Ngân hàng chưa làm tốt công tác cảnh báo phòng ngừa

Thứ Tư, 24/09/2014, 21:35

Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, song cho đến thời điểm hiện tại, vẫn có nhiều người rơi vào bẫy của bọn tội phạm lừa đảo bằng hình thức giả danh công an hù dọa người dân qua điện thoại cố định rồi chiếm đoạt tài sản. Một trong những nguyên nhân là người dân thiếu thông tin cảnh báo trực tiếp từ ngân hàng, nơi quản lý tài khoản của khách hàng. Đây là kênh thông tin cảnh báo hết sức quan trọng và có tác dụng phòng ngừa tội phạm hiệu quả nhưng thực tế lại chưa được nhiều ngân hàng triển khai đồng bộ trong hệ thống.

Tội phạm chiếm đoạt tiền như thế nào?

Qua tìm hiểu các vụ việc đã xảy ra cho thấy, quy trình thực hiện thủ đoạn lừa đảo của tội phạm được tóm tắt như sau: Các đối tượng lừa đảo gọi tới số thuê bao điện thoại cố định, thông báo nợ cước viễn thông với số tiền lớn (khoảng 8-9 triệu đồng), đưa ra các thông tin gian dối để bị hại tin đối tượng là Cơ quan Công an đang điều tra các vụ án mà bị hại có liên quan nhằm uy hiếp tinh thần, sau đó yêu cầu bị hại nộp tiền vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng đang quản lý sử dụng rồi rút tiền chiếm đoạt.

Với phương thức thủ đoạn trên, chỉ riêng từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8/2014, Công an Hà Nội đã xác định được 20 người ở Hà Nội và các tỉnh là nạn nhân của bọn lừa đảo với số tiền bị chiếm đoạt lên tới 3,5 tỉ đồng. Trong đó, riêng tại địa bàn Hà Nội, có ít nhất 3 bị hại bị chiếm đoạt số tiền  lớn từ 500 triệu đồng đến 800 triệu đồng.

Theo phân tích của một cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) - Công an Hà Nội, việc chiếm đoạt tiền của các nạn nhân đều được thực hiện qua dịch vụ Internet Banking (chuyển tiền qua thẻ trên Internet). Sau khi bị hại chuyển tiền vào một số tài khoản nhất định do tội phạm cung cấp, ngay lập tức chúng sẽ sử dụng dịch vụ này để tiếp tục chuyển tiền chiếm đoạt được vào nhiều tài khoản khác nhau rồi rút tiền tại các cây ATM.

Trong một khoảng thời gian ngắn, tiền được rút sạch khiến cơ quan chức năng khi phát hiện ra dấu hiệu nghi vấn cũng khó trở tay kịp. Đối tượng không xuất đầu lộ diện mà ngồi một chỗ "điều khiển" việc chuyển tiền qua Internet rồi sử dụng một "đội quân" đi rút tiền tại  nhiều cây ATM. Do đó,  việc theo dõi, phát hiện ra tội phạm  hết sức khó khăn.

Qua theo dõi, bám sát địa bàn, vào lúc 13 giờ 10 phút ngày 30/6, các trinh sát Đội 5, PC50 đã bắt quả tang 2 đối tượng đang thực hiện rút tiền tại cây ATM của Ngân hàng Techcombank ở đường Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hai đối tượng này là Trương Khải Nhạc (SN 1987) và Tạ Minh Tu (SN 1983), đều là người Đài Loan và đang tạm trú trên đường Nguyễn Thị Định. Các đối tượng khai nhận  được thuê rút tiền với "hoa hồng" từ 4-5% số tiền rút được.

Xác minh đường đi của nguồn tiền do 2 đối tượng trên đã rút cho thấy ban đầu, tiền được người bị hại chuyển vào một tài khoản mang tên Nguyễn Hùng S.  Mỗi khi tiền được chuyển vào tài khoản này, ngay lập tức lại được chuyển qua 5 - 6 tài khoản khác, chủ tài khoản là người Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc. 

Trong vụ việc  bà Nguyễn Thị H., một tiểu thương tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) bị tội phạm gọi điện hù dọa liên quan đến đường dây ma túy để chiếm đoạt trên 500 triệu đồng xả ra giữa tháng 8/2014, khoảng 1 tiếng sau khi người bị hại đã chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng cung cấp, bộ phận kiểm soát rủi ro của ngân hàng phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn: Tiền được chuyển sang nhiều tài khoản khác bằng dịch vụ chuyển tiền qua Internet, sau đó được rút đồng loạt tại các cây ATM. 

Theo quy định của ngành ngân hàng thì việc rút tiền tại các cây ATM có giới hạn, mỗi ngày rút không quá 20 triệu đồng. Do đó, việc rút một khoản tiền lớn nhưng  không đến ngân hàng giao dịch trực tiếp mà lại rút "nhỏ giọt" như trên là hiện tượng bất thường. Phía ngân hàng đã liên hệ, gọi điện thoại cảnh báo cho bà H., đề nghị bà đi báo Cơ quan Công an. Nhưng vì thiếu hiểu biết, 2 ngày sau bà H. mới đi trình báo.

Tuy nhiên, không phải người bị hại nào cũng nhận được cảnh báo từ ngân hàng như bà Nguyễn Thị H. Qua tiếp xúc với một số nạn nhân cho thấy, hầu hết người bị hại đều đến ngân hàng làm thủ tục rút tiền từ sổ tiết kiệm, sau đó chuyển tiền vào một số tài khoản nhất định do tội phạm cung cấp. Như vậy, để thực hiện việc chuyển tiền trên, người bị hại phải trực tiếp đến ngân hàng và quy trình rút - chuyển tiền phải mất một khoảng thời gian nhất định.

Thế nhưng trong khoảng thời gian này, người bị hại - khách hàng  đã không nhận được thông tin khuyến cáo hay cảnh báo từ phía ngân hàng, nơi quản lý tài khoản của họ. Trong tâm lý lo lắng vì bị đối tượng hù dọa sẽ bắt giữ, bị tội phạm truy lùng trả thù, người bị hại u mê thực hiện các giao dịch rút và chuyển tiền theo hướng dẫn của tội phạm. Trường hợp nếu nhận được cảnh báo của ngân hàng như bà H thì cũng đã muộn vì lúc đó tiền đã bị bọn tội phạm rút chiếm đoạt.

Người nào có nguy cơ trở thành nạn nhân?                       

Một câu hỏi được đặt ra sau các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tiền qua điện thoại là: Thủ đoạn không mới, đã cảnh báo nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng vì sao đến nay vẫn có người mắc bẫy? Ai là đối tượng mà tội phạm nhằm đến?

Tìm hiểu các vụ việc xảy ra cho thấy, tất cả những người bị hại đều là người cao tuổi, cán bộ hưu trí hoặc tiểu thương đang kinh doanh tại một số chợ. Đây là những người thường có tiền tiết kiệm, tích lũy của tuổi già. Thời gian đối tượng gọi điện đến vào giờ hành chính, khi người thân đã đi làm vắng, chỉ có nạn nhân ở nhà một mình. Đối tượng khống chế không cho ngắt điện thoại  trong suốt quá trình thực hiện hành vi lừa đảo để họ không có thời gian liên hệ với người thân.

Qua tiếp xúc với người bị hại, họ cho biết trước đó  không cập nhật được thông tin về phương thức thủ đoạn của tội phạm. Bản thân họ cũng chưa từng va  chạm, làm việc với các cơ quan pháp luật bao giờ nên khi bị hù dọa liên quan đến đường dây tội phạm đã khiến họ mất bình tĩnh, lo sợ sẽ bị điều tra, bắt giữ.

Đặc biệt, tội phạm chủ yếu dọa nạn nhân dính dáng các đường dây ma túy xuyên quốc gia, đánh trúng vào tâm lý hoang mang, lo lắng của người dân. Để tăng thêm phần nghiêm trọng, chúng còn đe rằng: "do đối tượng cầm đầu đã bị bắt nên đồng bọn của chúng đang đi tìm người có CMND (do người nghe điện thoại tự cung cấp cho các đối tượng lừa đảo) để trả thù, cần phải bắt khẩn cấp để điều tra và tránh xảy ra án mạng".

Khi thấy người nghe điện thoại tỏ ra sợ sệt, chúng mới ra "đòn" nếu không muốn bị bắt thì nộp tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra. Nếu không liên quan thì điều tra xong cơ quan công an sẽ trả lại tiền. Số tiền "làm tin" này đã được các đối tượng khai thác thông tin qua chính các cuộc gọi điện giả mạo là công an mà người bị hại do hoảng hốt nên không nhận biết được.

Có cách nào để cảnh báo người dân tỉnh ngộ trước khi thực hiện việc chuyển tiền cho tội phạm?

Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng PC50 - Công an Hà Nội, cho biết, mặc dù Công an TP Hà Nội thường xuyên thông báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại cố định trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng tránh. Tuy nhiên, cho đến tháng 8/2014, vẫn còn một số người bị mắc bẫy. Khi đến Cơ quan Công an trình báo, những người bị hại này cho biết do nhiều nguyên nhân, họ không cập nhật được thông tin về thủ đoạn phạm tội trên để phòng tránh.

Do đó, để phòng ngừa hiệu quả thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, rất cần sự hợp tác tích cực của các ngân hàng. Các ngân hàng cần niêm yết công khai phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên tại tất cả các quầy giao dịch trong hệ thống ngân hàng để trường hợp người bị hại  khi đến thực hiện giao dịch theo hướng dẫn của tội phạm sẽ đọc được cảnh báo này.

Ngoài ra, ngân hàng cần gửi thông báo thủ đoạn  lừa đảo trên bằng tin nhắn SMS hoặc qua thư điện tử tới các khách hàng mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Đây là kênh thông tin trực tiếp, hiệu quả nhất đối với khách hàng, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, phòng tránh không để đối tượng chiếm đoạt tài sản quá dễ dàng như đã xảy ra.

Ngày 30/8 vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) - Công an TP HCM đã bắt giữ  Liu Tsung Chih (35 tuổi, người Đài Loan), nghi can  cầm đầu  đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại.

Tại phòng trọ của Liu ở khách sạn Bizu 3 (phường Tân Phong, quận 7) cảnh sát thu giữ nhiều thiết bị dùng để tạo âm thanh như tiếng còi hụ, tiếng gió, tiếng bàn phím, các kịch bản lừa đảo…

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Liu TSung Chih thuê một nhóm người Đài Loan, Trung Quốc tìm một số người Việt Nam thuê mở tài khoản ngân hàng, làm thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế để rút tiền của các nạn nhân cả tin chuyển vào.

Liu TSung Chih cũng là người cầm đầu, tổ chức cho một nhóm người đóng giả nhân viên công ty viễn thông, công an, kiểm sát, tòa án, nhân viên ngân hàng để lừa các nạn nhân, chiếm đoạt tài sản của họ và chia cho nhóm làm thẻ giả 20% số tiền chiếm đoạt được.  Ngoài Liu, trước đó, Cơ quan Công an đã bắt giữ 3 đối tượng Chen Guo Liang (người Đài Loan), Trần Công Thuận Hiếu (30 tuổi, ngụ Long An) và Lê Sơn Bảo (25 tuổi).

Theo điều tra, Chen Guo Liang thuê  Hiếu và  Bảo tìm mua CMND cũ rồi về thay ảnh khác vào, mở hơn 20 tài khoản ngân hàng. Có được tài khoản, nhóm này dùng thiết bị viễn thông công nghệ cao, giả là công an, viện kiểm sát… gọi điện qua mạng Internet đến những số điện thoại cố định tại Việt Nam để hù dọa những người đang bị điều tra vì tham gia băng nhóm tội phạm. Chúng nói rằng họ đã thu nhập bất chính một số tiền lớn, muốn chứng minh trong sạch phải chuyển vào tài khoản của công an để phục vụ công tác điều tra.

Cơ quan Công an xác định, qua các tài khoản này, đã có nhiều nạn nhân chuyển khoảng 2,5 tỉ đồng cho Chen Guo Liang. Được trả công 6 triệu đồng/tháng, Bảo và Hiếu đi rút tiền rồi đưa lại cho Chen. Vụ án đang được Công an TP HCM tiếp tục điều tra mở rộng.

Hương Vũ
.
.