Nạn đưa người giúp việc bất hợp pháp đến Singapore

Chủ Nhật, 05/05/2019, 09:15
Bất chấp lệnh cấm chính thức ở Myanmar và bị lên án rộng rãi, việc buôn bán các cô gái chưa đủ tuổi từ nước này đến Singapore vẫn tiếp tục diễn ra. Số liệu chính thức chưa được đưa ra, song các nhà hoạt động chống lại lao động trẻ em nhìn thấy rất nhiều trường hợp mới mỗi năm.


Những trường hợp đau lòng

Ma Wain Wain đến từ Myanmar đã phải vật lộn để thích nghi với công việc mới của cô là người giúp việc nhà ở Singapore. Vài tuần sau khi chuyển đến thành phố, cô gái trẻ nói với đơn vị đã đưa cô đến rằng mình đang bị căng thẳng và yêu cầu được quay về nhà. Nhưng đến ngày 13-10-2017, chính quyền Singapore tìm thấy thi thể cô trên mặt đất, rất gần với căn hộ nơi cô làm việc, trong khu phố Potong Pasir.

Xem xét lý lịch, giới chức chính quyền Singapore tin rằng Ma Wain Wain đã tự sát. Theo thông tin trên hộ chiếu, Ma Wain Wain đã 23 tuổi, nhưng người thân sống ở vùng Mandalay của Myanmar tiết lộ cô chỉ mới… 16 tuổi. Trong khi theo luật pháp Singapore, người giúp việc đến từ nước ngoài phải lớn hơn 23 tuổi.

Nữ công nhân Myanmar đứng trước một cơ quan giúp việc trong nước thể hiện kỹ năng giặt ủi.

Cô gái thứ hai tên là Zin Zin đến Singapore làm giúp việc nhà với hy vọng kiếm được nhiều tiền để hỗ trợ gia đình. Zin Zin trở về Myanmar trong tình trạng bị thương nặng và có thể sẽ cần được chăm sóc dài hạn.

Điều tệ hại hơn là cô mới chỉ 15 tuổi. Zin Zin xác định người đàn ông - mà cô nói - đã giúp lấy hộ chiếu với ngày sinh giả là Louis Zung, thành viên của quốc hội Myanmar và là người sáng lập một công ty có tên Myanmar Global Manpower Link.

Tuy nhiên, Louis Zung phủ nhận sự liên quan đến bất kỳ hành vi sai trái nào như đã bị cáo buộc. Trong khi đó, Zung xác nhận ông vẫn là giám đốc của công ty cho đến năm 2016, tức 2 năm sau lệnh cấm tuyển dụng phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng năm mà Ma Wain Wain qua đời, tổ chức độc lập Research Across Borders công bố một cuộc điều tra cho thấy người giúp việc nước ngoài chiếm 17% lực lượng lao động của Singapore và điều kiện của họ thường không tốt: 60% được khai thác theo nhiều cách khác nhau, với những ngày làm việc kéo dài hơn 12 giờ.

Những người giúp việc đến từ Indonesia chờ vận chuyển đến một cơ quan giúp việc sau khi trải qua kiểm tra y tế tại Singapore.

Thảm kịch khác xảy ra vào tháng 12-2018, 2 cô gái người giúp việc đến từ Myanmar chết trong cùng một tuần, điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Một người phụ nữ 19 tuổi dường như đã ngã xuống từ một tòa nhà chung cư sau khi mới làm việc tại nhà của cô chủ nhà chỉ trong 20 ngày.

Một người giúp việc gia đình khác dường như rơi từ tầng 9 của khu chung cư nơi cô đã làm việc được 18 tháng. Cô gái cũng được cho là 19 tuổi, mặc dù thông tin trên hộ chiếu ghi rõ là 25 tuổi. Cả hai cô gái được cho là đã tự tử.

Công việc của một người giúp việc gia đình là phụ trách một ngôi nhà xa lạ, cách nhà của họ hàng ngàn kilômet, đòi hỏi một thời gian thích nghi, đặc biệt là đối với những cô gái trẻ. Nhiều người không biết nấu ăn, không hòa đồng với trẻ em và hầu như không thể giao tiếp với chủ nhân vì họ không biết ngôn ngữ.

Người giúp việc ở Singapore hầu như không có ngày nghỉ. Điều này ngăn họ trốn thoát, chia sẻ kinh nghiệm của họ hoặc yêu cầu giúp đỡ nếu họ cần. Báo cáo từ Research Across Borders cho thấy 41% phải làm việc vào ngày nghỉ duy nhất của họ, mặc dù kể từ năm 2013, chính quyền quy định họ phải có một ngày nghỉ mỗi tuần.

Phần lớn lao động ở Singapore đến từ Indonesia, Philippines và Myanmar. Thật khó để biết có bao nhiêu là trẻ vị thành niên, bởi vì họ đến  Singapore và làm việc không thường xuyên.

Từ Myanmar đến Singapore: Nóng nạn buôn người giúp việc tuổi vị thành niên

Stephanie Chok, nữ giám đốc vận động và truyền thông của Tổ chức Nhân đạo kinh tế di cư (HOME) của Singapore, giải thích rằng bà biết các trường hợp lao động trong nước dưới 23 tuổi “vào mỗi tháng” và các cô gái dưới 18 tuổi “vào mỗi năm”. Chok làm việc cho tổ chức từ năm 2008, đặc biệt tại các trung tâm tiếp nhận, và từng giữ vai trò luật sư cho tổ chức kể từ tháng 6-2017.

Một số cơ quan đào tạo người giúp việc về cách phơi quần áo đảm bảo an toàn.

Tờ báo địa phương The Straits Times cung cấp một số lượng khác. Các tác giả tờ báo kết luận ở Singapore có ít nhất 240.000 lao động giúp việc nhà vào năm 2017. Theo ước tính chính thức của Bộ Nhân lực Singapore (MOM), tỷ lệ lao động giúp việc nhà chưa đủ tuổi là hơn 200. Nhưng ngày càng có nhiều trường hợp được phát hiện trong những năm gần đây. Dữ liệu từ MOM, cũng tiết lộ sự gia tăng trong việc thuê trợ lý vị thành niên.

Năm 2017, MOM ước tính tỷ lệ người lao động chưa đủ tuổi ở mức 8,7 trên 10.000, tăng từ 4,3 (năm 2016) và 6,4 (năm 2015). Trong 3 năm qua, MOM đã có hành động chống lại 98 cơ quan tuyển dụng vì đưa lao động vị thành niên đến Singapore.

Ví dụ vào tháng 5-2018, hai cơ quan đã bị xử phạt vì nhập khẩu lao động chỉ mới 13 tuổi từ Myanmar. Hình phạt bao gồm tiền phạt lên tới 5.000 SGD (khoảng 3.680 USD), 6 tháng tù giam và rút giấy phép hoạt động kinh doanh.

Theo John Gee, chủ tịch tiểu ban nghiên cứu Transient Workers Count Too (TWC2), hầu hết các cô gái bị buôn bán đều đến từ Myanmar bởi vì hoạt động tuyển dụng ở nước này dễ dàng hơn nhiều do những quy định luật pháp lỏng lẻo. John Gee tiết lộ các nhà tuyển dụng kiếm được tiền nhiều hay ít tùy thuộc vào số lượng người giúp việc được yêu cầu từ các gia đình ở Singapore.

Nếu không tìm thấy bất kỳ ứng cử viên phù hợp nào khi đi đến các ngôi làng tìm kiếm những cô gái thích đi du lịch nước ngoài với tư cách là người giúp việc, họ sẽ cố gắng thuyết phục những cô gái nhỏ tuổi hơn. Đôi khi, họ thậm chí còn cố gắng thuyết phục các bậc cha mẹ sẵn sàng thúc giục con gái ra đi! Trong khi đó các cơ quan tuyển dụng người giúp việc nhà có thể không chống lại việc tuyển dụng những cô gái vị thành niên.

Theo John Gee, những người giúp việc nhà thường sử dụng hộ chiếu giả với độ tuổi đã thay đổi cho nên không ai biết được rằng họ còn quá trẻ. Các nhà tuyển dụng tập trung chủ yếu vào ngoại hình của họ.

Người giúp việc ở Singapore hầu như không có ngày nghỉ.

Khi người giúp việc đến Singapore, mọi khoản chi phí (bao gồm vận chuyển, ăn ở và phí đại lý) bắt đầu tăng lên cho nên các cô gái không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục nói dối về tuổi của họ. Nếu không, họ có thể bị trả về nhà với cả khối nợ. Mặc dù không nhận được một số tiền lớn từ vị trí giúp việc nhà ở Singapore song vẫn còn cao hơn mức lương của họ ở Myanmar - nơi điều kiện làm việc thậm chí còn bấp bênh hơn.

John Geee cho biết người giúp việc nhà kiếm được khoảng 381 SGD/tháng (khoảng 280 USD) và sau đó giảm xuống còn 158 SGD (khoảng 116 USD) nếu họ gửi tiền cho người thân của họ. Những con số cho thấy sự bất bình đẳng liên quan đến mức thù lao trung bình ở Singapore.

Một người Singapore nhận được hàng tháng khoảng 3.694 SGD, điều đó có nghĩa là thu nhập của một công nhân nước ngoài chỉ bằng một phần mười so với mức trung bình của người dân nước này. John Gee giải thích rằng các cơ quan Singapore tin tưởng rằng các đối tác của họ ở các quốc gia gốc đã kiểm tra cẩn thận độ tuổi của các cô gái nếu không giữa 2 bên sẽ không còn hợp tác tiếp tục trong tương lai.

Theo John Gee, để khám phá ra sự bất thường thì chỉ còn cách là phỏng vấn trực tiếp với lao động giúp việc nhà đến Singapore.

Năm 2014, Myanmar chính thức cấm tất cả công dân nữ rời khỏi đất nước để trở thành lao động giúp việc nhà ở nước ngoài. Tuy nhiên, luật này không hiệu quả. Tại các ngôi làng trên khắp đất nước, các nhà tuyển dụng vẫn nói với các gia đình nghèo khó rằng cuộc sống sẽ được cải thiện nếu bằng lòng cho con gái của họ đến Singapore.

Tất nhiên, điều họ không nói là làm như vậy là bất hợp pháp và sẽ có những rủi ro liên quan. Những gì các đại lý nhận được là sự cắt giảm phí tuyển dụng khổng lồ mà các cô gái có nghĩa vụ phải trả.

Theo luật pháp Singapore, lao động trong nước tại quốc đảo Singapore giàu có phải ít nhất 23 tuổi. Tuy nhiên, bọn buôn người thường hối lộ các quan chức trong Cục quản lý xuất nhập cảnh của Myanmar để thay đổi ngày sinh trên hộ chiếu, cho phép họ gửi các cô gái chưa đủ tuổi vào nước này.

Gee lập luận rằng quy định này được kỳ vọng sẽ bảo vệ phụ nữ chống lại lạm dụng, nhưng hiệu quả thì ngược lại: Nhiều cô gái rời khỏi Myanmar có hoặc không có sự hợp tác của một cơ quan địa phương. Khi có việc làm ở Singapore, những cô gái dễ bị tổn thương hơn bởi vì họ đã dám chống lại lệnh cấm ở nước họ.

Không ai biết có bao nhiêu câu chuyện tương tự như Ma Wain Wain tồn tại. Như John Gee đã giải thích, và như đã xảy ra ở các quốc gia khác, báo chí địa phương thường không công khai những trường hợp này vì sợ dẫn đến nhiều thêm những trường hợp tự sát.

Mặt khác, MOM cam kết điều tra xét xử những trường hợp người giúp việc nhà chết vì ngã do tai nạn xảy ra khi họ đang lau dọn hoặc phải trèo lên cửa sổ một cách nguy hiểm. Năm 2012, MOM đưa ra một số quy định để trừng phạt người sử dụng lao động cho phép người lao động thực hiện một số nhiệm vụ rủi ro nhất định. Như Gee đã nói, có những cơ quan vô đạo đức sẵn sàng tuyển dụng trẻ vị thành niên nếu họ có thể kiếm được tiền.

Trong khi đó, các công ty này sau đó tuyên bố rằng họ không thấy bất kỳ sự bất thường nào trong tài liệu của họ.

Gee giải thích một vấn đề khác: nhiều người sử dụng lao động ở Singapore tin rằng các cô gái trẻ sẽ làm việc nhiều hơn theo mong muốn của họ và không muốn đối mặt với một người phụ nữ có kinh nghiệm, người có thể quyết đoán hơn về cách đối xử và quyền lợi của họ.

Thật không may, nhiều người giúp việc cũng phải chịu đựng ở những nơi khác trên thế giới với nạn bóc lột sức lao động và đủ loại lạm dụng: lạm dụng thể xác, xâm hại tình dục, bị giam cầm, làm việc không được trả lương, không được bảo hiểm y tế và quá nhiều giờ làm việc mà không có ngày nghỉ…

Đó là những phát hiện trong một báo cáo do Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) từng công bố, trong đó công bố tóm tắt những trường hợp bạo lực đối với lao động nữ giúp việc nhà ở El Salvador, Guatemala, Indonesia, Malaysia, Morocco, Philippines, Saudi Arabia, Sri Lanka, Togo, Các Tiều Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Mỹ - nhưng không nhắc đến Singapore!

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.