Mỹ điều chỉnh chiến lược quân sự theo hướng nào?

Thứ Hai, 27/09/2010, 20:20
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, chính quyền Obama đang từng bước có những điều chỉnh về chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược quân sự, đồng thời ráo riết thực hiện khái niệm "cân bằng" mới, tích cực sử dụng "quyền lực thông minh", để đối phó với cái gọi là "mối đe dọa hỗn hợp" hiện tại và trong tương lai.

Dưới đây là một số nội dung cụ thể được dư luận quốc tế quan tâm:

- Thực thi "Chiến lược cân bằng" và dùng "thực lực mềm" để đối phó với các mối đe dọa

Mỹ nhấn mạnh đến tính phức tạp và đa dạng của các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, đặc biệt chú ý tới các mối đe dọa phi truyền thống. Và cho rằng nước Mỹ đang đứng trước 5 mối đe dọa an ninh chủ yếu: Hoạt động bạo lực của chủ nghĩa cực đoan; phát tán vũ khí giết người hàng loạt; xu thế đa dạng hóa xung đột với nước Mỹ; các vấn đề mang tính toàn cầu; tranh chấp đối với "lĩnh vực chung toàn cầu" và tài nguyên thiên nhiên.

Mỹ sẽ áp dụng chiến lược và chính sách quân sự mang tính thận trọng và thiết thực hơn, nhấn mạnh đến sử dụng phương thức "cân bằng" để đối phó với các mối đe dọa, đặc biệt nhấn mạnh thực hiện "ba sự cân bằng lớn", đó là: Đồng thời với nỗ lực đánh thắng các cuộc xung đột hiện tại, phải chuẩn bị đối phó với các sự kiện đột xuất khác; Đồng thời với cơ chế hóa việc xây dựng khả năng tác chiến trên diện rộng và phối hợp phòng chống ảnh hưởng từ các cuộc xung đột nội bộ; Đồng thời với việc duy trì tư duy văn hóa quyết giành chiến thắng của lực lượng vũ trang Mỹ và xóa bỏ những cản trở khả năng thực hiện nhiệm vụ của quân đội.

Mỹ nhấn mạnh và đề cao cả "sức mạnh cứng" và "sức mạnh mềm", vận dụng linh hoạt, tổng hợp các thủ đoạn kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự... để bảo đảm lợi ích và an ninh quốc gia Mỹ. Mỹ cho rằng, thắng lợi của hành động quân sự không có ý nghĩa bằng thắng lợi của chiến tranh, vì vậy cần phải vận dụng một cách linh hoạt cả "sức mạnh cứng" và "sức mạnh mềm". Những hành động quân sự kiểu mới như: hợp tác an ninh, gìn giữ hòa bình, chiến tranh phi chính thức, phòng ngự lãnh thổ quốc gia và viện trợ quân sự... đều cần phải có sự hợp tác của các bộ, ngành trong Chính phủ Mỹ.

- Bốn hướng trọng điểm trong triển khai chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương

Điều chỉnh và cân bằng các lực lượng tại Nam Á: Chuyển trọng tâm chống khủng bố từ Iraq sang Afghanistan và Pakistan, từng bước rút quân khỏi Iraq; Nâng cao vai trò của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố, gia tăng viện trợ quân sự, đặc biệt là cung cấp các loại vũ khí trang bị hiện đại; Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ.

Thúc đẩy "Kế hoạch Đại Trung Á": Các nước Trung Á nằm ở vị trí "ngã tư địa chính trị", do đó cần tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng với Nga, thúc đẩy thẩm thấu về quân sự với các nước Tajikistan, Kyrgyzstan... đồng thời đưa ra các kế hoạch viện trợ quy mô lớn để xây dựng lực lượng thân Mỹ tại Trung Á.

Đẩy mạnh xây dựng cơ chế an ninh Đông Bắc Á do Mỹ làm chủ đạo. Mỹ cho rằng ý tưởng thành lập "Cộng đồng Đông Á" của một số nước châu Á sẽ không thể thành công nếu thiếu sự tham gia của Mỹ.

Tiếp tục tăng cường bố trí quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bố trí trên đảo Okinawa máy bay chiến đấu F-22; đảo Guam, 3 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 4-6 máy bay ném bom chiến lược, máy bay trinh sát không người lái và F-22; đảo Hawaii, bố trí 15 tàu ngầm tấn công động cơ hạt nhân và 8 máy bay vận tải C-17.

- Lý luận "Chiến tranh hỗn hợp" và đề cao khả năng chiến tranh phi truyền thống

Chiến tranh hỗn hợp theo quan niệm của Mỹ thể hiện trên hai mặt: Một là, nhất thể hóa ở mức cao lực lượng tác chiến, bao gồm "vật chất và tâm lý, lực lượng chiến đấu và phi chiến đấu". Hai là, hình thức tác chiến đa dạng bao gồm: chiến tranh truyền thống, phi truyền thống, chống khủng bố và chống bạo loạn vũ trang... Cùng với việc đưa ra và phát triển lý luận "Chiến tranh hỗn hợp", quân Mỹ ngày càng coi trọng chiến tranh phi truyền thống. Lý luận xây dựng lực lượng và chỉ đạo tác chiến mới được tập trung chú trọng vào các mặt:

Trong tương lai, đối tượng tác chiến của quân đội Mỹ rất có thể là một "nước lớn đang trỗi dậy", khu vực tác chiến sẽ nằm trong biên giới của "quốc gia quản lý yếu kém". Theo đó,  quân đội Mỹ sẽ tập trung xây dựng cả lực lượng mang tính tấn công để đối phó với các mối đe dọa, và lực lượng mang tính xây dựng để giúp đỡ quốc gia quản lý yếu kém. Chiến tranh hỗn hợp sẽ trở thành hình thức tác chiến chủ yếu trong tương lai.

Tên lửa Patriot của Mỹ.

Mỹ xây dựng quân đội từ chỗ chỉ tiến hành một nhiệm vụ thông thường sang thực hiện nhiều nhiệm vụ và xác định 6 nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay: Phòng ngự lãnh thổ quốc gia và tiến hành viện trợ dân sự; Hành động đe dọa bằng vũ lực;  Hành động tác chiến quy mô lớn; Chiến tranh phi truyền thống; Chi viện quân sự cho các hoạt động duy trì hòa bình, bảo đảm an ninh, tái thiết; Hành động quân sự trong hợp tác an ninh.

- Tăng cường xây dựng lực lượng cho các loại hình tác chiến mới

 Loại hình tác chiến mới bao gồm: tác chiến mạng, tác chiến hàng không vũ trụ. Quân đội Mỹ hiện đang coi không gian mạng là biên giới mới trong đấu tranh quân sự, đồng thời nhấn mạnh các hành động trong lĩnh vực mạng ngày càng trở thành yếu tố then chốt giúp mạng hóa quân đội. Không gian mạng là lĩnh vực thông tin tổng hợp do hệ thống các mạng quân sự, Internet toàn cầu, điện tín, điện lực và dịch vụ tài chính tiền tệ... tạo thành. Không gian mạng được Mỹ coi là lĩnh vực trọng điểm cần phải ưu tiên phát triển trong giai đoạn hiện nay, đồng thời Mỹ cũng nhấn mạnh cần phải nâng cao năng lực trên 4 mặt: kiểm soát toàn diện, nhận biết thực trạng toàn cầu, nhất thể hóa tác chiến và chi viện dân sự.

- Ưu tiên phát triển hệ thống tên lửa, phòng ngừa tên lửa đạn đạo

Tháng 9/2009, Tổng thống Barack Obama đưa ra một phương án bố trí hệ thống tên lửa có tính giai đoạn, hiệu quả và trực diện hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, hệ thống phòng ngự tên lửa của Mỹ sẽ quan tâm đến các quốc gia cứng đầu và mối đe dọa về tên lửa trong khu vực. Trong năm tài khóa 2010, dự toán ngân sách của Cục Phòng ngự tên lửa, Bộ Quốc phòng Mỹ là 7,8 tỉ USD, nếu cộng thêm dự toán ngân sách của lục quân liên quan đến tên lửa tiên tiến thế hệ mới "Patriot-3" và các hạng mục thuộc Hệ thống phòng không tầm trung thì dự toán ngân sách dùng cho phòng ngự tên lửa của Mỹ sẽ là 10,3 tỉ USD.

- Vừa chủ trương "thế giới không có vũ khí hạt nhân", vừa đẩy mạnh chiến lược hạt nhân mới

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Obama đã đưa ra chủ trương "thế giới không có vũ khí hạt nhân". Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược hạt nhân mới gồm 3 trụ cột là: tăng cường kiểm soát sức mạnh hạt nhân, nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí hạt nhân mới, đồng thời phát triển khả năng tấn công phi hạt nhân toàn cầu.

Chủ trương thế giới không có vũ khí hạt nhân nhằm các mục đích: 1- Thúc đẩy mạnh mẽ giải trừ vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh phòng chống phổ biến vũ khí hạt nhân để ngăn chặn nguyên liệu và kỹ thuật hạt nhân rơi vào tay các phần tử khủng bố. 2- Tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế, thể hiện hình ảnh một nước Mỹ có trách nhiệm trước cộng đồng thế giới, qua đó giành sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính chính sách ngoại giao "khôi phục hình ảnh nước Mỹ, bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì địa vị lãnh đạo" của chính phủ mới. 3- Dựa vào sức mạnh vượt trội trong chiến tranh thông thường để củng cố và tăng cường địa vị bá quyền.

Quân đội Mỹ sẽ triển khai kế hoạch "tấn công chớp nhoáng toàn cầu" đảm bảo trong tình trạng khẩn cấp, tại lãnh thổ Mỹ vẫn có thể tấn công một cách chính xác theo phương thức "phẫu thuật ngoại khoa" với tốc độ nhanh tới các mục tiêu ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Như vậy, chiến lược quân sự mới được điều chỉnh của Mỹ là khá toàn diện, từ việc xác định mối đe dọa, những trọng điểm chiến lược, loại hình chiến tranh mới, xây dựng lực lượng tác chiến mới, chủng loại vũ khí trang bị được ưu tiên và nghệ thuật trong chiến lược hạt nhân mới

Nguyễn Nhâm
.
.