Nạn buôn lậu tỏi từ Trung Quốc vào EU

Thứ Tư, 20/03/2013, 18:30

Cùng với các sản phẩm rau củ giá rẻ kém chất lượng tràn ngập thị trường thế giới, Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành nạn nhân của nạn nhập lậu mặt hàng tỏi từ Trung Quốc, khiến ngân sách toàn khối thất thu hàng chục triệu euro mỗi năm.

Theo ông Pavel Borkovec, người phát ngôn của Văn phòng Chống gian lận châu Âu (OLAF), những sai phạm trong việc nhập khẩu tỏi từ Trung Quốc đã khởi sự ngay từ thập niên 90 thế kỷ trước. Tuy nhiên, ngân sách EU bị thiệt hại nghiêm trọng kể từ năm 2001, khi khối này chính thức áp dụng mức thuế 9,6% đối với mặt hàng tỏi nhập khẩu.

Mục đích của việc đánh thuế thật cao nhằm giúp giới nhà nông châu Âu không bị "phơi áo", trước áp lực cạnh tranh trên toàn cầu đối với làn sóng nông sản giá rẻ ồ ạt chiếm lĩnh thị trường.

Theo số liệu của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) có trụ sở đặt tại Roma (Italia), trung bình hàng năm Trung Quốc sản xuất khoảng 18,56 triệu tấn tỏi chiếm tới 80% sản lượng của cả thế giới. Trong khi mức tiêu thụ nội địa chỉ chiếm chưa đầy phân nửa, buộc phải tìm "lối ra" trước lượng nông phẩm dôi dư khổng lồ. Vậy là các thị trường ngoại quốc đã được nhắm tới song hành cùng tiêu chí "bán đổ bán tháo", bất chấp mọi thiệt hại đưa đến cho quốc gia "lỡ nhập" tỏi.

Giữa bối cảnh điều kiện thời tiết không thuận lợi, nên rất ít nơi thuộc EU có thể trồng được tỏi, còn nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này lại rất lớn bởi ngoài tính năng như một loại gia vị ẩm thực ra, theo kinh nghiệm lâu đời tỏi chứa nhiều chất có ích cho sức khỏe con người. "Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi tỏi là một trong những mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong lượng nông phẩm nhập khẩu thường niên của EU, nên bọn buôn lậu đã khai thác triệt để lợi thế này", phát ngôn viên P. Borkovec giải thích.

Theo lời ông P. Borkovec thì một container tỏi nhập lậu trốn được tới 30.000 euro tiền thuế. Năm 2012, chỉ riêng hải quan 4 nước thuộc EU là Anh, Ireland, Áo và Ba Lan đã tịch thu lượng tỏi nhập lậu trị giá gần 3 triệu euro.

Tỏi Trung Quốc nhập lậu giá rẻ bán tràn lan trên thị trường EU.

OLAF chính thức bắt đầu điều tra các đường dây nhập lậu tỏi từ hơn 2 năm trước, rồi phát hiện ra "mánh" phổ biến là đưa hàng vào một quốc gia trung gian trước khi tuồn sang EU. Điển hình là một chiếc xe chở 28 tấn tỏi bị phát hiện ngay tại trạm cửa khẩu biên giới giữa Na Uy và Thụy Điển giữa năm 2010.

Kết quả điều tra đã lần ra danh tính của 2 doanh nhân người Anh từng mở công ty tại hải cảng Kristiansand của Na Uy ven bờ biển Bắc, chuyên nhập tỏi Trung Quốc bằng đường biển rồi chuyển qua Thụy Điển bằng đường bộ. Do Na Uy không phải là thành viên EU, cũng như không đánh thuế lên mặt hàng tỏi, vì vậy 2 doanh nhân trên đã tận dụng lợi điểm này.

Số liệu tổng hợp từ OLAF cho thấy trong vòng 18 tháng qua, hệ thống buôn lậu đã đưa vào EU qua ngả Na Uy khoảng 1.200 tấn tỏi, thu lợi bất chính hàng chục triệu euro.

Một vụ điển hình khác là vào cuối năm 2012, giới chức tư pháp thủ đô London của  Anh đã kết án doanh nhân Murugesan Natardzhan gốc Nam Á 6 năm tù giam, do liên quan trực tiếp tới việc nhập lậu số lượng tỏi khổng lồ nhằm trốn 2,6 triệu euro tiền thuế.

Trong tờ khai hải quan, M. Natardzhan ghi là gừng tươi vốn là mặt hàng có mức thuế suất 0%. Nhưng khi kiểm tra, nhân viên hải quan phát hiện ra độ lạnh quá mức ở các container chứa gừng nên sự việc vỡ lở...

Nhân viên OLAF lập họa đồ mạng lưói buôn lậu tỏi.

Một trường hợp nữa là của doanh nhân người Ireland Paul Begley, sếp của một công ty xuất nhập khẩu rau quả "có máu mặt"  ở thủ đô Dublin đã lĩnh mức án 6 năm tù vào đầu tháng 3/2012, vì nhập lậu hơn 1.000 tấn tỏi nhưng lại khai là mặt hàng táo tươi có xuất xứ từ Trung Quốc, gây tổn hại 1,6 triệu euro cho ngân sách.

Gần đây nhất khi Viện Công tố thành phố Gothenburg của Thụy Điển quyết định truy tố 2 công dân Anh, do đã cố tình chuyển ngân lậu hơn 10 triệu euro tiền mặt. Sau khi khám xét nơi ở của 2 nghi phạm, cảnh sát đã tìm thấy gần 1,5 tấn tỏi chứa trong kho không chứng minh được người gốc hợp pháp. Số hàng này đang được chuẩn bị chuyển qua các nước EU khác, suy ra số hiện kim nói trên chính là tiền lời từ việc buôn lậu tỏi.

Đồng thời, OLAF cũng phát hiện một "mánh" nhập khẩu tỏi khác được bọn gian thương áp dụng. Căn cứ theo quy định chung thì nông phẩm từ các quốc gia đang phát triển đã ký hiệp định thương mại với EU như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan, Morocco cũng như một loạt nước khác vùng Trung Phi và Nam Phi thường được miễn thuế, hoặc có thuế suất cực thấp. Vậy là tỏi Trung Quốc đã được "hô biến" trở thành sản phẩm của một trong những nước nói trên.

Các nhân viên thuộc OLAF cũng phát hiện trong thời gian gần đây, đã diễn ra nhiều vụ vận chuyển tỏi nhập khẩu cố tình không khai báo tại nhiều quốc gia EU. Ngoài việc gây thất thu hàng chục triệu euro cho ngân sách của khối ra, là những thiệt hại gián tiếp từ việc cạnh tranh không lành mạnh với "ưu thế" giá rẻ, đã khiến nhà nông EU dần mất thị phần ngay tại quê hương mình.

"Hầu hết các nước thành viên EU đều bị ảnh hưởng bởi mạng lưới nhập khẩu tỏi phi pháp hết sức tinh vi - ông P. Borkovec kết luận - Trong gần 2 năm qua Cơ quan thuế vụ của Anh, Ba Lan và Italia hầu như không thu được một đồng thuế nào từ mặt hàng này, trong khi tỏi Trung Quốc vẫn bày bán khắp nơi và bọn gian thương mặc sức hốt bạc"

T.H. (theo Deutsche Welle)
.
.