“Mùa cõng hàng” ở biên giới Tây Nam

Thứ Tư, 02/12/2015, 07:10
Trở thành thông lệ, cứ đến những ngày cuối năm, các vùng giáp biên Campuchia lại bùng lên những cơn sốt buôn lậu. Người dân vùng giáp biên gọi thời điểm này là “mùa cõng hàng”.

Đến mùa này, hầu như phân nửa số trai tráng sinh sống ở vùng giáp biên đều cất nông cụ tham gia cõng hàng lậu để kiếm tiền ăn tết. Thậm chí, một số con em cán bộ chính quyền cũng tham gia cõng hàng? Đó là điều mà chính người dân cư ngụ ở phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp khẳng định với chúng tôi như thế.

Đường hàng lậu ven sông Sở Thượng

Được sự giới thiệu và bảo đảm của một nhân vật có uy tín tại địa phương, chúng tôi liên lạc với một người đã từng là "nài" - là từ mà người dân dùng để ám chỉ người vận chuyển hàng lậu thuê cho bọn con buôn. Chúng tôi tạm gọi tên anh là Thân.

Trước đây, anh Thân là "nài" cho một tay trùm buôn lậu đường cát qua tuyến biên giới Hồng Ngự. Khi tay trùm này bị bắt, anh Thân sợ quá, bỏ nghề "nài", chuyển sang nghề giăng lưới, thả câu, làm ăn lương thiện.

Qua điện thoại, anh Thân bảo chúng tôi đứng chờ tại chân cầu Sở Thượng. Tại đây, cứ cách khoảng 15 phút lại có một đoàn "nài" chạy xẹt qua trước mặt chúng tôi với vận tốc hơn 80km/giờ. Mỗi đoàn có 10 tốp xe gắn máy "độ". Mỗi tốp 3 chiếc nối đuôi nhau. Mỗi chiếc chở 3 bao đường cát Thái Lan loại 50kg/bao. Khi bị "lực lượng 389" - cách gọi tắt của đám buôn lậu nhằm ám chỉ lực lượng chống buôn lậu chặn bắt, "nài" chạy cuối của tốp 3 sẽ hất lần lượt từng bao đường để tạo chướng ngại vật.

Những xe chở thuốc lá thì có 2 "nài". "Nài lái" vừa ôm một thùng vừa cầm lái. "Nài vác" ngồi sau ôm 3 thùng. Khi bị chặn, "nài vác" sẽ nhảy khỏi xe, vác thuốc lẩn vào nhà dân. "Nài lái" thì gắn hẳn chiếc điện thoại vào nón bảo hiểm để vừa lái xe vừa lắng nghe các "canh đường" báo cáo tình hình.

“Nài” đường cát.

Vừa chạy qua chân cầu Sở Thượng, mỗi "nài" chia thành nhiều hướng lẩn vào các hẻm nhỏ và mất hút. Đoàn "nài" nẹt pô ầm ĩ, phóng bạt mạng, điên cuồng như sẵn sàng tông thẳng vào bất kỳ vật cản nào.

Vừa gặp chúng tôi, anh Thân vào đề luôn: "Tính từ biên giới về thị xã Hồng Ngự, tuyến đường này xuyên qua rất nhiều trụ sở như Trạm Biên phòng Mỹ Cân, Trụ sở Công an xã Thường Thới Hậu A, Đồn Biên phòng Cầu Muống, Trụ sở Công an xã Thường Thới Hậu B, Trụ sở Công an phường An Lạc, trụ sở Công an phường An Thạnh. Dù vậy, dân buôn lậu từ Kao Sampov, Campuchia tuồn hàng về thị xã Hồng Ngự vẫn chọn đây là con đường chính?

Trước khi tải hàng, bọn buôn lậu luôn thả bọn canh đường ngồi trước các trụ sở đó để canh đường. Khi lực lượng 389 ra khỏi cổng trụ sở, chúng bắn tín hiệu ém hàng. Khi lực lượng 389 vừa rút quân, chúng phát lệnh phóng hàng. Có khi lực lượng truy quét vừa vào trụ sở, chưa kịp tắt máy xe, dân nài đã phóng ào ào qua ngay trước mặt!".

Theo anh Thân, mọi động thái của lực lượng chức năng đều được các đầu nậu cập nhật mỗi phút 1 lần, bởi suốt 24/24 giờ, bọn canh đường bám rịt từng bước đi. Bọn "canh đường" được các đầu nậu liên kết với nhau, hùn tiền thuê với giá từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng một ngày đêm, tùy theo cung đường. Những "canh đường" có khả năng tấn công lực lượng chức năng để giải cứu hàng thường được thuê giá cao nhất, là 500.000 đồng một ngày đêm.

Suốt con đường ven sông, cứ cách 500 mét là có một nhóm "canh đường" khoảng 10 người. Riêng tại khúc sông Thường Thới Hậu B, có ít nhất 50 người "canh đường" mắc võng nằm dọc mép sông. Trong số "canh đường" rất nhiều người là trẻ em và người già.

Anh Thân đưa chúng tôi tiến sâu về phía biên giới. Con đường 4 mét chiều ngang, đầy ổ gà, ổ voi chạy dọc theo con sông Sở Thượng tiến sâu về phía biên giới. Có rất nhiều lý do để con đường ven sông Sở Thượng trở thành huyết lộ lý tưởng của bọn buôn lậu. Lý do cơ bản nhất là địa lý.

Con sông này khởi nguồn từ Preeak Banam - phân lưu của dòng sông Mekong tại Prey Veng - cách biên giới gần 10km. Từ thượng nguồn, con sông này xuôi hướng nam rồi chạm biên giới Việt Nam tại phía bắc xã Thường Thới Hậu A và rẽ ngoặt sang hướng đông nam về xã Thường Thới Hậu B, trở thành đoạn đường biên giới chung giữa 2 quốc gia, dài hơn 12 km. Chính vì 12 km mang thiên chức biên giới nên đoạn sông Sở Thượng trở thành địa điểm tập kết hàng vượt biên xâm nhập vào nước ta. Phía bắc con sông thuộc ấp Kaskos của nước bạn là một cánh đồng kém màu mỡ.

Tuy vậy, giới đầu nậu xuyên quốc gia đã thuê những bãi đất ven sông với giá tương đương 5 cây vàng 1 năm để cất nhà kho chứa hàng lậu. Từ bên đây sông, tức bên này đường biên nhìn sang bên kia có thể thấy rõ mồn một những căn nhà kho lụp xụp ẩn dưới những chòm cây.

Đã từng có rất nhiều vụ buôn lậu bị lực lượng biên phòng rượt đuổi, dân cõng hàng lậu lội ào xuống dòng sông đường biên, ngoái lại thè lưỡi, ngoắc mũi chọc quê lực lượng chức năng. Chỉ cần anh cán bộ biên phòng cầm sào móc cổ áo lôi ngược vào là dân cõng héo đời, tuy nhiên, quy chế biên giới không cho phép, đành lộn ruột đứng nhìn.

Vì mang đặc điểm địa lý như vậy nên những "trùm buôn lậu" đã xem con sông biên giới này là tuyến buôn lậu lý tưởng. Chỉ có 12 km sông giáp biên nhưng có hơn 30 "trùm buôn lậu" đầu tư "thuê" bãi làm kho chứa hàng, chủ yếu là đường cát, thuốc lá. Tính trung bình mỗi "lò" buôn lậu đi 3 chuyến/  ngày, mỗi chuyến có khoảng 30 "nài" thì con sông này phải gánh mỗi ngày 270 "nài" hàng lậu.

Những chiếc vòi bạch tuộc

Theo số liệu của Công an huyện Hồng Ngự, 9 tháng đầu năm nay huyện bắt được 136 vụ buôn lậu, tăng 18 vụ so với cùng kỳ năm 2014. Trong 8 tháng đầu năm 2015, lực lượng Công an tỉnh bắt 464 vụ buôn lậu qua biên giới. Trong đó, tang vật là trên 250 ngàn gói thuốc lá ngoại (chủ yếu Hero và Jet), 26 tấn đường và trên 300 chai rượu ngoại,… với tổng trị giá trên 3,3 tỉ đồng. Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt giữ 145 vụ, tang vật trị giá trên 1 tỉ đồng. Cục Hải quan tỉnh bắt giữ khoảng 100 vụ buôn lậu, trị giá hàng hóa trên 1,3 tỉ đồng.

Khi chúng tôi nêu những con số trên, anh Thân lắc đầu quầy quậy rồi bảo: "Trong số hơn 300 đối tượng buôn lậu bị bắt đó, tôi chỉ nhận ra vài tên là đầu nậu, số còn lại đều là dân nài hoặc dân nài cõng. Vài tên đầu nậu đó cũng chỉ là con tép của hệ thống chân rết buôn lậu dọc tuyến biên giới. Nói cách khác, chỉ có những kẻ làm thuê bị bắt, còn kẻ buôn lậu chính hiệu là các ông trùm, bà trùm vẫn sống an nhàn...".

“Nài” thuốc lá.

Anh Thân tiết lộ, nếu tính suốt tuyến biên giới từ Bình Phước đến Hà Tiên thì chỉ có khoảng 10 ông, bà là trùm. Trong số đó, "mạnh" nhất là bà trùm Ng mà người khơme gọi là bà Nor. Bà trùm Nor chỉ khoảng 40 tuổi.

Bà Nor là người Việt nhưng sở hữu rất nhiều biệt thự ở Campuchia. Cách nay khoảng 10 năm, bà ta chỉ là một con buôn nhỏ lẻ. Sau đó, không hiểu vì lý do gì bà bỗng dưng lột xác thành một bà trùm ở vùng đông nam Campuchia (bao gồm Savay Rieng, Prey Kab, Kampong Track giáp các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp và Hà Tiên của Việt Nam). Dân buôn lậu đồn rằng, bà lột xác là nhờ làm vợ bé cho một đại gia xứ Chùa Tháp.

Dưới tay bà Nor có 4 đầu nậu thân tín "phụ trách" 4 tỉnh giáp biên của Việt Nam. Mới đây một đầu nậu của bà Nor tên là T "đường" bị lực lượng 389 tỉnh An Giang bắt quả tang gần 100 tấn đường buôn lậu qua biên giới Châu Đốc. Ngay sau đó, bà Nor đã tuyển được một đầu nậu khác thế chỗ T "đường".

Cách tuyển đầu nậu của bà Nor rất đơn giản: Chỉ cần có đủ năng lực tổ chức một đường dây vận chuyển hàng lậu từ biên giới về sâu nội địa Việt Nam. Để đảm bảo năng lực, đầu nậu phải trả tiền mặt số hàng cho chuyến đầu tiên "thử việc". Chuyến đầu tiên thất bại, tức bị lực lượng 389 bắt, đầu nậu mất tiền và mất cơ hội làm đàn em của bà Nor. Thành công chuyến đầu tiên, những chyến hàng sau bà Nor giao khoán với tỷ lệ chia 6/4 khoản lợi nhuận. Bà Nor nhận 4, đầu nậu nhận 6. Với cách chia tỷ lệ như vậy, hầu như đầu nậu nào cũng muốn làm đàn em cho bà.

Đối trọng với bà trùm Nor là một người đàn ông Khơmer có tên giang hồ là Tia.

Tia không bao thầu suốt tuyến biên giới dài như bà Nor mà tập trung "đánh" tuyến giáp biên với tỉnh An Giang bao gồm 3 địa chỉ: Tịnh Biên, An Phú và Vĩnh Ngươn. Tuy địa bàn hẹp nhưng Tia "nuôi" đến hàng chục đầu nậu có số má về máu liều. Hầu hết đầu nậu của Tia đều đã từng có tiền án đâm chém ở Việt Nam.

Ngoài trùm Nor và Tia, bên kia biên giới còn hàng chục ông bà trùm khác đang ngày đêm ném những "biệt kích buôn lậu" tấn công trực tiếp vào nền kinh tế Việt Nam.

Phần lớn những đối tượng tham gia đường dây "chân rết" vận chuyển hàng lậu cho các đầu nậu đều là người dân nghèo sinh sống ven tuyến biên giới. Một số người ngầm xem việc vận chuyển hàng lậu là cách kiếm "tiền tươi, thóc thật". Thậm chí, vào mùa nghỉ hè, nhiều phụ huynh còn lùa cả con em mình tham gia "canh đường" hoặc trực tiếp làm "nài cõng" hàng để kiếm tiền ăn học. Nhiều nông dân giải quyết xong nông vụ cũng đi "cõng" hàng “mùa vụ” cho các đầu nậu. Vô tình, họ đã tiếp tay cho những ông trùm, bà trùm ngày đêm đục khoét nền kinh tế nước nhà và trực tiếp làm lũng đoạn thị trường địa phương.

Trong khi đó, hầu hết các chuyến truy quét của lực lượng 389 đều chỉ nhắm tới các đối tượng cõng hàng, nài hàng. Thỉnh thoảng mới có một đầu nậu bị bắt. Có cảm giác như chưa từng có kế hoạch hiệu quả nào đối phó trực tiếp với các ông bà trùm để giải quyết tận gốc vấn đề?

Đối với những ông trùm, bà trùm, số hàng bị bắt chỉ là con số vặt, không ảnh hưởng gì đến "khả năng tài chính". Thế là những đường dây buôn lậu vẫn còn nguyên.

Tổ "canh đường" ở khúc sông Thường Thới Hậu B.

Một sĩ quan Công an tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: "Nếu những đại gia (ông trùm, bà trùm) cư ngụ trong nước thì chúng ta dễ xử lý. Đằng này, họ ẩn nấp ở nước ngoài, chỉ đạo từ xa cho các đám đầu nậu. Và ta cũng chỉ xử lý được những đầu nậu cư trú trong nước còn những đầu nậu nằm trên nước bạn thì chúng ta cũng khó mà làm gì được. Vì vậy, cách chống buôn lậu tốt nhất là vận động, thuyết phục người dân không hợp tác với buôn lậu".

Tuy nhiên, đây là điều không hề dễ dàng bởi nói một cách sòng phẳng, hoạt động hỗ trợ buôn lậu đem lại không ít nguồn thu cho người dân các vùng ven. Rõ ràng, cuộc chiến chống buôn lậu không thể đơn thuần chỉ là câu chuyện đuổi - bắt!

Nông Huyền Sơn
.
.