Mất tiền tỷ vì sàn đầu tư tài chính bất ngờ “bốc hơi”

Thứ Bảy, 15/05/2021, 12:25
Thanh khoản cao, bảo lãnh tiền vốn lên tới 100%, lợi nhuận thu về hằng ngày... đó là những lời quảng cáo của các đối tượng trong sàn tài chính Busstrade dùng để lôi kéo người tham gia. “Bình” cũ, “rượu” cũng cũ nhưng dường như nó vẫn hiệu quả với lòng tham của con người. Họ chỉ nhận ra mình đã bị lừa khi sàn tiền ảo này bỗng một ngày biến mất.


Bổn cũ soạn lại

Các hoạt động đầu tư tài chính dựa vào tiền ảo theo hình thức đa cấp nổi đình nổi đám gần đây có thể kể đến như Coolcat, Binance, MyAladdinz, Lion Group, Wefitnex... đều được báo chí và cơ quan chức năng liên tục cảnh báo. Thế nhưng, mỗi khi một sàn tiền ảo hoặc một công ty tương tự ra đời, lại có hàng trăm, hàng ngàn người đổ tiền vào đầu tư với mong muốn kiếm lời trong thời gian ngắn.

Các nạn nhân đồng loạt tập hợp lại làm đơn tố cáo khắp các tỉnh thành.

Mới đây, sàn đầu tư tài chính Busstrade đã bị nhiều nạn nhân đồng loạt gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng. Từ những lá đơn này cho thấy, đã có hàng ngàn người tham gia góp vốn với số tiền lên tới con số nghìn tỷ.

Theo phản ánh của các nạn nhân, Busstrade ra đời từ tháng 12-2019, là sàn giao dịch quyền chọn nhị phân, cho phép nhà đầu tư đặt cược dự đoán giá các đồng tiền ảo, cổ phiếu... sẽ tăng hay giảm, đoán đúng sẽ được nhận lãi. Đây là một hình thức đầu tư giống như đánh bạc “tài xỉu” được nhiều đối tượng sử dụng để câu kéo các nhà đầu tư tham lam.

Với Busstrade, nhà đầu tư có thể tham gia một cách thuận lợi, không cần động não đó là ngồi chơi chờ đội ngũ "chuyên gia" bắn lệnh đặt cược. Các nhà đầu tư chỉ cần chọn theo mà không cần chút kiến thức tài chính nào. Sàn này đi "săn mồi" bằng cách tạo ra các nhóm trên Facebook, Zalo, Telegram... đểmời gọi mọi người vào đầu tư, lợi nhuận 20-30%/tháng và bảo hiểm vốn 100%.

Thường xuyên tổ chức hội thảo, gặp mặt để đánh bóng tên tuổi.

Đến ngày 22-4-2021, nhiều người chơi bất ngờ được sàn này báo "tin vui” đó là tài khoản nào nâng vốn và đóng bảo hiểm 2% ngay trong ngày này sẽ nhận được ưu đãi hấp dẫn. Nộp 1.000-2.000 USD nhận ngay lợi nhuận 5%, nạp 5.000 USD lợi nhuận đến 7%. Riêng các tài khoản nâng vốn vào ngày tiếp theo là 23-4 vẫn free (miễn phí) bảo hiểm và nhận lợi nhuận 2% trong tuần đó.

Để tăng độ tin cậy của sàn và đánh bóng tên tuổi của mình, các đối tượng cầm đầu thường xuyên khoe ảnh chụp với các lãnh đạo cấp cao, khoe thành tích đi du học nước ngoài, khoe cuộc sống vương giả, sang giàu. Các đối tượng này cùng đội ngũ Elite team (những thành viên chủ chốt của sàn) thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, offline ở những nơi sang trọng để quảng bá hình ảnh của sàn giao dịch, tăng thêm độ tin cậy hút người chơi.

Bất ngờ, ngày 23-4-2021, trên trang chủ của Busstrade bắt đầu thông báo bảo trì. Cùng với đó, mọi thông tin, hướng dẫn được đăng tải trên các mạng xã hội như YouTube trước đây đều bị xóa không một dấu vết.

Đến ngày 3-5, các nhà đầu tư nhận được thông báo là Busstrade sẽ mở bán một loại tiền ảo tên là Btoken trên sàn Coinsbit và ngày 5-5-2021 sàn sẽ mở lại. Nhưng ngay sau đó, một số người từng là leader hướng dẫn các nhà đầu tư đều giải tán các nhóm Zalo, Telegram khiến nhiều người hốt hoảng.

Và, như các sàn đầu tư tài chính khác từng “bốc hơi”, đến ngày 7-5, các nạn nhân tá hỏa khi tìm mọi cách truy cập vào Busstrade đều không được.

Lời kêu cứu muộn màng

Anh T.H.T. (Hà Nội), một trong những người gửi đơn tố cáo sàn Busstrade cho biết: “Đã có khoảng 15.000 nhà đầu tư vào sàn này bị mất tiền. Người ít thì vài chục triệu, người nhiều vài tỷ đồng. Số tiền bị thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng”.

Đại diện các nhóm nạn nhân đã đồng loạt làm đơn tố cáo cả cá nhân lẫn tập thể người đứng đầu của sàn Busstrade tới cơ quan chức năng với hi vọng nếu không đòi lại được số tiền đã mất thì cũng đưa những kẻ đứng đầu, tự xưng là leader, là “thầy” của sàn Busstrade ra ánh sáng.

Giao dịch trên sàn trước khi bị sập như giao dịch chứng khoán.

Cũng theo anh T., chỉ vì tin tưởng vào bạn bè, anh em đang tham gia sàn Busstrade mà vợ chồng anh đã không ngần ngại bỏ số vốn lớn để tham gia, nhất là sau khi anh chị được dẫn đến gặp trực tiếp đối tượng tên H.C.T. - một trong những người đứng đầu của sàn Busstrade. Với sự tin tưởng và tiềm năng kiếm lời mà người này đã gieo rắc, vợ chồng anh T. đã ném vào sàn này 3,5 tỷ đồng. Số tiền trên “bốc hơi” chỉ sau hơn 2 tháng tham gia.

Còn theo lá đơn của chị Đ.T.T.H., người trực tiếp tố cáo 4 đối tượng chủ mưu của sàn Busstrade thì ông H.C.T chính là người đã tạo ra tài khoản copy trade trên sàn Busstrade gồm Copytrade 100, Copytrade 1000, Copytrade 2000, Copytrade 5000. Sau đó tạo nhóm trên Facebook, Zalo, YouTube, Telegram sau đó mời gọi đầu tư tài chính và giao dịch tài chính Busstrade với cam kết là đầu tư hợp pháp, cam kết lãi và bảo hiểm vốn đều đặn, lợi nhuận hằng tuần từ 5-7% tùy theo gói đầu tư là 100 USD, 1.000 USD, 2.000 USD, 5.000 USD.

Người tham gia có thể thông báo rút vốn và lợi nhuận bất kì lúc nào bằng 2 cách: Rút về các ví điện tử của các sàn như: Binance, Remitano, VNDC... hoặc thanh khoản nội bộ với giá trị tương ứng. Nghe các đối tượng cầm đầu giới thiệu sàn này do Anh quốc cấp phép, khi tham gia lại được ông H.C.T bảo hiểm vốn 100% nên chị H đã đầu tư 5.000 USD. Khi mua vào là 23.600 VNĐ, bán ra cho leader là 22.600 VNĐ. Sau đó nâng lên đầu vào là 24.500 VNĐ, bán ra 23.000 VNĐ. Số tiền này do chị H. tự nạp từ ngân hàng điện tử vào sàn theo hướng dẫn từ video trên YouTube của một leader.

Lời quảng cáo có cánh của một trong những người đứng đầu Busstrade.

Sau một thời gian tham gia, chị H. cũng thu được một chút lợi nhuận nhưng lại không rút do cảm thấy có tiềm năng. Thay vào đó, chị H. tiếp tục nâng vốn bằng cách vay mượn bạn bè, người thân với số tiền lên tới 1,5 tỷ đồng. Đổ vào một số tiền lớn, chị mới tá hỏa khi biết sàn Busstrade đã có dấu hiệu “sập”.

Sau khi “sập sàn”, các nạn nhân mới kết nối để làm đơn kêu cứu và phát hiện danh sách các nạn nhân đang ngày càng nối dài. Thậm chí, có nhiều nạn nhân là kỹ sư, công chức nhà nước, dù có nhiều hiểu biết nhưng vì lòng tham và vì các đối tượng cầm đầu tạo được vỏ bọc quá hoàn hảo nên sẵn sàng đổ hết số tiền vào sàn giao dịch mà không chút nghi ngờ.

Bên cạnh đó, các nạn nhân cũng bị sập bẫy khi thấy lợi nhuận thu về dễ dàng, thanh khoản hằng ngày nên người nọ rủ người kia, lôi kéo bạn bè, người thân tham gia. Có những trường hợp, nạn nhân là người khuyết tật, vì không thể làm việc được như người bình thường nên có chút vốn nho nhỏ đã đổ hết vào sàn với hi vọng kiếm lời, giúp đỡ được cả gia đình và bản thân. Người này còn mời gọi thêm cả những người khuyết tật khác với mong muốn tạo cơ hội cho những người đồng cảnh ngộ. 

Nhưng, họ không ngờ, lời mời gọi ấy đã khiến bạn bè, người thân ghi thêm tên mình vào danh sách các nạn nhân một trò lừa của những kẻ tổ chức đánh bạc núp bóng sàn đầu tư tài chính. “Thậm chí, một số nạn nhân bị đẩy vào cảnh cùng quẫn khi vay tiền ngân hàng, bạn bè đi đầu tư, giờ tiền mất, lãi suất đè nặng lên vai nên không ít người còn tìm cách tự tử để thoát nợ”, chị T.P, một nạn nhân cho biết.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, dưới góc độ pháp lý, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17-7-2014 của Chính phủ đã quy định, việc cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ phái sinh đều do tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại được phép cấp phép đủ điều kiện kinh doanh.

Vì vậy, việc tổ chức sàn Busstrade hay bất cứ sàn Forex nào khác hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là trái luật. Đối tượng nào mà lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư để môi giới, lôi kéo kinh doanh nếu có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thực tế, trong thời gian qua đã có rất nhiều đối tượng trong nước cấu kết với các đối tượng ở nước ngoài thuê lập website ở quốc gia cho phép kinh doanh tỷ giá chứng khoán, ngoại hối,... Sau đó, các đối tượng ở nước ngoài chuyển giao quyền quản lý cho các đối tượng ở Việt Nam điều hành quản trị sàn giao dịch này để tổ chức kinh doanh mời gọi các nhà đầu tư tiền với số lượng đặc biệt lớn. Các nhà đầu tư khi thấy các đối tượng quảng cáo (qua mạng xã hội Facebook, Zaol, Tikok,... ) mời gọi đầu tư vào sàn giao dịch có nguồn gốc ở nước ngoài để tạo niềm tin đầu tư tiền cho chúng.

Khi nhiều nhà đầu tư đã đã đổ tiền vào sàn giao dịch này thì các đối tượng bằng mọi cách để chiếm đoạt như không cho rút tiền, can thiệp tài khoản nhà đầu tư điều chỉnh thua và sau đó dẫn tới khóa tài khoản và tiếp đến đánh sập luôn trang web. Hậu quả, các nhà đầu tư không truy cập được sàn giao dịch do chúng lập ra dẫn tới thiệt hại mất toàn bộ số tiền đã đầu tư.

Với thủ đoạn rất tinh vi bằng hình thức công nghệ cao qua mạng Internet, có sự cấu kết chặt chẽ, phân công nhiệm vụ của từng đối tượng trong và ngoài nước để dụ dỗ, lôi kéo các nhà đầu tư tiền để nhằm chiếm đoạt tài sản. Xét hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự. Với số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn từ 500 triệu đồng trở lên thì các đối tượng phạm tội sẽ phải đối mặt với hình phạt từ 12 năm đến 20 năm.

“Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người dân phải hết sức cẩn trọng trước những lời hứa hẹn đường mật quảng cáo giới thiệu lợi nhuận cao khi đầu tư vào những loại hình kinh doanh không minh bạch và có dấu hiệu lừa đảo”, luật sư Thơm nói.

Song Ngọc
.
.