Mỹ: Công bố nhiều tư liệu mới về mạng lưới điệp viên của Nga

Chủ Nhật, 27/11/2011, 14:30
Sự kiện cả một mạng lưới điệp viên quy mô của Nga bị trục xuất khỏi Mỹ vào tháng 7/2010 tưởng chừng như đã nguội lạnh lại bắt đầu thu hút sự chú ý của công luận. Ngày 31/10/2011, Cục điều tra liên bang Mỹ chính thức cho công bố hàng chục bức ảnh, đoạn băng hình và tài liệu về các điệp viên người Nga.

Liên quan đến sự kiện này, phó giám đốc FBI phụ trách về lĩnh vực phản gián Frank Figliuzzi đã dành riêng những lời đánh giá đặc biệt cao cho các điệp viên của Nga. Theo ông này, những điệp viên như Anna Chapman và Mikhail Semenko là những đại diện điển hình cho một thế hệ mới của các điệp viên Nga.

Có thể nói, đây là một trường hợp hiếm hoi khi Cơ quan Mật vụ Mỹ quyết định công bố nhiều tư liệu liên quan đến quá trình tác nghiệp của mình. Những dữ liệu chân thực nhất vừa được công bố chính là những bức ảnh được nhân viên FBI bí mật chụp được trong quá trình theo dõi.

Có thể kể tới tấm ảnh chụp Mikhail Semenko (hoạt động tại Mỹ dưới vỏ bọc nhân viên Hãng Du lịch Travel All Russia LLC) đang kín đáo đặt một vật gì đó vào hộp thư mật. Một tấm ảnh khác ghi nhận điệp viên Christopher Metsos trao đổi những gói tài liệu với một nhà ngoại giao Nga tại New York (Metsos là điệp viên duy nhất đã kịp thời chạy trốn, sau khi được tòa án tại Síp trả tự do nhờ nộp tiền bảo lãnh), bức ảnh chụp cuộc gặp của điệp viên Richard Murphy với nhân viên ngoại giao Nga trong phái đoàn tại Liên Hiệp Quốc, ảnh điệp viên Michael Zottoli (tên thật là Mikhail Kutsik) lấy chỉ thị từ hộp thư mật v.v…

FBI tất nhiên không thể quên nữ điệp viên nổi tiếng nhất trong mạng lưới này - họ cho công bố hai đoạn băng hình về Anna Chapman. Trong đoạn băng đầu tiên, Chapman có cuộc hẹn tại quán cà phê với một đối tượng thực chất là nhân viên FBI. Trong đoạn băng thứ hai, Chapman đang đi bên cạnh một điệp viên của Nga. Trên thực tế, Anna Chapman chủ yếu liên lạc với tình báo Nga thông qua máy tính có kết nối được bảo vệ. Một điệp viên khác trong mạng lưới là  Semenko cũng liên lạc với các quan chức ngoại giao Nga theo kênh này.

Đoạn băng hình ghi lại cảnh Anna Chapman gặp gỡ với nhân viên FBI giả danh.

FBI còn cho công bố giấy khai sinh của Michael Zottoli thực chất là giả mạo. Cụ thể theo như Frank Figliuzzi, Kutsik (tên thật của Zottoli) hoạt động tại Mỹ với giấy tờ của một người đã chết. Ngoài các tài liệu được công bố, đáng chú ý là FBI còn đánh giá một cách khách quan về các điệp viên trong mạng lưới trên. Theo lời của Figliuzzi được Hãng tin AP trích dẫn, Chapman và Semenko "rất thành thạo về công nghệ và rất thông minh". Quan chức FBI còn nhấn mạnh về khả năng của Semenko có thể nói được 5 thứ tiếng (Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Bồ Đào Nha và Đức).

Cũng theo đại diện của FBI, Chapman và Semenko chính là đại diện tiêu biểu cho thế hệ mới của các điệp viên Nga, những người được đánh giá là đã thích ứng ngay với tình hình kể từ sau Chiến tranh lạnh và hoạt động rất thoải mái tại các nước phương Tây, thậm chí còn hoạt động bằng tên thật của mình. Nếu như các điệp viên thế hệ cũ thường tận dụng loại mực vô hình để viết báo cáo, thì các điệp viên thế hệ mới này lại thành thạo trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại cho việc liên lạc.

Những tiết lộ của FBI còn cho thấy, các điệp viên của Nga đều là những tay chuyên nghiệp có đẳng cấp cao và được đảm bảo tài chính rất tốt. Tất cả đều rất sành sỏi về kỹ thuật, sử dụng thành thạo kỹ thuật giấu thư (steganography), nhờ đó những bức ảnh điện tử công khai đều có thể dùng để truyền tải thông tin mật mà chỉ có các đồng nghiệp mới có thể đọc được. 

Những tài liệu được công bố cho thấy, các điệp viên trong mạng lưới trên không phải bị cáo buộc vì tội hoạt động gián điệp, mà theo tội danh "hợp tác trái phép với chính phủ nước ngoài". Sứ mạng chính của nhóm này là "tìm mọi cách tiếp xúc với giới chức chính trị tại Mỹ, sau đó tận dụng những mối quan hệ này để khai thác thông tin và gửi về trung tâm". 

Theo Figliuzzi, FBI quyết định bắt nhóm điệp viên của Nga đúng vào thời điểm họ đang có nhiều khả năng tiếp cận được với các nhân viên trong văn phòng Tổng thống Obama. Dù FBI không chính thức tiết lộ tên tuổi những nhân viên này, nhưng theo một số nguồn tin, một trong những mục tiêu cần tiếp cận chính là thương gia Alan Patricofe, người có quan hệ khá thân cận với Ngoại trưởng Hillary Clinton nhờ đóng góp đặc biệt hào phóng cho chiến dịch tranh cử của bà này.

Chiến dịch điều tra mạng lưới điệp viên của Nga được triển khai với mật danh "Ghost Stories", ý nói có 6 điệp viên trong mạng lưới này hoạt động tại Mỹ bằng giấy tờ của những người đã chết. Nguyên nhân về việc FBI quyết định công bố những tài liệu trên hiện vẫn chưa được làm rõ. Trên danh nghĩa, đây là một hành động tuân thủ theo đạo luật tiếp cận thông tin mà giới báo chí đã yêu cầu từ lâu. Còn nếu tất cả những tài liệu trên dùng để chứng minh về hoạt động gián điệp của mạng lưới điệp viên Nga thì tất cả đã là chuyện "rõ như ban ngày".

Các điệp viên của Nga đều thừa nhận về hoạt động của mình trên tòa án Mỹ. Ngay sau đó, Moskva đã đàm phán để đổi tất cả những thành viên trong mạng lưới này với các nhân vật đã bị xét xử vì tội hoạt động gián điệp cho Mỹ trên đất Nga. Đoạn kết cho vụ án gián điệp đình đám nhất trong năm 2010 chính là phiên tòa xét xử vắng mặt viên đại tá thuộc Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) Alexander Poteev, kẻ được cho là đã chỉ điểm cho phản gián Mỹ về mạng lưới điệp viên của Nga, trước khi nhanh chân tẩu thoát tới Mỹ

Thái Quân (tổng hợp)
.
.