Mua "thiên thạch" - Coi chừng sập bẫy!

Thứ Hai, 13/02/2012, 15:35

Thiên thạch - hay còn gọi là vẫn thạch - hoặc "đá trời", là từ dùng để gọi các vật thể rắn ngoài không gian, sau khi đi xuyên qua tầng khí quyển thì rơi xuống mặt đất. Có nhiều loại thiên thạch khác nhau, được các khoa học gia gọi là asteroid, meteoroid, tektite... nhưng đa số thiên thạch rơi xuống trái đất là asteroid.

Từ những vụ lừa đảo...

Sự việc bắt đầu vào buổi sáng ngày 31/1/2012, trên đường tuần tra, Công an xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM đã phát hiện và bắt giữ Đặng Ngọc Thành, tự Tuấn Hoàng, 44 tuổi và Trần Văn Sinh, 47 tuổi, cả hai đều cư trú tại tỉnh Kiên Giang khi đang thực hiện hành vi lừa đảo bán "thiên thạch" giả cho bà Nguyễn Thị Lý.

Kết quả điều tra cho thấy khoảng tháng 6/2011, bà Lý gặp Thành tại Cần Thơ. Qua trò chuyện, biết bà đang có ý tìm mua thiên thạch, Thành rủ Sinh làm giả bằng cách lấy một cục đá nhỏ rồi dùng sơn đen bôi lên, sau đó cho vào hộp niêm phong kỹ lưỡng. Tiếp theo, ngày 18/1/2012, Thành báo cho bà Lý biết là mình đã tìm được một cục thiên thạch rồi hẹn bà Lý sáng ngày 31/1, đến nhà nghỉ Diễm My ở phường An Lạc, quận Bình Tân để xem hàng.

Tại nhà nghỉ Diễm My, Thành sử dụng một số "thủ thuật" - chẳng hạn như hộp quẹt gaz bật không cháy, đồng hồ ngưng chạy khi đặt cạnh "thiên thạch". Cuối cùng, bà Lý đồng ý mua cục "thiên thạch" ấy với giá 100 tỉ đồng. Theo lời bà Lý, Thành yêu cầu bà phải đặt tiền cọc là 100 triệu, nếu không gã sẽ bán cho người khác. Nhưng do không mang theo sẵn số tiền lớn, nên bà Lý hẹn Thành 10h đến nhà C12/18, ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, nhận tiền.

Để chắc ăn là "thiên thạch" thứ thiệt, bà Lý dẫn theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, là người chuyên mua bán thiên thạch. Khi nhìn thấy bà Kim Anh, Thành và Sinh bỏ chạy bởi lẽ trước đó, cả hai đã lừa bán cho một người quen của bà Kim Anh một cục thiên thạch dỏm với giá 100 tỉ đồng - và đã nhận 100 triệu đồng tiền cọc nên họ sợ bà Kim Anh nhận diện.

Đặng Ngọc Thành, Trần Văn Sinh lúc bị bắt.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện dùng "thiên thạch" để lừa đảo. Trước đó ít lâu, ông Nguyễn Hải Đ, cư ngụ tại đường Hồ Đắc Di, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM đã làm đơn, gửi Công an huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, nội dung tố cáo Ma Liơng (hay còn gọi là Ma Liên, Ma Liêng, Mẹ Kiếu), cư trú ở thôn Rlơm, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, đã lừa bán cho ông viên thiên thạch để chiếm đoạt 105 triệu đồng.

Ngày 30/9/2010, Công an huyện Đơn Dương đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ma Liơng và Ya Đăng - là chồng của Ma Liơng, Ya Phương, em con dì ruột của Ma Liơng, Ma Ly, là chị cùng cha khác mẹ với Ma Liơng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nghe tin Ma Liơng bị bắt, ông Phạm Văn Lai, trú khu phố 6, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng cũng gửi đơn tố cáo bị lừa mất 200 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Việt, ở Nghĩa Hiệp 1, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương tố cáo bị lừa mất 90 triệu đồng.

Tiến hành xác minh, ngày 17/5/2011 Cơ quan Điều tra Công an Lâm Đồng ra quyết định khởi tố thêm 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo là K'Đức, Ya Quý, Ya Men và Ya Đăng. Theo lời khai của Ma Liơng, đầu năm 2009 Liơng và K'Đức quen với một người đàn ông tên Phước, biết cách làm giả thiên thạch, rồi được Phước "truyền nghề".

Dù mù chữ, nhưng Ma Liơng lại tiếp thu kỹ thuật làm giả rất nhanh. Khi cục "thiên thạch" dỏm hoàn thành, Ma Liơng rỉ tai với Ma Ly, rằng mình đang có cục thiên thạch, nếu Ma Ly tìm được người mua thì sẽ được cho nhiều tiền.

Vậy mà cũng có lắm người tin, tìm đến hỏi mua. Theo lời khai của Ma Liơng, điểm gặp gỡ để khách xem và thử "thiên thạch" thường ở trong rẫy, nhà vắng chủ  hoặc nhà một trong những đồng bọn. Trước đó, Ma Liơng và chồng là Ya Đăng lấy gương thủy tinh, nhiệt kế, cho vào nồi đặt lên bếp lửa rồi nhúng vào nước lạnh để gương nứt hình chân chim, thủy ngân trong nhiệt kế đông lại.

Sau đó, chúng để những thứ này cạnh cục "thiên thạch" để chứng minh với khách, rằng thiên thạch có khả năng tạo ra những hiện tượng kỳ lạ như thế. Khi khách đã tin, chúng yêu cầu khách phải đặt tiền cọc và hẹn ngày thử hàng lần cuối cùng, ngày giao hàng, rồi bỏ trốn.

Thiên thạch là gì?

Thiên thạch - hay còn gọi là vẫn thạch - hoặc "đá trời", là từ dùng để gọi các vật thể rắn ngoài không gian, sau khi đi xuyên qua tầng khí quyển thì rơi xuống mặt đất. Có nhiều loại thiên thạch khác nhau, được các khoa học gia gọi là asteroid, meteoroid, tektite... nhưng đa số thiên thạch rơi xuống trái đất là asteroid.

Về mặt vật lý, các asteroid là các dạng thể rắn lưu lạc trong vũ trụ, nguồn gốc phát xuất từ những vụ va chạm giữa các thiên thạch có kích thước rất lớn, làm vỡ tung ra các mảnh nhỏ. Khi đi vào bầu khí quyển, hầu hết thiên thạch đều bốc cháy - tạo thành một vệt sáng dài, có thể thấy rõ vào ban đêm trước khi tiếp xúc với mặt đất (sự bốc cháy này được gọi là sao băng).

Những thiên thạch cháy không hết, rơi xuống đất có kích thước từ vài mm đến vài chục cm hoặc vài mét. Riêng với các thiên thạch lớn - đường kính có thể lên đến vài chục km, chúng không va chạm trực diện vào vỏ trái đất mà chỉ trượt qua rồi tiếp tục cuộc hành trình trong không gian.

Dù vậy, dấu vết mà chúng để lại vẫn rất kinh khủng, chẳng hạn như hố thiên thạch Vredefort Dome ở Nam Phi với đường kính khoảng 300 km. Hố thiên thạch vùng Flagtag Arizona, Mỹ đường kính vào khoảng 1,6 km, thời điểm va chạm vào khoảng 10.000 năm trước.

Một số nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết, rằng vào thuở sơ khai của trái đất, chính sự va chạm của các thiên thạch với trái đất đã mang lại một số nguyên tố cần thiết để tổng hợp các vật chất hữu cơ - là nguồn gốc sự sống trên địa cầu.

Tuy nhiên, khi sự sống đã hình thành thì những vụ va chạm về sau lại là nguyên nhân dẫn đến việc biến mất của một số loài. Sự tuyệt chủng của khủng long cùng một số sinh vật khác vào 70 triệu năm trước là do sự va chạm của một thiên thạch lớn vào trái đất tại bán đảo Yucatan, biển Caribe bởi lẽ khi va chạm, thiên thạch tạo nên những đám cháy cực lớn rồi tung vào khí quyển một lượng tro bụi khổng lồ, che phủ ánh sáng mặt trời trong một thời gian dài, hủy hoại sự phát triển của thực vật vì không còn khả năng quang hợp, dẫn đến hậu quả là một số động vật không còn thức ăn, rồi chết đói.

Theo ghi nhận của các nhà khoa học, mỗi năm có khoảng từ 30 nghìn đến 80 nghìn thiên thạch rơi xuống trái đất. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thân, chuyên gia mỏ, địa chất, cho biết: "Cấu trúc của thiên thạch không khác gì lắm với các loại đá mà chúng ta vẫn thường gặp hàng ngày. Chúng được phân chia thành các nhóm khác nhau nhưng tựu trung chúng chứa nhiều silic, nickel, sắt, và magnesium hơn với các nhóm đá thông thường trên trái đất".

Tại Đông Nam Á, thiên thạch được tìm thấy nhiều nơi ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan…, có tuổi khoảng 700 ngàn năm, được đặt tên là Indochinites (tektites của vùng Đông Dương). Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thân, công thức của nó là (K.Na)2, (Ca.Mg-Fe) Al3Si07, hình thù không cụ thể, độ cứng khoảng 5,5, tỉ trọng từ 2.34 đến 2.51, nóng chảy trong khoảng 1.200 đến 1.500oC.

Ấy thế mà nó lại được khoác lên mình không biết bao nhiêu huyền thoại. Nào là đốt không nóng (nghĩa là khi cho nó vào lửa, hoặc dùng đèn "khò", hoặc tưới xăng  để đốt, nó đều không hấp thụ nhiệt và không nóng). Nó còn làm cho thủy ngân co lại thành thể rắn (đặt nhiệt kế gần thiên thạch trong thời gian khoảng 5 phút thì thủy ngân trong nhiệt kế đặc lại, đốt không chảy). Hoặc kim loại đặt gần nó sẽ mất tính cứng, đặt viên đá lửa gần nó trong khoảng vài phút rồi dùng tay bóp, viên đá lửa sẽ… nát như bùn (?!). Chưa hết, thiên thạch nếu thả vào nước sẽ không chìm sát đáy, và di chuyển chứ không nằm yên tại chỗ. Áp tấm gương soi vào thiên thạch trong 3 phút, mặt trước của gương sẽ rạn như mạng nhện, còn mặt sau của gương, lớp sơn phủ vẫn y nguyên.

Tất cả những huyền thoại này đều do những nhóm lừa đảo dựng lên nhằm mê hoặc con mồi. Theo lời bọn chúng, thì Cơ quan hàng không, không gian Hoa Kỳ (NASA) đang tích cực tìm mua thiên thạch để chế tạo loại siêu vũ khí có tính năng phá hủy các vật chất bằng kim loại (máy bay, xe tăng, tàu chiến, tên lửa) của kẻ thù, cứ mỗi kg thiên thạch sẽ được NASA mua với giá bằng 5kg vàng (?!) trong lúc thực tế tại những buổi bán đấu giá thiên thạch trên thế giới - thường diễn ra hàng năm ở nước Anh, những khối thiên thạch có trọng lượng lớn nhất cũng chỉ được bán với giá vài chục ngàn USD chứ chưa hề có khối thiên thạch nào giá hàng trăm ngàn USD, nói gì đến hàng triệu USD. Khi con mồi đã cắn câu, chúng yêu cầu phải đặt cọc với số tiền lớn rồi lúc cầm được tiền cọc, chúng biến mất.

Huyền thoại thiên thạch có thật không?

Tại Việt Nam, thiên thạch có nhiều kích cỡ và màu sắc khác nhau nhưng loại  phổ biến nhất trên thị trường thường chỉ là màu đen. Nó có dạng hình cầu, hình đĩa tròn, hình thỏi dài, hình giọt nước, hình trái lê…, là loại hình khí động học khi nó bay trong không khí. Bề mặt của nó có các hốc lỗ chỗ mà theo giải thích của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thân, thì đó là dấu vết của những va chạm với "bụi vũ trụ" khi nó còn ở ngoài không gian, hoặc là dấu xâm thực.

Một cục thiên thạch.

Căn cứ vào phân tích các mẫu thiên thạch của các nhà khoa học, có thể thấy nó chỉ là một loại đá bình thường như nhiều loại đá khác đã tồn tại hàng triệu năm nay trên mặt đất, nơi chúng ta đang sống. Với một số người tin phong thủy, có thiên thạch trong nhà thì gia đình khỏe mạnh, hưng vượng. Vì vậy, họ mua thiên thạch để thu hút tài lộc. Cũng có người mua thiên thạch rồi chế tác thành các loại trang sức như vòng cổ, vòng tay, hoa tai...

Tuy nhiên, anh Lâm Đức Hùng, chủ một cửa hàng bán cây cảnh, đá phong thủy trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình TP HCM, nói: "Thiên thạch cũng chỉ là một loại đá phong thủy như bao loại đá phong thuỷ khác. Việc gán cho nó có tính năng này kia là chuyện tào lao bởi lẽ thiên thạch - hay bất kỳ một loại đá nào - khi đặt trong nhà còn phụ thuộc vào hình dáng, địa thế ngôi nhà, vị trí đặt đá, tuổi của chủ nhà. Nếu các yếu tố ấy đồng nhất với nhau thì một hòn đá phong thủy bình thường cũng có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp".

Đưa cho tôi xem một số mảnh thiên thạch, anh Hùng, nói: "Đây, nó đây! Giá 1 kg của nó chỉ từ 200 đến 300 nghìn đồng. Nhà báo thích thì cứ lấy một miếng về bán cho… NASA".

Tôi cầm mảnh thiên thạch ước chừng 300 gam trên tay rồi mượn cái hộp quẹt gas của anh Hùng. Xoẹt một cái, lửa trên đầu quẹt gas vẫn cháy thành ngọn. Thả nó xuống chậu nước, nó rơi đánh tõm một cái rồi chìm nghỉm. Áp nó vào tấm kính chiếu hậu xe gắn máy của tôi, mặt kính vẫn trơ trơ. Anh Hùng, cười: "Cứ lấy viên đá lửa cho vào chảo rang lên chừng 15 phút thì trẻ con bóp cũng vụn như cám chứ cần gì phải để cạnh cục đá này".

Ấy thế mà nhiều người vẫn bị lừa, vẫn mất hàng trăm triệu đồng chỉ vì cả tin vào những điều huyễn hoặc

V.C.
.
.