Mỹ - Anh: Cơn ác mộng từ các chiến binh cực đoan hồi hương

Thứ Tư, 24/09/2014, 21:35

Mới đây, Thủ tướng Anh David Cameron tăng thêm quyền lực cho tình báo trong nước để giám sát chặt chẽ lý lịch của các hành khách hàng không đồng thời thông báo một số biện pháp tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Đức trong nỗ lực ngăn chặn triệt để làn sóng những chiến binh cực đoan người Anh du hành đến hoặc trở về từ Syria và Iraq. 

Nghị sĩ Mỹ Mike Rogers cũng tuyên bố trên tờ Fox News hôm 31/8 rằng, những công dân Mỹ trở về nhà sau khi được chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) huấn luyện thật sự là "mối đe dọa nghiêm trọng" cho nước Mỹ.

Rogers cũng nhấn mạnh chính quyền Mỹ nên xem xét truy tố những công dân được huấn luyện ở hải ngoại nhằm răn đe những người khác có ý định bay ra nước ngoài tham gia thánh chiến.

Tình báo Anh giám sát chặt chẽ các danh sách hành khách hàng không

Trước sự đe dọa tấn công châu Âu từ các nhóm khủng bố, Thủ tướng Anh David Cameron nhanh chóng phản ứng bằng một số biện pháp trình lên Quốc hội nước này.

Cameron và Nick Clegg - Phó Thủ tướng Anh đồng thời là lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do - sau đó đã đạt được thỏa thuận cho phép tước hộ chiếu của những người Anh nghi ngờ đi du lịch để gia nhập các nhóm Hồi giáo cực đoan ở nước ngoài và cho phép cộng đồng tình báo có thêm quyền tiếp cận dữ liệu về hành khách hàng không.

Ngoài ra, Cameron và Clegg cũng phải cố gắng giải quyết những bất đồng về kế hoạch áp đặt một lệnh cấm tạm thời đối với những chiến binh thánh chiến chào đời ở Anh quay trở về nước và thắt chặt hơn nữa mọi biện pháp ngăn chặn khủng bố cũng như các cuộc điều tra.

Thủ tướng Anh cũng phác thảo kế hoạch tăng cường "chia sẻ thông tin" giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) về danh sách hành khách hàng không để trình lên tổ chức này.

Trước mối lo ngại về quyền tự do công dân của các nghị sĩ Quốc hội châu Âu (MEP), Chính phủ Anh muốn thuyết phục họ đồng thuận với quyết định của EU cho phép các quốc gia thành viên thu thập và chia sẻ thông tin về lý lịch hành khách trong thời gian thực. Dấu hiệu căng thẳng trong chính quyền Anh nổi lên sau khi Paddy Ashdown và Sir Menzies Campbell - hai cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do - chỉ trích phản ứng của Cameron trước quyết định nâng mối đe dọa khủng bố lên mức "nghiêm trọng" của Trung tâm Phân tích Khủng bố Phối hợp (JTAC).

Trong một bài báo trên tờ The Observer, Paddy Ashdown buộc tội Cameron phản ứng "thiếu linh hoạt" trong khi Campbell cảnh báo kế hoạch áp đặt một lệnh cấm các chiến binh thánh chiến chào đời ở Anh trở về nước có thể vi phạm luật pháp quốc tế. Họ cho rằng nước Anh cần có những biện pháp mới đối phó với khoảng 500 công dân nước này du hành đến Syria và Iraq để chiến đấu cho IS. Ngoài ra, còn có thêm 250 người được tin là đã quay trở về nước Anh trong đó nhiều đối tượng du hành qua Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Kế hoạch áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với những chiến binh thánh chiến muốn quay trở về nước được hiểu là tên các nghi can có thể bị đưa vào một bản danh sách để sau đó gửi đến các quốc gia bạn bè như Đức, Thổ Nhĩ Kỳ - những nơi được yêu cầu ngăn chặn số người này nhập cảnh nước Anh.

Thủ tướng David Cameron tuyên bố mối đe dọa từ tổ chức IS lớn hơn bất cứ mối đe dọa nào mà nước Anh từng phải đối mặt trước đây, và thông tin tình báo đã dẫn đến việc chính quyền nâng mức cảnh báo về mối đe dọa khủng bố lên mức "nghiêm trọng".

Tiếp xúc với phóng viên báo chí, Thủ tướng Cameron cho biết, người dân có thể sẽ nhìn thấy có thêm nhiều cảnh sát hơn - bao gồm số sĩ quan vũ trang - trên mọi đường phố London do mức cảnh báo "nghiêm trọng". Trong tuyên bố hôm 29/8 vừa qua tại London, ông Cameron nhấn mạnh cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo có thể sẽ kéo dài nhiều thập niên.

Thủ tướng Anh cho rằng IS "đang sử dụng những chiêu trò khủng bố bạo lực nhất nhằm ép buộc mọi người phải chấp nhận một thế giới quan bị bóp méo và sống trong một nhà nước như thời Trung cổ".

Ông Cameron cũng nhận định lực lượng quân sự chỉ là một phần trong cuộc chiến chống lại IS và sự thay đổi về chính trị cũng sẽ là cần thiết trong khu vực.

Khủng bố theo kiểu “sói cô đơn”

Mehdi Nemmouche là người Pháp gốc Algeria tham gia chiến đấu 11 tháng với tổ chức IS ở Syria trước khi quay về châu Âu để giết người. Ngày 24/5/2014, Nemmouche xả súng trong Nhà Bảo tàng Do Thái ở trung tâm thành phố Brussels của Bỉ làm chết 3 người ngay tại chỗ và 1 người qua đời sau đó. Nemmouche bị bắt giữ hôm 30/5 tại thành phố Marseille của Pháp khi hắn đang trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) qua Brussels để đến Pháp. Đây được coi là vụ tấn công khủng bố đầu tiên tại Bỉ trong 30 năm qua, đồng thời gây ám ảnh cho giới chức tình báo Mỹ.

Đối với giới chức chống khủng bố Mỹ và châu Âu, vụ nổ súng kéo dài chỉ 90 giây của Nemmouche được coi là kiểu tấn công đáng lo ngại từ hàng ngàn người châu Âu và khoảng 100 người Mỹ tham gia các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria và Iraq.

Cảnh sát vũ trang Anh đứng gác ở phố Downing, London.

Theo các đánh giá tình báo, hiện thời IS "chưa đủ sức" thực hiện cuộc tấn công khủng bố phức tạp như kiểu 11/9/2001 ở Mỹ. Mặc dù vậy, các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật đều nhất trí ở một điểm - đó là mối đe dọa trực tiếp từ những chiến binh cực đoan người châu Âu và Mỹ có thể sẽ quay trở về nước để tiến hành những vụ khủng bố theo kiểu "sói cô đơn".

Những âm mưu như thế rất khó phát hiện sớm bởi vì những con "sói cô đơn" không đòi hỏi một nhóm người đông đảo tham gia và liên lạc qua email hay điện thoại - loại hình giao tiếp có thể được các cơ quan tình báo tín hiệu đánh chặn một cách dễ dàng. Ví dụ vào năm 2010, Faisal Shahzad âm mưu đánh bom Quảng trường Thời đại ở New York sau khi được huấn luyện ở Pakistan và hành động đơn độc tại Mỹ. Vụ đánh bom trong sự kiện Boston Marathon năm 2103 do hai anh em cực đoan Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev tiến hành cũng giống như thế.

Không giống như chiến binh cực đoan Al-Qaeda ở Pakistan và Yemen, những người mang hộ chiếu Mỹ và châu Âu có thể du hành tự do nếu họ không bị liệt vào danh sách những phần tử khủng bố và nhờ đó mà số đối tượng này dễ dàng bí mật bay đến Syria tham gia thánh chiến.

Ronald Sandee, cựu chuyên gia phân tích của cơ quan tình báo quân đội Hà Lan, cho biết thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) là điểm quá cảnh trước khi bay sang Syria được các chiến binh phương Tây lựa chọn bởi vì thủ tục đến quốc gia này không mấy khó khăn.

Mặc dù, chính quyền Mỹ có nhiều nỗ lực giám sát danh sách hành khách trong những chuyến bay nhằm xác định những chiến binh cực đoan nước ngoài song vẫn không thể nào phát hiện được hết loại đối tượng giấu mặt cực kỳ nguy hiểm này.

Ví dụ, theo giới chức Washington, một người Mỹ tên là Douglas McAutur McCain bay từ San Diego đến Syria để tham gia thánh chiến của IS và mới bị giết chết vào cuối tháng 8 tại quốc gia này. Một người Mỹ thứ hai cũng bị giết chết và cũng đang được điều tra.

Danh tính của nhiều phần tử cực đoan vẫn được giữ bí mật trong hồ sơ các cơ quan tình báo Mỹ, song cũng có một vài tên được tiết lộ. Như là Moner Mohammad Abu- Salha, người Mỹ lớn lên ở Vero Beach bang Florida đã giết chết 16 người và tự sát trong một cuộc tấn công liều chết chống lại quân đội Syria hồi tháng 5/2014. Abu-Salha được coi là người Mỹ đầu tiên đánh bom liều chết tại Syria.

Tháng 5/2014, hai anh em Hamza Nawaz, 23 tuổi, và Mohommod Nawaz, 30 tuổi ở London đã tham gia trại huấn luyện khủng bố ở Syria và bị bắt giữ khi bay trở về Anh cùng với số đạn dược. Trong một vụ án khác, tên Mashudur Choudhury, 31 tuổi, cũng bị buộc tội ở London sau khi tham gia trại huấn luyện khủng bố ở Syria. Cũng trong tháng 5 vừa qua, 3 công dân Na Uy bị bắt giữ và bị buộc tội gia nhập IS...

Theo Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ (NCTC) Matthew Olsen, ước tính có khoảng 100 công dân Mỹ bay đến Syria tham gia thánh chiến chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và trong đó chừng chục người gia nhập IS. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn so với một số quốc gia châu Âu như Pháp và Anh.

Mới đây nhất, những kẻ ủng hộ IS thậm chí còn xuất bản một tạp chí bằng tiếng Anh gọi là Dabiq. Một tạp chí khác do Al-Qaeda ở bán đảo Arập gọi là Inspire kêu gọi "Hãy chế tạo một quả bom trong nhà bếp"!

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.