“Cuộc chiến vô hình”:

Một bộ phim cảnh báo về đạo đức quân nhân Mỹ

Thứ Hai, 02/07/2012, 18:35

Bộ phim tài liệu có nhan đề "The Invisible War" (tạm dịch: Cuộc chiến vô hình) của đạo diễn Kirby Dick có nội dung nói về tình trạng hãm hiếp nữ quân nhân trong quân đội Mỹ một cách có hệ thống đã giành được nhiều giải thưởng trong các liên hoan phim và gần đây nó gây ra nhiều phản ứng trong Quốc hội Mỹ.

Những trường hợp nữ quân nhân Mỹ bị cưỡng bức mà bộ phim đề cập đã gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng về mức độ bạo lực và những uẩn ức mà họ phải chịu đựng sau những cuộc tấn công vô cùng thô bạo này.

Tháng 12/2005, Kori Cioca, một nữ quân nhân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát Biển Hoa Kỳ đã bị một sĩ quan chỉ huy cưỡng hiếp. Trong cuộc tấn công tình dục này, hàm của cô bị vỡ. Khi Cioca tìm cách đưa vụ này ra ánh sáng, người sĩ quan chỉ huy của cô dọa rằng nếu theo đuổi vụ kiện, cô sẽ phải đối mặt với Tòa án binh vì tội nói dối. Kẻ tấn công cô, người đã thú nhận có vụ tấn công nhưng không thừa nhận đã cưỡng hiếp,  đã bị "trừng phạt" nhẹ nhàng với việc... tạm đình chỉ công tác 30 ngày và phạt một ít tiền.

Cioca hiện đang bị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (còn gọi là hội chứng PTSD), cô bị thương ở vùng mặt và phải tranh đấu để được điều trị. Cô cũng là một nguyên đơn trong một vụ kiện dân sự chống Bộ Quốc phòng. "Ông ta không cưỡng bức vì tôi đẹp hay vì muốn quan hệ tình dục với tôi. Ông ta cưỡng bức vì ông ta ghét tôi", cô khẳng định.

Những con số về các vụ tấn công tình dục trong quân đội Mỹ khiến công chúng kinh ngạc. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ  Leon Panetta đã thừa nhận có khoảng 19.000 vụ tấn công tình dục diễn ra hàng năm trong quân đội Mỹ. Đây là con số đáng báo động về mức độ thường xuyên của các vụ tấn công, nó cho thấy tấn công tình dục không còn là những trường hợp cá nhân nữa mà đã diễn ra một cách có hệ thống và phổ biến. Có nhiều vụ tấn công xảy ra đến mức các nhóm vận động cho các nữ quân nhân đã tạo ra một thuật ngữ mới: chấn thương tình dục quân sự (gọi tắt là MST).

Một nữ quân nhân Mỹ ở tỉnh Helmand, Afghanistan năm 2010. Ảnh: Paula Bronstein/Getty Images.

Năm 2011, có 3.158 vụ tấn công tình dục trong quân đội được báo cáo. Tổ chức Hành động vì phụ nữ cho rằng các vụ tấn công tình dục thường bị giấu giếm và không được báo cáo đầy đủ vì những lý do như giữ bí mật hoặc muốn bao che cho kẻ tấn công khiến cho các nạn nhân thêm khó khăn trong việc tố cáo những hành vi này. Tổ chức này cho biết: "Tỉ lệ truy tố đối với những kẻ tấn công tình dục rất thấp. Năm 2011, hơn 3.000 vụ được báo cáo lên cấp trên nhưng chỉ có 1.518 vụ bị xử lý kỷ luật và chỉ 191 người bị kết án tại Tòa án quân sự".

Với tình trạng này, những nữ quân nhân phải đối mặt với hai cuộc chiến, cuộc chiến ngoài mặt trận và cuộc chiến đấu chống lại sự tấn công tình dục của chính đồng nghiệp hoặc người chỉ huy của họ, đó là "cuộc chiến vô hình", ít người thấy được vì thói quen bảo vệ những kẻ tấn công tình dục trong chính các nam quân nhân Mỹ.

Trong những cuộc chiến tranh gần đây của Mỹ, nạn tấn công tình dục trở thành hệ thống và ngày một gia tăng trong các đơn vị quân đội, các trại giam giữ như căn cứ Baghram, nhà tù Abu Ghraib và những vụ bê bối liên quan đến dân thường…. Nói cách khác, những cuộc chiến tranh đã biến những người lính thành những phiên bản "vô nhân tính" của chính họ.

Các nhà làm phim hy vọng rằng, những thước phim của bộ phim này sẽ là một hồi chuông báo động về tình trạng tấn công tình dục trong quân đội Mỹ. Họ mong rằng những phản ứng về bộ phim này của công chúng sẽ khiến nhà chức trách Mỹ đưa ra được những biện pháp để bảo vệ những nạn nhân và những người có nguy cơ trở thành nạn nhân, phải đối mặt với nguy hiểm hàng ngày khi phải làm nhiệm vụ xa gia đình của họ

Lương Lan (tổng hợp)
.
.