Mỹ dùng máy bay không người lái săn lùng khủng bố ở Yemen

Thứ Hai, 06/12/2010, 08:30
Lần đầu tiên Mỹ triển khai chiến dịch drone (máy bay không người lái) ở Yemen để săn lùng những tên đầu sỏ khủng bố Al-Qaeda. Đây là một phần trong chiến dịch chống lại một nhánh Al-Qaeda từng tuyên bố chịu trách nhiệm về những vụ tấn công vào các mục tiêu Mỹ, trong đó gồm cả âm mưu vận chuyển chất nổ giấu trong những hộp mực in qua đường hàng không được phát hiện kịp thời cách đây không lâu.

Những chiếc drone Predator (Kẻ săn mồi) tuần tra trên bầu trời Yemen từ vài tháng nay nhằm săn lùng những thủ lĩnh của AQAP - một nhánh Al-Qaeda ở bán đảo Arập. Chính quyền Yemen đã cho phép Mỹ triển khai chiến dịch sau khi Washington kêu gọi sự hợp tác của nước này. Tuy nhiên, những chiếc drone hiện nay chưa thể tự do bắn tên lửa vì chưa có thông tin tình báo chính xác từ mặt đất về vị trí ẩn náu của bọn đầu sỏ khủng bố.

Phía Mỹ không cung cấp chi tiết về những chiếc drone được triển khai đến Yemen, mà chỉ nói chúng nằm dưới quyền điều khiển của Bộ Tư lệnh Tác chiến phối hợp đặc biệt (JSOC) - một lực lượng quân sự bí mật của Mỹ chịu trách nhiệm săn tìm dấu vết những tên khủng bố trên khắp thế giới.

Đáp lại sự hợp tác rộng rãi của Yemen, chính quyền Obama hứa hẹn tăng viện trợ quân sự lên gần gấp đôi (250 triệu USD) cho nước này vào năm 2011. Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh bắt đầu có sự hợp tác chống khủng bố mạnh hơn với Mỹ từ sau vụ phát hiện âm mưu đánh bom qua bưu kiện hàng không dẫn đến lệnh ngưng những chuyến bay thương mại và chở hàng từ Yemen cũng như sự xuất hiện của AQAP tại nước này.

Các quan chức Mỹ cho biết sự tăng cường hoạt động tình báo và trang bị vũ khí ở Yemen đang được thực hiện, trong đó bao gồm kế hoạch đưa thêm nhân viên CIA và 100 sĩ quan đặc nhiệm huấn luyện vào nước này cũng như sự triển khai các hệ thống nghe lén điện tử và gián điệp hiện đại được giám sát bởi các cơ quan tình báo bao gồm Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Theo chính quyền Yemen, mạng lưới AQAP có được lợi thế nhờ địa thế nhiều đồi núi của Yemen cũng như mối quan hệ của chúng với các cộng đồng bộ tộc nước này.

Những chiếc Predator hoạt động ở Yemen cất cánh từ một căn cứ nào đó nằm bên ngoài lãnh thổ nước này - người ta cho là quốc gia Trung Đông Qatar và Djibouti, quốc gia miền Đông Bắc châu Phi, có lẽ được quân đội Mỹ ưu tiên lựa chọn. Lỗ hổng tình báo ở Yemen chính là lý do khiến các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ tại hai “pháo đài” chính của Al-Qaeda là Pakistan và Yemen được tiến hành theo hai chiều khác nhau. Nhịp độ tiến triển của những cuộc tấn công bằng drone của CIA ở vành đai bộ tộc của Pakistan đã leo thang trong vài tháng qua - 38 cuộc tấn công được thực hiện trong tháng 9 và 10/2010.

Những cuộc tấn công của CIA không chỉ nhằm vào những nhân vật chóp bu của Al-Qaeda ở Pakistan mà còn đánh vào các nhóm Taliban sử dụng thiên đường an toàn này để tấn công binh lính Mỹ dọc đường biên giới. Tình báo Mỹ đã trải qua gần một thập niên thu thập hình ảnh chi tiết về tổ chức Al-Qaeda và các nhóm chiến binh khác ở Pakistan, nghiên cứu không ảnh, nghe lén những cuộc gọi và tuyển mộ những người cung cấp thông tin trực tiếp giúp những chiếc drone biết phải bay đến nơi nào và tấn công chỗ nào. Ngược lại, hoạt động tình báo ở Yemen rất thưa thớt và chỉ bắt đầu mạnh lên sau khi Obama nhậm chức tổng thống.

Thủ đô Sana của Yemen.

Theo quan chức Yemen, sự do dự trước việc sử dụng những chiếc drone ở Yemen chính là do "hiện thời chưa biết được các mục tiêu chính xác và thêm vấn đề nữa là phải cân nhắc đến sự tổn thất không mong muốn". Ví dụ như trong tháng 5/2010, một tên  lửa hành trình của Mỹ đã giết chết một phó thống đốc địa phương Yemen. Mảnh bom tìm thấy trong đống vỏ đạn đóng dấu quân đội Mỹ sau đó được tìm thấy tại hiện trường và vụ việc đã khiến chính quyền Yemen lên tiếng phản đối cùng với sự giận dữ từ phía cộng đồng bộ tộc.

Tổng thống Saleh buộc phải gửi quân đội đến tỉnh Marib, phía đông thủ đô Sana, để dập tắt sự chống đối của người dân. Theo chính quyền Yemen, sự cố xảy ra do người Mỹ nghi ngờ phó thống đốc này đang họp với các thủ lĩnh Al-Qaeda để thuyết phục họ giải giáp. Những vụ tấn công lầm lạc như thế này sẽ kích động sự thù địch chống Mỹ ở Yemen.

Sự vắng mặt của những chiếc drone ở Yemen trong một thời gian khá dài là do sự hiện diện của Al-Qaeda trong khu vực đã bớt đi nhiều, Mỹ có sự ưu tiên sử dụng Predator cũng như những chiếc máy bay không người lái khác nhiều hơn tại các vùng chiến sự nóng bỏng như Pakistan, Afghanistan và Iraq. Tuy nhiên, Al-Qaeda có thể tập hợp đội ngũ trở lại, hợp nhất các nhánh người Arập và Yemen vào AQAP - một tổ chức khủng bố hiện đang ngày càng đe dọa nước Mỹ nhiều hơn Al-Qaeda

Trần Thanh Phong (tổng hợp)
.
.