Mỹ - Thụy Sĩ điều tra các ngân hàng rửa tiền cho FIFA

Chủ Nhật, 23/08/2015, 08:10
12 ngân hàng lớn trên thế giới trong đó có Deutsche Bank, Credit Suisse, Standard Chartered, Barclays, HSBC Holding, Bank Hapoalim… đang bị nhà chức trách Mỹ điều tra vì có liên quan đến bê bối rửa tiền của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Trong khi đó, các nhà điều tra Thụy Sĩ lại tìm thấy thêm nhiều bằng chứng về các giao dịch bất thường của giới chức FIFA.

Những giao dịch bất thường tại Thụy Sĩ

Trong một thông báo được đưa ra hồi đầu tháng 8, Bộ Tư pháp Thụy Sĩ cho biết, kể từ khi mở cuộc điều tra liên quan đến bê bối tham nhũng của giới chức FIFA từ cuối tháng 6 vừa qua, các nhà điều tra đã đưa 104 giao dịch của FIFA vào danh sách nghi vấn để kiểm tra.

Đến nay, Cơ quan Chống rửa tiền Thụy Sĩ đã xác nhận có 53 trường hợp rửa tiền. Các trường hợp này đều có liên quan đến Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke nên giới chức Thụy Sĩ đang xem xét việc có nên triệu tập 2 nhân vật này để thẩm vấn hay không.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Michael Lauber cho biết, mới đầu, các điều tra viên tìm thấy manh mối của những trường hợp rửa tiền này trong cơ sở dữ liệu thu được từ máy tính ở trụ sở chính của FIFA tại Zurich. Sau đó, các công tố viên đã yêu cầu ngân hàng Thụy Sĩ phải cung cấp các số liệu cụ thể về những tài khoản này.

Luật Chống rửa tiền của Thụy Sĩ bắt buộc các ngân hàng phải hợp tác và cuối cùng các ngân hàng này đã đưa ra danh sách 53 giao dịch mờ ám. Một tờ báo ở Bern, Thụy Sĩ lại cho hay, từ 53 giao dịch này, các công tố viên đã tiếp tục tìm kiếm và phát hiện rằng 28/53 giao dịch nói trên có liên quan đến việc bỏ phiếu bầu chọn Nga và Qatar đăng cai World Cup 2018 và 2022.

Chưa hết, nguồn tin từ Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ còn khẳng định, có thêm 81 giao dịch đáng nghi ngờ khác đang được làm rõ. Những giao dịch này có trong dữ liệu thu được từ nhà riêng và văn phòng làm việc của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter. Tuy nhiên, việc này không thể làm trong một sớm một chiều vì các giao dịch nói trên được thực hiện ở nước ngoài và khá là phức tạp. Hiện các điều tra viên của Thụy Sĩ cũng đang hợp tác với các nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) để lần tìm theo những đường dây rửa tiền khác.

Ông Michael Lauber nói: "Chúng tôi đang phải đối mặt với một cuộc điều tra phức tạp có ý nghĩa đối với toàn thế giới. Người hâm mộ môn thể thao vua cần phải kiên nhẫn. Để tìm ra bản chất, cuộc điều tra này sẽ mất nhiều hơn 90 phút huyền thoại".

FBI nghi ngờ giới chức FIFA đã rửa tiền bằng việc mua những căn hộ hạng sang ở Miami.

Tính đến nay, có ít nhất 3 ngân hàng của Thụy Sĩ nhận được yêu cầu hợp tác điều tra liên quan đến bê bối ở FIFA. Gần đây nhất, Julius Baer cũng đã tự phát đi thông báo về cuộc điều tra nội bộ về những vấn đề liên quan đến FIFA, nhất là đối với những khách hàng đứng tên nhiều tài khoản khác nhau và có những giao dịch không minh bạch.

Tờ The Guardian thì cho hay, từ tiết lộ của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi Issa Hayatou trên tuần báo Thanh niên châu Phi rằng Qatar đã rót 1,8 triệu USD cho Liên đoàn Bóng đá châu Phi hồi tháng 1/2010 "để giới thiệu dự án" xin đăng cai World Cup 2020, các nhà điều tra Thụy Sĩ đã lần tìm được thêm nhiều manh mối quan trọng. Thậm chí, họ còn phát hiện những khoản tiền mà cựu Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner nhận được vào đầu năm 2008 từ một tài khoản của FIFA ở Thụy Sĩ đến tài khoản Bank of America - số tiền được cho là do Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke gửi vì đã ủng hộ Nam Phi làm chủ nhà World Cup 2010.

Bên cạnh đó là các lần chuyển tiền từ Công ty Điện và Cơ khí Khalid Est (KEMCO) có trụ sở tại Doha (Qatar) tới tài khoản cá nhân của Jack Warner là 1,2 triệu USD và tới tài khoản của hai người con trai của ông với khoản tiền tổng cộng là 750.000 USD. KEMCO là công ty thuộc sở hữu của Mohamed Bin Hammam, cựu quan chức bóng đá Qatar, từng là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và ủy viên Ủy ban điều hành FIFA. Mohamed Bin Hammam được thừa nhận rộng rãi như là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất giúp Qatar vận động thành công và giành quyền đăng cai World Cup 2022.

Chiêu rửa tiền bằng bất động sản

Khi mở rộng cuộc điều tra tham nhũng ở FIFA, FBI đã phát hiện ra rằng, không chỉ nhận hối lộ với những khoản tiền lớn, các quan chức FIFA còn tham gia hoạt động rửa tiền tại các ngân hàng nổi tiếng thế giới như Credit Suisse, Barclays, HSBC Holding, Standard Chartered, Delta National Bank, Trust Company, Deutsche Bank, Bank Hapoalim… đều nằm trong số đó. Hiện Văn phòng Bộ Tư pháp Mỹ đã đề nghị các ngân hàng HSBC Holding và Standard Chartered cung cấp các thông tin liên quan. Cơ quan Kiểm soát các dịch vụ tài chính tại New York (DFS) cũng vào cuộc với thư yêu cầu tương tự được gửi đến ngân hàng Barclay, Credit Suisse, Bank Hapoalim, Deutsch Bank…

Cho đến nay, một trong số những ngân hàng này đã trả lời phát hiện giao dịch đáng ngờ liên quan đến việc mua bán bất động sản. Kelly T. Currie, công tố viên của Mỹ nói: "Việc tập trung vào các tổ chức tài chính là một phần trong các điều tra của chúng tôi để xem liệu họ có nhận thức được thực tế hành động của họ đang giúp những quan chức bóng đá rửa tiền hay không".

FBI đã lục soát và thu nhiều tài liệu quan trọng tại trụ sở của Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribbea.

Báo cáo này cũng trùng lặp với kết quả điều tra mới nhất của FIFA cho thấy, những trò "gian lận và tham nhũng" của tổ chức này đã làm thất thoát tới hàng trăm triệu bảng và được thực hiện phần lớn tại các ngân hàng ở Mỹ. Giới chức FIFA có một cuộc sống xa hoa, giàu có và có phải phần lớn tài sản của họ được xây dựng nhờ các thương vụ hoa hồng và những khoản tiền hối lộ lớn? Cụ thể, 14 quan chức FIFA bị cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ đều sở hữu rất nhiều căn hộ hạng sang và những nhà nghỉ nhìn ra bãi biển đẹp bậc nhất ở Mỹ.

Theo FBI, FIFA đã tạo nên một "đế chế bất động sản bất hợp pháp" bao gồm các khu khác nhau, từ bất động sản nguy nga theo phong cách ở Georgia đến các căn hộ sang trọng nhìn ra vịnh Biscayne ở Miami (Mỹ). Gần 20 căn nhà dạng này ở Mỹ của FIFA được đăng ký theo các công ty nước ngoài và đang bị giới chức Mỹ nghi là được mua bán bằng quỹ tiền bất hợp pháp. Nếu chứng minh cụ thể được từng trường hợp, nhiều khả năng, giới chức Mỹ sẽ tịch thu các tài sản này.

Trong số các bất động sản nói trên phải kể đến biệt thự gồm 6 phòng ngủ của Phó Chủ tịch FIFA, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribbea (CONCACAF) Jeffrey Webb tại Loganville, Georgia. Căn biệt thự trị giá khoảng 940.000 USD, được xây dựng vào năm 2007 theo phong cách nguy nga kiểu lâu đài với trụ cột trang trí công phu, ban công rộng và một cầu thang ở bên ngoài. Căn nhà này được ông Jeffrey Webb mua thông qua Công ty Kosson Properties Limited của Costas Takkas, một quan chức người Anh.

Kiểm tra qua các giao dịch ở ngân hàng trong thời gian diễn ra thương vụ mua bán, các nhân viên điều tra Mỹ khẳng định, các khoản tiền dùng để mua nhà ở Mỹ được trả bởi Traffic Sports USA, một công ty tiếp thị thể thao thường xuyên nhận được hợp đồng thương quyền béo bở với FIFA. Và ông Costas Takkas chính là mắt xích quan trọng trong việc nhận tiền hối lộ hộ ông Jeffrey Webb. Traffic Sports USA chuyển tiền vào tài khoản của Costas Takkas rồi sau đó ông này chuyển cho các nơi để giúp Phó Chủ tịch FIFA có được căn biệt thự đẹp.

Báo cáo có đoạn viết: "Costas Takkas chuyển trực tiếp một phần tiền từ tài khoản Kosson Ventures của ông tại Ngân hàng Fidelity tại quần đảo Cayman tới SunTrust Bank ở Georgia cho ông Jeffrey Webb rồi sau đó lại chuyển tới tài khoản một công ty bất động sản ở Stone Mountain, Georgia".

Chưa hết, FBI còn đang xác định tiếp nguồn tiền và đường dây mua căn hộ hạng sang trị giá 1,6 triệu USD nhìn ra vịnh Biscayne… Rafael Esquivel, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Venezuela, người bị bắt tại Zurich, Thụy Sĩ hồi cuối tháng 5 vừa qua cũng có căn nhà ở Mỹ với tổng trị giá 483.000 USD. Eduardo Li (56 tuổi), thành viên Ủy ban điều hành FIFA đến từ Costa Rica có một căn hộ ở Aventura, Florida được mua với giá 545.000 USD vào năm 2007. Đây là một trong những căn hộ đắt nhất ở khu vực Florida…

Đặc biệt, cựu Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner không chỉ có nhà ở Mỹ mà còn có nhiều bất động sản khác ở Trinidad & Tobago. Hai con trai của ông Jack Warner cũng sở hữu ít nhất 10 căn hộ ở Miami (Mỹ).

Standard Chartered và Credit Sussie là 2 trong số các ngân hàng lớn trên thế giới đang bị FBI điều tra vì nghi ngờ giúp giới chức FIFA rửa tiền.

Và cuộc điều tra về các khoản tài trợ

Từ vụ việc liên quan đến Công ty Kosson Properties Limited do FBI cung cấp, Cơ quan điều tra Thụy Sĩ lại mở rộng cuộc điều tra ở FIFA, nhất là vào các khoản tiền tài trợ. Theo Hãng CNN, tiền tài trợ là một trong 5 khoản thu tài chính lớn của FIFA và cũng là nơi mà giới chức FIFA dễ tham nhũng và nhận hối lộ nhiều nhất.

Chẳng hạn, trong giai đoạn World Cup 2014, có 6 nhà tài trợ lớn đồng hành cùng giải đấu này gồm Adidas, Coca-Cola, Hyundai, Emirates, Sony và Visa. Sau đó, Sony tuyên bố không gia hạn hợp đồng vào cuối năm ngoái. Vì vậy, FIFA hiện chỉ còn 4 nhà tài trợ, thêm Gazprom (Nga) làm đối tác chính thức. Giai đoạn đó, họ đã nhận được 1,6 tỉ USD từ các công ty này…

Đáng chú ý là phần lớn nguồn tiền trong ngân sách tài trợ của FIFA được phân bổ cho các liên đoàn thành viên với mục đích được công bố là nhằm xây dựng các sân đấu và hạng mục liên quan, hoặc là cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện nhưng trên thực tế, các liên đoàn này nếu muốn được nhận tiền đều phải chi hoa hồng. Ngoài ra, giới chức FIFA cũng tự tăng lương, thưởng cho mình từ khoản tiền này.

Thống kê từ FIFA cho hay, từ năm 1999 đến năm 2014, FIFA đã rót 2 tỉ USD cho các khoản tài trợ phát triển và chi thêm 900 triệu USD trong quãng thời gian 2015-2018 cho các liên đoàn thành viên và tổ chức bóng đá chuyên nghiệp khắp thế giới. Thường thì những đảo quốc nhỏ bé ở Thái Bình Dương hay vùng Caribe được nhận nhiều tài trợ hơn so với các cường quốc bóng đá như Đức hay Anh. Trong khi đó, khoản tiền mà FIFA nhận được tài trợ lại lớn hơn rất nhiều. Vì thế, các nhân viên điều tra của Thụy Sĩ đang nghiên cứu kỹ các bằng chứng thu thập được cũng như các chứng từ kế toán của tổ chức này để phát hiện ra những sai phạm.

Mới đây, để hỗ trợ cuộc điều tra của giới chức Mỹ, FIFA cũng  thành lập một tiểu ban đặc biệt gồm 11 người với nhiệm vụ chính là "tập trung thanh tra sự minh bạch của các thành viên Ban chấp hành FIFA, giới thiệu quy định về việc giới hạn nhiệm kỳ làm việc đồng thời đề xuất các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn, cao hơn cho từng vị trí lãnh đạo ở mọi cấp độ, từ bộ máy của FIFA cho đến các liên đoàn bóng đá quốc gia thành viên".

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.