Nạn buôn người trên bán đảo Sinai

Thứ Sáu, 26/04/2013, 13:45

Bán đảo Sinai, nơi kết nối giữa Ai Cập và Israel, lâu nay trở thành một nơi đau khổ và chết chóc đối với hàng ngàn người tị nạn từ vùng cận sa mạc Sahara ở Châu Phi, từ Eritrea, Somalia và Sudan. Những người này đã đến để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở Israel hay Châu Âu nhưng cuối cùng nhiều người trong số họ rơi vào cảnh bị bắt cóc, bỏ tù và tra tấn cho đến chết.

Mắc kẹt ở vùng đất không có luật pháp

Từ khi có cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Mubarrak, khu vực phía bắc của bán đảo Sinai tiếp tục nằm  ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Nó trở thành một vùng đất không có luật pháp, là nơi trú ẩn của bọn tội phạm và khủng bố. Sinai được điều hành bởi luật lệ riêng của các gia tộc. 

Mhretab, 27 tuổi, 1 trong số 3 người tị nạn kể rằng: "Chúng tôi hầu như không được ăn uống gì và chúng tôi không được phép ngủ. Họ đốt chúng tôi bằng nhựa cháy hoặc trực tiếp bằng bật lửa nếu chúng tôi không nghe lời".  Anh chỉ vết sẹo dài trên cổ: "Họ treo chân chúng tôi và đánh chúng tôi. Nếu chúng tôi kêu la, họ gọi cho gia đình chúng tôi và buộc chúng tôi phải cầu xin họ trả tiền chuộc qua điện thoại".

Ba người này đã bị giam giữ tại Sinai hơn một năm. Đầu tiên, họ nói, những kẻ buôn người cầm tù họ  nhiều tháng  trong một căn phòng dưới đất, sau đó họ được đưa lên các lều trên sa mạc. "Lúc đầu chúng tôi có 22 người" - Zeae nói - "10 người đã chết trong tầng hầm". Họ nói rằng gia đình của họ đã chuyển tiền chuộc khoảng 30.000USD cho mỗi tù nhân nhưng thay vì phóng thích con tin, những kẻ bắt cóc chuyển họ cho những kẻ buôn người khác.

"Cha mẹ chúng tôi chẳng còn gì để gửi nữa" - Zeae nói - "Họ đã bán đất đai và toàn bộ vật nuôi. Họ đã tiến hành quyên góp cho chúng tôi ở nhà thờ". Thực tế là nhiều cộng đồng thường góp tiền để chuộc người tị nạn.

Địa ngục trần gian

Lem Lem, một cô gái 15 tuổi có gương mặt hốc hác với đôi mắt đỏ ngầu, ngồi một góc nhà. Cô mặc chiếc áo len rộng thùng thình được cho khi tới đây. Zeae giải thích rằng, Lem Lem đã bị cưỡng hiếp nhiều lần: "Họ đến và mang cô ấy đi bất cứ lúc nào họ muốn", Lem Lem hiếm khi nói một lời. Chỉ một lần duy nhất cô hỏi các phóng viên có thể tìm cho cô một bộ đồ lót hay không.

Câu chuyện về 3 người tị nạn này giống hàng trăm câu chuyện mà Tổ chức Human Rights Watch thu thập được. Một số câu chuyện được lặp đi lặp lại trong các báo cáo của họ: dùng điện giật, cưỡng hiếp, thiếu ngủ, bị tra tấn bằng nhựa cháy, thậm chí vào cả những chỗ kín. Có nhiều hình ảnh được các nhiếp ảnh gia địa phương ghi lại cảnh người tị nạn với những vết thương sâu đầy ruồi bâu và nhiễm khuẩn, chân tay sưng tấy.

Bán đảo Sinai đã trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với người tị nạn.

Tờ New York Times ước tính  có khoảng 7.000 người tị nạn bị lạm dụng theo các cách này trong vòng 4 năm qua và khoảng 4.000 người trong số họ có thể đã chết. Những con số này được lấy từ báo cáo của các tổ chức cứu trợ tại Israel, châu Âu và Mỹ. Người dân địa phương thường thấy xác của những người tị nạn châu Phi bị bỏ rơi trên sa mạc hoặc nhìn thấy chân, tay của họ trồi lên trên cát.

Giữa thành phố el - Arish và thị trấn biên giới Rafah có một tòa nhà thấp,  tại đây có một người đàn ông còn trẻ, chắc nịch trong chiếc áo bông màu xám sáng, tự giới thiệu là Mahmoud, một kẻ buôn người: "Chúng tôi giữ họ ở đây cho đến khi nào có tiền chuộc từ gia đình của họ", anh ta nói. Anh ta cho biết chỉ 3 ngày trước đó, anh ta đã thả một nhóm người châu Phi khác khỏi bọn buôn người khi chúng đưa họ qua biên giới vào Israel. Anh ta làm nghề này từ năm 2009 nhưng cho biết là cuộc sống nơi đây đang trở nên khó khăn hơn.

Phớt lờ luật pháp quốc tế

Mahmoud nói rằng anh ta lo sợ cho cuộc sống của mình nhưng "Tôi có thể làm gì? Ở đây không có việc làm, không có cách nào khác để kiếm tiền", anh ta quỳ xuống một góc rồi cầu nguyện. Khoản tiền chuộc cho một  người tị nạn từ châu Phi giờ lên tới 50.000USD và trong 20 tháng qua, một xu hướng mới đáng báo động đang tăng dần đó là những người tị nạn muốn dừng chân tại Israel thực sự không tới đó.

Những kẻ đến từ bộ lạc Rashaida bắt cóc những người này ở Sudan, thỉnh thoảng họ bắt những người này ở các trại tị nạn sau đó giao lại cho các gia tộc trên bán đảo Sinai. Bản báo cáo về người tị nạn cho rằng điều này diễn ra trong sự hợp tác với cảnh sát biên giới Sudan "khi một khoản tiền chuộc được trả, ngay lập tức họ bắt con tin khác".

Mohammed Bakr, giám đốc một tổ chức phi chính phủ địa phương ở Bắc Sinai, nói rằng giải pháp duy nhất ông thấy được là thông báo với mọi người về những nguy hiểm khi trốn qua  Sinai khi họ vẫn đang ở quê hương mình.

Một lần nữa những người tị nạn này bị bắt cóc ở Sinai, họ thấy mình trong tình huống vô vọng. Thậm chí nếu họ còn sống và được bọn bắt cóc thả, họ sẽ lang thang trên mảnh đất không người gần biên giới với Israel. Nếu họ vượt qua biên giới, họ có nguy cơ bị bắn, nếu họ vào được Israel, họ có thể bị bắt. Nếu cảnh sát Ai Cập bắt họ trước khi họ vượt qua biên giới, họ sẽ bị nhốt tại các đồn cảnh sát ở Sinai và bị giam giữ trong những điều kiện tồi tệ khủng khiếp trước khi bị trục xuất về đất nước họ.

Hình ảnh thương tích do bị tra tấn để lại trên cơ thể của những người bị bọn buôn người bắt giữ.

Chính phủ Ai Cập từ chối để Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR)  thăm những nhà tù này. Họ tuyên bố rằng những người bị giam giữ tại đây là những người tị nạn kinh tế, họ không có quyền tị nạn vì họ ở Sinai bất hợp pháp.

Mohammed Dairi, từ Văn phòng UNHCR ở Cairô nói rằng: "Ai Cập đang vi phạm luật tị nạn quốc tế". Tổ chức của ông là một cơ quan xác định tình trạng người tị nạn, ông nói, người  tị nạn từ Eritrea và Somalia hội đủ điều kiện xin tị nạn vì họ đang bị đe dọa khủng bố và tra tấn ở đất nước họ. Sự phớt lờ tội phạm này đối với người tị nạn châu Phi cận Sahara đã vi phạm luật pháp cấm buôn bán người một cách rõ ràng.

Ở Ai Cập, người buôn bán lậu cà chua và khoai tây thường bị bắt nhưng không một kẻ buôn người nào bị kết án. Chính quyền Cairo đã chứng minh sự không hành động đối với tội phạm này bằng việc viện dẫn liên quan đến an ninh. Từ tháng 8/2012, chính phủ của Tổng thống Mohammed Morsi đã mở rộng sự hiện diện của quân đội ở Sinai nhưng để chống khủng bố Hồi giáo hơn là giải phóng những người tị nạn vô tội.

Nhà báo Ai Cập Lina Attalah, của tờ tuần báo bằng tiếng Anh Egypt Independent, chỉ trích chính phủ đã thờ ơ  và thất bại trong việc đối phó với nạn buôn người. Vào tháng 11/2012, bà viết: "Họ cũng chỉ cho chúng tôi thấy một thực tế sâu sắc rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn rất lớn". Các nạn nhân đều là những người châu Phi, không có vấn đề gì quan trọng đối với họ. Bà cũng chỉ ra rằng không một cơ quan có quyền lực nào quan tâm đến lợi ích cho người tị nạn.

Cảnh sát biên giới nhận hối lộ của những kẻ buôn người, Mohammed Bakr, người của một tổ chức phi chính phủ có văn phòng ở Bắc Sinai, nghi ngờ về sự sẵn sàng can thiệp của chính phủ. "Đơn giản là họ không muốn nhận ra vấn đề này", ông nói. Bakr chắc rằng những kẻ buôn người đã hối lộ cảnh sát biên giới để cho họ buôn người tị nạn vào Sinai.

Ông tin rằng cảnh sát và quân đội biết chính xác ai là những kẻ buôn người và họ giấu tù nhân ở đâu "nhưng họ không làm gì cả", ông nói: "Thậm chí đó còn là công việc của họ". Tuy nhiên, gần đây những dòng người tị nạn vào Sinai chậm lại bởi nhiều trạm kiểm soát được lập ra, kết quả của việc  tăng cường sự hiện diện của quân đội nhưng "thật không may, điều đó không giải quyết được vấn đề". Dairi nói rằng: "Những kẻ buôn người chỉ cần tìm những con đường khác. Chúng tôi biết về những người tị nạn đang bị giam giữ tại Aswan, một thành phố ở phía nam Ai Cập".

Người ta tin rằng có khoảng 1.000 người tị nạn châu Phi hiện đang bị nhốt trong các trại ở Sinai. Zeae, Lem Lem và Mhretab cố gắng thoát khỏi những kẻ tra tấn họ nhưng họ vẫn đang chờ đợi Sheikh Mohammed ở Sinai. Tương lai của họ vẫn chưa rõ ràng. Họ hy vọng là Sheikh sẽ đưa họ đến Cairo và chuyển họ cho một tổ chức cứu trợ, "Sau đó chúng tôi muốn đi châu Âu", Mhretab nói: "Tôi muốn làm việc cật lực và trả lại tất cả số tiền cho gia đình"

Lương Lan (tổng hợp)
.
.