Nga mở rộng thị trường kỹ thuật quân sự

Thứ Tư, 16/06/2010, 09:40
Năm 2009, tổng sản lượng xuất khẩu vũ khí của Nga trên thị trường thế giới đạt khoảng 8,8 tỉ USD, dự kiến năm 2010 sẽ đạt trên 9 tỉ USD. Hiện nay Nga đã hợp tác kỹ thuật quân sự với hơn 80 nước trên thế giới. Năm 2009, Nga đã cung cấp các sản phẩm quân sự cho 62 nước.

Chỉ tính riêng 4 nước: Angieri, Ấn Độ, Trung Quốc, Venezuela đã chiếm hơn 70% tổng sản phẩm xuất khẩu vũ khí của Nga. Các nhà nghiên cứu thị trường kỹ thuật quân sự quốc tế đã chỉ ra những đặc điểm mới trong quan hệ thị trường giữa Nga với các nước.

Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - NATO: Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới toàn bộ hoạt động của NATO; NATO đã phải cắt giảm khá lớn chi phí cho hoạt động của mình, ảnh hưởng tới triển vọng của dự án thiết kế các mẫu vũ khí, kỹ thuật quân sự, điều này đã tác động tới toàn bộ khả năng tác chiến của NATO. Mọi chi phí cho hoạt động chiến tranh tại Afghanistan đã làm thâm hụt đáng kể ngân sách của NATO (khoảng 720 triệu euro), các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định kêu gọi sự giúp đỡ từ những nước đối tác trong đó có Nga.

Trước đây quan hệ Nga - NATO nhiều lúc đã trở nên căng thẳng, đặc biệt khi NATO có ý định kết nạp Gruzia và một số nước khác thuộc Liên Xô vào khối liên minh NATO. Sau đó triển vọng quan hệ hợp tác Nga - NATO đã được đẩy lên thông qua các cuộc hội đàm, điểm nhấn là cuộc gặp gỡ giữa Tổng tư lệnh NATO với Tổng thống Nga Medvedev và Thủ tướng Nga Putin tháng 12/2009 để bàn về các vấn đề mở rộng NATO và hợp tác kỹ thuật quân sự trong tương lai.

Trong 3 năm trở lại đây, NATO đã có tổng giờ bay tác chiến là trên 11,6 nghìn giờ và vận chuyển 67,8 nghìn tấn hàng hóa. Tuy nhiên, nhu cầu bay của NATO cao hơn nhiều. Nên NATO đã tính tới khả năng sẽ nhờ Nga, vì Nga có hàng loạt các loại máy bay chuyên dụng có thể có lợi cho NATO, qua đây triển vọng hợp tác đôi bên cùng có lợi về lĩnh vực vận tải quân sự là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Hiện nay NATO chú ý tới máy bay vận tải quân sự hạng nặng "Mi-26" của Nga, loại máy bay này không có trên thị trường châu Âu. Cuối năm 2009, Tổng thống Mỹ Obama đã đích thân nhờ máy bay vận tải quân sự Mi-26T của Nga để vận chuyển lính Mỹ tới Afghanistan. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân, hợp tác nhiều bên chưa đạt được kết quả như mong muốn, cả hai bên thường xuyên nói về vấn đề hợp tác quân sự, nhưng thực tế đến nay chưa có kết quả nào đáng kể.

Nga sẽ tham gia vào cuộc triển lãm vũ khí - kỹ thuật quân sự "MBCB 2010" trong khuôn khổ Diễn đàn thế giới "Kỹ thuật sản xuất máy móc - 2010" của NATO từ ngày 30/6 đến 4/7/2010, với mục đích: Tìm kiếm cơ hội để phát triển các nhà máy chế tạo cơ khí; thu hút vốn đầu tư của nước ngoài; đảm bảo cho Nga mở rộng số lượng danh mục các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu, tạo điều kiện xây dựng các nhà máy kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại hóa một số ngành công nghiệp của Nga.

Vũ khí quân sự của Nga

Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Trung Quốc: Trong 2 năm vừa qua, Nga và Trung Quốc đã có những bước đi mang tính đột phá trong quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự. Năm 2008, chính phủ hai nước đã cùng nhau ký kết quyền sở hữu trí tuệ để áp dụng trong hoạt động hợp tác kỹ thuật quân sự chung, với mục đích tiến hành giải quyết nhanh chóng các vấn đề hợp tác giữa hai nước.

Tháng 9/2009, đại diện Chính phủ Nga đã thành lập văn phòng đại diện về hợp tác kỹ thuật quân sự tại Bắc Kinh, để hai bên có thể giải quyết các vấn đề về hợp tác kỹ thuật quân sự một cách nhanh nhất. Theo Nga, tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn trên các hướng sau: Máy bay quân sự, máy bay vận tải quân sự, hải quân, phòng không và các dịch vụ sau khi chuyển giao công nghệ. Hướng hợp tác quan trọng là hiện đại hóa trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng các loại vũ khí khác nhau. Ngoài ra, Nga có thể hy vọng tiếp tục hợp tác với Trung Quốc về hợp đồng mua bán tàu đổ bộ đệm không khí "Dubr".

Tuy nhiên, nhìn tổng thể kể từ năm 2006 đến nay, Nga và Trung Quốc  không ký kết được hợp đồng lớn. Điều này làm ảnh hưởng tới quan hệ hai nước, chứng tỏ độ tin cậy trong hợp tác là chưa cao. Nga không đồng ý với quan điểm của Trung Quốc, đó là dựa trên nguyên tắc lựa chọn, không đồng bộ khi Trung Quốc mua vũ khí, kỹ thuật quân sự của Nga. Phía Nga cho rằng, hợp tác phải dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Thành công trong sản xuất vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật của Nga được xác định trội hơn hẳn về tiêu chuẩn "giá trị và hiệu quả" so với các thiết bị của phương Tây. Tuy nhiên, việc mua các hệ thống vũ khí sẵn có của Nga được các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc xem như giải pháp tạm thời cho các lỗ hổng đối với các loại vũ khí hiện đại cụ thể.

Với vị thế của một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, mục tiêu của Bắc Kinh trong vòng từ 10-15 năm tới chứng tỏ sự hoàn thiện từ việc mua các loại vũ khí hiện đại công nghệ cao đến tự sản xuất các loại vũ khí hiện đại riêng. Với khả năng "sao chép" của mình, nếu tiếp tục được cung cấp các trang thiết bị mẫu, Bắc Kinh hoàn toàn có thể tự sản xuất được nhiều loại vũ khí hiện đại chiến lược như của Nga và phương Tây. Nga đã ý thức được vấn đề này.

Trong tương lai gần, Trung Quốc muốn vượt lên sản xuất và xuất khẩu vũ khí, tăng cường ngân sách quốc phòng, công khai biểu dương lực lượng, tăng cường sức mạnh cho lực lượng Hải quân tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương... Đáp lại, Moskva đang hợp tác với Mỹ và Nhật Bản để bảo đảm an toàn khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về sự uy hiếp đối với Trung Quốc. Nội dung thỏa thuận hợp tác an ninh Thượng Hải giữa khối Liên Xô cũ (Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, KyrgyzstanTajikistan) và Trung Quốc ký ngày 15/6/2001 tại Thượng Hải đang mất dần hiệu lực. Chiến lược "Bảo toàn an ninh quốc gia cho đến năm 2020" của Nga không đề cập đến vấn đề xem trọng Trung Quốc, trong khi giảm hẳn mức độ chống Mỹ.

Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Ấn Độ: Theo Nga, hiện nay Ấn Độ là bạn hàng vũ khí chiến lược chính của Nga. Nga sẵn sàng cùng Ấn Độ nghiên cứu và sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Gần đây, Nga đã bán cho Ấn Độ những loại vũ khí cao cấp hơn (trong đó có những loại mà Nga từ chối cung cấp cho Trung Quốc) hoặc tương đương để cân bằng cán cân quân sự trong khu vực. Nga cũng đang hợp tác với Ấn Độ trong nhiều dự án quân sự chiến lược khác. Thông qua Ấn Độ, Nga đã và đang thực hiện chiến lược bao vây Trung Quốc vì Ấn Độ vốn là quốc gia đang nỗ lực trong việc duy trì vị thế quyền lực trong khu vực và là một đối trọng đối với những ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc. 

Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Brazil: Trong năm 2009, Nga đã có bản hợp đồng mua bán máy bay Su-35 thế hệ 4 ++ với Brazil và cùng với công ty của nước này nghiên cứu chế tạo máy bay thế hệ thứ 5, nhưng theo thông báo của Brazil thì những bản hợp đồng này đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Belarus: Nga và Belarus đã có quan hệ hợp tác chiến lược kỹ thuật quân sự từ năm 1993. Hiện nay hai nước đã có nhà máy công nghiệp quốc phòng chung. Quân đội Belarus hiện đang sử dụng rất nhiều các loại vũ khí của Nga sản xuất. Ngoài ra, hai nước còn cùng nhau hợp tác nghiên cứu, sửa chữa, bảo dưỡng một số sản phẩm vũ khí quân sự

Nguyễn Nhâm
.
.