Nạn buôn bán trẻ em vào châu Âu

Thứ Ba, 25/08/2015, 13:25
Ngồi trên bờ biển Sicily, Italia, cậu bé 13 tuổi hướng ánh mắt xa xăm vô định về phía biển. Nó là một đứa trẻ gầy gò, da xanh lét, mắt vàng ệch. Trông bộ dạng của nó giống như sắp sửa “đi” sang thế giới bên kia đến nơi.

Miền đất hứa

Đứa trẻ ấy đang phải mang trên vai một gánh nặng vượt quá sức tuổi của nó. May thay, sau khi bị bán từ châu Phi sang châu Âu, giờ đây nó đang được cưu mang ở một ngôi nhà chăm sóc từ thiện, và cũng chưa có gì để đảm bảo rằng tương lai của nó sẽ tốt hơn. Cậu ta là một nạn nhân của những kẻ buôn người. Có khoảng 100 ngôi nhà chung như thế trên khắp các vùng của đảo Sicily, Italia, chỉ chuyên dành cho khoảng 1.000 đứa trẻ là nạn nhân của tình trạng buôn bán, đưa người vượt biên trái phép từ Ai Cập sang Italia.

Những chiếc thuyền (phía sau) như thế này đã được những kẻ buôn người sử dụng để chuyên chở hàng nghìn người từ Ai Cập sang Italia.

Một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của các ký giả tự do nhằm lần theo con đường của những kẻ buôn người từ Ai Cập tới Italia đã thu được kết quả nhất định. Qua câu chuyện của những người hoạt động xã hội, các nhà chức trách địa phương, trẻ em và các bậc cha mẹ, có bằng chứng rằng nhiều trẻ em đã trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người, cố ý hoặc vô tình. Rất nhiều gia đình nghèo tuyệt vọng ở Burj Mughayzil, một làng chài nhỏ miền bắc Ai Cập, đã tự đẩy con cái họ vào con đường mạo hiểm đến Italia thông qua các đường dây như thế với hy vọng chúng sẽ ăn nên làm ra nơi đất khách phồn hoa và gửi tiền về cho gia đình.

Một cậu bé 12 tuổi cho biết, bố mẹ em đã phải chi 35.000 đồng bảng Ai Cập, tương đương khoảng 4.500USD để có được một chỗ trên thuyền sang Italia mà không bao giờ biết rằng con trai họ đã phải trải qua những thời khắc kinh khủng đến thế – bị bỏ mặc lênh đênh trên biển 9 ngày liền, xung quanh là những bãi nôn mửa vì say sóng, bị cào cấu và điều quan trọng hơn cả là không ai có thể dám chắc liệu những chuyến hải trình như vậy có đến đích được hay không…

Sự thật cay đắng

Nhưng rủi ro thường rất cao, và thực tế là rất nhiều trong số chúng đã bỏ mạng ngoài biển khơi hoặc cũng sẽ bị quản chế khi vào được bờ. phóng viên Nima Elbagir của Hãng CNN, khi nói chuyện với một bà mẹ Ai Cập, người đang không biết điều gì đã xảy ra với con trai bà, mới giật mình với thông tin rằng chỉ riêng ngôi làng của bà, đã có chừng 2.000 đứa trẻ ra đi kiểu đó. Điều này được khẳng định bởi chính những vị đại diện nhà chức trách Ai Cập, và họ tin rằng trong một số trường hợp buôn bán trẻ em, đã có sự “cộng tác” nhất định của bố mẹ chúng. Họ được trả tiền để bán những đứa trẻ vô tội chỉ với hy vọng đứa trẻ đó khi sang đến châu Âu thì sẽ lại đảm bảo được tương lai cho cả gia đình.

Các băng nhóm xã hội đen ở nhà ga Termini trở thành một trong những địa điểm “tuyển dụng” những đứa trẻ đến trái phép từ Ai Cập.

Talal, 17 tuổi. Năm ngoái, Talal đến Italia trên một chiếc thuyền của bọn buôn người như thế, nhưng rồi em đã quyết định tình nguyện quay về quê hương Ai Cập vì cảm thấy quá khó khăn để tồn tại nơi đất khách quê người. Khi được hỏi rằng liệu cậu có muốn nói với những đứa trẻ khác về việc trở về nhà giống như mình đã làm hay không? Talal lắc đầu cười và nói rằng có làm vậy cũng vô ích thôi, vì chúng sẽ không nghe đâu. “Tại sao ư? Bởi vì người ta (những đứa trẻ ở Ai Cập và bố mẹ chúng) vẫn còn niềm tin rất lớn về sự đổi đời ấy. Người ta tin vào điều họ làm, chứ không quan tâm tới điều người khác nói đâu!”.

Nhưng sự thực thì số phận may mắn cũng đã mỉm cười với một trong số những đứa trẻ như thế. Kareem đến Italia 5 năm trước bằng cách như thế, khi cậu mới 12 tuổi. Giờ đây Kareem làm công việc phiên dịch và như là người anh lớn với những đứa trẻ đang tị nạn ở khắp nơi trên đảo Sicily.

Một cậu bé 12 tuổi khác, khi được hỏi nếu được gọi điện về nhà để nói về cuộc sống của chúng ở đây, về hoàn cảnh sống mòn của chúng ở những ngôi nhà chung này, thì cha mẹ của họ sẽ phản ứng ra sao? Cậu ta đáp: “Cháu sẽ chẳng nói gì với cha mẹ cháu cả. Chỉ là những lời an ủi và mong cha mẹ cầu nguyện cho con. Nói gì khác bây giờ? Bố mẹ cháu muốn cháu ra đi là để kiếm ra tiền cơ mà!”. Những đứa trẻ cho hay cha mẹ chúng đã phải vay nợ để có tiền “mua vé” cho chuyến đi này của chúng. Đa phần họ coi đó như một khoản đầu tư và hy vọng rằng đó sẽ là một tương lai tốt hơn cho cả gia đình nếu chúng tồn tại được ở chặng cuối của cuộc hành trình. Thường là họ hy vọng chúng sẽ tìm được một công việc tốt ngay khi có thể và sẽ gửi tiền về cho gia đình.

Đầy rẫy cạm bẫy

Thế nhưng đời không thể như mơ. Ở những ngôi nhà chung của những đứa trẻ hiện tại, việc kiếm tiền là không thể nên đã có hàng ngàn đứa trẻ trốn ra ngoài, trốn khỏi chính hệ thống chăm sóc xã hội ngay trên đất Italia này. Đại diện Bộ Lao động Italia cho biết có khoảng 4.000 trẻ Ai Cập đã biến mất khỏi hệ thống các nhà chăm sóc này. Tất cả những người biết việc đều thừa nhận họ hiểu rất rõ về sức ép, gánh nặng mà bọn trẻ đang phải gánh chịu, nhiều khi là vượt quá cả sức chịu đựng của người lớn. Chúng sợ bị đưa về với cha mẹ khi mà những kẻ buôn người chưa nhận đủ tiền, hoặc khi mà chúng chưa kiếm được đủ tiền tương đương với số đã bỏ ra. Trong cả hai trường hợp, đó đều là bi kịch của cả gia đình mà những đứa trẻ, dù còn chưa đủ tuổi trưởng thành, buộc phải hiểu thật rõ.

Ibrahim, 17 tuổi, mất tích trên một con thuyền vượt biên sang Italia.

Và hiển nhiên là, những đứa trẻ “biến mất” khỏi nhà chăm sóc không thể làm việc hợp pháp. Đa phần chúng bị lôi kéo vào các hoạt động phạm pháp như buôn bán thuốc phiện, thậm chí cả mại dâm để tồn tại. Nhiều trẻ em, thiếu niên Ai Cập đã kết thúc “giấc mơ thành Rome” với công việc buôn bán ma túy tại những nơi như nhà ga Termini. Emanuele Fattori, Trưởng trạm Cảnh sát nhà ga Termini nói với nhóm điều tra rằng anh và các đồng sự đã có bằng chứng về việc những đứa trẻ đến từ Ai Cập bị các băng nhóm giang hồ ở đây tuyển dụng để làm những công việc phi pháp.

Thế nhưng, nhiều cậu bé trong các ngôi nhà chung đã không thể giấu nổi ánh mắt thèm thuồng khi nghe người lớn nói về Rome hoặc bất kỳ một thành phố hoa lệ nào khác, cho dù đó có là câu chuyện gì đi chăng nữa. Họ đã kể cho chúng nghe nhiều câu chuyện về những thiếu niên Ai Cập ở Rome – về sự bóc lột và vô gia cư mà chúng đang phải gánh chịu. Những đứa trẻ Ai Cập ở Rome phải bán mình trên những góc phố, hàng ngày phải chịu sự bóc lột và đàn áp của các băng đảng giang hồ, nhưng có vẻ như những điều ấy chẳng khiến cho bọn trẻ mảy may quan tâm.

“Cách tốt nhất là nên tuân thủ pháp luật. Các cháu nên trở về và đi học” - một nhà hoạt động xã hội nói với một cậu bé tại ngôi nhà chung. Cậu ta lắng nghe một cách lịch sự cho đến khi người ấy nói xong và rồi đáp: “Chết còn tốt hơn là vô dụng!”.

Mai Khuê (tổng hợp từ CNN)
.
.