Nạn trộm cắp kim loại có giá trị cao tại Pháp

Thứ Sáu, 29/08/2008, 08:05
Theo kết quả một cuộc điều tra được thực hiện bởi FFB có sự phối hợp của OCLDI tại 3.000 công ty, xí nghiệp trong ngành xây dựng có đến 67% các đơn vị thú nhận từng là nạn nhân của các vụ trộm cắp kim loại có giá trị từ 100.000 euro trở lên trong năm 2007.

Tuy nằm trong một khu công nghiệp tập trung ở ngoại ô thành phố Tours thuộc tỉnh Loire, miền Trung nước Pháp, nhưng Nhà máy tái chế kim loại Recita lại được bảo vệ rất nghiêm ngặt với nào là hệ thống báo động điện tử, radar, hàng rào có gắn thiết bị sử dụng tia hồng ngoại chống người lạ đột nhập...

Ông Jean-Philippe Septchat, Giám đốc nhà máy, cho biết: “Trong vòng 2 năm trở lại đây chúng tôi đã chi gần 200.000 euro cho công tác bảo vệ an ninh”.

Tại nhà máy Recita, mỗi tháng có đến hàng chục tấn kim loại được thu mua để tái chế trong đó có kim loại có giá trị cao như chì, kẽm, nhôm, đồng... Chính sự bùng nổ về nhu cầu đã khiến giá cả kim loại trên thế giới tăng cao không ngừng. Đây cũng là nguyên nhân khiến kim loại trở thành mặt hàng rất được ưa chuộng của bọn trộm cắp và bọn buôn lậu.

Tại Pháp, chưa bao giờ nạn trộm cắp kim loại lại phát triển mạnh như từ năm 2006 trở lại đây. Vào tháng 1/2008, 22 bức tượng bằng đồng và chì của nghệ sĩ tạo hình người Đức Anselm Kiefer đã bị trộm tại một viện bảo tàng tư nhân ở tỉnh Gard.

Bị các nhân viên của Cơ quan Cảnh sát chống trộm cắp và buôn lậu tác phẩm nghệ thuật (OCBC) bắt giữ tại tỉnh Ardèche vào tháng 2/2008, bọn trộm thú nhận đã bán tất cả 22 bức tượng làm phế liệu chỉ với giá 7.000 euro. Trong khi đó trên thị trường đấu giá tác phẩm nghệ thuật quốc tế, các bức tượng trên có giá đến... 3,6 triệu euro.

Cùng chung số phận với các bức tượng của Kiefer là mái bằng kim loại của các nhà thờ cổ, cửa bằng kim loại (chủ yếu làm bằng đồng) của các nghĩa trang cổ, động cơ máy bay Airbus, dây điện của Tập đoàn Điện lực quốc gia (EDF), cáp viễn thông của Tập đoàn France Telecom và cả đường ray xe lửa và biển báo tín hiệu của Tập đoàn Hỏa xa Pháp (SCNF)...

Là nạn nhân trực tiếp của loại tệ nạn này, nhưng cả EDF, France Telecom và SCNF chỉ thông báo các vụ việc cho cảnh sát mà không tiết lộ bất cứ điều gì liên quan đến các phương tiện thông tin đại chúng do lo ngại những tiết lộ này sẽ lôi kéo thêm bọn trộm cắp, trong số đó không hiếm những tên dám đánh đổi sinh mạng chỉ vì vài chục mét dây dẫn điện bằng đồng hay sinh mạng của hàng trăm hành khách đi tàu hỏa bằng cách tháo gỡ đường ray bằng thép.

Đại tá cảnh sát Stéphane Ottavi, chỉ huy Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm vãng lai (OCLDI) trực thuộc Bộ Nội vụ Pháp, cảnh báo rằng: “Nếu cách đây vài năm, bọn tội phạm còn hoạt động đơn lẻ lấy cắp vài chục kilôgam kim loại thì đến nay đã xuất hiện bọn tội phạm có tổ chức thực hiện những phi vụ đánh cắp trót lọt hàng tấn, thậm chí hàng chục tấn”.

Điển hình là vụ một băng nhóm tội phạm trang bị vũ khí tận răng, mang mạng che mặt di chuyển trên hai chiếc Renault loại 7 chỗ ngồi chặn cướp hai xe tải vận chuyển 8 tấn chì và 11 tấn đồng từ cảng Anvers của Bỉ về thành phố Strasbourg của Pháp vào tối 17/1/2008. Vụ cướp táo bạo này liên quan đến một đường dây buôn lậu kim loại có giá trị cao xuyên châu Âu.

Nạn nhân bị thiệt hại nặng nhất bởi nạn trộm cắp kim loại chính là ngành xây dựng Pháp. Christian Baffe, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Pháp (FFB), cho biết: “Theo kết quả một cuộc điều tra được thực hiện bởi FFB có sự phối hợp của OCLDI tại 3.000 công ty, xí nghiệp trong ngành xây dựng và được công bố vào tháng 3/2008, có đến 67% các đơn vị thú nhận từng là nạn nhân của các vụ trộm cắp kim loại có giá trị từ 100.000 euro trở lên trong năm 2007”.

Bắt giữ một tên tội phạm trong chiến dịch trấn áp nạn trộm cắp kim loại của Bộ Nội vụ Pháp.

Cá biệt có nhiều đơn vị bị trộm cắp nhiều lần với giá trị thiệt hại lên đến hàng triệu euro. Đây là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhiều công trình xây dựng và là mối quan tâm hàng đầu đối với ngành bảo hiểm.

Để tự bảo vệ, nhiều công ty, xí nghiệp đã thành lập đội bảo vệ chuyên trách đông đến hàng chục người và mua sắm, lắp đặt các phương tiện, thiết bị bảo vệ hiện đại. Những chi phí phát sinh này đã khiến giá thành nhiều công trình tăng cao.

Để đối phó, nhiều công ty, xí nghiệp đã không dám nhận hợp đồng thi công công trình tại các địa điểm “nhạy cảm”, là nơi thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp kim loại, chẳng hạn tại các khu vực xung quanh thủ đô Paris và các tỉnh ở lưu vực sông Rhône. Hơn thế nữa, không ít công ty, xí nghiệp đã phải chi một số tiền lớn cho bọn tội phạm địa phương để bảo kê cho an ninh các công trình xây dựng.

Trước sự lộng hành của loại tệ nạn này, từ tháng 3/2008, Bộ Nội vụ Pháp đã triển khai một kế hoạch trấn áp bọn tội phạm trộm cắp kim loại trên phạm vi toàn quốc có sự tham gia của gần 3.000 nhân viên cảnh sát tại địa phương và các đơn vị cảnh sát chuyên nghiệp trực thuộc Bộ Nội vụ và lấy OCLDI làm đơn vị nòng cốt.

Cho đến tháng 6/2008, kế hoạch trấn áp này đã mang lại kết quả khả quan. Các khu vực xung quanh thủ đô Paris, nạn trộm cắp kim loại đã giảm còn 50% so với cùng kỳ năm 2007.

Hiện nay, loại tội phạm này chỉ bị luật pháp Pháp trừng phạt cao nhất với mức án là 3 năm tù giam cùng 45.000 euro tiền phạt. Đây là mức hình phạt xem ra không đủ nặng để răng đe bọn tội phạm, nhất là đối với bọn tội phạm có tổ chức thực hiện những phi vụ trộm cắp với số lượng hàng tấn kim loại trở lên.

Trước tình hình này, theo đề nghị của Bộ Nội vụ Pháp, Quốc hội đang xem xét biểu quyết một dự luật điều chỉnh mức phạt án tù giam cao nhất đến 8 năm cùng số tiền phạt phải nộp là 100.000 euro

Hoàng Phú (theo Le Point)
.
.