Mỹ Latinh nói không với chính sách chống ma tuý của Mỹ

Thứ Hai, 08/02/2010, 11:35
Từ lâu, Mỹ đã đổ tiền của vào cuộc chiến chống ma túy tại các nước Mỹ Latinh nhưng kết quả là gì? Tình trạng buôn lậu ma túy vẫn hoành hành khu vực này cùng với làn sóng bạo động ngày càng trở nên tồi tệ.

Chính vì lẽ đó, các nước Mỹ Latinh như  Argentina, Brazil, Chile, Ecuador, Mexico và nhiều nước khác đang chuyển hướng. Thay vì tập trung vào những đối tượng sử dụng hoặc sở hữu ma túy nhỏ, lẻ, các nước này tập trung vào việc truy quét những kẻ buôn bán lớn và điều trị những người nghiện.

Điều này dường như đi ngược lại chính sách của Mỹ trong nhiều thập niên qua là không dung thứ cho bất cứ hành động sử dụng ma túy nào cho dù ở cấp độ nhỏ. Nhưng giờ đây, Nhà Trắng đang "làm ngơ" trước những bước đi mới của các nước Mỹ Latinh.

Ngay cả Argentina, đất nước ít có các vụ bạo động do ma túy gây ra nhưng các thẩm phán nước này cũng ủng hộ việc sửa đổi luật theo đó chuyển trọng tâm cuộc chiến chống ma túy vào các băng đảng buôn lậu ma túy lớn, vì họ cho biết chỉ tập trung vào các vụ nhỏ lẻ nên không có thời gian để tập trung vào các vụ lớn. 

Hầu hết lượng ma túy trên thế giới vẫn đều đặn "xuất kích" từ khu vực Andean gồm các nước Colombia, Peru và Bolivia bất chấp hàng tỉ USD đổ vào cuộc chiến chống ma túy tại đây.

Tại Mexico, ma túy đã làm hơn 16.000 người chết từ cuối năm 2006 sau khi Tổng thống Felipe Calderon nhậm chức và triển khai hàng chục ngàn binh sĩ để tấn công vào các tập đoàn ma túy vốn đang lũng đoạn hệ thống chính trị nước này. Mexico là nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới và Paraguay đứng ở vị trí thứ hai.

Bất chấp chi nhiều tiền và quân vào Colombia, Mỹ vẫn không thắng nổi trong cuộc chiến chống ma túy tại đây.

BrazilMexico, 2 nền kinh tế lớn tại Mỹ Latinh đã dẫn đầu trong việc điều chỉnh luật chống ma túy. Brazil hợp pháp hóa một phần việc sử dụng ma túy và tại Mexico, mang một lượng nhỏ ma túy không còn bị xem là phạm tội.

Tại Argentina, Tổng thống Cristina Fernandez sắp đưa ra Quốc hội thông qua dự luật theo đó đưa những người nghiện ma túy đi chữa trị thay vì bắt giam họ. Trước đó, Tòa án tối cao Argentina đã ra phán quyết cho rằng truy tố những người sử dụng ma túy là bất hợp pháp.

Tại Ecuador, Chính phủ cánh tả nước này cũng đã ân xá cho 2.000 người buôn lậu ma túy với lượng nhỏ. Chị Jessica Trujillo là một trong số những người được ân xá. Chị bị giam chờ xét xử cả một năm do sở hữu 1,5 gram dẫn xuất của cocaine. Theo chị, nhiều người Ecuador bị tuyên mức án giống nhau cho dù họ mang vài gram hay vài tấn ma túy.

Một bản báo cáo của các cựu tổng thống Brazil, ColombiaMexico hồi năm 2009 cho rằng chiến dịch triệt hạ các khu vực trồng cây coca ở Mỹ Latinh không có kết quả, những người trồng loại cây này chỉ chuyển từ khu vực này sang khu vực khác.

Cựu Tổng thống Brazil Fernando Henrique Cardoso phát biểu trong một hội nghị gần đây ở Washington nói: "Chiến lược của Mỹ gọi là "cuộc chiến chống ma túy rõ ràng đã thất bại do đó cần phải thay đổi".

Colombia nhận hơn 5 tỉ USD về trợ giúp quân sự của Mỹ chống buôn lậu ma túy cũng đã phải chuyển sang công nhận dùng ma túy có giới hạn sau khi Quốc hội nước này thông qua luật mới vốn đã được đưa ra từ năm 1994 nhưng nhiều lần bị Mỹ cản trở.

Một trong những điển hình của sự thất bại trong các chiến dịch tấn công ma túy tại Argentina là cuộc tấn công gần đây của quân đội vào một khu ổ chuột ở Buenos Aires. Kết quả của chiến dịch kéo dài 6 giờ là gì? Họ chỉ tịch thu được 2 kg cocaine.

Một cánh đồng trồng coca ở Mỹ Latinh.

Mỹ từng bác bỏ mọi động thái của các nước Mỹ Latinh trong việc thay đổi chính sách chống ma túy. Năm 2006, Mexico tiến gần đến việc hợp pháp hóa đối với việc sở hữu một lượng nhỏ ma túy nhưng bị Mỹ phản đối nhưng đến năm 2009 chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã im lặng khi Mexico và Argentina thay đổi luật chống ma túy. Theo ông John Walsh, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu chính sách chống ma túy của Mỹ tại Mỹ Latinh thì: "Mỹ đang từ bỏ cách áp đặt mô hình chống ma túy tại Mỹ Latinh". 

Thậm chí ngay tại Mỹ, nơi tiêu thụ ma túy hàng đầu trên thế giới, cũng đang có những thay đổi chính sách. Đã có hơn 10 bang của Mỹ hợp pháp hóa việc sử dụng thuốc phiện vào mục đích y tế.

Ngoài ra, trong số các cuộc chiến chống ma túy của Mỹ tại các nước Mỹ Latinh, cuộc chiến tại Colombia gây ra nhiều căng thẳng nhất với các nước láng giềng. Mỹ từng mượn danh chống ma túy để cùng với Colombia đưa quân vào tận lãnh thổ của Bolivia truy quét lực lượng nổi dậy FARC.

Động thái này bị Venezuela cáo buộc là chiến lược do Mỹ dàn dựng và Bogota đang thực hiện nhằm gây ảnh hưởng lên các nước Mỹ Latinh. Bất chấp những lời giải thích về cuộc chiến chống ma túy và đảm bảo từ Mỹ và Colombia, các căn cứ quân sự hỗn hợp mà Bogota cho phép Washington sử dụng là một vấn đề gây nhức nhối cho các nước Mỹ Latinh.

Thực chất, những căn cứ quân sự mà Colombia chia sẻ với Mỹ chính là một mạng lưới căn cứ trên bộ cho phép Mỹ triển khai nhanh một số lượng binh lính và khí tài trong trường hợp khẩn cấp. Venezuela cáo buộc Mỹ muốn làm suy yếu phong trào cánh tả đang trỗi dậy tại Mỹ Latinh nhằm đưa các nước này trở lại tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Chính sách quân sự xuyên suốt của Mỹ cho dù dưới danh nghĩa chống ma túy hay bất cứ lý do nào khác cũng vẫn luôn giữ một định hướng liên tục, đó là gia tăng ảnh hưởng ở những khu vực mang lại lợi ích sống còn về địa chính trị, cũng như kinh tế cho Mỹ

Trương Minh (tổng hợp)
.
.