facebook và được hứa hẹn có cơ hội việc làm lương cao ở Malaysia. Nhưng mục đích thật sự của Alex là tuyển mộ những phụ nữ trẻ đưa vào con đường mại dâm.

Alex hiện nay đang đối mặt với phiên tòa xét xử ở Malaysia và trang Facebook của hắn cũng bị gỡ bỏ. Nhiều băng nhóm tội phạm sử dụng chiêu trò tương tự như Alex, lợi dụng các trang mạng xã hội để dụ dỗ phụ nữ trẻ Thái Lan vào con đường mại dâm.

Chaleerat Timbut, nữ điều phối viên chương trình của Liên minh chống buôn người (ATT) – tổ chức phi chính phủ (NGO) đặt trụ sở chính tại Pháp - ở văn phòng tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, cho biết: “Trang Facebook có vẻ đáng tin và Alex dường như là người giàu có. Hiện nay bọn tội phạm quốc tế thường sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ phụ nữ trẻ ở nước ngoài” Phunyanuch Pattanotai, nhân viên truyền thông ở AAT, bình luận: “Bọn trung gian giả làm nhân viên và để lại bình luận trên Facebook về cuộc sống tốt đẹp của họ để thu hút những phụ nữ trẻ đang tìm kiếm việc làm thông qua những kết nối trực tuyến. Chiến lược của bọn chúng gây khó khăn rất nhiều cho chính quyền các nước trong điều tra phá án bởi vì các cô gái tự nguyện ra nước ngoài làm việc cho đến khi vỡ lẽ mình bị lừa khi  đã đến nơi”. Chỗ làm lương cao như hứa hẹn không thấy đâu và bọn buôn người bắt đầu lộ mặt thật cưỡng ép các cô gái phải tiếp khách để trả tiền chi phí máy bay, sau  đó là trả tiền ăn ở và chi phí cho quần áo làm món nợ càng tăng.

Những nữ nạn nhân được AAT giúp giải cứu.

Mạng xã hội được sử dụng để lừa gạt phụ nữ trẻ vào con đường bán dâm, song nó cũng có thể giúp cứu các nạn nhân khỏi móng vuốt của bọn buôn người. Năm 2014, AAT nhận được thông tin về 3 cô gái bị ép buộc gia nhập đường dây mại dâm nằm dưới sự điều hành của một nhà hàng Thái Lan trên đất Hàn Quốc.

Bà Chaleerat kể: “Chúng tôi nhận được thông tin qua mạng xã hội. Trong đó, một cô gái gửi thông điệp đến cho người chị đang ở Thái Lan báo tin mình bị ép buộc bán thân ở Hàn Quốc”.

Nạn nhân 17 tuổi này bị một tay môi giới lừa gạt thông qua số bạn bè của cô gái, hứa hẹn công việc tiếp viên quán bar cao cấp. Bọn tội phạm cam kết cô gái chỉ làm công việc phục vụ thức uống cho khách. Hai cô gái khác cũng bị lừa vào bẫy như thế.

Nhiều cô gái bị mắc bẫy lừa vào con đường mại dâm.

Hàn Quốc là nơi đến phổ biến của các nạn nhân bởi vì những người sử dụng hộ chiếu Thái Lan có thể lưu lại đến 90 ngày mà không đòi hỏi phải có visa. Điều đó giúp cho bọn buôn người dễ dàng lừa gạt phụ nữ Thái Lan vào con đường mại dâm và nhanh chóng vướng vào cảnh nợ nần không trả nổi.

Sau khi đến Hàn Quốc, cô gái 17 tuổi bị tách khỏi các nạn nhân khác và bị chủ nhà hàng buộc phải bán dâm cho ít nhất 10 khách hàng để trả nợ chi phí “du lịch”. Mặc dù bị chủ nhà hàng cách ly, song cô gái nạn nhân may mắn giấu được điện thoại di động. Khi di chuyển từ căn hộ thuê đến nơi khác để phục vụ khách hàng, cô gái tranh thủ liên lạc với chị gái ứng dụng thông điệp di động Line sau khi không kết nối được với mạng di động của Hàn Quốc.

Người chị gửi thông tin đến một tổ chức phi chính phủ địa phương mang tên  Foundation of Life Foundation và tổ chức này tiếp xúc với ATT để mở chiến dịch giải cứu. Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, AAT chuyển vụ việc đến Trung tâm Nhân quyền phụ nữ nhập cư Hàn Quốc đặt trụ sở tại Seoul đề nghị giải cứu cô gái ngay lập tức. Công nghệ định vị GPS giúp chính quyền Hàn Quốc tìm ra vị trí của cô gái nạn nhân và bắt đầu hành động.

Chỉ 2 ngày sau khi nhận được thông tin từ ATT, cảnh sát Hàn Quốc tiến hành những cuộc đột kích giải cứu 3 cô gái Thái Lan. Sau đó, cả 3 nạn nhân được chính quyền địa phương giúp hồi hương về Thái Lan.

Di An (tổng hợp)
.
.