Một ngân hàng Goldman Sachs “mượn đầu heo nấu cháo”

Thứ Bảy, 05/09/2015, 14:05
Trung Quốc từng "vang danh" với nghệ thuật làm hàng giả, hàng nhái; từ gạo, trứng, quần áo, túi xách, giày dép khoác những thương hiệu toàn cầu, đồng hồ Rolex, thậm chí xe ôtô… Đến nay, nước này đã thêm Goldman Sachs vào "bảng thành tích" xâm phạm thương hiệu.

Công ty cho thuê tài chính Goldman Sachs Thâm Quyến đã hoạt động từ hai năm này, tầm hoạt động của nó cho đến nay đã "phủ sóng" từ Đặc khu hành chính - kinh tế Hồng Kông sang khắp đại lục Trung Quốc bằng cách sử dụng tên vừa tiếng Anh vừa tiếng Hán để trông giống như Tập đoàn Tài chính Goldman Sachs có trụ sở ở New York, Hoa Kỳ. Công ty này hùng hồn tuyên bố trên trang web riêng là "một trong những doanh nghiệp cho thuê tài chính lớn nhất, uy tín nhất ở Hồng Kông".

Một tiếp tân trực điện thoại tại Công ty Goldman Sachs Thâm Quyến giấu danh tính thừa nhận, doanh nghiệp này không liên quan đến ngân hàng Mỹ và không nói rõ lý do vì sao họ lấy tên gây hiểu nhầm như vậy. Một bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh còn lưu tại Văn phòng Thị ủy Thâm Quyến nêu rõ Công ty cho thuê tài chính Goldman Sachs hoạt động từ năm 2013. Công ty được đặt tên nửa Anh nửa Hoa để khách hàng nghĩ đó là ngân hàng của Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc.

Bà Connie Ling, người phát ngôn của Goldman Sachs (Mỹ) chi nhánh Hồng Kông khẳng định: Không có bất kỳ mối quan hệ nào giữa ngân hàng đầu tư Mỹ với Công ty cho thuê tài chính Trung Quốc, và cho biết Goldman Sachs đang điều tra vụ việc.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, Goldman Sachs Thâm Quyến mạo danh Goldman Sachs mỹ và đã hoạt động từ năm 2013.

Công ty Goldman Sachs Thâm Quyến bị lôi ra ánh sáng sau khi Liên minh Các kỹ sư quốc tế (trụ sở Mỹ) vào ngày 25/8 đã gửi một lá thư đến ông Vương Kỳ Sơn, Chủ tịch Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc một lá thư kêu gọi chính quyền Trung Quốc nhanh chóng điều tra Công ty cho thuê tài chính Goldman Sachs Thâm Quyến, nêu rõ dịch vụ tài chính của doanh nghiệp "ma" này có liên quan đến tập đoàn cờ bạc do gia đình "thần bài" Cheung Chi Tai điều hành.

Cơ quan Công tố cho biết có ít nhất 2 đơn kiện cáo buộc ông Cheung có quan hệ với Hội Tam Hoàng, tổ chức tội phạm khét tiếng ở Trung Quốc. Đến nay, "vua bạc" Macau đã mạt vận, đang chờ xét xử vào tháng 9 này. Cheung là một nhân vật từng "hô mưa, gọi gió" trong thế giới đỏ đen ở Macau - khu vực duy nhất thuộc Trung Quốc công nhận đánh bạc là hợp pháp. Công đoàn đã thúc giục các nhà quản lý Trung Quốc và Mỹ điều tra các sòng bạc Macau, nơi một số tập đoàn đánh bạc nổi tiếng của  Mỹ như Las Vegas có chi nhánh hoạt động, có thể có mối quan hệ với tội phạm có tổ chức và rửa tiền.

Công đoàn Mỹ còn cho biết, Công ty Goldman Sachs Thâm Quyến được điều hành bởi một nhà đầu cơ vàng ở Hồng Kông. Trang web của công này không thể truy cập từ ngày 26/8.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg qua thư điện tử (email), ông Paul Haswell, luật sư Công ty luật Pinsent Masons hiện đang hoạt động ở Hồng Kông cảnh báo: 'Đã có không ít trường hợp các cá nhân hoặc tổ chức Trung Quốc đăng ký và thành lập doanh nghiệp nhái thương hiệu nước ngoài. Nhưng Goldman Sachs sẽ chẳng có mấy cơ hội thắng phiên bản giả mạo ở Thâm Quyến.

Chắc mọi người còn nhớ huyền thoại bóng rổ Micheal Jordan đã thất bại trong một vụ kiện chống lại doanh nghiệp sản xuất đồ thể thao Trung Quốc đã dùng tên anh bằng tiếng Hoa. Hay như việc Tập đoàn Apple từng phải chi 60 triệu USD để giải quyết tranh chấp nhãn hàng iPad với một công ty Trung Quốc vào năm 2012".

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.