Mỹ buộc phải đàm phán với Taliban - Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Thứ Hai, 13/02/2012, 10:15

Thông tin về cuộc đàm phán trực tiếp giữa giới lãnh đạo Taliban với đại diện đặc biệt của Tổng thống Mỹ - Mark Grossman - tại thủ đô Doha (Qatar) đã được cựu Bộ trưởng Maulavi Qalamuddin trong chính quyền cũ của Taliban thông báo đầu tiên hôm 28/1/2012.

Trước đó, phía Chính phủ Pakistan cũng xác nhận thông tin, một đoàn đại biểu - với thành phần gồm 8 chỉ huy chiến trường, cựu bộ trưởng trong Chính phủ Taliban dẫn đầu bởi thư ký riêng của thủ lĩnh Omar - đã bay tới Doha, là nơi lực lượng này đang lên kế hoạch mở văn phòng đại diện đầu tiên. Washington là đối tác cuối cùng tuyên bố về chuyện này, với lời thừa nhận của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Victoria Nuland cho biết, đại diện đặc biệt của Tổng thống Mỹ - Mark Grossman - đã tham gia "một vài cuộc gặp gỡ liên quan đến Afghanistan" tại Qatar.

Còn nhớ ngay từ tháng 4/2010, Tổng thống Barack Obama đã đề xuất về khả năng đàm phán hòa bình với Taliban tại một phiên họp kín của hội đồng quân sự. Không lâu trước đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton, khi báo cáo trước Quốc hội về dự thảo ngân sách Bộ Ngoại giao năm 2011, cũng đã nói về nhu cầu cung cấp tài chính cho giúp đỡ các tay súng Taliban trở về với cộng đồng.

Cho tới thời điểm gần đây, tất cả những nỗ lực đàm phán với Taliban của chính quyền Afghanistan đều gặp thất bại. Theo các nhà phân tích, những cuộc đàm phán trước đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như không có sự tham gia trực tiếp của Washington. Các đại diện Taliban hiểu rất rõ rằng, ai là người đang đưa ra quyết định tại Afghanistan. Chính vì vậy, việc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo lời cựu Bộ trưởng Maulavi Qalamuddin của Taliban, cuộc gặp vừa qua tại Qatar chỉ bàn bạc duy nhất về một vấn đề - đó là trả tự do cho các thành viên Taliban đang bị giam giữ tại Guantanamo. Còn theo khẳng định của một thành viên tham gia đàm phán khác - cựu chỉ huy chiến trường Said Akbar Aga - phái đoàn Taliban đã thỏa thuận được với người Mỹ về việc, trước mắt sẽ có 5 tù nhân Guantanamo được trả tự do. Số tù nhân này sẽ được đưa tới Qatar để quản thúc tại nhà, trong lúc chờ đợi pháan quyết tiếp theo của chính quyền địa phương. Trong quá trình đàm phán, phái đoàn Taliban cũng yêu cầu Mỹ phải gạch tên một vài chỉ huy cao cấp của Taliban khỏi danh sách "Kill or Capture" - một danh sách liệt kê những phần tử khủng bố nguy hiểm nhất cần phải tiêu diệt hay bắt sống.  

Về phần mình, đại diện đặc biệt Mark Grossman trong một cuộc họp báo tại Kabul vào cuối tuần trước đã nhấn mạnh thêm rằng, "những cuộc đàm phán thực sự" chỉ có thể bắt đầu sau khi giới lãnh đạo Taliban chính thức từ bỏ những biện pháp khủng bố và đồng ý ủng hộ tiến trình hòa bình tại Afghanistan. Vấn đề khúc mắc tiếp theo chính là cơ cấu trao trả tù binh. Theo Grossman, chính quyền Obama đầu tiên phải tham khảo ý kiến tại Quốc hội. Sau đó, phía Bộ Quốc phòng phải có những biện pháp đảm bảo cần thiết để những kẻ tình nghi khủng bố được trao trả sẽ không còn khả năng gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Sau khi NATO rút quân, không loại trừ khả năng Taliban có thể lên nắm quyền tại Afghanistan.

Trong một động thái liên quan, Quốc hội Afghanistan cũng vừa mới biểu quyết ủng hộ chính sách của Tổng thống Hamid Karzai đối thoại với Taliban nhằm thúc đẩy hòa hợp dân tộc. Kabul dự định trong vài tuần tới sẽ tổ chức một cuộc gặp với các đại diện Taliban tại Arập Xêút. Đây có thể coi là một bước ngoặt từ phía Taliban, do phong trào này từ trước luôn từ chối bất kỳ cuộc đàm phán nào với Kabul với lý do chính quyền tại đây là "không hợp pháp". "Vì mục tiêu thiết lập hòa bình và hợp tác tại Afghanistan, chúng tôi đã thúc đẩy các nỗ lực chính trị của mình nhằm tìm kiếm một sự hiểu biết lẫn nhau với cộng đồng thế giới để cuối cùng có thể giải quyết được tình hình" - đại diện Taliban giải thích như vậy về sự thay đổi quan điểm của mình.

Cần nói thêm, động thái có phần vội vã vừa rồi của Kabul chủ yếu bắt nguồn từ chính cuộc đàm phán Mỹ - Taliban vừa qua. Chính quyền Karzai đã công khai bày tỏ sự bất bình trước các nỗ lực của Mỹ và Qatar đã đơn phương đàm phán với Taliban mà không hỏi ý kiến Kabul. Ông Karzai thậm chí còn phản đối bằng cách triệu hồi đại sứ của mình tại Doha về nước.

Theo một thông tin mới nhất, các phóng viên của The Times và BBC vừa khai thác được một tài liệu mật quan trọng của NATO có tên "Quốc gia Taliban", trong đó khẳng định cơ quan mật vụ Pakistan vẫn đang tích cực giúp đỡ Taliban chống lại lực lượng liên quân quốc tế tại Afghanistan, với mục đích cuối cùng là đuổi quân đội nước ngoài khỏi quốc gia trên, khôi phục lại chế độ của Taliban.

BBC còn cho biết thêm, bản báo cáo được xây dựng trên cơ sở 27.000 cuộc thẩm vấn hơn 4.000 tù binh Taliban, Al-Qaeda và các tay súng nước ngoài bị bắt giữ tại Afghanistan. Bản báo cáo còn đưa ra một nhận xét đáng lo ngại: Sau 11 năm chiến tranh, người dân Afghanistan đang nghiêng dần theo xu hướng "thà hợp tác với Taliban còn hơn với chính quyền đang ngập chìm trong tệ nạn tham nhũng tại Kabul".

Kết luận cuối cùng của bản báo cáo đã dự đoán, sau khi NATO rút quân khỏi Afghanistan, Taliban với sự hỗ trợ của Islamabad nhiều khả năng sẽ qua mặt chính quyền rệu rã tại Kabul để lên lãnh đạo Afghanistan một lần nữa. Phát ngôn viên chính thức của NATO tại Afghanistan - trung tá Jimmy Cummings - đã lên tiếng xác nhận sự tồn tại của tài liệu trên. Còn đại diện Bộ Ngoại giao Pakistan đã gọi nội dung bản báo cáo là "thiếu chân thực"

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.