Mỹ: 100.000 đặc vụ để bảo vệ Chính phủ

Thứ Sáu, 29/01/2010, 13:55
Không phải 1, cũng chẳng phải 10, mà là 16! Ở Mỹ, tất cả 16 cơ quan an ninh đảm trách nhiệm vụ nghiên cứu, thu thập và khai thác thông tin tình báo - trực tiếp hay gián tiếp - để bảo đảm an ninh quốc gia.

Một số cơ quan mật vụ với các hoạt động của họ được thế giới biết đến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là CIA, FBI và NASA. Còn số khác bí mật hơn và hầu như không ai biết đến sự tồn tại của chúng. Vấn đề là các cơ quan bí mật này khó giao tiếp với nhau.

Do tính đặc thù của từng tổ chức, mỗi cơ quan điều có cái nhìn riêng về diễn biến sự việc cũng như có cách xử lý riêng. Sự phân chia mang tính cục bộ này được phơi bày ra ánh sáng sau cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9/2001 - một sự kiện được coi là biểu tượng  thất bại của hệ thống tình báo Mỹ.

Chịu trách nhiệm theo dõi và thu thập thông tin tình báo, hai cơ quan nổi tiếng CIA và FBI bị buộc tội đã không biết làm gì để ngăn chặn cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9. Nhất là FBI không hề quan tâm đến sự việc những người mang quốc tịch vùng Cận Đông mải mê học lái máy bay.

Ngoài sự cạnh tranh với nhau và tính cục bộ, hệ thống tình báo Mỹ còn một điểm yếu quan trọng khác là thói quan liêu. Người ta ước tính có không dưới 100.000 nhân viên quân đội và dân sự hợp tác làm việc trong lĩnh vực chiến lược này.

Sau sự kiện ngày 11/9/2001, Tổng thống George W. Bush có ý định cải tổ sâu sắc hệ thống tình báo khổng lồ của nước Mỹ. Nhưng khó khăn là phải mất đến 3 năm, năm 2004, mới thông qua được một luật bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI).

Chịu trách nhiệm phối hợp chung giữa các cơ cấu, DNI cũng là cố vấn chính của Tổng thống Mỹ về vấn đề an ninh quốc gia. Chức vụ này hiện được giao cho cựu Đô đốc Hải quân Mỹ Dennis Cutler Blair, được Tổng thống Obama bổ nhiệm trong tháng 1/2009.

Xuất thân trong gia đình trải qua 6 thế hệ phục vụ hải quân Mỹ, Dennis Cutler Blair sắp sửa ăn mừng tuổi 63 của ông. Cutler Blair viết cho những người cộng tác với ông trên trang web chính thức của mình: Nên biết rằng, trong tương lai, chúng ta sẽ phải đối mặt với những sự đe dọa tấn công khủng bố không ngừng. Viết như vậy, ông chủ của "cộng đồng tình báo" Mỹ biết rất rõ khối lượng công việc đồ sộ của mình.

Các cơ quan tình báo nổi tiếng của Mỹ gồm:

Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (DHS). Chính thức thành lập từ tháng 1/2003 sau sự kiện ngày 11/9/2001 và trực thuộc chính quyền liên bang. Cơ quan bao gồm khoảng 17.000 nhân viên tập hợp từ 22 bộ và các cơ quan liên bang khác nhau liên quan đến an ninh quốc gia. Nhiệm vụ: phân tích thông tin tình báo chủ yếu đến từ CIA và FBI. Ngoài ra, nhiều cơ quan khác cũng có bộ phận tình báo riêng của mình, như trường hợp của hai bộ Tài chính và Năng lượng

Cục Tình báo trung ương Hoa kỳ (CIA). Ra đời năm 1947, đặt trụ sở ở Langley (bang Virginia), gần Washington, CIA sử dụng khoảng 20.000 nhân viên. Ngân sách hàng năm của CIA khoảng hơn 3 tỉ USD. Sau thời gian chống chủ nghĩa Cộng sản, đến cuối Chiến tranh lạnh, năm 1989, cơ quan chuyển đổi sang lĩnh vực gián điệp kinh tế, tập hợp, chứng thực và xử lý thông tin tình báo nhằm bảo đảm an ninh nước Mỹ. CIA gồm nhiều phân nhánh khác nhau, trong đó bao gồm một nhánh tổ chức các chiến dịch và một nhánh phụ trách về khoa học và công nghệ.

FBI đang tác nghiệp.

Cục Điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI). Tiền thân là Cục Điều tra (BOI) thành lập năm 1908 và cơ quan mang tên gọi FBI từ năm 1945. Trụ sở đặt tại Washington và các cơ sở của FBI nằm rải rác trong hơn 400 thành phố ở Mỹ. Nhân viên FBI cũng có mặt trong 50 đại sứ quán Mỹ trên thế giới. Với quân số 11.000 đặc vụ, FBI xử lý hơn 200 loại tội phạm liên bang. Các đóng góp khác của FBI bao gồm: chống khủng bố, phản gián, chống tin tặc và pháp y. Ở bên ngoài nước Mỹ, FBI cũng đảm trách công việc thu thập thông tin tình báo trong các  cuộc điều tra về những vụ tấn công khủng bố hay phá hoại máy bay.

Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA). Đặt trụ sở tại  căn cứ Fort Meade (Maryland), NSA được thành lập năm 1952, phụ trách tình báo điện tử. Quân số khoảng 20.000 người, NSA chuyên môn về giải mã các tín hiệu điện từ, nghe lén điện thoại và đọc thư điện tử. Ngân sách hàng năm vượt quá 3,6 tỉ USD. Từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước, NSA đầu tư rất lớn vào các công nghệ mới (tin học, phân tích ngôn ngữ, sinh trắc học hay mật mã) để hoạt động hiệu quả nhất.

Cục Tình báo quốc phòng Hoa Kỳ (DIA). Chuyên môn về thu thập thông tin tình báo quân sự ở nước ngoài, DIA được thành lập năm 1961. Trụ sở đặt trong Lầu Năm Góc ở Washington DC., DIA có khoảng 7.000 nhân viên kể cả quân nhân lẫn dân sự. DIA kiểm soát các lực lượng quân đội Mỹ cũng như cố vấn về các khí tài quân sự tiên tiến.

Cơ quan Do thám quốc gia Hoa Kỳ (NRO). Thành lập tháng 8/1960. Trụ sở đặt tại Chantilly, bang Virginia. Nhiệm vụ: quản lý hệ thống vệ tinh do thám Mỹ. NRO cung cấp những hình ảnh vệ tinh cho chính quyền và các cơ quan tình báo khác nhau. Ngân sách và số lượng nhân viên không được biết.

Cơ quan Tình báo địa - không gian Hoa Kỳ (NGA). Trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, NGA được thành lập năm 1996. Ban đầu được gọi là Cơ quan Lập bản đồ và hình ảnh quốc gia (NIMA), cơ quan có chức năng thu thập, phân tích và phổ biến thông tin tình báo địa - không gian bằng việc sử dụng những hình ảnh do vệ tinh cung cấp. Trụ sở đặt tại Bethesda (bang Maryland).

Các lực lượng hải quan, quân đội và không quân đều có bộ phận tình báo riêng của mình. Với ngân sách toàn cầu vượt quá 10 tỉ USD, các cơ quan khác nhau này sử dụng gần 55.000 nhân viên. Cơ quan Bài trừ ma túy Hoa Kỳ (DEA) và Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ (US Coast Guard) cũng tham gia công việc thu thập thông tin tình báo

Thục Miên (theo Lefigaro)
.
.