Mỹ: Bắt giữ 6 chính khách vì nghi án hối lộ

Thứ Tư, 17/04/2013, 19:35

Một nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ tại New York vừa bị bắt giữ hôm thứ Ba ngày 2/4 sau khi bị phát hiện dùng tiền để mua một vị trí đề cử trong danh sách ứng viên thị trưởng của đảng Cộng hòa. Các nhà điều tra cho biết scandal hối lộ này góp phần phản ánh sâu sắc tình trạng tham nhũng đang có dấu hiệu lan rộng ở thành phố này.

Theo thông tin từ tòa án, 5 chính trị gia khác bao gồm 3 người của đảng Cộng hòa và 2 người của Dân chủ đã bị bắt giữ và bị kết án nhận số tiền 100.000 USD hối lộ trong suốt các cuộc gặp gỡ bí mật diễn ra trong xe ôtô, khách sạn, hoặc tại các văn phòng làm việc. Các nhà chức trách đã gọi đây là một trong những vụ bê bối chính trị lớn nhất thành phố New York.

Được biết cuộc bầu cử thị trưởng New York sẽ diễn ra vào tháng 11 tới để tìm người thay thế cho ông Michael Bloomberg, người sắp mãn nhiệm kỳ thứ ba của mình vào cuối năm nay.

Nhân vật chính của các cáo buộc này nhằm vào nghị sĩ liên bang Malcolm Smith, thuộc đảng Dân chủ đến từ hạt Queens, New York. Ông Smith, người được cho là ứng viên khá "nhẹ ký" trong cuộc chạy đua lần này, Smith đã chi một số tiền để Daniel Halloran, nhân viên của hội đồng thành phố giúp ông sắp xếp các cuộc gặp gỡ những ủy viên cao cấp của đảng Cộng hòa. Mục đích chính của Smith khi thực hiện việc làm này là để mua sự hậu thuẫn của các thành viên đảng Cộng hòa cho mình trong cuộc tranh cử thị trưởng sắp tới.

Trong cuộc họp báo, luật sư Preet Bharara từ Manhattan cho biết "thỉnh thoảng câu hỏi về việc tham nhũng ở New York có thường xuyên xảy ra không cũng được nêu ra. Và dựa trên số lượng các vụ việc mà chúng tôi đã và đang tiếp tục đem ra xét xử, rõ ràng là vấn nạn này đang ngày càng lan rộng ở New York".

New York từng nổi tiếng bởi nạn tham nhũng, những khoản tiền "đi đêm" dưới chế độ cai trị của bộ máy chính quyền Tammany ở thế kỷ XIX, và chỉ đến tận những năm gần đây thành phố này mới phải hứng chịu lại những scandal kiểu như thế này. Năm ngoái, New York cũng đã kết án Pedro Espada, một nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ, với tội danh biển thủ hơn 600.000 USD từ công ty dịch vụ chăm sóc sức khỏe Soundview Healthcare.

Trở lại vụ việc mới xảy ra, các chính trị gia khác bị bắt hôm thứ 3 bao gồm: Vincent Tabone - Phó chủ tịch đảng Cộng hòa tại hạt Queens, Joseph Savino - Chủ tịch đảng Cộng hòa tại hạt Bronx, Noramine Jasmin - Thị trưởng của Spring Valley, và Joseph Desmaret - Phó thị trưởng cũng của Spring Valley. Cụ thể Jasmin và Desmaret, cả hai đều là người của đảng Dân chủ, đều bị buộc tội đã gửi e-mail lừa đảo nhằm chiếm dụng doanh thu của hạt.

Trước tòa, luật sư của Smith, Gerald Shargel cho biết, có rất nhiều vấn đề liên quan tới vụ việc này và rằng thân chủ của ông dự định sẽ phủ nhận mọi sai phạm. Các luật sư đại diện cho Holloran, Tabone và Desmaret cũng phủ nhận các tội danh trong khi luật sư của Jasmin và Savino không đưa ra bất kỳ lời bình luận nào.

Nghị sĩ Malcolm Smith giữa vòng vây của giới truyền thông hôm thứ Ba vừa qua.

Scandal mua vị trí trong danh sách tranh cử lần này bị lật tẩy nhờ có cuộc điều tra ngầm của FBI, trong đó đề tài chính được đem ra thảo luận tại các cuộc gặp bí mật là việc hối lộ và trao đổi tiền để Smith có thể đạt được tham vọng của mình. Tại cuộc gặp ở Manhattan, Halloran đã nhận 7.500 USD tiền mặt.

Trong khi đó, Savino và Tabone đã nhận tổng cộng 40.000 USD với lời hứa sẽ ủng hộ Smith. Riêng Halloran đã nhận được 20.500 USD cho việc sắp đặt các cuộc hẹn với những nhân vật mà Smith tin là người có thể hậu thuẫn. Halloran nhận lời giúp đỡ Smith với hy vọng sẽ được đảm nhận chức phó cao ủy cảnh sát hoặc phó thị trưởng trong chính quyền tiềm năng của Smith.

Giới điều tra cho biết, càng về sau trong các cuộc gặp gỡ, Smith và những kẻ liên quan lại càng tỏ ra thận trọng hơn. Trong một cuộc gặp hồi tháng hai với một điệp viên FBI trong vai một nhà phát triển thị trường bất động sản, Tabone đã rất cẩn thận thăm dò người đối diện xem có dấu hiệu ghi âm trộm hay không, nhưng thật may mắn là FBI vẫn ghi âm lại được cuộc nói chuyện, một bằng chứng thép cho vụ án lần này.

Khi Bloomberg chuẩn bị rời khỏi hội đồng thành phố sau 12 năm với 3 nhiệm kỳ lãnh đạo thành phố, cuộc cạnh tranh vị trí thay thế ông được dựng lên, hứa hẹn trở thành một trong những chiến dịch gắt gao nhất từ nhiều năm trở lại đây.

Năm 2001, tỉ phú Michael Bloomberg cũng phải mượn đến sự ủng hộ của đảng Cộng hòa để ra tranh cử, mặc dù sau đó ông đã từ bỏ tất cả các mối quan hệ với đảng này để trở thành một thành viên trung thành của Dân chủ.

Trong lần tranh cử lần này, về phía đảng Dân chủ có Christine Quin - phát ngôn viên của hội đồng thành phố, nhà biện hộ xã hội Bill de Blasio, Bill Thompson - trưởng ban tài chính đều đã có tên trong danh sách các ứng viên. Còn bên Cộng hòa có Joseph Lhota - cựu Chủ tịch Hội đồng giao thông vận tải Metropolitan và doanh nhân John Catsimatidis. Họ đều là những ứng viên tiềm năng cho vị trí thị trưởng thành phố New York.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, Chủ tịch đảng Cộng hòa tại bang New York đã nhấn mạnh đây là sự kiện "gây lo ngại sâu sắc", tính trung thực của quá trình bầu cử đối với các cử tri mà đáng ra cần phải được đảm bảo đã bị vi phạm nặng nề. Cả sáu người đều phải xuất hiện trước tòa án hạt White Plains và đã được bảo lãnh với số tiền 250.000 USD. Tuy vậy các chính khách này vẫn khó mà thoát khỏi các tội danh như đưa/nhận hối lộ, xuyên tạc sự thật cũng như phát tán các e-mail lừa đảo

Hoàng Cúc (theo Reuters)
.
.