Mỹ: Mạng máy tính các trường đại học bị hàng ngàn vụ tấn công mỗi tuần

Thứ Sáu, 09/08/2013, 15:30

Các trường đại học của Mỹ - nằm trong số các trung tâm mở rộng trong trao đổi thông tin trên thế giới - đang đối mặt với những cuộc tấn công mạng đánh cắp thông tin nhạy cảm ngày càng tăng - với hàng ngàn vụ đột nhập hệ thống máy tính mỗi tuần - mà phần nhiều trong số đó được tin là xuất phát từ Trung Quốc.

Trước thực trạng đó, các trường đại học buộc phải thắt chặt an ninh và cố gắng xác định những thông tin gì bị đánh cắp. Trong khi đó, giới chức lãnh đạo các trường đại học thừa nhận có một số vụ đột nhập máy tính thành công. Các giáo sư đại học Mỹ nhận được hàng ngàn bằng sáng chế mỗi năm, trong đó bao gồm những phát minh có giá trị cao trong các lĩnh vực như dược phẩm, chip máy tính, pin nhiên liệu, các thiết bị cho máy bay và y khoa.

Rodney J. Petersen - lãnh đạo chương trình an ninh mạng ở Educause, nhóm liên minh phi lợi nhuận của các công ty công nghệ và trường học - cho biết: "Những cuộc tấn công mạng gia tăng theo cấp số nhân và vô cùng tinh vi đến mức chúng tôi nghĩ rằng chúng phát triển nhanh hơn phản ứng của chúng tôi". Còn Tracy B. Mitrano, Đại học Cornell, nhận định "khả năng tìm thấy những điểm yếu để thâm nhập mà không bị phát hiện của bọn hacker đã tăng đáng kể".  Bà Mitrano cũng cho biết một số lớn những vụ tấn công có lẽ xuất phát từ Trung Quốc.

Mối đe dọa đang tăng buộc nhiều trường đại học Mỹ phải xem xét lại cơ cấu các mạng máy tính cũng như đường lối mở rộng giao lưu của họ. David J. Shaw, Trưởng ban An ninh thông tin Đại học Purdue, giải thích: "Môi trường đại học rất khác với một cơ quan chính quyền hay công ty do nó có tính chất mở rộng giao lưu thông tin để quảng bá. Các nhà nghiên cứu muốn hợp tác với nhiều người, bên trong và bên ngoài trường đại học, cũng như cùng nhau chia sẻ những khám phá mới".

Nhưng, hiện nay một số trường đại học không còn cho phép các giáo sư mang theo laptop khi đi đến một số quốc gia khác. James A. Lewis - giáo sư Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, một nhóm chính sách ở Washington - nói: "Có một số quốc gia, mà ở đó mọi thứ đều bị sao chép và mỗi laptop đều bị cài lén phần mềm để khi du khách trở về nước và kết nối với mạng nội bộ tức thì sẽ bị theo dõi sát sao từ xa...”.

Giáo sư Bill Mellon ở Đại học Wisconsin và Rodney J. Petersen - lãnh đạo chương trình an ninh mạng ở Educause.

Cũng giống như các công ty lớn, các trường đại học Mỹ nghiên cứu phát triển tài sản trí tuệ có thể ứng dụng thành các sản phẩm có giá trị cao như là dược phẩm hay chip máy tính. Nhưng hệ thống mạng của các trường đại học không được bảo đảm an toàn do có hàng ngàn sinh viên cũng như giáo sư sử dụng máy tính cá nhân để kết nối.

David Shaw và các đối tác của ông cũng thừa nhận: Bức tường bảo vệ hệ thống máy tính chống những sự xâm nhập từ bên ngoài của Trường đại học Purdue còn nhiều lỗ hổng. Các dữ liệu nhạy cảm nhất thường bị người ngoài dòm ngó liên quan đến những mầm bệnh nguy hiểm chết người hay nghiên cứu có thể ứng dụng thành các hệ thống vũ khí mới. Paul Rivers, Giám đốc An ninh hệ thống mạng Đại học California, thành phố Berkeley, cho biết trường đặc biệt quan tâm đầu tư bảo vệ mạng và ngân sách dành cho an ninh mạng của thành phố đã tăng gấp đôi từ năm 2012 lên đến hàng triệu USD.

Còn giáo sư Bill Mellon tiết lộ, Đại học Wisconsin của ông đã chi ra hơn 1 triệu USD để nâng cấp hệ thống bảo đảm an ninh máy tính chỉ trong một chương trình nghiên cứu duy nhất về các bệnh lây nhiễm. Cùng với sự gia tăng đầu tư tiền bạc cho an ninh mạng, các trường đại học Mỹ cũng có một số thay đổi về chính sách sau khi nhận được sự hỗ trợ tư vấn từ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), cơ quan có những biện pháp đặc biệt hữu hiệu để giúp họ bảo vệ dữ liệu một cách an toàn.

Tuy nhiên, không phải những mối đe dọa tiềm ẩn đều là kỹ thuật số. Tháng 4/2013, một nhà nghiên cứu bay từ Trung Quốc đến Mỹ và làm việc tại Khoa Y Đại học Wisconsin đã bị FBI bắt giữ và bị buộc tội cố ý đánh cắp hợp chất chống ung thư và các dữ liệu liên quan. Năm 2012, giáo sư Bill Mellon cho biết, do lo sợ bị hacker cho nên Đại học Wisconsin bắt đầu ngăn cấm các thành viên nhà trường mang theo bên mình laptop và điện thoại thông minh cá nhân mỗi khi đi công cán ở nước ngoài, nhất là đến Trung Quốc!

Đại học Wisconsin.

Hiện nay, các trường đại học Mỹ bắt đầu cảnh giác hơn khi kêu gọi các giáo sư tuân thủ các quy định liên bang cấm mang các dữ liệu nhạy cảm ra khỏi biên giới nước Mỹ, hay áp đặt những quy định hạn chế khắt khe hơn cả chính quyền để bảo vệ lợi ích nhà trường.

Ngoài ra, laptop của các giáo sư từ nước ngoài trở về Mỹ phải được các chuyên gia xóa sạch mọi dữ liệu trong máy để tránh sự xâm nhập của phần mềm gián điệp độc hại. Biện pháp an ninh như thế đã trở thành tiêu chuẩn cho các công ty và cơ quan chính quyền Mỹ từ vài năm qua, song nó vẫn là điều mới mẻ đối với giới học viện

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.