Nga: Thành lập Cục Bảo vệ nhà nước

Thứ Sáu, 17/07/2009, 09:00
Theo sắc lệnh của Tổng thống Nga, Bộ Nội vụ nước này đã thành lập một đơn vị độc lập đặc biệt - Cục đảm bảo an ninh cho các đối tượng được nhà nước bảo vệ.

Mục đích là bảo vệ cho các nhân chứng, những người bị mối nguy hiểm đe dọa, cũng như các nhân viên bảo vệ luật pháp - quan tòa, công tố viên, các nhân viên của Ủy ban điều tra, nhân viên của các cơ quan giám sát khác nhau. Ví dụ thanh tra đánh bắt cá, bảo vệ thiên nhiên hoặc giá trị văn hóa. Chính phủ Nga chi nửa tỉ rúp (khoảng hơn 16 triệu USD) cho chương trình bảo vệ quốc gia trong vòng 5 năm. Nếu cần, chính phủ sẵn sàng tăng số tiền tài trợ cho chương trình.

Theo lời người đứng đầu của cơ quan mới - Đại tá cảnh sát Oleg Zimin, từ đầu năm đến nay, gần 700 nhân chứng đã đề nghị ông trợ giúp, trong đó khoảng 1/3 số người được bảo vệ cùng với gia đình. Ngoài ra cơ quan này cũng bảo vệ 115 quan chức của các cơ quan giám sát.

Nhân chứng có thể nhận được sự bảo vệ bằng cách liên hệ với nhân viên điều tra. Trong vòng 3 ngày sau khi kiểm tra mức độ thực tế của nguy cơ đe dọa, điều tra viên sẽ đưa ra quyết định về sự cần thiết bảo vệ và gửi đến Cục Bảo vệ nhà nước. Hiện chưa có một trường hợp nào mà nhân viên điều tra từ chối đưa ra quyết định bảo vệ. Ngoài ra những đối tượng thuộc diện này có thể yêu cầu bảo vệ trực tiếp tại sở cảnh sát.

Ông Zimin cho biết là họ đã đề ra 8 biện pháp bảo đảm an ninh gồm: thay đổi tên họ, lý lịch, công việc, nơi ở, thậm chí cả việc chuyển tới nước khác. Toàn bộ những dữ liệu về thông tin cá nhân trong tất cả các cơ sở dữ liệu được giữ bí mật.

Chi phí để bảo vệ cho 1 người  vào khoảng 100.000 rúp/tháng (khoảng hơn 3.000 USD), bao gồm chi phí chuyển chỗ ở, thuê căn hộ, thay đổi giấy tờ tùy thân và "làm sạch" các cơ sở dữ liệu về người đó, tìm công việc mới, ăn uống, quần áo, và thậm chí cả chương trình giải trí.

Dự toán chi phí sẽ do một vài giám sát viên kiểm tra để ngăn chặn việc khai tăng chi phí. Chi phí gọi điện thoại di động của khách hàng được tiết giảm tối đa để người đó không bị phát hiện theo các cuộc gọi.

Ôtô của Cục bảo vệ nhà nước được lắp kính chống đạn nhưng nhìn bên ngoài không khác gì với những chiếc ôtô thường.

Theo lời ông Zimin, nhân viên của ông đôi khi phải bảo vệ cả các tay "anh chị" trong giới tội phạm - khi các đối tượng này cộng tác với cơ quan điều tra để đổi lấy hình phạt nhẹ hơn. Các nhân chứng như vậy vẫn được tiếp tục bảo vệ cả ở trong tù. Họ không bao giờ được giam cùng phòng hoặc cùng "vùng" với đồng phạm.

Cán bộ của cục là những nhân viên đặc nhiệm, được huấn luyện theo chương trình đặc biệt. Đa phần họ trước đây phục vụ tại đội "Linh miêu" (là một đội chuyên về hỗ trợ sức mạnh cho các công tác điều tra trong cuộc chiến chống tội phạm). Khác với đa số các nhân viên đặc nhiệm, họ được huấn luyện không phải để bắt giữ tội phạm hoặc giải phóng con tin, mà là để bảo vệ con người. Nếu có yêu cầu, thì bảo vệ bằng cả chính thân thể của mình.

Đội xe của cục gồm các ôtô chống đạn, bên ngoài trông không khác gì với các xe jeep, xe buýt nhỏ và xe mác ngoại thông thường. Người ta hàn vào mỗi chiếc xe cơ cấu chống đạn có khả năng chịu loạt đạn súng tiểu liên bắn trực diện. Trước tài xế là màn hình cho thấy những gì xảy ra sau ôtô thay vì kính chiếu hậu

Hoàng Thương (theo Newsru.com)
.
.