Mỹ: Bắt giữ nữ khủng bố sinh thái nổi tiếng

Thứ Tư, 19/12/2012, 22:20

Bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã gắt gao trong suốt thập niên liên quan đến vụ án “khủng bố sinh thái” lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, Rebecca Jeanette Rubin - nữ công dân Canada, 39 tuổi, bị đặc vụ FBI bắt giữ hôm 29/11 vừa qua sau nhiều năm sống lẩn lút ở Canada.

Là thành viên của tổ chức khủng bố sinh thái “The Family”, R.Rubin đã “góp phần đắc lực” gây ra 20 vụ hỏa hoạn từ năm 1996 đến 2001 - tại các bang Oregon, Washington, California, Colorado và Wyoming của Mỹ - làm tổn thất đến 40 triệu USD. “The Family” phạm pháp dưới danh nghĩa của Mặt trận giải phóng trái đất (ELF) và Mặt trận giải phóng động vật (ALF).

Vụ bắt giữ Rebecca Rubin được coi là thành công mới nhất trong chiến dịch quy mô của Mỹ mang tên “Backfire" chống lại những phần tử khủng bố sinh thái cực đoan. Theo bản cáo trạng của tòa án Mỹ, nhóm "The Family" âm mưu "gây ảnh hưởng và tác động đến chính sách của các doanh nghiệp tư nhân và chính quyền cũng như người dân thông qua hành vi bạo lực, phá hoại, hủy hoại tài sản hàng loạt, dọa dẫm và ép buộc".

William C. Rodgers, người được cho là cầm đầu nhóm ALF, đã tự sát trong nhà tù bang Arizona sau khi bị buộc tội vào năm 2006. Rodgers là tác giả cuốn sách cẩm nang của ALF - tổ chức gây ra nhiều vụ khủng bố tấn công các trung tâm thí nghiệm sử dụng động vật, các xưởng thuộc da động vật, cửa hàng sản phẩm lông thú và nhà hàng ăn - tựa đề "Phóng hỏa với thiết bị bấm giờ điện tử: Cẩm nang ALF".

Hiện nay, FBI coi ELF và ALF là hai mối đe dọa khủng bố nội địa nguy hiểm hàng đầu của Mỹ. Theo hồ sơ FBI, tổ chức ELF chịu trách nhiệm về 20 vụ phóng hỏa khủng bố quanh khu vực miền Tây nước Mỹ từ năm 1996 đến 2001 gây thiệt hại tài sản lên đến 40 triệu USD. Trong đó nổi cộm nhất là vụ phóng hỏa năm 1998 thiêu rụi một nhà hàng và các cơ sở khác ở khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Vail Ski Resort, bang Colorado.

Rebecca Jeanette Rubin (trái) và Josephine Overaker - một trong hai nghi can khủng bố sinh thái còn đang lẩn trốn.

Các mục tiêu khác của ELF bao gồm một cơ sở nghiên cứu thực vật thuộc Đại học Washington và vài công ty tư nhân cũng như một số cơ sở khác ở bang Oregon - như một lò mổ, trạm kiểm lâm của Cơ quan Kiểm lâm Mỹ (FS), một tháp dẫn điện, một trại gỗ và một đại lý phân phối ôtô. Rebecca Rubin bị buộc tội tham gia vào vụ phóng hỏa Văn phòng Cục Địa chính Mỹ (BLM) ở bang Oregon vào ngày 30/11/1997, và âm mưu phóng hỏa các trụ sở văn phòng của Công ty Lâm nghiệp Mỹ (FII) ở Medford, bang Oregon.

Ngoài ra, một bản cáo trạng ở bang Colorado buộc tội Rebecca Rubin thiêu hủy nhiều tòa nhà ở hạt Eagle, bang Colorado, gây thiệt hại tài sản lên đến 12 triệu USD - vụ này được coi là vụ khủng bố sinh thái tai hại và bi thảm nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Sau khi Rebecca Rubin ra đầu thú vào hôm 29/11 vừa qua, FBI tiếp tục truy lùng hai thành viên “The Family” khác còn đang lẩn trốn là Joseph Mahmoud Dibee và Josephine Sunshine Overaker. Nhà chức trách cho rằng Dibee đang sống với gia đình riêng của hắn ở Syria, còn Overaker có lẽ đang lẩn trốn ở châu Âu.

Nhà hàng Two Elks ở Vail bị nhóm khủng bố sinh thái phóng hỏa ngày 19/10/1998.

Trong một bài báo về loại tội phạm khủng bố sinh thái năm 2009, Brent Smith - nhà xã hội học thuộc Đại học Arkansas và Trung tâm Kelly R. Damphousse trực thuộc Đại học Oklahoma - mô tả các thành viên của nhóm “The Family” phần đông xuất thân từ tầng lớp trung lưu Mỹ song cũng có vài người có tiền án phạm tội hình sự. “The Family” phát triển từ cộng đồng những nhà hoạt động môi trường và phần tử vô chính phủ ở thành phố Eugene, bang Oregon.

Trong vụ phóng hỏa ở Vail, nhóm “The Family” phát đi thông điệp tuyên bố những tòa nhà bị đốt cháy để trả thù việc Cơ quan Kiểm lâm Mỹ đã cho phép khu nghỉ dưỡng Vail Ski Resort mở rộng gây ảnh hưởng đến môi trường sống của loài mèo rừng Bắc Mỹ (có tên khoa học là Lynx canadensis) đang có nguy cơ tuyệt chủng! Vụ tấn công này gây chú ý dư luận cả nước Mỹ về loại tội phạm khủng bố sinh thái.

"Chiến dịch Backfire" là cuộc điều tra quy mô - với sự phối hợp của nhiều cơ quan chính quyền và dưới sự lãnh đạo của FBI - đối với những hành vi phá hoại tài sản chính quyền và tư nhân nhân danh quyền động vật và bảo vệ môi trường liên quan đến hai tổ chức ELF và ALF mà FBI gọi là "khủng bố sinh thái".

Tuy nhiên, những cáo trạng buộc tội tổng cộng 18 nhà hoạt động môi trường trong những năm qua đã dẫn đến một số chỉ trích từ phía chính các nhà hoạt động và các tổ chức. Ví dụ, Hội Luật gia quốc gia Mỹ (NLG) lên án "chiến dịch Backfire" của FBI và những phán quyết của tòa án, lập luận rằng "những án tù dành cho hành vi tấn công gây thiệt hại tài sản ở những nơi mà đối tượng không chủ ý gây tổn hại cho con người là không phù hợp với hiến pháp".

Đáp lại, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng "có sự khác biệt rõ ràng giữa hoạt động ủng hộ được hiến pháp bảo vệ - được coi là quyền của mọi công dân Mỹ - và hoạt động bạo lực mang tính tội phạm"

Diên San (tổng hợp)
.
.