Mạo danh nhà báo đi họp báo

Thứ Năm, 15/01/2009, 13:30
Những ngày đầu năm, trong hộp mail của nhiều nhà báo bỗng dưng nhận được một bài “điều tra” kèm theo hình ảnh cụ thể tố cáo một số người dùng danh thiếp giả danh nhà báo để đi dự hội nghị, hội thảo, họp báo… lấy phong bì.

Bài “điều tra” khá công phu, công bố danh tính từng người, tuổi, nhận dạng cá nhân, “thâm niên” hành nghề, bí danh thường dùng, đi bằng phương tiện gì, hay giả danh phóng viên báo nào…

Tư liệu này đã dấy lên trong làng báo, những nhà báo chân chính phẫn nộ vì những thông tin này đã âm ỉ  lâu nay, nhất là những nhà báo bị chúng mạo danh. Chúng tôi đã vào cuộc điều tra cùng sự hỗ trợ của nhiều đồng nghiệp khác, và cả những nhân viên phụ trách PR của doanh nghiệp từng là “nạn nhân” của chúng.

Các cuộc hội nghị, hội thảo, họp báo do các doanh nghiệp tổ chức thường có chuẩn bị sẵn tài liệu và phong bì gọi là hỗ trợ tiền xăng xe cho các phóng viên đến dự và đưa tin, viết bài. Mỗi phong bì có giá từ 200.000 đến 500.000 đồng tùy theo tính chất cuộc họp và điều kiện kinh tế của đơn vị tổ chức.

Ở mỗi cuộc họp ban tổ chức thường cử ra một bộ phận chuyên tiếp đón phóng viên, nếu do công ty truyền thông tổ chức cho doanh nghiệp đó, sẽ có bộ phận PR chuyên nghiệp đảm nhận phần này. Nhưng dù chuyên hay không chuyên, thời gian qua có khá nhiều doanh nghiệp và nhân viên PR gặp phải nhà báo giả danh đến chỉ để nhận phong bì với “chiêu thức”: chìa danh thiếp ra, ký tên nhận tài liệu, phong bì.

Khi kiểm tra danh sách khách mời và danh thiếp thấy có tên, tiếp tân mời họ ký nhận. Nhưng sau đó, nhà báo thật, mang danh thiếp thật đến thì được biết là đã có người nhận rồi, xem lại danh sách thấy vị trí tên mình đã có người ký nhận.

Đây là trường hợp một số nhà báo như V.N - báo KH & ĐS, T. U - Thời báo Kinh tế Việt Nam, N.S – Vietnamnet từng bị mạo danh. Nhà báo V.N kể: “Liên tục trong một thời gian ngắn, anh bị mạo danh khoảng 3 lần. Hôm đó, theo thư mời của chương trình họp báo do Tổ chức Phẫu thuật Nụ cười mời tại khách sạn Park Hyaat, Q.1, TP HCM, tôi đến muộn nhưng khi vào bàn đăng ký thì cô tiếp viên cứ ngẩn ngơ: Vừa nãy có anh V.N. đến rồi! Cứ tưởng là  cô ấy đùa nên tôi càng trêu chắc là anh N. con...! Nhưng cô tiếp tân vẫn khẳng định anh N. đó đã ký nhận tài liệu, có để lại cả danh thiếp và đưa cho tôi xem. Tôi sửng sốt khi thấy danh thiếp giống y chang danh thiếp của tôi, có đầy đủ địa chỉ, điện thoại của cơ quan, chỉ khác là không có số điện thoại cá nhân. Hỏi cô nhân viên có nhớ mặt người đã mang tên của tôi không thì cô lắc đầu đông quá không nhớ hết”.

Vài tuần sau, trong khi V.N. đi Nhật theo chương trình Press tour Panasonic 2008 dành cho nhà báo toàn cầu thì nhận được thông tin từ cô văn thư bảo: “Anh đi công tác sao còn hẹn làm việc với doanh nghiệp mà không đến để doanh nghiệp gọi đến cơ quan phản ánh. Anh N. nhờ cô văn thư hỏi giúp thì doanh nghiệp bảo hôm qua anh N đã đến làm việc và yêu cầu doanh nghiệp chuẩn bị tài liệu để sáng nay làm việc tiếp mà chờ hoài không thấy anh N. đến. Đến khi cơ quan trả lời phóng viên V.N. đang ở nước ngoài cả tuần nay thì đại diện doanh nghiệp mới biết đã bị lừa. 

Bên lề một cuộc họp báo do doanh nghiệp tổ chức.

Nhà báo V.N. bức xúc kể câu chuyện thứ 3: “Đau nhất là bị mạo nhận và đồng nghiệp hiểu lầm khi đang ngồi uống cà phê với mấy người bạn thì phóng viên Q.H. (SGGP) vừa thấy mặt tôi đã mắng: ông làm tui mất uy tín quá. Hôm qua tui đi làm việc ở Bến xe Miền Đông, giám đốc bến xe mắng ông tơi tả, nói mấy ông nhà báo làm ăn mất uy tín quá... Hỏi lại thì ra, theo lời giám đốc bến xe thì nhà báo V.N. - Báo KH & ĐS xưng là bạn ông đến đây nhờ tui mua giúp cho mấy cái vé xe chất lượng cao. Thế nhưng đến giờ đi chẳng thấy đến lấy, nhà xe phàn nàn quá! Đúng là tình ngay lý gian ngay trước mặt các đồng nghiệp, tôi hỏi xin số vị giám đốc để hỏi lại cho rõ thì ra có tay nào đó đã đến xưng danh tôi  nhờ giám đốc bến xe giúp đỡ vé xe”.

Đó là trò dùng chính danh thiếp của nhà báo thật để nhận phong bì, còn trò khác là in danh thiếp mạo nhận là phóng viên của báo này, đài nọ, nhưng khi ban tổ chức kiểm tra lại theo số điện thoại, địa chỉ ghi trên danh thiếp đó thì được trả lời ở tòa soạn đó, đài đó không có ai tên như vậy cả. Trường hợp này được phóng viên L.K., tạp chí Nghề báo thuật lại khi cô là người chứng kiến vụ việc.

Buổi sáng ngày 11/9/2008, L.K. nhận được tin của bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM đến ngay phòng họp báo của Ban công tác người Hoa lấy tư liệu về một trường hợp giả danh nhà báo.

Anh Trần Xuân Thái, phóng viên Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết đã vạch mặt được một cô giả làm phóng viên, anh đã “canh me” nhiều lần, hôm nay mới bắt được tận tay. Trong name card, ghi tên là Thanh Hương, phóng viên.

Theo anh Thái thì name card này không hoàn toàn giống với mẫu của báo anh. Và cô này rất nhiều lần giả danh phóng viên báo anh và một số báo khác để dự họp báo, có cuộc ở  Hà Nội, nhất là các cuộc họp về chứng khoán. Anh Thái cho biết đã chụp ảnh và thu giữ name card của cô này. Anh một mực giữ lại và nhờ sự can thiệp của Hội và một số phóng viên khác.

Thế nhưng, có một nữ phóng viên báo khác đã ngăn cản anh và bảo cô Hương ra về. Hôm đó, nữ “PV tên Hương” mặc áo kiểu màu đen và quần màu sáng. Tóc xõa, dài hơn vai. Cô có khuôn mặt tròn và khá xinh, cao chừng 1,6m và khoảng 30 tuổi.

Một số phóng viên ảnh rất “gay” một nhà báo dỏm tên là T.T., xưng danh là phóng viên, biên tập viên của một tờ báo điện tử thuộc một hội liên quan đến công nghệ thông tin. Họ đã chụp hàng loạt bức ảnh T. đang có mặt tại các cuộc họp báo.

Ngày 3/4/2008, T. có mặt tại khách sạn New World trong chương trình dạy quản lý của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam Hoding - hội thảo chiến lược cho các doanh nghiệp chỉ có các doanh nghiệp tham dự, không mời nhà báo. Có lẽ T. đọc tin trên báo Saigon Times nên “mò” đến, thấy không “ăn” được nên một lúc sau ra về. Và lần theo địa chỉ báo điện tử của anh ta thấy đó chỉ là một trang web...--PageBreak--

Lại có một số người không phải là phóng viên nhưng do cộng tác với nhiều  tờ báo nên cũng rất ngang nhiên chìa danh thiếp dù không được mời. Chị H.N., trong lần tổ chức họp báo tại khách sạn Park Hyaat tuyên truyền đội nón bảo hiểm do Hiền Thục và Anh Khoa làm đại sứ, kể lại hôm đó chỉ mời 20 nhà báo, nhưng khách không mời mà đến nên số lượng lên đến 30 người.

Do họ ào ạt vào nhanh quá, chị kiểm tra danh thiếp không kịp nên phải phát tài liệu có kèm phong bì vì sợ “thất lễ” với các nhà báo. Xong sự kiện, về kiểm tra danh thiếp thấy có nhiều danh thiếp ghi tên báo lạ hoắc.

Trong số đó, có một người không có trong danh sách khách mời mặc áo khoác phóng viên, trên danh thiếp ghi tên là D.H., báo S. Chị bảo anh thông cảm vì hết tài liệu, anh H. này đi tới đi lui tỏ thái độ bực bội, sợ có sự cố không hay, chị phải nhờ một nhà báo khác đến nói chuyện anh ta mới bỏ đi.

Cũng trong buổi đó, một phóng viên báo Thế giới mới đã cảnh báo với chị và chỉ hẳn một người đàn ông có ria mép – coi chừng nhà báo dỏm, cuộc họp nào cũng thấy người này. Khi xem mail cảnh báo chị nhớ  ra ngay...

Trong mail cảnh báo có tên và hình ảnh Đ.Đ.K với mô tả: bụng bự, có ria mép, đi xe môtô, giả danh nhà báo ít nhất trên 10 năm, hay huênh hoang mình là nhà báo lâu năm. K có hồ sơ lưu của công an cách đây 10 năm suýt nữa đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì làm giả thẻ đặc phái viên của báo DĐDN để liên hệ doanh nghiệp viết bài lấy quảng cáo. Do khai báo thành khẩn nên K “được tha”.

Theo một số nhân viên PR, khi tổ chức sự kiện, họp báo họ thường gặp phải những trường hợp giả danh này và sau đó họ phải bị kỷ luật, trừ lương, đền bù lại số tiền phong bì đã “chi nhầm”. Nhưng nói đi, cũng trách lại, một phóng viên của Báo SGTT cho biết nhiều nhân viên PR rất “hớ hênh” khi tiếp đón nhà báo bằng cách để sẵn một chiếc ly ở bàn và nhà báo cứ việc bỏ danh thiếp vào đó, thay vì nhận tận tay.

Chính sự “hớ hênh” này đã giúp cho những kẻ mạo danh lấy được những tấm danh thiếp thật để làm giả. Như tòa soạn anh, danh thiếp bao giờ cũng được in trên giấy đặt riêng, được nhận diện bằng màu sắc, măng sét báo và chỉ dùng trong khoảng thời gian quy định, hết thời gian đó sẽ in danh thiếp khác.

Vậy mà anh cũng “bị” khi có lần không đến dự hội thảo về chứng khoán mà các đồng nghiệp thấy danh thiếp của anh được ban tổ chức “niêm yết” cùng danh thiếp của các nhà báo khác. Mới đây nhóm phóng viên thời sự HTV9 cũng đã phát hiện ra một vụ mạo danh và đã quay lại làm tư liệu, chứng cứ...     

Còn rất nhiều nhà báo đã và đang bị nhóm giả danh để đi họp báo, nhận phong bì. Số tiền của các đơn vị gửi cho nhà báo thật ra không đáng là bao, nhưng sự mạo danh này đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự của những nhà báo chân chính. Vì vậy mail cảnh báo trên cũng là một tư liệu tham khảo cần thiết cho các nhà báo, các công ty tổ chức sự kiện, nhân viên PR.

Và trong khi cơ quan pháp luật chưa “bắt tận tay” những kẻ giả danh này, các nhà báo hãy tự bảo vệ uy tín của chính mình bằng cách cẩn thận hơn trong tác nghiệp, trong việc làm danh thiếp, trao danh thiếp đúng người, đúng chỗ. Và nếu có nghe đâu đó có vụ việc mạo danh mình cần tìm hiểu đến nơi đến chốn và báo cho cơ quan bảo vệ pháp luật, đừng biết và rồi chỉ... “để đó tính sau” nên những kẻ mạo danh mới có cơ hội lộng hành.

Mới đây nhất một nhà báo ở Báo SGGP đã “gài bẫy” bắt tận tay một nhóm dùng danh thiếp của anh đi vòi quảng cáo của doanh nghiệp ở miền Tây, anh đã mời Công an địa phương đến lập biên bản và xử lý nhóm phóng viên giả mạo này

Phương Nhi
.
.