Vụ khủng bố kép tại Nauy:

Mối đe dọa không chỉ xuất phát từ các phần tử Hồi giáo cực đoan

Thứ Ba, 09/08/2011, 15:25

Thảm kịch được xem là "đòn chấn động tâm lý nặng nề" đối với người dân một quốc gia từ trước vẫn được coi là một trong những miền đất bình yên nhất châu  Âu. Điều này chứng tỏ rằng, không một quốc gia nào có thể tự coi mình là "ốc đảo" trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu hiện nay. Hơn nữa những thông tin về thủ phạm cho thấy, mối đe dọa khủng bố không chỉ xuất phát từ các phần tử Hồi giáo cực đoan như người ta vẫn tưởng…

Bi kịch nằm ngoài sự tưởng tượng!

Chiều thứ Sáu ngày 22/7, một tiếng nổ lớn đã vang lên ngay sát tòa nhà của chính phủ Nauy tại Oslo. Trong khi chính quyền thành phố và các phương tiện truyền thông đại chúng đang tập trung điều tra về thiệt hại cũng như nguyên nhân vụ nổ, nhiều nạn nhân trực tiếp chứng kiến đã mô tả đây là "vụ 11-9 của Nauy".

Nhưng đó mới chỉ là "màn dạo đầu". Cảnh sát còn đang tìm hiểu điều gì đã xảy ra tại khu phố của chính phủ tại Oslo thì "tập hai" của bi kịch khủng bố đã xảy ra chỉ một thời gian ngắn sau đó: một người đàn ông có vũ trang tấn công khu trại hè thanh niên tại Utoya, xả súng vô tội vạ vào các nạn nhân chạy trốn trong tuyệt vọng. Theo con số thống kê mới nhất có ít nhất 83 nạn nhân thiệt mạng - 7 người trong vụ nổ tại thủ đô Oslo và 76 người tại khu trại hè.

Quay trở lại với vụ nổ tại Oslo, được biết một quả bom cỡ lớn đã phát nổ ngay sát tòa nhà 17 tầng của chính phủ, là nơi tọa lạc một loạt các văn phòng của Thủ tướng Yens Stoltenberg, văn phòng Bộ Năng lượng, Công nghiệp và Tư pháp,… Ban đầu còn có tin đồn Thủ tướng Nauy cũng là một nạn nhân của vụ nổ, nhưng thông tin trên đã nhanh chóng bị bác bỏ. Ngay chiều tối hôm đó, ông Stoltenberg đã xuất hiện trong một cuộc họp báo về vụ khủng bố. Ngoài tòa nhà chính phủ, sức chấn động của quả bom còn làm hư hại một loạt các tòa nhà gần đó, kể cả trụ sở của Bộ Công nghiệp dầu mỏ và tòa soạn của tờ báo Verdens Gang.

Dù sao số nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ này là tương đối thấp, do vụ khủng bố xảy ra đúng vào dịp cao điểm của kỳ nghỉ hè, có rất nhiều nhân viên các cơ quan nhà nước đang đi nghỉ. Theo Thủ tướng Stoltenberg, trong số 7 người thiệt mạng có một số quan chức thành viên chính phủ, chưa kể 15 người khác bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng.

Còn đảo Utoya nằm giữa hồ Tyrifjorden, là nơi tổ chức trại hè thanh niên của đảng Công nhân Nauy cầm quyền. Được biết Thủ tướng Nauy theo kế hoạch cũng tới thăm trại hè này, nhưng vì một số lý do nào đó chuyến đi đã được hoãn lại. Vào thời điểm đó, hòn đảo là nơi tụ tập của gần 600 người, phần lớn là các thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi. Tất cả đều đã biết qua người thân về vụ đánh bom tại Oslo, nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy một chiếc thuyền cập bờ hòn đảo, trên đó có một người đàn ông mặc sắc phục cảnh sát trang bị vũ khí. Tên này nói với các nhân viên phụ trách rằng hắn cần có một số tuyên bố, yêu cầu tập hợp tất cả mọi người trên bãi cỏ gần quán cà phê. Khi đã có vài trăm người tập hợp tại đây, "viên cảnh sát" nhoẻn miệng cười và… xả súng thẳng vào đám đông.

Bầu không khí kinh hoàng nhanh chóng bao trùm lên khắp khu trại hè. Khi hiểu những gì đang xảy ra, các thanh thiếu niên vội chạy toán loạn, nhiều người lao vội xuống hồ với hy vọng có thể thoát thân. Một số lại giả vờ gục chết bên cạnh những thi thể đẫm máu của bạn bè mình, số khác tìm cách cố thủ trong phòng bằng cách kê giường chặn cửa sổ và lối ra vào. Đến lúc thủ phạm đã hết sạch đạn hắn mới đầu hàng mà không có chút dấu hiệu kháng cự nào.

Suốt cả ngày hôm sau, cảnh sát đã phải rà soát khắp khu vực lòng hồ để tìm kiếm thi thể các nạn nhân.

Theo tờ Verdens Gang, tên sát nhân đã mang theo mình rất nhiều súng đạn - trong đó có một khẩu súng lục "Glock" đăng ký dưới tên hắn, một khẩu súng trường và một khẩu súng săn. Đối với người dân Nauy và các quốc gia vùng Scandinave, vốn được coi là một trong những khu vực bình yên nhất thế giới, tất cả những gì vừa xảy ra đã gây ra một ấn tượng hết sức nặng nề và kinh hoàng. "Cơn ác mộng này nằm ngoài cả sự tưởng tượng, một thảm kịch tương tự mà đất nước Nauy chưa từng biết đến kể từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai" - Thủ tướng Yens Stoltenberg tuyên bố.

Chân dung tên khủng bố

Chân dung thủ phạm của thảm kịch kinh hoàng nhất trong lịch sử Nauy hiện đại nhanh chóng được báo chí và các cơ quan điều tra làm rõ.

Anders Behring Breivik, 32 tuổi là một tín đồ Cơ Đốc có quan điểm cực hữu cùng với nhiều tuyên bố chống lại Hồi giáo trên các mạng xã hội. Báo chí cho biết, tên này trong quá khứ chưa có hành vi vi phạm pháp luật đáng kể nào, ngoại trừ một vài lần bị phạt vì lái xe quá tốc độ cho phép.

Anders Behring Breivik (ảnh nhỏ) và hiện trường vụ đánh bom Khu nhà Chính phủ tại Oslo.

Breivik sinh ra và lớn lên tại Oslo, trong một gia đình có cha là nhân viên ngoại giao, còn mẹ là nữ y tá. Tuy nhiên, cha mẹ Breivik đã chia tay nhau khi hắn mới được một tuổi. Breivik cho đến khi bị bắt vẫn sống độc thân, kiếm sống bằng nghề trồng trọt rau quả và trái cây. Sở thích chính của tên này là những trò chơi trên máy tính, đặc biệt là trò Worlds of Warcraft.

Năm 2005, Breivik mở một công ty dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng cuối cùng đã phải đóng cửa sau 3 năm hoạt động. Những người quen và hàng xóm của Breivik đều mô tả hắn như một thanh niên lịch sự và có trách nhiệm. Một số đồng nghiệp khác cũng đánh giá hắn là loại người điềm đạm, thậm chí còn rụt rè. Chính vì vậy, tất cả đều thực sự bị sốc trước tội ác mà Breivik đã gây ra, cũng như những quan điểm cực đoan được hắn giãi bày trên Internet.

Chỉ vài giờ trước vụ khủng bố, Breivik tung lên Internet một văn bản có tên "Tuyên ngôn độc lập của châu Âu năm 2083". Đồng thời trên Youtube cũng xuất hiện một đoạn băng hình, trong đó tên này giải thích tóm tắt về nội dung bản tuyên ngôn của mình (nhà chức trách đã cho gỡ bỏ đoạn băng này). Về cơ bản, nội dung "bản tuyên ngôn" đã giúp làm rõ được quá trình hình thành và thay đổi trong nhận thức và quan điểm của Breivik.

Trong văn bản dày tới 1.518 trang này, tên khủng bố phân tích tỉ mỉ nguy cơ của chủ nghĩa Hồi giáo, soạn thảo một kế hoạch từng giai đoạn “giải phóng” châu Âu khỏi tư tưởng Hồi giáo. Còn trong một bài viết dưới dạng tự trả lời phỏng vấn, Breivik kể về quá trình chuẩn bị cho "các chiến dịch" tại Oslo và đảo Utoya. Cũng theo lời của Breivik, vụ khủng bố đã được hắn lập kế hoạch từ 9 năm qua.

Sự kiện đã khiến Breivik thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình chính là chiến dịch tấn công của NATO vào Serbia vào năm 1999. "Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc Mỹ và các chế độ Tây Âu ném bom những người anh em Serbia của chúng ta. Trong khi tất cả những người anh em này chỉ muốn xóa sạch đạo Hồi, trục xuất cộng đồng Hồi giáo gốc Albani trở về Albani" - Breivik viết trong bản tuyên ngôn.

Theo thông tin của tờ Dagbladet, Breivik trong vài tháng gần đây đã sống tại một khu trang trại sản xuất nông nghiệp hẻo lánh, nhiều khả năng được dùng làm vỏ bọc để hắn có thể thu gom một số lượng lớn phân bón, qua đó làm nguyên liệu để chế tạo bom. Điều tra cụ thể từ mạng lưới cửa hàng cung cấp hàng hóa phục vụ nông nghiệp tại địa phương cho thấy, Breivik - chỉ riêng trong tháng 5 vừa qua - đã mua tổng cộng 6 tấn phân bón!

Thủ phạm đã có những lời khai đầu tiên trước cơ quan cảnh sát, làm rõ những nguyên nhân dẫn tới vụ khủng bố trên. Có điều cảnh sát không tiết lộ những chi tiết thẩm vấn. Cũng có thông tin cho rằng, Breivik còn có thêm một kẻ tòng phạm nữa. Ít nhất có một số nhân chứng khẳng định với các nhà báo, dường như có mặt hai thủ phạm tại hiện trường, chứ không phải một như tuyên bố trước đây.

Tên khủng bố lần đầu tiên phải ra trước tòa vào ngày 25/7 vừa qua. Theo như lời luật sư bào chữa, Breivik sẽ giải thích tường tận về động cơ dẫn tới hành động của mình, từng được hắn mô tả trong quá trình thẩm vấn là "tuy tàn nhẫn nhưng cần thiết!". Các nhà chức trách dự định tổ chức phiên tòa xét xử kín, do không muốn tên khủng bố lợi dụng làm cơ hội để tuyên truyền những ý tưởng cực đoan của mình.

Theo điều khoản 147 của Bộ luật hình sự Nauy về "Hoạt động khủng bố", Breivik chỉ phải chịu án phạt tối đa là 21 năm tù! Vì Nauy vốn không có án tử hình, còn án tù tối đa chỉ là 21 năm. Cũng theo luật Nauy, các bản án được thi hành đồng thời,  nên hắn không thể bị tuyên 83 bản án liên tiếp vốn có thể gộp lại thành mức án gần 2.000 năm tù! Nhưng qua vụ khủng bố kinh hoàng này, ở Nauy đang dấy lên làn sóng kêu gọi nhà cầm quyền áp dụng lại án tử hình.

Lời cảnh tỉnh

Thảm kịch vừa qua là một lời cảnh tỉnh thực sự cho thấy, không một quốc gia nào có thể tự coi mình là một "ốc đảo an toàn" trước những âm mưu khủng bố, có thể nảy sinh từ bất cứ một tổ chức hay cá nhân nào. Chính quyền Nauy đã bị chỉ trích nặng nề vì lý do chỉ chú trọng đến các phần tử Hồi giáo quá khích dẫn tới bỏ qua mối đe dọa khủng bố từ phía cá nhân có quan điểm dân tộc cực hữu kiểu phát xít mới như Breivik.

Những nạn nhân còn chưa hết kinh hoàng khi được đưa khỏi đảo Utoya.

Minh chứng rõ ràng nhất là ngay sau vụ đánh bom tại Oslo, một loạt giả thuyết đưa ra đều quy trách nhiệm cho các phần tử Hồi giáo. Đầu tiên là giả thuyết cho rằng, Nauy trở thành nạn nhân bị tấn công khủng bố là do quốc gia này là thành viên NATO, tham gia vào các chiến dịch quân sự tại Afghanistan. Giả thuyết thứ hai nghiêng về việc báo chí Nauy trước đó đã đăng tải những tranh biếm họa về nhà tiên tri Hồi giáo. Hay giả thuyết thứ ba lại nhắc tới vụ Tòa án Nauy mới xét xử một đối tượng nhập cư từ Iraq, kẻ đã đe dọa sẽ sát hại các chính trị gia Nauy nếu như bị trục xuất về nước.

Ngay như một báo cáo mới nhất của tình báo Nauy về nguy cơ khủng bố trong nước cũng chỉ nhắc tới mối đe dọa từ các phần tử Hồi giáo cực đoan được đào tạo tại Somali, Pakistan, Yemen và Afghanistan. Thậm chí còn có giả thuyết về "dấu vết từ Libya" qua đòn trả đũa của nhà lãnh đạo Gaddafi.

Chính vì vậy, sự thật về việc thủ phạm là một người Nauy chính gốc có quan điểm chống Hồi giáo đã khiến công luận nước này bất ngờ thực sự. Tại Nauy và các nước Scandinave hiện vẫn tồn tại những nhóm phát xít mới quy mô nhỏ, nhưng về cơ bản không gây ra tội ác đáng chú ý nào. Trung bình tại Nauy mỗi năm cũng chỉ xảy ra từ 30-40 vụ án giết người - một trong những tỉ lệ thấp nhất châu Âu nếu tính trên đầu dân số. Chính vì vậy, người ta đã bỏ qua chi tiết rằng, nhiều đảng phái, phong trào chính trị theo những quan điểm dân tộc cực hữu  đang dần nổi lên giành được những vị trí đáng kể trên chính trường một loạt các nước như Thụy Điển, Hungary, Italia, Đan Mạch,…

Hồng Sơn – Đinh Linh (tổng hợp)
.
.