Nga - Mỹ đàm phán về chống tội phạm điều khiển học

Chủ Nhật, 17/01/2010, 16:25
Nga, Mỹ và Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang tổ chức những cuộc đàm phán bí mật nhằm chống lại những nguy cơ của tội phạm điều khiển học hay chiến tranh điều khiển học - đó là tiết lộ của tờ The New York Times dựa trên một số nguồn tin của các chuyên gia cao cấp.

Cũng theo tờ báo này, bắt nguồn từ tình trạng gia tăng nhanh chóng những vụ tấn công của tin tặc nhằm vào nhiều tổ chức, cơ quan - trong đó có nhiều ngân hàng, công ty, cơ quan nhà nước và cả lực lượng vũ trang - các nhà ngoại giao đang cố gắng tìm kiếm một sự đồng thuận quốc tế mới về các phương pháp đảm bảo về an ninh điều khiển học.

"Cả hai bên đang phát đi những tín hiệu thân thiện, điều mà chúng tôi chưa từng chứng kiến trước đây" - đó là nhận xét của James Lewis - Giám đốc phụ trách công nghệ thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế về sự kiện này. Tạp chí có uy tín SCMagazineUS.com còn trích dẫn lời của ông Lewis cho rằng, Moskva và Washington vẫn đang theo đuổi những mục đích khác nhau trong lĩnh vực này.

Chẳng hạn như Nga đang nỗ lực nhằm ký kết được một thỏa thuận "giải giáp vũ khí" trong không gian điều khiển học. Còn Mỹ cảm thấy vẫn chưa cần thiết phải ký kết một hiệp ước chung về an ninh thông tin quốc tế và ngăn cấm sử dụng vũ khí điều khiển học vì mục đích tấn công do Nga đề xuất. Cái mà Washington đang cần hiện nay chỉ là đẩy mạnh việc hợp tác giữa các cơ quan hành pháp và trao đổi thông tin để đấu tranh chống những tên tội phạm điều khiển học.

Lewis cũng "khuyên" Nhà Trắng rằng: "Quyết định không ký kết dự thảo hiệp ước về giải trừ vũ khí điều khiển học là hoàn toàn đúng đắn. Người Nga đã soạn thảo ra hiệp ước này để nhằm ngăn cản các hoạt động của Mỹ".

Theo SCMagazineUS.com, dự thảo của người Nga xuất hiện ngay sau những thông tin cho biết, giới quân sự Mỹ đang nghiên cứu và thử nghiệm một loạt các trang thiết bị điều khiển học mới phục vụ cho mục đích tấn công và phòng thủ, kể cả hệ thống tổ chức các đợt tấn công điều khiển học dành cho quân nhân ngay cả khi họ không phải là chuyên gia trong lĩnh vực chiến tranh qua máy tính.

Còn một yếu tố mang tính cản trở hợp tác khác là cả Nga và Mỹ cũng như phần lớn các quốc gia có lực lượng vũ trang hùng mạnh khác đều không muốn cung cấp thông tin về những tiềm năng trang bị điều khiển học tinh xảo của mình.

Phía Nga tất nhiên cũng có những luận điểm riêng của mình. Moskva nhấn mạnh rằng, đặc trưng của vũ khí điều khiển học chính là ở khả năng ứng dụng "xuyên biên giới" rất tiềm tàng của nó. Khả năng sử dụng vũ khí điều khiển học để chống lại một quốc gia đối địch có thể dẫn tới "những tình huống đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế".

Chính vì vậy, Nga cho rằng cần phải soạn thảo "một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp, nhấn mạnh về những mối đe dọa đối với an ninh thông tin quốc tế mang tính chất quân sự - chính trị, tội phạm và cả khủng bố; đồng thời xem xét khả năng thực thi các biện pháp phối hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với lợi ích từng quốc gia nói riêng và quyền lợi của cộng đồng quốc tế nói chung".

Dù sao, những cuộc đàm phán mới này đã đánh dấu sự đoạn tuyệt với chính sách trước đây của chính quyền Bush, trong đó chủ trương từ chối đàm phán với Nga và LHQ về một hiệp ước vũ khí điều khiển học. Nhiều người vẫn còn nhớ hồi năm 2001, Nga lần đầu tiên đã tổ chức được một hội nghị quốc tế thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia về an ninh trong không gian điều khiển học từ hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới. Tuy nhiên, sáng kiến trên đã nhận được những phản ứng thờ ơ từ phía Mỹ. Phái đoàn của họ tham dự chỉ với tư cách cá nhân theo kiểu "quan sát viên".

Nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng, việc thiếu sự hợp tác quốc tế hiệu quả đang gây ra nhiều khó khăn trong việc làm rõ và trừng phạt những tên tội phạm điều khiển học. Chẳng hạn như chính quyền Mỹ đã bất lực trong việc bắt giữ những tên đồng phạm trong vụ án tin tặc lấy cắp 130 triệu số thẻ tín dụng, do những đối tượng này đang sinh sống tại Nga hay Ukraina.

Những thông tin gần đây từ phía Mỹ đều khẳng định, sự gia tăng nhanh chóng những vụ tấn công của các tin tặc "được cho là từ Trung Quốc và Nga" chủ yếu nhằm vào các hệ thống mạng của Chính phủ Mỹ.

Một trong những vụ đáng chú ý, vào hồi tháng 4/2009, khi các tin tặc xâm nhập vào hệ thống năng lượng của Mỹ, cài đặt một chương trình độc hại khi được kích hoạt trong tương lai có thể gây mất điện trên diện rộng tại Mỹ. Cũng trong đầu năm 2009, các tin tặc đã đột nhập vào một số máy tính quan trọng của Mỹ, lấy cắp các kế hoạch phát triển một loại máy bay chiến đấu mới trị giá hàng tỉ USD do Mỹ, Anh, Hà Lan và Israel hợp tác. Hai năm trước, tin tặc cũng xâm nhập được vào hệ thống máy tính của Lầu Năm Góc cũng như Chính phủ Anh.

Sáng kiến về bản hiệp ước mới của Nga đang đón nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng quốc tế. Cụ thể là nhiều quốc gia - các nước thành viên trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB), Brazil, Ấn Độ v.v... - đều công khai ủng hộ quan điểm của  Nga về việc ký kết một hiệp ước quốc tế.

Ngay tại Liên Hiệp Quốc, một nhóm các chuyên gia - bao gồm đại diện của 15 quốc gia khác nhau - đang ráo riết chuẩn bị một bản báo cáo về các vấn đề an ninh điều khiển học để trình lên Tổng thư ký Ban Ki-moon trong thời gian sớm nhất

Linh Nga (tổng hợp)
.
.