Mỹ - Anh: Kêu gọi các công ty công nghệ hợp tác chống khủng bố

Thứ Tư, 28/01/2015, 15:25
Sau một loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris nước Pháp trong thời gian gần đây, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố không nên có “những không gian an toàn tạo điều kiện thuận lợi cho bọn khủng bố giao tiếp với nhau”. Ngoài ra, Thủ tướng Anh cũng kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama gia tăng sức ép đến các công ty công nghệ khổng lồ như Apple, Google và Facebook.

Ông Cameron nhấn mạnh: “Các công ty này cần phải hợp tác với chúng ta. Họ cũng cần chứng tỏ có trách nhiệm đối với xã hội trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay”. Sau những tiết lộ động trời về cỗ máy gián điệp của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), các công ty công nghệ đã ra sức mở rộng khả năng mã hóa dữ liệu bảo vệ hàng triệu khách hàng của họ.

Đội ngũ gián điệp mạng Anh - Mỹ phối hợp hành động

Tài liệu báo cáo từ Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC) - Cơ quan báo cáo trực tiếp đến Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) - nêu rõ, công nghệ mã hóa là biện pháp "phòng thủ hữu hiệu nhất" dành cho những người dùng máy tính để bảo vệ dữ liệu riêng tư. Báo cáo của NIC cũng cảnh báo: "Tất cả những đối thủ hiện nay và tiềm tàng của chúng ta - bao gồm các quốc gia, tổ chức tội phạm, khủng bố và cả đội ngũ hacker cá nhân - đều có khả năng khai thác và xâm nhập mọi hệ thống mạng của Mỹ và đồng minh".

David Cameron và Barack Obama tại Nhà Trắng hôm 16/1/2015.

Giới chức chính quyền Anh cũng thừa nhận mã hóa dữ liệu là một trong những công cụ bảo vệ thông tin và hệ thống mạng một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, công nghệ mã hóa "end-to-end" (từ nguồn đến đích) - nghĩa là chỉ có 2 cá nhân giao tiếp kín với nhau và không công ty nào có thể giải mã thông điệp, kể cả công ty chuyển tải thông điệp - trở thành vấn đề hóc búa gây khó khăn cho nỗ lực thu thập thông tin ngăn chặn khủng bố của cộng đồng tình báo phương Tây.

Các phiên bản hệ điều hành mới nhất dành cho mảng điện thoại di động của Apple và Google đều được mã hóa mặc định, trong khi một số dịch vụ nhắn tin phổ biến nhất - như là WhatsApp và Snapchat - cũng sử dụng công nghệ mã hóa. Điều này khiến giới chức Anh và Mỹ lên tiếng kêu gọi hành động chống lại công nghệ mã hóa thế hệ mới. Mới đây, Thủ tướng Cameron đặt vấn đề: "Trong đất nước chúng ta, liệu có thể cho phép sự tồn tại các phương tiện giao tiếp giữa mọi người với nhau mà chúng ta không thể đọc được”.

Trụ sở GCHQ ở Cheltenham.

Một ngày sau vụ tấn công Tòa soạn Charlies Hebdo ở Paris, Andrew Parker - Giám đốc Cơ quan Tình báo phản gián Anh, MI-5 - cảnh báo các công nghệ mới gây khó khăn cho nỗ lực theo dõi dấu vết của bọn khủng bố. Tháng 11/2014, lãnh đạo Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh - GCHQ, Robert Hannigan, cũng lên tiếng công khai chỉ trích các công ty truyền thông xã hội lớn của Mỹ đang trở thành "các mạng lực chọn" cho bọn khủng bố. Chris Soghoian, nhà phân tích chính sách ở Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU), cho rằng nỗ lực của chính quyền Anh nhằm gây sức ép đến Thung lũng Silicon của Mỹ để làm suy yếu hệ thống mã hóa mới sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản: "Vấn đề là các dịch vụ này được sử dụng bởi hàng trăm triệu người. Tôi cho rằng nỗ lực gây sức ép đến các công ty công nghệ có thể khiến cho hệ thống của họ yếu kém trước những cuộc tấn công".

Hôm 16/1/2015, Thủ tướng Cameron và Tổng thống Obama cũng ký kết tại Nhà Trắng một thỏa thuận hợp tác chống khủng bố và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hai quốc gia. Theo đó, đội ngũ "gián điệp mạng" Anh và Mỹ sẽ phối hợp bảo vệ hệ thống ngân hàng lớn nhất của Anh cũng như các hệ thống giao thông và cung cấp năng lượng trước khả năng tấn công mạng từ bọn khủng bố. Báo cáo đầu năm của GCHQ cũng tiết lộ mối nguy hiểm trực tuyến đối với giới doanh nghiệp Anh - hơn 80% các công ty lớn của nước này hứng chịu một số dạng tấn công xâm nhập mạng vào năm 2013, gây thiệt hại lên đến hàng triệu bảng Anh.

Nỗ lực hợp tác đầu tiên giữa Anh và Mỹ sẽ mô phỏng những cuộc tấn công trực tuyến nhằm vào City of London (Trung tâm tài chính London) và Wall Street với mục đích đánh giá chất lượng phòng thủ của các thể chế tài chính trước mối đe dọa mã độc làm tê liệt mọi hoạt động của hệ thống. Tham gia chương trình phối hợp là các cơ quan tình báo Anh - Mỹ cũng như nhiều tổ chức như là Ngân hàng Trung ương Anh quốc và một số ngân hàng thương mại lớn khác.

Tiếp đến là chương trình kiểm tra cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia tại Anh và Mỹ - như là, các mạng máy tính kiểm soát giao thông và năng lượng. Chính quyền hai quốc gia cũng thỏa thuận thành lập một "trung tâm mạng phối hợp" cho phép chia sẻ thông tin cập nhật về những mối đe dọa cho các tập đoàn đa quốc gia và phản ứng nhanh trước bất kỳ cuộc tấn công nào. Chương trình an ninh mạng phối hợp của Anh và Mỹ liên quan đến MI-5, GCHQ, NSA và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Trong một động thái khác, London và Washington cũng chú trọng đào tạo thế hệ chuyên gia máy tính và "gián điệp mạng" trẻ tuổi. Mối đe dọa của tội phạm mạng nổi rõ lên mới đây khi các tài khoản Twitter và YouTube của quân đội Mỹ bị một nhóm tuyên bố ủng bộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xâm nhập. Trước đó, Hãng phim Sony Pictures cũng bị rối loạn nghiêm trọng do cuộc tấn công của hacker, sau đó được quy cho CHDCND Triều Tiên thực hiện. Thủ tướng David Cameron phát biểu: "Mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng là nguy cơ có thật cho các doanh nghiệp của chúng ta, đó là lý do tại sao chúng ta hợp tác với Mỹ với cấp độ chưa từng có".

An ninh Mỹ liên tục bị đe dọa

Cuộc chiến chống IS và công tác đảm bảo an ninh cho chuyến thăm Ấn Độ của ông chủ Nhà Trắng sẽ diễn ra trong vài ngày tới là hai sự kiện khiến giới chức Mỹ "mất ăn mất ngủ" trong thời gian này. Trong khi đó, tình hình an ninh tại Mỹ cũng không mấy khả quan khi, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, đã liên tục xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng.

Christopher Lee Cornell, kẻ có âm mưu tấn công tòa nhà Quốc hội.

Gần đây nhất, CNN dẫn lời người phát ngôn Cơ quan Mật vụ Mỹ (SS), ông Robert Hoback cho biết, vào khoảng 20 giờ 25 phút ngày 17/1 (giờ Mỹ - 1 giờ 25 phút ngày 18/1 giờ GMT), đã xảy ra một vụ xả súng trên một tuyến đường công cộng, bên ngoài vành đai an ninh được lập nên xung quanh dinh thự của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden ở thành phố Greenville, quận New Castle, tiểu bang Delaware. Nhân viên SS chốt tại vành đai an ninh đã nghe thấy nhiều tiếng súng nổ. Một nhân viên an ninh nhìn thấy chiếc xe lao qua nhà ông Biden với tốc độ cao và trốn khỏi hiện trường.

Khi xảy ra vụ việc, Phó tổng thống Mỹ cùng phu nhân không có ở nhà. SS đã phối hợp với Cảnh sát bang Delaware tiến hành tìm kiếm phía ngoài nhà của Phó tổng thống và các ngôi nhà lân cận xem có bất kỳ đầu đạn nào găm vào hay không. Ông Hoback cho biết thêm rằng, trong khi vụ việc đang được điều tra thì khoảng 30 phút sau đó, cảnh sát địa phương đã bắt giữ một đối tượng trên chiếc xe đang tìm cách vượt qua một sĩ quan bảo vệ khu vực trên, và thẩm vấn để xác định liệu có bất kỳ mối liên hệ nào với vụ xả súng.

Trước đó, theo Hãng tin BBC, ngày 14/1, Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo đã bắt giữ Christopher Lee Cornell, 20 tuổi, quốc tịch Mỹ vì có âm mưu tấn công tòa nhà Quốc hội ở Washington theo một kịch bản lấy cảm hứng từ IS, sau khi tên này mua 2 súng trường bán tự động M-15 và 600 viên đạn tại bang Ohio. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Cornell phải đối mặt với các cáo buộc "tìm cách giết hại các sĩ quan và nhân viên Mỹ" và sở hữu vũ khí để tiến hành các hành động bạo lực. Theo cáo trạng, Cornell thường đăng tải các thông điệp ủng hộ IS trên mạng xã hội Twitter dưới tên Raheel Mahrus Ubaydah.

Ngoài ra, đối tượng này còn bị cáo buộc gửi các tin nhắn cho một cơ sở tin tức của FBI đề cập tới những kế hoạch tấn công, trong đó nói rõ cần tiến hành thánh chiến theo mệnh lệnh của chính mình. Cornell cũng tiết lộ ý định tấn công một số quan chức Mỹ tại Washington, vì coi các thành viên Quốc hội là "kẻ thù".

Theo tài liệu của FBI, hôm 12/1, Cornell đã lên kế hoạch chế tạo, gài bom và kích nổ các quả bom hình ống tại Đồi Capitol cũng như các địa điểm gần đó, sau đó sử dụng vũ khí để bắn giết các nhân viên và quan chức. Được biết, Cornell đã nằm trong danh sách giám sát của FBI từ tháng 8/2014.

Ngày 13/1, Michael Hoyt, một nhân viên pha chế rượu làm việc trong một câu lạc bộ tại bang Ohio, Mỹ đã bị kết tội âm mưu ám sát Chủ tịch Hạ viện John Boehner bằng cách hạ độc đồ uống. Theo các tài liệu của cảnh sát, Michael Hoyt khai rằng y từng làm việc tại Câu lạc bộ Wetherington Country ở Tây Chester, bang Ohio - quê hương của ông Boehner.

Ông Boehner là một thành viên của câu lạc bộ này và nhiều lần được Hoyt phục vụ đồ uống. Hắn từng có âm mưu bỏ thuốc độc vào đồ uống của ông Boehner hoặc bắn ông sau khi hắn bị đuổi việc hồi tháng 10 năm ngoái. Theo Hoyt, không có ai kiểm tra đồ uống mà y phục vụ ông Boehner và việc đầu độc chính trị gia cấp cao này là khá dễ dàng. Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Boehner cho biết ông không nhớ đã từng có bất kỳ hành động tiêu cực nào đối với Hoyt.

Thiên Minh - Đặng Hà (tổng hợp)
.
.