Mỹ phát triển hệ thống GPS thế hệ mới vào năm 2013

Thứ Hai, 07/01/2008, 16:00
Theo các phương tiện thông tin đại chúng của Pháp, để bảo đảm vị trí hàng đầu và tuyệt đối trong lĩnh vực dẫn đường, định vị toàn cầu, vượt qua hệ thống Galileo của EU và Trung Quốc, vừa qua Mỹ đã quyết định nâng cấp với quy mô lớn nhất trong lịch sử đối với hệ thống định vị toàn cầu GPS của mình để sản xuất ra hệ thống GPS thế hệ thứ ba.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, hành động này của Mỹ sẽ dẫn đến một cuộc cạnh tranh mới về hệ thống dẫn đường, định vị toàn cầu. Cuộc cạnh tranh này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thường.

Hệ thống GPS thế hệ thứ ba cạnh tranh, thách thức với Galileo

Tuần trước, Nghị viện châu Âu chính thức công bố do vấn đề tài chính không đủ nên “Chương trình Galileo” của EU và Trung Quốc cùng hợp tác nghiên cứu sản xuất sẽ được sử dụng chính thức vào năm năm 2013, còn 2008 chỉ là sử dụng thử nghiệm.

Theo tiết lộ, một khi hệ thống dẫn đường định vị này được sử dụng, nó sẽ cung cấp dịch vụ dẫn đường, định vị toàn cầu cho khách hàng chính xác hơn, đáng tin cậy hơn so với hệ thống GPS hiện nay của Mỹ.

Những động thái của “Chương trình Galileo” đã làm người Mỹ bị kích động, vì vậy trong một cuộc họp báo ngày 27/11 vừa qua, viên chỉ huy liên đội GPS của Không quân Mỹ là David Maiden cho biết, Mỹ đang quyết định khởi động lại chương trình nghiên cứu, chế tạo GPS thế hệ thứ ba.

GPS này sẽ cung cấp các dịch vụ dẫn đường và định vị có độ chính xác, độ tin cậy hơn và năng lực chống gây nhiễu cũng tốt hơn cho các thuê bao quân sự và dân sự.

Giai đoạn 1 của chương trình này là vào cuối năm 2013, Mỹ sẽ bố trí 32 vệ tinh kiểu mới để tạo thành mạng lưới vệ tinh cho GPS thế hệ thứ ba và tính năng của nó sẽ không thua kém gì hệ thống Galileo mà EU và Trung Quốc đang hợp tác sản xuất. Khi đó, Mỹ sẽ có khả năng cạnh tranh với hệ thống Galileo cả về tính năng, độ tin cậy, độ chính xác cũng như khả năng chống gây nhiễu do các tác động bên ngoài gây ra.

Việc chế tạo, phát triển GPS thế hệ thứ ba này không chỉ giao cho Công ty Lochit Mactin, công ty đầu tiên chế tạo GPS, mà còn giao cho các hãng khác để thiết kế, chế tạo các thiết bị cho các căn cứ trên mặt đất và các hệ thống Angten.

Những ưu điểm của hệ thống GPS thế hệ thứ ba:

Theo một chuyên gia phân tích quốc phòng của tổ chức an ninh toàn cầu của Mỹ thì GPS thế hệ thứ ba so với GPS thế hệ hiện nay có 3 đặc điểm sau:

Một là, năng lực truyền tải dữ liệu, thông tin, hình ảnh của GPS thế hệ thứ ba sẽ gấp 500 lần và năng lực chống gây nhiễu của nó cũng sẽ tăng gấp đôi so với GPS hiện tại.

Hai là, độ chính xác của GPS thế hệ thứ ba sẽ được nâng lên rất nhiều.

Ba là, GPS thế hệ thứ ba sẽ mở ra không gian sử dụng nhiều hơn cho cả bên dân sự. Theo ý tưởng của Lầu Năm Góc, GPS thế hệ mới sẽ thiết kế hai dải tần 1227.60 MHz và 1176.45 MHZ để phục vụ cho cả bên quân sự và dân sự. Điều này sẽ giúp cho các thuê bao dân sự tiện lợi hơn trong sử dụng dịch vụ GPS mới này.

Kiểm soát được các động hướng về các vụ thử hạt nhân toàn cầu

Mục đích thực sự của Mỹ nghiên cứu, phát triển hệ thống GPS thế hệ thứ ba là muốn vượt qua hệ thống dẫn đường và định vị Galileo trong “Chương trình Galileo” mà EU và Trung Quốc đang hợp tác phát triển, nhằm đảm bảo ưu thế tuyệt đối của nước Mỹ trong lĩnh vực này.

Một quan chức của Lầu Năm Góc đã thẳng thắn tuyên bố rằng mục đích của việc bố trí hệ thống GPS thế hệ thứ ba của Mỹ là muốn hoàn thành mục tiêu mà Tổng thống Bush đã đề ra nhằm đảm bảo cho GPS thế hệ thứ ba của Mỹ luôn là "tiêu chuẩn thế giới".

Theo yêu cầu của Tổng thống Bush thì hệ thống GPS thế hệ thứ ba phải kết nối với chương trình dẫn đường vô tuyến điện của liên bang và cũng phải kết nối với hệ thống dẫn đường vô tuyến điện của thế giới hiện nay.

Ngoài ra, còn phải kết nối với “hệ thống giám sát các vụ thử hạt nhân” của quân Mỹ đang tiến hành. Một khi thông qua các trang thiết bị do thám, trắc thám điện tử tiên tiến để thu bắt các tín hiệu như sóng xung động điện từ, sóng  xung động quang, sóng xung động không khí, sóng thứ âm và sóng chấn động của mặt đất mà các vụ nổ hạt nhân gây ra cũng như những tham số liên quan về các vụ nổ đó, kết hợp với hệ thống GPS kiểu mới thế hệ thứ ba thì bất cứ vụ thử hạt nhân ở đâu trên thế giới cũng sẽ lập tức bị giám sát, theo bám.

Địa điểm chính xác cùng với các tham số về vụ nổ sẽ nhanh chóng được truyền tải đến giới lãnh đạo đề ra quyết sách của nước Mỹ. Như vậy chính giới và quân đội Mỹ kiểm soát, nắm được mọi động thái về các vụ thử hạt nhân trên toàn cầu.

Thông tin về “chương trình Galileo” của EU và Trung Quốc

Hệ thống định vị, dẫn đường hiện nay mà thế giới đang sử dụng là hệ thống GPS của Mỹ, nên châu Âu quan ngại rằng nếu như họ sử dụng GPS của Mỹ thì sẽ không bảo đảm an toàn về thông tin, nhất là các thông tin tình báo quân sự và thương mại. Do đó, “Chương trình Galileo” mà EU và Trung Quốc đang hợp tác nghiên cứu, chế tạo là một phương án định vị, dẫn đường vệ tinh ở quỹ đạo tầm cao và tầm trung.

Hiện nay, hệ thống định vị, dẫn đường vệ tinh Galileo với 30 vệ tinh đã hoàn thành việc bố trí, năm 2008 sẽ được sử dụng thử nghiệm và năm 2013 sẽ được vận hành toàn diện. Trong tổng số 30 vệ tinh nói trên thì có 27 vệ tinh tác nghiệp, 3 vệ tinh làm nhiệm vụ hỗ trợ và bảo đảm.

Hệ thống Galileo sẽ cung cấp dịch vụ dẫn đường, định vị chính xác đến 1 mét cho các hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường hàng hải thậm chí cho cả người đi du lịch của các nước thành viên EU và Trung Quốc, từ đó phá vỡ thế độc quyền của nước Mỹ trong lĩnh vực định vị, dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu

Thanh Trung (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.