Mục tiêu mới của Al-Qaeda

Thứ Bảy, 19/01/2013, 08:45

Trong nhiều năm qua, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) nằm ngoài danh sách mục tiêu tấn công của các nhóm khủng bố. Thành phố cực kỳ hiện đại Dubai được ví von như là “Thụy Sĩ của khu vực Trung Đông”, một nơi hấp dẫn để Iran, Al-Qaeda và các vương quốc dầu mỏ láng giềng gửi tiền một cách an toàn. Sau ngày 11/9/2001, Amman của Jordan, Riyadh của Arập Xêút và Baghdad của Iraq đã trở thành mục tiêu tấn công khủng bố. Nhưng, Dubai và thủ đô của UAE là Abu Dhabi vẫn yên bình trước mối đe dọa của Al-Qaeda. Nhưng, có lẽ bây giờ mọi chuyện đã thay đổi.

Mới đây, giới truyền thông đại chúng của UAE - quốc gia ủng hộ mọi nỗ lực chống khủng bố của phương Tây - đồng loạt đưa tin về vụ phá vỡ một nhóm khủng bố ở nước này. Ngày 26/12/2012, Cơ quan thông tấn WAM của UAE thông báo: Các cơ quan an ninh nước này (cùng hợp tác với tình báo Arập Xêút) đã phát hiện một nhóm khủng bố đang chuẩn bị kế hoạch tấn công phá hoại an ninh bên trong UAE và các quốc gia khác ở Vùng Vịnh. Một quan chức Mỹ cho biết, nhóm khủng bố - bao gồm người UAE và Arập Xêút - được coi là "mạng hỗ trợ" cho các nhóm khủng bố liên kết với Al-Qaeda.

Juan Zarate, Phó cố vấn An ninh quốc gia chống khủng bố dưới thời Tổng thống George W. Bush và hiện là cố vấn ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington D.C., nhận định: "Thực tế là UAE đã không còn là vùng đất miễn dịch với những cuộc tấn công khủng bố quốc tế nữa".

Zarate, người tiên phong trong chiến dịch truy lùng và phá vỡ các mạng lưới tài chính của các nhóm khủng bố, nói thêm: "Dubai luôn được coi là giao lộ của những dòng người, hàng hóa và tiền bạc. Dubai hấp dẫn với nhiều hoạt động thương mại hợp pháp cũng như cả những kẻ thù của Mỹ bao gồm Taliban, Iran và các nhánh Al-Qaeda". 

Một ngân hàng ở Dubai.

Trong nhiều năm qua, môi trường ngân hàng tự do của Dubai giúp cho điệp viên Mỹ quan sát được các hoạt động tài chính của những kẻ thù nước này. Hiện nay, thành phố Dubai cũng là nơi đặt Lãnh sự quán Mỹ tạo điều kiện cho điệp viên nước này giám sát chặt chẽ mọi động tĩnh của Iran trong Vùng Vịnh. Lãnh sự quán Mỹ ở đây cũng cung cấp visa cho các nhà khoa học Iran muốn thăm nước Mỹ trong chính sách ngoại giao "hai chiều".

Mặc dù UAE không là quốc gia đối địch với Mỹ, song liên bang bao gồm 7 tiểu vương quốc này được người Mỹ coi là "quốc gia cùng chơi với cả hai phía". Ví dụ, Ủy ban 11-9 của Mỹ tiết lộ vào năm 1999 rằng một chiếc máy bay của UAE chở các quan chức cao cấp xuất hiện ở Afghanistan cũng như khu vực trú ẩn của Osama bin Laden ở đây. Trước khi nước Mỹ bị tấn công ngày 11/9/2001, Washington coi UAE là 1 trong 3 quốc gia (cùng với Arập Xêút và Pakistan) có quan hệ ngoại giao với chính quyền Taliban ở Afghanistan, nơi trùm khủng bố Bin Laden trú ẩn. Sau ngày 11/9/2001, mọi chuyện đã thay đổi.

"Vào những năm sau sự kiện đẫm máu ngày 11/9, UAE đã quyết định trở thành đồng minh tin cậy nhất của Mỹ. Hiện nay, UAE có mối quan hệ rất chặt chẽ với quân đội Mỹ trong khu vực, từ đó vương quốc này trở thành mục tiêu hấp dẫn cho Al-Qaeda và các nhóm khủng bố căm thù nước Mỹ" - theo Simon Henderson, Giám đốc Chương trình Chính sách Năng lượng và Vùng Vịnh thuộc Viện Chính sách Cận Đông Washington. Ví dụ, vào tháng 12/2002, chính quyền UAE đã bắt giữ Abd al-Rahim al-Nashiri, phần tử mà chính quyền Mỹ buộc tội đã đạo diễn vụ đánh bom năm 2000 vào tàu chiến Mỹ USS Cole ở Yemen. Năm 2010, UAE đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện âm mưu giấu bom trong những hộp mực đưa lên máy bay của Al-Qaeda. Và trước năm 2012, UAE là quốc gia đầu tiên tài trợ cho lực lượng chống cướp biển Somali được huấn luyện ở thành phố cảng Bosaso thuộc vùng tự trị Puntland của Somalia.

Tàu USS Cole sau khi bị đánh bom khủng bố.

Vụ bắt giữ nhóm khủng bố ở UAE hôm 26/12/2012 cho thấy đây không phải là lần đầu tiên chính quyền UAE có hành động cụ thể chống lại các nhóm khủng bố liên kết với Al-Qaeda trên lãnh thổ nước này. Năm 2009, UAE từng bắt giữ một nhóm khủng bố ở Dubai song chính quyền nước này giấu nhẹm thông tin và không công bố vụ bắt giữ. Tháng 9/2012, UAE tiếp tục bắt giữ hơn 60 thành viên của một đảng Hồi giáo địa phương gọi là Al-Islah, mặc dù nhóm này không có bất cứ mối liên kết nào với Al-Qaeda.

Về phương diện nào đó, Al-Qaeda không có khả năng tiến hành những cuộc tấn công quy mô lớn nữa như bọn chúng từng thực hiện trong thập niên trước đây và nhiều thủ lĩnh cao cấp của chúng - bao gồm Osama bin Laden - ở Pakistan đã bị tiêu diệt. Thay vào đó, mối đe dọa mới chống lại UAE đang nổi lên từ bọn thánh chiến địa phương. 

Tháng 8/2012, chính quyền Arập Xêút cũng bắt giữ một nhóm nghi ngờ là chiến binh liên kết với Al-Qaeda - phần đông đều mang quốc tịch Yemen - ở thủ đô Riyadh nước này. Từ năm 2003 đến 2006, chính quyền Arập Xêút đã bắt giữ hàng ngàn nghi can chiến binh khủng bố tấn công vào nơi ở của các công nhân nước ngoài và nhắm vào các cơ sở chính quyền giết chết hàng chục người.

Tháng 5/2002, chiến binh Al-Qaeda đã gửi một bức thư đến chính quyền UAE cảnh báo nếu tiếp tục hợp tác với Washington thì nước này sẽ rơi vào vòng xoáy bạo lực - theo các tài liệu của Al-Qaeda mà quân đội Mỹ bắt được và sau đó Trung tâm chống khủng bố thuộc Học viện Quân sự Mỹ ở West Point công bố

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.