Nạn buôn lậu di vật khảo cổ

Thứ Bảy, 12/06/2010, 15:40
Vào mùa thu năm 2009, nhà cổ sinh vật học Paul Sereno thuộc Đại học Chicago cùng với các đồng nghiệp xuất bản một bài báo trên tạp chí Science mô tả chi tiết sự khám phá Raptorex - một loài khủng long mới có các đặc tính rất giống Tyrannosaurus rex (T. rex), nhưng nhỏ hơn khoảng 90 lần và “già” hơn 60 triệu năm.

Loài khủng long nhỏ bé Trannosauridae, giống như  T. rex, có chân nhỏ, cơ hàm và hành khứu giác phát triển cũng như những bộ phận cần thiết khác để trở thành loài khủng long săn mồi phàm ăn. Raptorex là một mắt xích bị mất trong câu chuyện tiến hóa của T. rex.

Không giống như rất nhiều những khám phá trước đây của mình, nhà cổ sinh vật học Paul Sereno không phát hiện Raptorex dưới lòng đất mà thay vào đó, mẫu vật được buôn lậu từ Trung Quốc, vận chuyển bằng tàu vòng quanh thế giới và cuối cùng được bán cho một nhà sưu tập tư nhân.

Henry Kriegstein, bác sĩ nhãn khoa ở Massachusetts, người đã mua được Raptorex cách đây khoảng 6 năm tại cuộc triển lãm Khoáng vật và đá quý Tucson, nói: "Khi nhìn thấy nó tôi nghĩ đây chính là Tarbosaurus chưa trưởng thành. Không thấy rõ được toàn bộ hóa thạch, tôi chỉ nhìn thấy một bên xương sọ, phần lớn của chân dài và một phần của chân ngắn".

Sau khi sở hữu được mẫu vật hóa thạch, Kriegstein (nghe nói đã bỏ ra chưa đến 100.000 USD để mua nó) chuyển nó lên tàu chở về một phòng thí nghiệm tư nhân ở bang Utah. Hóa thạch Raptorex được phát hiện có nguồn gốc ở Trung Quốc. Sau đó Kriegstein e-mail các hình ảnh của mẫu vật cho cựu chuyên gia săn khủng long Paul Sereno.

Những mẫu hoá thạch mà Hải quan Mỹ tịch thu được.

Nhà cổ sinh vật học lập tức quan tâm đến hóa thạch và bắt đầu lo lắng nó sẽ nằm mãi trên mái lò sưởi trong phòng khách của nhà sưu tập tư nhân. Sereno sau đó cố gắng thuyết phục Kriegstein tặng toàn bộ mẫu vật hóa thạch cho nghiên cứu khoa học.

Ở Trung Quốc, cũng như tại nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới, việc xuất khẩu các hóa thạch bị cấm triệt để, vì chúng được coi là tài sản quốc gia. Trong những năm gần đây, Trung Quốc còn thực thi luật pháp chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này và người buôn lậu di vật khảo cổ thậm chí có thể lĩnh mức án cao nhất là tử hình!

Năm 2006, một học giả quốc tịch Canada là Zhu Chumlin bị lĩnh án 6 năm tù giam ở Trung Quốc vì tội tham gia vào một đường dây buôn lậu và vận chuyển trái phép ra nước ngoài gần 3.000 hóa thạch quý giá. Ngoài ra còn nhiều vụ truy tố khác và khám xét ở Trung Quốc lẫn nước ngoài.

Tháng 9/2009, Cơ quan Hải quan kiểm soát nhập cảnh của Mỹ (ICE) đã trả về cho Trung Quốc một xương sọ của loài hổ răng kiếm và hơn 20 trứng khủng long. Đặc vụ ICE Krystal Intoe nói, xương sọ hổ răng kiếm được vận chuyển bằng tàu thủy và bị Cơ quan Bảo vệ biên giới và Hải quan (CBP) bắt giữ và tịch thu, còn số trứng khủng long được phát hiện trong chiếc valy của một người đàn ông tại sân bay quốc tế Dulles.

Người này đã cố ngụy trang số trứng như những tảng đá thông thường. Kriegstein cho biết "luôn luôn có những hóa thạch được rao bán sau khi chúng được mang ra khỏi biên giới từ nhiều khu vực trên thế giới một cách bất hợp pháp" tại triển lãm Tucson, cho dù số lượng những mẫu vật này đã giảm bớt đi nhiều trong những năm gần đây.

Paul Sereno cũng cho biết, hoạt động buôn bán những hóa thạch bất hợp pháp của Trung Quốc trên thế giới đã bớt nhộn nhịp một phần do sự nghiêm khắc của luật pháp và phần khác do nhu cầu về di vật cổ đang tăng cao giữa những nhà sưu tập bên trong Trung Quốc.

 Sereno nói: "Một phần lý do của sự bớt nhộn nhịp này là người Trung Quốc tìm mua những hóa thạch trước khi chúng được chuyển lậu ra nước ngoài. Khoảng một nửa hay nhiều hơn các mẫu hóa thạch được di chuyển ra khỏi các tỉnh thành và bán bên trong đất nước Trung Quốc".

Không chỉ có một nhóm nhỏ những người săn tìm hóa thạch bất hợp pháp ở Trung Quốc. Sereno - người từng tiến hành nghiên cứu khảo sát quy mô ở Trung Quốc - cho biết ông đã đến những ngôi làng mà hoạt động buôn bán hóa thạch là kế sinh nhai của tuyệt đại đa số người dân.

Trong khi sự tuôn chảy các hóa thạch của Trung Quốc vào thị trường tư nhân có vẻ chậm đi, thì ngược lại vẫn còn vô số những mẫu hóa thạch bất hợp pháp trôi nổi vòng quanh thế giới và Trung Quốc không chỉ là nguồn duy nhất cung cấp những hóa thạch làm giả. Vào cuối tháng 4/2010, có gần 4.000 hóa thạch xương sống được rao bán trên eBay, và việc bảo đảm tính hợp pháp là rất khó khăn.

Sereno nói ông biết có ít nhất một mẫu chưa được xác định đang nằm trong tay của một nhà sưu tập tư nhân ở Mỹ. Một vấn đề phức tạp nữa là việc mua hóa thạch từ các quốc gia bị cấm vận chuyển ra nước ngoài di sản văn hóa của họ không được coi là bất hợp pháp ở Mỹ. Pat Reilly, người phát ngôn của ICE nói, cái khó của vấn đề là liệu người mua có biết mẫu hóa thạch mà họ bỏ tiền ra mua có là một hạng mục được bảo vệ hay không.

Một vụ việc mới nhất mà Pat Reilly đưa ra là sự khám phá 12 sọ người Peru được một người nào đó ở Cleveland mua được tại một phiên đấu giá. Số sọ người này được chế thành những cái lọ và chúng cập cảng Mỹ vào lúc nào thì chẳng ai biết. Rõ ràng là hoạt động buôn lậu hóa thạch không chỉ dừng lại ở các loài khủng long và  tại đất nước Trung Quốc

An An (theo Science)
.
.