Miền Trung: Nhiều đối tượng giả danh cán bộ để lừa đảo

Thứ Bảy, 30/08/2014, 08:45

Thời gian gần đây, Công an TP Đà Nẵng liên tiếp ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với những đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người trong việc chạy xin thuê căn hộ chung cư, bố trí đất tái định cư, xin việc làm… để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng…

Là một kẻ vô công rồi nghề ở nhà thuê, nhưng đi đến đâu, Nguyễn Quang Vinh (SN 1967), tạm trú tại 198/6 Quang Trung - TP Đà Nẵng cũng lòe thiên hạ rằng mình là cán bộ rất có uy lực đang công tác tại "Ban bất động sản" của UBND TP Đà Nẵng. Với vị trí công tác này, cộng thêm sự quan hệ thân tín với rất nhiều vị lãnh đạo của thành phố như lời khoe khoang của Vinh thì việc xem xét hồ sơ để bố trí cho thuê căn hộ chung cư và bố trí đất tái định cư cho người dân trong vùng giải tỏa của TP Đà Nẵng là chuyện dễ như trở bàn tay.

Một đôi lần gặp Vinh ở quán cà phê, nghe Vinh "nổ" là đã xử lý bố trí đất tái định cư cho người này, người nọ. Rồi vì thương cô kia nghèo, chú nọ hoàn cảnh nên Vinh đã ưu tiên xem xét hồ sơ để bố trí cho thuê căn hộ chung cư ở vị trí thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán làm ăn. Rồi những cú điện thoại mà ở phía đầu dây bên kia chắc là… không có người!

Những nội dung độc thoại của Vinh đã làm cho bà Nguyễn Thị Quý (SN 1968), trú phường An Khê, quận Thanh Khê nghe rất "lọt lỗ tai". Vốn làm nghề kinh doanh bất động sản, thế nên, sau vài lần gặp Vinh, bà Quý đã chủ động xin số điện thoại của vị "cán bộ" này, vì biết rằng trước sau gì mình cũng có việc phải nhờ đến...

Nguyễn Quang Vinh bị Cơ quan điều tra bắt giữ.

Theo trình bày của bà Quý trước Cơ quan Công an: Bà có một người họ hàng nằm trong diện hộ nghèo, gia cảnh neo đơn nên đã làm đơn xin thuê (hoặc mua) căn hộ chung cư của thành phố nhưng không nắm được quy trình làm thủ tục. Vì vậy, bà Quý đã gọi điện cho Vinh để nhờ giúp đỡ. Sau khi nghe bà Quý trình bày về hoàn cảnh của người thân, Vinh bảo rằng: Trường hợp này sẽ giúp đỡ được, tuy nhiên, để cho công việc được nhanh chóng và suôn sẻ thì phía người thân của bà Quý phải chi cho Vinh 40 triệu đồng để "lo trước cho các anh".

Thống nhất với kế hoạch do Vinh vạch ra, bà Quý đã đưa trước cho Vinh 15 triệu đồng "tiền quan hệ trước". Đổi lại, Vinh viết cho bà Quý một tờ biên nhận và hẹn sau 2 tuần sẽ có kết quả. Vốn có một người họ hàng khác thuộc diện giải tỏa, nhưng không thuộc diện được bố trí đất tái định cư nên bà Quý sau đó cũng đã gọi điện thoại đến Vinh để nhờ giúp đỡ. Thế nhưng, do bận việc "cơ quan", với lại "dạo này Thanh tra Chính phủ đang làm việc nên chiều nào cũng phải đi tiếp khách". Vì vậy, chỉ tranh thủ một chút thời gian buổi sáng để gặp bà Quý tại quán cà phê để xem hồ sơ thôi.

Đúng hẹn, bà Quý mang hồ sơ của người họ hàng đến gặp Vinh ở một quán cà phê sang trọng nằm trên đường Bạch Đằng - Đà Nẵng. Sau khi xem xét hồ sơ, Vinh nói rằng đối với trường hợp này, Vinh có thể giúp đỡ xin bố trí một lô đất thuộc diện hộ chính, nằm mặt tiền đường 7,5m ở khu tái định cư Phần Lăng 2 (quận Thanh Khê). Nhưng để chạy được suất này phía người nhà bà Quý phải chi cho Vinh 400 triệu đồng.

Tháng 8/2013, Vinh gọi điện thoại cho bà Quý, cho biết trường hợp của người nhà bà Quý xin bố trí đất tái định cư đã được Vinh "trình bày với các anh ở ủy ban", nên hẹn gặp bà Quý để lấy hồ sơ giải tỏa. Khi gặp Vinh, bà Quý đã được Vinh đưa một bản hợp đồng về việc giúp đỡ bà Quý xin đất tái định cư, đồng thời ứng trước 100 triệu đồng để đi "quan hệ".

Cầm bộ hồ sơ giải tỏa trong tay với 100 triệu đồng tiền mặt, Vinh hẹn với bà Quý sau 15 ngày sẽ đi nhận đất. Tuy nhiên, hơn nửa tháng sau, bà Quý gọi điện  thì Vinh nói là phía ủy ban đang vướng vào nhiều dự án đền bù, giải tỏa lớn nên chưa đệ trình những trường hợp nhỏ lẻ này cho sếp ký duyệt được, rồi khuyên bà Quý phải kiên nhẫn chờ đợi.

Tháng 9/2013, trong một lần tình cờ gặp bà Quý tại một quán cà phê nằm trên đường Hà Huy Tập - Đà Nẵng. Vinh đã nhắc lại chuyện xin đất, rồi trình bày những khó khăn trong hành trình đi xin lô đất tái định cư này. Nhân đó, Vinh đã "vay tạm" của bà Quý thêm 20 triệu đồng nữa và hẹn tuần sau sẽ trả. Tuy nhiên, cho đến khi Vinh bị bắt cuối tháng 7/2014, số tiền kia vẫn chưa được trả về cho khổ chủ.

Tại Cơ quan Công an, Vinh khai nhận: Bản thân Vinh thất nghiệp, gia cảnh khó khăn phải đi thuê nhà để ở khi nơi này, khi nơi khác. Vì túng quẫn nên đã nghĩ ra nhiều cách để lừa đảo kiếm tiền. Sau khi nhận tiền và hồ sơ, giấy tờ do bà Quý đưa, Vinh đã lục tìm trên mạng Internet những mẫu đơn xin được bố trí chung cư, rồi đưa cho bà Quý ký tên vào.

Sau khi có chữ ký của bà Quý, Vinh cũng đã mang đơn này đến nộp ở Công ty quản lý nhà TP Đà Nẵng để xin được xem xét. Thế nhưng, vì đây là trường hợp không nằm trong nhóm đối tượng được xem xét nên đơn đã bị gác lại không giải quyết. Đối với trường hợp xin bố trí đất tái định cư, thì Vinh đem toàn bộ giấy tờ về nhà mình cất giữ.

Tuy nhiên, để cho bà Quý tin tưởng, Vinh đã soạn ra những bản hợp đồng giả mạo để làm tin. Việc nhận tiền, Vinh không viết giấy nhận tiền thông thường như trước đây mà Vinh đã soạn ra hợp đồng "dịch vụ tư vấn hỗ trợ hoàn tất thủ tục hành chính nhận quyền sử dụng đất" để đánh lừa nạn nhân.

Sau khi chiếm đoạt được tiền từ những trường hợp xin bố trí căn hộ chung cư và tiền chạy dịch vụ bố trí đất tái định cư, Vinh đã dùng vào việc tiêu xài cá nhân cho đến ngày bị bắt.

Ngày 26/7 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Huỳnh Đức Hậu (SN 1983), trú phường Nam Dương, quận Hải Châu về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Hậu trước đây là cán bộ Tư pháp của phường Hải Châu 2 nên nhiều người quen biết. Thêm vào đó là cách ăn nói nhỏ nhẹ nên đa số những người đã một lần gặp Hậu đều cảm thấy rất dễ gần…

Cuối năm 2013, khi đang là cán bộ Tư pháp của phường, Hậu đã đến nhà anh Trần Hùng ở đường Ngô Gia Tự - Đà Nẵng, để làm hợp đồng giao dịch về giấy tờ nhà đất. Sau khi nhận giấy tờ, vì có ý định chiếm đoạt tiền của vợ chồng anh Hùng, nên thay vì mang giấy tờ đến nộp ở các cơ quan hữu trách để xem xét, thì Hậu đã mang về nhà cất giấu.

Sau đó, Hậu đã dùng các mẫu giấy tờ về thông báo nộp thuế trước bạ của cơ quan thuế, rồi dùng máy vi tính đánh, in ra, sau đó scan các chữ ký, con dấu của cơ quan thuế. Sau khi hoàn tất số giấy tờ giả mạo này, Hậu đưa cho vợ chồng anh Hùng xem, rồi nhận tiền từ gia đình anh Hùng để đi nộp thay. Qua 6 lần đến nhận tiền nộp thuế trước bạ nhà đất thay gia đình anh Hùng. Hậu đã chiếm đoạt của nạn nhân số tiền là 230 triệu đồng.

Huỳnh Đức Hậu lúc bị bắt.

Thấy kiếm tiền bằng cách lừa đảo  quá dễ nên Hậu ra sức tìm kiếm những ai có nhu cầu hợp thức thủ tục về giấy tờ nhà đất và xuất hiện với vai trò là "kẻ cứu tinh".  Vì vậy mà cho đến khi Cơ quan Công an ra quyết định khởi tố, bắt giam Hậu thì đã có hơn chục trường hợp đưa tiền cho Hậu “lo giúp”.

Ngoài những ngón lừa đảo để chiếm đoạt tài sản như Vinh, Hậu, thời gian gần đây ở tỉnh như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam cũng xuất hiện nhiều đối tượng, nhóm đối tượng lừa đảo với những chiêu thức vô cùng tinh vi…

Nguyễn Khắc Quyết (1987), trú ở xã Tảo Dương, huyện Ứng Hòa, Hà Nội và Nguyễn Thị Thơm (SN 1988 - là họ hàng với Quyết), trú tại xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cùng với một số đối tượng khác đến thuê nhà trọ tại phường 1, thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Hàng ngày, chúng phân công nhau theo từng địa bàn cụ thể để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo sự phân công của kẻ cầm đầu, Quyết và Thơm đi trên chiếc xe Exiter mang BKS 29Y3-40679 đến địa bàn xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Tại đây, chúng đã tìm đến những gia đình có con nhỏ, giới thiệu mình là cán bộ của Bộ Y tế đến địa phương để diệt ký sinh trùng phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ em và tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho phụ nữ nông thôn.

Tại mỗi hộ dân tiếp cận được, họ đều đưa ra 5 gói hóa chất diệt trừ các côn trùng; tư vấn cách sử dụng, như treo hóa chất này ở 4 chân giường, nhúng màn vào hóa chất và phơi khô để diệt trừ và phòng ngừa các côn trùng xâm hại…

Họ nói rằng đây là chương trình do Bộ Y tế triển khai để dập dịch, vệ sinh môi trường; phòng bệnh tay-chân-miệng ở trẻ em và phòng bệnh ung thư cổ tử cung cho phụ nữ… Các hóa chất, thuốc men thì được cấp phát miễn phí nhưng mỗi gia đình phải đóng lệ phí 80 nghìn đồng/tháng. Chương trình tiến hành liên tục trong một năm, lệ phí theo đó nhân lên với 12 tháng sẽ là 960 nghìn đồng/hộ.

Các đối tượng dụ dỗ, cán bộ của Bộ Y tế về tới địa phương là dịp hiếm có, các bố mẹ nên tranh thủ cơ hội để phòng trừ bệnh lâu dài cho trẻ con và phụ nữ… đối với những hộ dân không có sẵn tiền mặt, Quyết và Thơm đã dụ dỗ bà con đưa cho chúng các vật, tài sản khác có giá trị thay thế tiền như dây chuyền vàng, bông tai, nhẫn vàng. Chúng nói với bà con là ngay sáng ngày mai, đoàn cán bộ y, bác sĩ của Bộ Y tế sẽ đến tiêm, cấp phát thuốc miễn phí, các vật, tài sản khác đó sẽ được quy đổi thành tiền, nếu thừa thì sẽ trả lại cho bà con, nếu thiếu thì bà con nộp thêm…

Một số người dân có hiểu biết về pháp luật ở xã Hải Sơn đã cấp báo vấn đề này đến cơ quan chức năng của huyện Hải Lăng. Nhận thấy, sự xuất hiện của những đối tượng này là một hiện tượng bất thường có dấu hiệu phạm pháp nên Công an huyện Hải Lăng đã triển khai lực lượng chặn bắt các đối tượng. 

Khi bắt giữ và khám xét trên người, hành lý của 2 đối tượng, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ các tang vật, tài sản, gồm: 7.670.000 đồng; dây chuyền, nhẫn và 2 bông tai đều là kim loại có màu vàng; một xe máy Exiter BKS 29Y3-40679 màu trắng và đen; 25 gói hóa chất diệt trừ côn trùng và thông bồn cầu, cùng một số giấy tờ khác liên quan. Trong đó có các giấy giới thiệu ghi là của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học và môi trường; các gói hóa chất trên đều ghi nhãn mác của trung tâm này.

Hiện nay, các đối tượng Quyết, Thơm đang bị giam giữ để tiếp tục điều tra, xử lý...

Quốc Anh
.
.