Một hợp đồng mua bán vũ khí mờ ám

Thứ Năm, 09/10/2008, 10:15
Một báo cáo về vũ khí hạng nhẹ toàn cầu thuộc Tổ chức Amnesty International (AI) của Anh đã tiết lộ rằng, các nhà thầu do Chính phủ Mỹ và Iraq ký hợp đồng chính thức đã lợi dụng việc mua bán đó tung hàng triệu vũ khí hạng nhẹ ra thị trường chợ đen, trong đó nhiều loại vũ khí đã lọt vào tay các nhóm nổi dậy gây bất ổn về an ninh cho Iraq.

Trong báo cáo nhan đề “Máu đổ trên những ngả đường: Cuộc điều tra một hợp đồng mua bán vũ khí toàn cầu”, AI đã nêu ra rất nhiều trường hợp trong đó các vũ khí được mua bán lậu đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với sinh mạng dân thường Iraq.

Trong bản báo cáo này, công ty vũ khí tư nhân Taos Industries được nêu danh là nhà thầu lớn nhất chiếm đến gần 1/2 số hợp đồng trang bị vũ khí cho quân đội, cảnh sát và an ninh của Chính phủ Iraq. Nhiều bằng chứng đã được AI trưng ra cho thấy Taos Industries đã thực hiện rất nhiều thương vụ mờ ám, giao cho các nhà thầu con những hợp đồng không phạm pháp để tuồn vũ khí ra chợ đen.

Taos Industries được thành lập từ năm 1989, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp vũ khí quân dụng cho Bộ Quốc phòng Mỹ tại các chiến trường nước ngoài. David Hogan là nhà sáng lập công ty. Hogan là cựu chỉ huy trưởng đơn vị tình báo đối ngoại của Bộ Chỉ huy tên lửa quân đội Mỹ đóng tại Kho vũ khí Redstone ở Huntsville, bang Alabama.

Vài năm sau khi Taos Industries đi vào hoạt động, Keith R Hall, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, đã trần tình trước Quốc hội rằng sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ năm 1991 đã mở ra cơ hội tốt để tiếp quản và khai thác các hệ thống vũ khí hiện đại khổng lồ của khối XHCN. Với kinh nghiệm của một cựu chỉ huy tình báo trong lực lượng tên lửa, đồng thời từng nắm khá rõ về các khoản “quỹ đen” mà quân đội thường dành riêng để mua các loại vũ khí nêu trên, Hogan biết rất rõ rằng các cơ hội mà Hall nói đến có thể sinh lợi.

Thế là, từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, Hogan đã bắt đầu tham gia đấu thầu các hợp đồng béo bở của Cục Tình báo Quốc phòng (DIA). Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn đầu “lâm trận”, Hogan đã bị đánh bại bởi đại gia lâu năm trong ngành công nghiệp quốc phòng và có nhiều mối quan hệ mạnh là BDM International – một công ty con của Carlyle Group có trụ sở ở McLean, bang Virginia – trong một thương vụ mua bán hệ thống tên lửa tầm xa đất đối không S-300 của Liên Xô cũ.

Tuy nhiên, kể từ sau phi vụ bất thành đó, trong vòng một thập niên sau Taos Industries đã liên tục nhận được nhiều hợp đồng béo bở để cung cấp các phụ tùng sửa chữa cho khách hàng quân đội nước ngoài sử dụng các trang thiết bị quân dụng cũ kỹ do Mỹ cung cấp. Từ năm 2003, Taos Industries bắt đầu tham gia nhận thầu cung cấp vũ khí cho Chính phủ IraqAfghanistan.

Việc Taos Industries được bán lại cho Công ty Agility của Kuweit vào tháng 10/2006 không hề ảnh hưởng gì đến các hoạt động cung cấp vũ khí của công ty này cho Chính phủ Iraq dưới sự bảo trợ của Lầu Năm Góc. Tổng cộng, trong suốt 5 năm qua, Taos Industries đã nhận 7 hợp đồng cung cấp vũ khí tại Iraq trị giá khoảng 95,1 triệu USD. Phần lớn các loại vũ khí Taos cung cấp bao gồm các kiểu cũ của Liên Xô như súng tiểu liên AK47, súng hơi M4 Benelli, súng máy cơ động RPK, PKM, súng bắn tỉa, súng phóng tên lửa vác vai (RPG-7), súng phóng lựu UBGL M1 và súng ngắn 9 mm hiệu Glock, các loại đạn dược.

Qua quá trình điều tra, AI phát hiện một số nhà thầu con của Taos Industries đã hoạt động buôn lậu vũ khí và bị liệt vào danh sách đen của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Chẳng hạn, Taos đã ký hợp đồng với nhà thầu con là Công ty Aerocom của Moldova để vận chuyển 99 tấn vũ khí đã qua sử dụng từ Bosnia đi Iraq. Hợp đồng mua bán đó diễn ra khoảng đầu năm 2005, chủ yếu là các loại súng tiểu liên Kalashnikov (AK-47).

Xin nhắc sơ qua lai lịch Công ty Aerocom. Công ty này đã có nhiều tai tiếng về các vụ làm ăn mờ ám. Một báo cáo của Hội đồng Bảo an LHQ vào năm 2002 từng cáo buộc công ty này buôn lậu vũ khí từ Bosnia sang Liberia, vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm vận vũ khí của LHQ. Kẻ môi giới cho các chuyến hàng lậu này của Aerocom là cout – một công ty của Croatia không có chức năng mua bán vũ khí.

Tháng 8/2004, chính quyền Moldova đã ra lệnh thu hồi giấy phép hoạt động hàng không của Aerocom. Tháng 5/2005, tờ báo Corriere della Sera của Italia tiết lộ thông tin rằng, hàng ngàn khẩu súng ngắn Beretta 92S do Italia sản xuất đã lọt vào tay bọn khủng bố Al-Qaeda ở Iraq, và nhà thầu cung cấp loại súng này khi đó là Taos Industries.

Theo điều tra của Tòa án Italia, số súng ngắn Beretta 92S này nằm trong lô hàng vận chuyển từ nước Anh đến căn cứ quân sự Mỹ đóng ở Baghdad vào tháng 7/2004. Tòa án đã đặt nghi vấn về phương án vận chuyển số vũ khí nói trên.

Vì sao sau những khuyến cáo trên báo chí Italia và vụ việc hợp đồng với nhà thầu con Aerocom bị phanh phui năm 2006 mà Chính phủ Mỹ vẫn “nhắm mắt làm ngơ” và tiếp tục giao hợp đồng cho Taos Industries, lần gần đây nhất là tháng 10/2007? Câu trả lời dường như chưa được đụng đến.

Thực ra, vấn đề nổi cộm của Công ty Taos Industries đã từng được nhắc đến trong 2 bản báo cáo điều tra của Chính phủ Mỹ. Một báo cáo tháng 10/2006 do Tổng thanh tra đặc biệt Mỹ tại Iraq tiến hành đã đưa ra kết luận rằng, phần lớn các sai sót xảy ra ở khâu thực hiện chứng từ giao nhận vũ khí. Chẳng hạn, khi giao vũ khí, các nhà thầu thường không nộp bản báo cáo thẩm tra chính thức mà chỉ nộp chứng từ xác nhận “giao đủ hàng”.

Một báo cáo khác vào tháng 7/2007 của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ cho thấy ít nhất 190.000 vũ khí đã “bốc hơi” ở Iraq do sự bất cập trong việc thanh, kiểm tra của Cơ quan Tổng chỉ huy an ninh chuyển tiếp liên quân tại Iraq.

Các chuyên gia vũ khí đã cảnh báo đây là sai lầm rất nguy hại, bởi vì hàng trăm ngàn vũ khí tương tự đã lọt vào tay bọn khủng bố và nổi dậy, gây ra thương vong rất lớn cho dân thường ở Iraq. Nếu việc cung ứng các loại vũ khí nói trên được kiểm soát tốt hơn thì tình trạng thương vong dân thường tại Iraq không đến nỗi tồi tệ như đã xảy ra

Quốc Vương (Tổng hợp)
.
.