Năm 2020 lính Mỹ sẽ được trang bị như thế nào?

Thứ Ba, 26/04/2011, 10:50

Ý tưởng thiết kế trang phục của binh lính Mỹ năm 2020 vừa được đệ trình lên Quốc hội Mỹ. nó được thiết kế phù hợp với quá trình tác chiến trong tương lai, ứng dụng tối đa thành tựu công nghệ vi tính và công nghệ nano.

Trang phục mới được thiết kế trên cơ sở kinh nghiệm rút ra trong quá trình chiến đấu của binh sĩ tại Iraq và Afghanistan. Tại 2 quốc gia này, binh sĩ khi tác chiến hiện nay phải khoác trên mình bộ "đồ nghề" nặng tới 55 kg, trong khi đó trang phục năm 2020 chỉ nặng 22 kg. Phần áo giáp mới có khả năng hấp thụ lực sốc từ đạn tốt hơn nhiều so với áo chống đạn hiện nay. Nó không ôm sát cơ thể binh sĩ mà nằm cách 5cm, do đó trong trường hợp bị trúng đạn, lực từ viên đạn sẽ được phân tán đều, giúp giảm nguy cơ chấn thương, đặc biệt là nguy cơ gãy xương sườn.

Nhờ một máy tính di động đặt sau lưng, trang phục mới cho phép các binh sĩ Mỹ có thể kết nối với các mạng thông tin xung quanh khu vực chiến đấu. Ông Jean Louis DeGay thuộc Trung tâm Nghiên cứu quân phục Mỹ cho biết, binh lính có thể chia sẻ dữ liệu với xe quân sự, máy bay chiến đấu hoặc có thể chat trực tiếp với nhau khi hành quân trong rừng. Nếu máy bay do thám phát hiện thấy quân địch ở phía trước, nó có thể ghi hình, sau đó gửi dữ liệu về cho binh sĩ để dàn trận sẵn sàng đối phó. Ngay dưới mũ bảo hiểm có một thiết bị thu tín hiệu tự động cho phép binh sĩ có thể nhận dữ liệu mà không cần dùng tay điều khiển. Binh sĩ cũng không cần dùng micro gắn ngoài để liên lạc bởi vì trong mũ có thiết bị cảm ứng ghi lại các chấn động phát ra từ xương sọ. Điều này cho phép họ có thể kiểm soát toàn bộ hệ thống máy tính gắn ở lưng chỉ bằng giọng nói.

Hệ thống giám sát thể trạng trong máy tính sẽ ghi lại trạng thái cơ thể trong quá trình chiến đấu như: nhiệt độ cơ thể, nhịp tim; nó cho biết binh sĩ đang đứng hay đang nằm sấp hoặc đã uống bao nhiêu nước. Hệ thống này cho phép bác sĩ quân y ở xa vài km có thể chẩn đoán và điều trị cho binh sĩ bị say nắng, hoặc phát hiện nhiệt độ cơ thể của binh sĩ đang tăng, nhịp tim giảm và thông báo cho binh sĩ có những biện pháp điều chỉnh hoặc tới gặp bác sĩ để điều trị. Máy tính còn cung cấp một bản đồ điện tử hướng dẫn đường đi cho binh sĩ tới gặp bác sĩ nhờ giúp đỡ. Bên cạnh đó, các tướng lĩnh có thể giám sát và chỉ huy các máy bay, xe tăng và từng binh lính nhờ hệ thống chia sẻ thông tin của bộ trang phục mới.

Trang phục mới cũng sẽ ứng dụng tối đa các tính năng của công nghệ nano hiện đại. Trong trường hợp bị đối phương bắn, lớp vải nano sẽ dãn ra để cảm nhận đường đạn bay, giúp phát hiện ra viên đạn trước khi nó kịp chạm tới cơ thể; tiếp đến, lớp vải cứng lại, đóng vai trò như áo giáp cản được sự tấn công của viên đạn, sau đó nó trở lại trạng thái bình thường.

Một ứng dụng khác của công nghệ nano là kỹ thuật cấy "sợi cơ nano" vào trang phục giúp tăng thêm sức mạnh cho binh sĩ. Vải sợi bình thường sẽ được cấy các máy siêu nhỏ có trọng lượng, cơ năng và cảm giác giống hệt loại cơ thông thường nhưng sẽ giúp tăng thêm 25 - 30% sức mạnh cho binh lính. Phần trang phục từ thắt lưng trở xuống cũng được gắn thêm robot giúp tăng khả năng mang vác và nâng đỡ của binh sĩ lên 300%.

DeGay cho rằng, với trang phục mới, binh lính Mỹ sẽ trông giống một bệ súng lưu động. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới dừng lại ở ý tưởng và mô hình trong phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục cập nhập và ứng dụng công nghệ mới trong những năm tới để hoàn chỉnh thiết kế này

Khai Tâm (tổng hợp)
.
.