May rủi tiền "boa"

Thứ Tư, 15/02/2012, 10:05

Tiền "boa" hay còn gọi là tiền "tips" (đọc trại theo nguyên gốc tiếng Pháp pourboire) độ mấy năm trở lại đây không còn là một điều xa lạ đối với người Việt. Cho và nhận tiền "boa" trước đây là một điều tương đối xa lạ và rồi chuyện này dần đổi thay khi nhiều ngành nghề dịch vụ phát triển mạnh tại các đô thị lớn, một phần do ảnh hưởng từ phim ảnh, khách du lịch, văn hóa phương Tây...

Tất nhiên với tuyệt đại đa số người Việt tử tế khi nói đến  chuyện tiền "boa" thì luôn dễ dàng liên tưởng đến một điều gì đó mang dáng dấp mờ ám. Có lẽ từ thủa "sơ khai" của tiền "boa" ở xứ ta từ nhiều năm trước đã được vô số những tay đàn ông mê ca hát nửa vời sớm triệt để áp dụng tại những quán karaoke "tay vịn", dân dã gọi là karaoke "ôm" nhan nhản dọc đường Bưởi, Hà Nội. Nỗi oan uổng tiền "boa" mỗi khi được nhắc đến thường để ám chỉ là đồng tiền được các quí ông ham chơi mang ra đổi chác lấy những thứ dịch vụ "hư hỏng".

Quan niệm cũ đó giờ đã có nhiều thay đổi khi, cho tiền tips hay "boa" là cách để khách hàng thể hiện sự cảm ơn sau khi được ai đó cung cấp một dịch vụ và đã làm họ hài lòng. Hiểu giản dị đó là một lời cảm ơn mà người phục vụ khách sờ thấy được. Biến tướng ngày nay tại nhiều quán bar, vũ trường, nhà hàng sang trọng hay đơn giản là những tiệm làm tóc cao cấp ở Hà Nội thì việc khách hàng "tips" bao nhiêu còn là để thể hiện đẳng cấp, kiếm cái chỗ ngồi hoặc đôi khi giản dị chỉ là "mua" sự kính trọng giả thật của nhân viên phục vụ.

Cuối năm đi gặp mặt lại nhóm bạn học cũ, đám bạn lâu ngày mới gặp kéo tôi đi chơi một mạch tới đêm. Mấy tay chơi cầm đầu hôm đó ngày đi học thì thứ hạng học lực bét lớp nhưng ra đời thì lại giàu có, ăn chơi có vẻ sành sỏi hơn người. Nhóm bạn đưa tôi đi dạo phố đêm cuối năm bằng những chiếc xe hơi siêu đắt mang thương hiệu mạnh của châu Âu mà tôi thường hay thấy trên báo điện tử. Kéo nhau đến một quán bar lai vũ trường khá nổi tiếng dành cho giới trẻ gần siêu thị Big C, nhóm bảo vệ ùa ra đón khách. Trời lâm thâm mưa, gã bạn phanh xe trước cửa quán, một anh chàng nhân viên tay cầm ô cung kính mở cửa cho chúng tôi và nụ cười như đã gắn sẵn trên môi tự bao giờ. Ông bạn rút ra một "buộc" tiền mệnh giá 500.000 đồng nhằn nhanh một tờ mừng tuổi sớm chàng trai đón khách, nụ cười tươi mới nhân hai lúc ban đầu, chiếc xe cửa vẫn để mở có ngay bảo vệ lon ton trèo lên đánh vào bãi đậu bên hông.

Loanh quanh đợi được xếp bàn trong bầu không khí nghẹt thở khói thuốc và âm thanh sàn nhảy, tay bạn đã kịp "giải ngân" thêm độ dăm triệu tiền "boa" cho vài anh bồi phục vụ, cô nàng tiếp thị rượu để có bàn nhanh. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, một nơi sặc sụa mùi bon chen đông đến nghẹt thở thì kẻ đến sau dám chi mạnh tay vẫn có ngay một bàn vị trí đẹp, riêng tư và cơ số  người "chăm sóc". Tất nhiên nếu qui đổi sang ngang thì tiền lương phóng viên của tôi chỉ đủ anh bạn mua vé vào cửa quán bar chơi đêm Giao thừa khiến gương mặt tôi có vẻ gì đó biểu hiện xót ruột. Hắn hiểu ý ghé vai tôi lại kể một câu chuyện được cho là buồn về tiền "boa".

Cũng một dịp sát tết ngày mới biết chơi, anh bạn ghé một vũ trường trên đường Trần Quang Khải, gần tàn cuộc thấy nhóm nhân viên phục vụ bàn mặt mũi kém vui nên móc túi thưởng mỗi chàng 100.000 đồng. Trước khi ra về nhân viên lại ra gửi lại hắn một phong bao lì xì năm mới, hắn thoáng chút ngạc nhiên nhưng cũng bỏ túi không suy nghĩ. Cho đến hôm sau khi mở phong bao ra thì bên trong là một tờ 500 đồng rách nát.

Hắn kết luận ở những chỗ ăn chơi mà toàn đám tiêu tiền như ném qua cửa sổ mà không biết cách chơi, "boa" kiểu bủn xỉn rất dễ bị coi thường. "Nên trước khi bị cho mất sĩ diện thì ta cứ sĩ diện trước, mình có tiền thì mình mua sự kính trọng có làm sao, kể cả là giả thì vẫn vui chán", hắn đúc kết chuyện rải tiền "boa" rất AQ.

Tiền "boa" là để cho thấy sự đánh giá của khách hàng với sự phục vụ của nhân viên nhưng đôi khi trong một số trường hợp cảm thấy bị xúc phạm. Trong vài lần đi công tác nước ngoài, tôi cũng đã có cơ hội tiếp xúc với thứ văn hóa tương đối xa lạ này. Ở Ireland, nếu như đi taxi quãng đường khá dài, trước khi khởi hành tài xế thản nhiên ngoái đầu lại mặc cả chuyện tiền thưởng lên tới 30, 40% tổng số tiền thể hiện trên đồng hồ tính cước như đó là quyền lợi của họ và nghĩa vụ của khách hàng. Một sự sòng phẳng không vòi vĩnh nhưng có vẻ quá đà so với văn hóa người châu Á, vui vẻ thì anh đi, không thì anh có thể tìm xe khác. Singapore thì lại khác hẳn, lái xe không bao giờ đòi hỏi tiền thưởng và họ luôn đủ tiền lẻ để trả lại cho khách đến từng đồng xu nhỏ nhất. Nếu như ai đó có thói quen "boa" thêm cho taxi ở Singapore thì không ít tài xế nổi cáu.

Nhiều khách hàng sẵn sàng thưởng nhiều tiền cho nhân viên phục vụ khi được cung cấp một dịch vụ tốt.

Tôi đi taxi ở Hà Nội quãng ngắn, đôi ba lần gặp trường hợp trả tiền thừa ra vài ngàn hoặc 15.000, 20.000 đồng nhưng tuyệt nhiên không thấy tài xế có thái độ, biểu hiện sẽ trả lại tiền thừa, thôi thì coi như "boa" nhưng cảm giác kém vui, thậm chí còn hiếm khi nhận được lời cảm ơn. 

Anh bạn tôi cũng thừa nhận chuyện tiền "boa" ở Hà Nội đôi khi chính khách hàng làm hư người phục vụ vì như cách anh ta gọi "boa phá giá". Một quán cà phê hạng sang vỉa hè phố Hai Bà Trưng là một ví dụ, để có bàn đẹp ngồi vỉa hè thư thái như ở Paris thì một ly cà phê đen đá có giá xấp xỉ 100.000 đồng nhưng để được nhân viên sắp xếp ngồi đó cùng bạn gái chẳng hạn thì như một thứ luật bất thành văn là tiền "để quên" trên bàn sau đó ít nhất tương đương 50% hóa đơn. Đó đã là thói quen của một nhóm khách quen là thanh niên công tử đi xế xịn nên chỉ có một số ít khách hàng phải có thói quen tương tự đó mới "đủ tuổi" ngồi vào dãy bàn đẹp nọ.

Một kỷ lục tiền "tips" tôi được chứng kiến dịp cuối năm qua mang dãy số lên tới 8 con số 0 thuộc về một phu nhân của đại gia chứng khoán phía Bắc, thưởng cho 4 nhân viên chăm sóc sắc đẹp tại một tiệm cao cấp trên phố Ấu Triệu. Cụ thể là anh thợ cắt tóc chiếc đồng hồ đeo tay Rolex, hai chị gái cắt chăm sóc móng mỗi chị một chiếc iPhone 4 và "hẻo" nhất là em gái gội đầu xách về  một túi chai lọ nước hoa hàng hiệu cũng giá trị tới vài triệu đồng.

Đó là việc xảy ra trước mắt, còn theo thông tin bên lề của những nhân viên vừa hưởng lộc "bất thình lình" nọ kể lại thì tiền thưởng của người phục vụ quí bà tắm trắng, bôi kem dưỡng da thì đều đều hàng tháng vài ngàn USD. Theo như cảm nhận của họ thì đó là một phụ nữ giàu có nhưng không có bạn, bà thưởng dùng tiền "boa" để mua bạn, để mua những nụ cười, những lời thăm hỏi tận tình mỗi ngày. Người giàu họ có tiền và tất nhiên họ có quyền "boa" hậu hĩnh hay mua tất cả những thứ vô hình khác mà họ cảm thấy cần thiết để vui đời.   

Đối với văn hóa nhiều nước trên thế giới, tiền "tips" được coi là một biểu hiện của lịch sự và văn minh. Và có lẽ ở Việt Nam ngày nay cũng vậy, nếu như nhìn vào hàng triệu người đang làm việc trong các ngành dịch vụ, nhiều nơi thậm chí người chủ trả lương "gọi là có" còn hầu hết đều dựa vào tiền thưởng của khách hàng để nuôi sống bản thân, gia đình. Đồng tiền dù là cho hay nhận nó luôn mang bộ mặt của người cầm nó. Ở người phóng khoáng thì đồng tiền rộng rãi cao thượng. Người bần tiện tính toán thì đồng tiền nhơ nhớp chật chội. Tuy nhiên, cao hơn cả vẫn là những người mang khuôn mặt, phong thái mà bất cứ kiểu tiền nào cũng không thể bắt chước được

Lan Thy
.
.